Đầu độc thông để lấn đất rừng
Lén lút chặt hạ, cạo vỏ, khoan sâu vào thân cây rồi đổ thuốc trừ sâu, kẻ xấu đang triệt hạ dần những đồi thông vốn là biểu tượng của xứ cao nguyên.
Đầu độc thông để lấn đất rừng
Lén lút chặt hạ, cạo vỏ, khoan sâu vào thân cây rồi đổ thuốc trừ sâu, kẻ xấu đang triệt hạ dần những đồi thông vốn là biểu tượng của xứ cao nguyên.
Những cây thông lớn gần 30 năm tuổi bị đốn hạ tại rừng phòng hộ Đambri – Ảnh: Mai Vinh |
Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2015, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng đã ghi nhận hơn 500 vụ phá rừng. Từ tháng 6-2014 đến nay, hơn 160ha rừng đã bị mất, trong đó chủ yếu là rừng thông. Đây mới chỉ là số liệu về những vụ việc đã phát hiện.
Đủ chiêu giết thông
Trên tuyến đường 723 (TP Đà Lạt đi TP Nha Trang) hay quốc lộ 20 từ TP Đà Lạt đi TP Bảo Lộc, hoặc đoạn đường liên thôn từ huyện Di Linh đi huyện Bảo Lâm… nhiều cụm rừng thông cận kề các rẫy vườn bị chết khô.
Ông Trịnh Ngũ Hùng, trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), cho biết những trảng thông lớn vài chục cây bị kẻ xấu bức tử bởi những vết khoanh đứt vỏ quanh thân hoặc bơm thuốc trừ sâu vào những lỗ khoan sâu trong thân. Thường những cây thông như vậy sẽ chết trong vòng chưa đầy ba tuần.
Theo ông Hùng, hình thức bức tử thông như trên rất khó bắt quả tang vì có thể thực hiện dễ dàng bất cứ thời điểm nào. Cây thông bị tác động không chết ngay mà chết từ từ trong nhiều ngày sau.
5 năm mất 90.000ha rừng Năm 2014, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) tiến hành kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng theo dự án tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016, chỉ chưa đầy năm năm đã mất khoảng 90.000ha rừng, trong đó chủ yếu là rừng thông. |
Cuối tháng 4-2015, chúng tôi theo chân Hạt kiểm lâm huyện Lạc Dương và chứng kiến ngay bên trong Khu nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Lâm Đồng, nằm ở vùng giáp ranh giữa huyện Lạc Dương và TP Đà Lạt, gần 100 cây thông hơn 20 năm tuổi thân to chừng một người ôm bị chết, lá đỏ rực.
Nhìn từ xa không thể hiểu lý do thông chết vì lớp vỏ bên ngoài còn nguyên vẹn, nhưng nhìn kỹ những cây thông đều bị khoan một lỗ sâu vào giữa thân. Từ lỗ nhỏ đó mùi thuốc trừ sâu xộc ra.
Ông Trịnh Ngũ Hùng nói đó là cách giết thông không mới và kín đáo nhất. Cây thông chỉ bị một vết thương nhỏ ở chỗ khuất nên đi tuần không thể phát hiện kịp để có biện pháp cứu cây.
Với cách bơm thuốc sâu vào thân cây, thông sẽ vàng lá rồi chết trong 20 ngày, vô phương cứu chữa.
Theo thống kê, địa bàn huyện Lạc Dương từ đầu năm 2014 đến nay đã phát hiện gần 100 vụ phá rừng, trong đó có 19 vụ rạch vỏ, đổ hóa chất làm chết thông.
Không chỉ ở Lạc Dương, các cánh rừng lân cận TP Đà Lạt và khắp địa bàn tỉnh Lâm Đồng, việc giết thông xảy ra phổ biến và liên tục. Giữa tháng 4-2015, tại xã Phi Tô (huyện Lâm Hà) chúng tôi chứng kiến hơn 600 cây thông gần 20 năm tuổi bị chết khô, một số cây vừa bị đốn hạ, gốc còn ứa nhựa nằm ngổn ngang trên đám cỏ tranh.
Một cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Nam Ban thừa nhận đây là vụ bức tử thông lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn. Sau khi giết thông, người ta sẽ chiếm đất làm rẫy.
Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Bian cũng không thoát cảnh thông rừng bị bức tử. Mới đây, 100 cây thông hơn 30 năm tuổi chết do bị đổ thuốc độc, trong đó có một số là loại thông năm lá dẹt quý hiếm. Theo Ban quản lý vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, kẻ xấu hạ thông nhằm lấy đất trồng cà phê.
Ngày 18-6, Công an TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) đã bắt khẩn cấp Phạm Văn Hải (sinh năm 1969, trú tại xã Đambri, TP Bảo Lộc). Kết quả xác minh từ cơ quan điều tra, Hải đã đầu độc hơn 600 cây thông được trồng vào năm 1984 tại xã Đambri bằng thủ thuật đục thân đổ thuốc độc và dùng dao gọt vỏ thân quanh cây.
