11/01/2025

Không được đầu hàng

Sau một tai nạn bất ngờ, đôi chân cứ teo dần, teo dần rồi liệt hẳn. Vậy mà tám năm qua, chưa bao giờ Thanh Hải rơi khỏi tốp những học sinh xuất sắc của trường.

 

Không được đầu hàng

 

Sau một tai nạn bất ngờ, đôi chân cứ teo dần, teo dần rồi liệt hẳn. Vậy mà tám năm qua, chưa bao giờ Thanh Hải rơi khỏi tốp những học sinh xuất sắc của trường.


 

Chiếc giường ngủ cũng là nơi Trần Phan Thanh Hải học tập, sinh hoạt, sáng tạo khoa học và luyện cờ vua mỗi ngày - Ảnh: Q.L.
Chiếc giường ngủ cũng là nơi Trần Phan Thanh Hải học tập, sinh hoạt, sáng tạo khoa học và luyện cờ vua mỗi ngày – Ảnh: Q.L.

Với thể trạng chỉ ngoài 30kg, đôi chân bị liệt, Trần Phan Thanh Hải (học sinh lớp 8 Trường THCS Kiến Thiết, Q.3, TP.HCM) khiến nhiều người ngạc nhiên về sức học, lòng đam mê sáng tạo khoa học lại còn là một vận động viên cờ vua có hạng.

Sau một tai nạn bất ngờ, đôi chân cứ teo dần, teo dần rồi liệt hẳn. Đôi tay từ đó cũng yếu đi cùng với những đau nhức của chứng vẹo cột sống tưởng như đã có thể quật ngã cậu bé bất cứ lúc nào. Vậy mà tám năm qua, chưa bao giờ Thanh Hải rơi khỏi tốp những học sinh xuất sắc của trường.

Khi đầu óc căng thẳng nhất là lúc mình tìm đến cờ vua. Chính những quân cờ, nước đi mà mình tìm ra trong quá trình chơi cờ làm tan hết những mệt mỏi, là lúc nạp năng lượng cho những công việc tiếp theo

Trần Phan Thanh Hải

Khóa, mở cửa bằng điện thoại

 
 

 

“Hệ thống cửa khoà trong tự động mở khi có số điện thoại cho phép gọi đến” là tên sản phẩm Hải vừa mang dự thi và được trao giải nhì cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi TP.HCM 2015 mới đây.

Hải dùng kiến thức mình có được từ bộ môn nghề điện dân dụng đang theo học tại trường, kết hợp kiến thức về vi mạch điện tử mà Hải khoe do cô Võ Thị Nga chỉ thêm để làm ra sản phẩm này.

Thay cho chiếc khoá cửa thông thường, sản phẩm này được dùng bằng thiết bị tự động đóng mở cửa điều khiển bằng số điện thoại. Chỉ những số điện thoại quen đã được cài sẵn trong hệ thống, khi có tín hiệu điện thoại được nhận diện đúng mới cho phép mở cửa. Bạn đang cải tiến thêm tính năng và viết bài thuyết minh trước khi mang sản phẩm đến cuộc thi sáng tạo toàn quốc dành cho thanh thiếu nhi.

“Mình muốn dành sản phẩm này tặng mẹ, để mỗi khi cõng mình về mẹ chỉ cần gọi điện thoại là có thể mở được cửa chứ không cần dừng xe, để mình ngồi an toàn trên yên” – Hải chia sẻ.

Giáo viên dạy nghề mà Hải rất thân nói: “Từ ý tưởng cho đến thiết kế tất cả đều do Hải sáng tạo, tôi chỉ giải thích thêm khi Hải chưa hiểu chỗ nào đó trong quá trình làm. Điều ngắn gọn tôi có thể nói về cậu học sinh này chính là nỗ lực phi thường”.

Theo cô giáo, việc đi lại của Hải phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ. Hơn nữa do chứng vẹo cột sống nên Hải cũng không thể ngồi lâu, nhưng những gì Hải đã làm không phải bạn nào có sức khoẻ bình thường cũng làm được.

Đôi chân của con

Nhắc lại chuyện dẫn đến chứng teo cơ và liệt đôi chân của Thanh Hải, bà Huỳnh Mai (mẹ Hải) như vẫn còn nguyên cảm xúc của chục năm về trước.