Trước đó, ngày 13-6 các đơn vị ở huyện Lạc Dương mật phục và bắt quả tang Nguyễn Văn Dũng (ngụ tại tổ dân phố Đăng Gia Rít B, thị trấn Lạc Dương) đang chặt và rạch vỏ 29 cây thông tại tiểu khu 143, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương.
Tại cơ quan điều tra, cả hai đối tượng khai nhận giết thông, sau đó sẽ tới chiếm đất trồng hoa màu. Đến khi nào không trồng nữa sẽ sang tay cho người khác kiếm lời. Cơ quan điều tra đang tiến hành các thủ tục khởi tố vụ án, bị can.
Nhưng đó là những vụ hiếm hoi bắt được đối tượng làm chết thông.
Dựng lều canh thông
Địa bàn huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) là điểm nóng với nhiều vụ tàn phá thông táo tợn quy mô lớn. Theo Ban quản lý rừng phòng hộ Đambri, từ ngày 25 đến 30-5, lâm tặc đã đốn hạ liên tiếp ba lần với tổng cộng 308 cây thông từ 24-31 năm tuổi. Từ ngày 1-6 tới nay, đơn vị này đã phải huy động toàn lực lượng để bảo vệ hơn 20ha rừng thông còn lại ở tiểu khu 466, 469.
Giữa trời mưa nặng hạt, ông Phan Khải Hoàn, nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ Đambri, cùng hai thanh niên nhận thuê khoán bảo vệ rừng trùm áo mưa đi tuần một vòng quanh khu rừng thông rộng tới hơn 20ha.
Khi đi tới vị trí lâm tặc đốn hạ 111 cây thông 24 năm tuổi, ông Hoàn kể: “Tối 29-5 anh em tập trung mắc võng nằm phục kích trong rừng cả đêm, nhưng không thể ngờ khi mình đang canh giữ rừng thông tại tiểu khu 469 thì ngay trong đêm hôm đó lâm tặc lại tập trung cưa sạch 194 cây thông bên tiểu khu 466. Hở ra một chút là mất rừng ngay”.
Theo ông Hoàn, mỗi lần phát hiện lâm tặc phá thông, do lực lượng mỏng nên nhân viên bảo vệ chỉ bắn đạn cao su chỉ thiên rồi xua đuổi, không có động tác mạnh do các đối tượng phá rừng rất manh động.
Theo Ban quản lý rừng phòng hộ Đambri, 20ha rừng thông 30-40 năm tuổi tại địa bàn xã Lộc Tân đều là đất lâm nghiệp nằm trong quy hoạch chuyển đổi thành đất nông nghiệp. Chính vì vậy đã bị nhiều kẻ xấu nhòm ngó, có ý định chặt thông lấn đất. Lâm tặc thường đi đông vào đêm khuya hay lúc có mưa lớn. Khi ra tay thì cử người cảnh giới.
“Phải bắt được quả tang thì mới xử phạt được nhưng lực lượng quá mỏng, canh không cho phá đã khó nói chi bắt quả tang, nhất là khi lực lượng giết thông luôn đông hơn lực lượng giữ rừng” – ông Hoàn than thở.
Lơ là quản lý nên mất rừng Theo Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng, nạn phá rừng thông xảy ra nóng nhất tại nhiều huyện như Bảo Lâm, Lạc Dương, Di Linh và vùng ngoại ô Đà Lạt. Trong vòng sáu tháng đầu năm nay, có 817 vụ vi phạm liên quan tới rừng, trong đó có 22 vụ xử lý hình sự. Ông Nguyễn Trung Kiên, phó chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, cho rằng để xảy ra liên tiếp các vụ chặt phá rừng thông tại địa bàn do lực lượng quản lý rừng, chính quyền địa phương lơ là. Để lập lại trật tự ở các điểm nóng về rừng tại xã Lộc Tân, ông Kiên cho biết đã chỉ đạo lực lượng lập lều trại giữa điểm nóng 24/24 giờ để giữ rừng. “Đây là biện pháp trước mắt bắt buộc để lập lại trật tự tình hình. Riêng về chuyện để lâm tặc chặt hạ số lượng thông lớn, gây dư luận không tốt tại địa phương, chúng tôi đã chỉ đạo công an huyện vào cuộc lập hồ sơ khởi tố vụ án, đồng thời sàng lọc các đối tượng khả nghi để điều tra làm rõ sự vụ trên” – ông Kiên nói. Một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng (đề nghị không nêu tên) cho rằng tình trạng phá rừng thông những tháng đầu năm 2015 đáng báo động, với tốc độ diễn ra nhanh hơn những năm trước. Ông cho rằng đến thời điểm này không phát hiện cán bộ thông đồng với lâm tặc nhưng lơ là quản lý rừng là có. |