Lúc ấy bà đang đi dạy tại một trường THCS ở Q.11. Hải mới lên 4, ở nhà với một người bà con, chạy chơi trên khoảnh sân nhỏ của khu nhà tập thể và chẳng may vấp té nhưng không ai biết. Sau này, khi thấy con đi lại khó khăn, hỏi mãi Hải mới kể cho mẹ nghe về lần té ngã ấy.

Vận động viên cờ vua có hạng

Bắt đầu từ việc học lóm khi nhìn thấy bạn mình chơi, Thanh Hải đã tự tập, lên mạng tìm hiểu thêm những nước cờ và xin mẹ cho đi học một lớp tại Nhà Thiếu nhi TP.HCM. Những người thầy tại đây đã nhận ra năng khiếu và quyết định bồi dưỡng thêm cho Hải. Hải đã có hai huy chương vàng cá nhân và một huy chương vàng đồng đội giải thể thao người khuyết tật toàn quốc 2012, huy chương bạc cá nhân và huy chương vàng đồng đội toàn quốc 2014. 

Chạy chữa suốt nhiều năm, bà mới biết cú ngã ấy gây tổn hại đến lớp cơ chân khiến Hải phải sống với đôi chân tật nguyền suốt đời. Bà nhận tin dữ mà choáng váng. Nghe ở đâu có người chữa được bà lại bế con tìm đến.

Cha Hải sau cú rơi từ tầng năm xuống đất với di chứng về cột sống đã không thể làm được bất cứ việc gì nặng. Nhiều đêm bà nằm khóc vì không hiểu được sao cuộc đời lại thử thách gia đình mình đến vậy.

Tám tuổi Hải mới bắt đầu vào lớp 1 trong nỗi lo lắng của cả nhà. Nhưng cảm giác lo lắng ấy nhanh chóng trôi đi khi Hải không những tiếp thu được bài mà còn học rất nhanh, được thầy cô khen là thông minh.

Con đến trường, mẹ thành đôi chân của con. Sáng sớm mẹ cõng con xuống 100 bậc thang đến trường, trưa đón con về lại vượt 100 bậc thang lên nhà ở tầng năm. Cứ vậy, mỗi ngày ít nhất bốn lần người mẹ cõng con lên xuống 400 bậc thang vì Hải học ngày hai buổi.

Cô giáo dạy bộ môn nghề kể câu mà Hải luôn hỏi trước khi ngồi trên lưng mẹ là: “Hôm nay mẹ có khoẻ không?”. “Nhiều lúc em cũng mệt, cũng nản và muốn bỏ học nhưng trên lưng mẹ mỗi ngày, em có thể đếm được từng giọt mồ hôi của mẹ rơi xuống, em biết rằng mình không được đầu hàng” – Hải nói.

Chỉ vào những chiếc ghế cao đặt rải rác các góc cầu thang, mẹ Hải bộc bạch: “Đây là nơi hai mẹ con tạm nghỉ mệt rồi đi tiếp. Con mình đã không may, chịu thiệt thòi cả đời nên bù đắp cho con phần nào sẽ phải cố hết sức. Tôi tin người mẹ nào cũng sẽ nghĩ và làm như vậy”.

Chưa định hình rõ ước mơ nhưng Hải muốn theo học về kỹ thuật để có thể chế tạo ra những sản phẩm hỗ trợ cuộc sống con người, chẳng hạn như việc đi lại thuận lợi hơn cho người khuyết tật như mình.

Chiếc giường ngủ của mấy mẹ con vừa là góc học tập, vừa là nơi sinh hoạt, nhưng Hải nói không có gì thiệt thòi vì quanh mình còn có gia đình, thầy cô và những người bạn tốt luôn ủng hộ. Trong đó có anh nhân viên giữ xe trong trường mấy năm qua tình nguyện cõng Hải lên xuống lớp học trên lầu một của trường.

Hải còn ước nguyện có thể làm ra nhiều tiền giúp mẹ đổi nhà từ lầu năm xuống đất để mẹ bớt nhọc nhằn cõng bạn lên xuống, nhất là mẹ đang bị sỏi thận cần phẫu thuật.

 

QUỐC LINH