09/01/2025

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung 30.000 tín hữu hành hương

VATICAN – Trong buổi tiếp kiến chung gần 30.000 tín hữu hành hương sáng thứ tư, 17-6-2015, ĐTC đã trình bày về thái độ các tín hữu Kitô đứng trước những tang tóc trong gia đình. Trong số các tín hữu hiện diện, đặc biệt có một đoàn hành hương từ Việt Nam gồm gần 50 người do Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, GM Phó Giáo phận Xuân Lộc, hướng dẫn.

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung 30.000 tín hữu hành hương
 
VATICAN – Trong buổi tiếp kiến chung gần 30.000 tín hữu hành hương sáng thứ tư, 17-6-2015, ĐTC đã trình bày về thái độ các tín hữu Kitô đứng trước những tang tóc trong gia đình.

Trong số các tín hữu hiện diện, đặc biệt có một đoàn hành hương từ Việt Nam gồm gần 50 người do Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, GM Phó Giáo phận Xuân Lộc, hướng dẫn.

Mở đầu buổi tiếp kiến, như thường lệ, mọi người đã nghe đọc đoạn Sách Thánh ngắn bằng 6 thứ tiếng, trích từ Tin Mừng theo Thánh Luca về phép lạ Chúa làm cho con trai bà goá thành Naim được sống lại. Trong bài huấn dụ tiếp đó, ĐTC đã nói về đề tài: tang chế trong gia đình. đây là bài thứ 19 trong loạt bài về gia đình, để chuẩn bị cho Thượng HĐGM Thế giới kỳ thứ 14 vào tháng 10 năm nay về ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo Hội và xã hội.


Huấn dụ của ĐTC

“Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Trong tiến trình huấn giáo về gia đình, hôm nay, chúng ta lấy hứng trực tiếp từ giai thoại được Thánh sử Luca kể lại trong Tin Mừng (x. Lc 7,11). Đó là một cảnh tượng rất cảm động, tỏ cho chúng ta thấy lòng cảm thương của Chúa Giêsu đối với người đau khổ – trong trường hợp này là một bà goá bị mất đứa con trai duy nhất – và giai thoại cũng cho chúng ta quyền năng của Chúa Giêsu trên sự chết.

Sự chết là một kinh nghiệm xảy ra cho mọi gia đình, không trừ một ai. Nó là thành phần của cuộc sống, tuy nhiên khi nó đụng chạm đến tình thương gia đình, chúng ta thấy cái chết không bao giờ là điều tự nhiên. Đối với các cha mẹ, chứng kiến cảnh con cái mình chết, thật là một điều đau xé lòng, nó đi ngược với bản tính sơ đẳng nhất của các quan hệ mang lại ý nghĩa cho chính gia đình. Sự mất mát một người con, nam hay nữ, giống như thể thời gian dừng lại: một vực thẳm mở ra nuốt chửng quá khứ và cả tương lai nữa. Cái chết cướp mất người con nhỏ hoặc còn trẻ, là một cái tát đối với những lời hứa, những ân huệ và hy sinh yêu thương đã được mang lại cho cuộc sống mà chúng ta đã làm nảy sinh. Toàn thể gia đình như thể bị tê liệt, nói không nên lời. Và một cái gì tương tự cũng xảy ra cho một em bé trở nên cô độc vì cha hoặc mẹ em hay cả cha lẫn mẹ qua đời. Cảm tưởng trống rỗng bị bỏ rơi xâm chiếm em bé, và càng gây lo âu hơn vì em chưa có đủ kinh nghiệm để mang lại một danh xưng cho điều đã xảy ra.”

ĐTC nhận xét: 

“Trong những trường hợp như thế, cái chết giống như một lỗ hổng đen mở ra trong cuộc sống của các gia đình mà chúng ta không biết giải thích ra sao. Nhiều khi người ta đi đến độ đổ lỗi cho Thiên Chúa.

Nhưng cái chết thể lý cũng có “những đồng loã” tệ hại hơn chính cái chết, đó là oán thù, ghen ghét, kiêu ngạo, hà tiện, tóm lại đó là tội lỗi của thế gian hoạt động cho cái chết, và làm cho nó càng đau đớn và bất công. Những tình cảm gia đình như thể là nạn nhân tiền định và bất lực trước quyền năng hỗ trợ cho cái chết, tháp tùng lịch sử con người. Chúng ta hãy nghĩ đến sự “bình thường” vô lý, qua đó tại một số nơi và trong một số lúc, các biến cố mang thêm kinh hoàng cho cái chết, chúng do oán thù hoặc dửng dưng lãnh đạm của những người khác gây ra. Xin Chúa đừng để chúng ta trở nên quen thuộc với những điều ấy!”

ĐTC nhận xét thêm:

“Trong dân Chúa, với ơn cảm thương được ban trong Chúa Giêsu, biết bao gia đình đã chứng tỏ qua hành động rằng cái chết không có tiếng nói cuối cùng. Bao nhiêu lần những gia đình chịu tang tóc, kể cả những cái tang kinh khủng, đã tìm được sức mạnh bảo tồn đức tin và tình thương liên kết họ với những người họ thương mến, niềm tin ấy ngăn cản không cho cái chết tước đoạt tất cả. Cần phải đương đầu với sự đen tối của cái chết bằng một hoạt động yêu thương nồng nhiệt hơn. “Lạy Thiên Chúa của con, xin chiếu sáng những bóng đêm của con!” Đó là lời khẩn nguyện trong phụng vụ lúc chiều tối. Trong ánh sáng sự phục sinh của Chúa, là Đấng không bỏ rơi một ai trong những người mà Chúa Cha đã trao phó, chúng ta có thể tước bỏ “ngòi độc” (1 Cr 15,55) của sự chết, như Thánh Phaolô Tông Đồ đã nói; chúng ta có thể ngăn cản không để cái chết làm cho cuộc sống của chúng ta bị nhiễm độc, làm cho những tình cảm thương mến của chúng ta trở nên hư vô, khiến chúng ta rơi vào sự trống rỗng, đen tối nhất.

Trong niềm tin đó, chúng ta có thể an ủi nhau, vì biết rằng Chúa đã chiến thắng sự chết một lần cho tất cả. Những người thân yêu của chúng ta không biến mất trong bóng đen của hư vô: niềm hy vọng cam đoan với chúng ta rằng những người thân yêu của chúng ta đang ở trong bàn tay nhân lành và mạnh mẽ của Thiên Chúa. Tình yêu mạnh hơn sự chết. Vì thế, hành trình của chúng ta làm tăng trưởng tình thương, làm cho nó vững mạnh hơn, và tình thương sẽ giữ gìn chúng ta cho đến ngày mà “mọi nước mắt sẽ được lau khô, chẳng còn tang tóc, than vãn hoặc cơ cực nữa” (Kh 21,4). Nếu chúng ta để cho niềm tin ấy nâng đỡ, thì kinh nghiệm về tang tóc có thể sinh ra một tình liên đới mạnh mẽ hơn của những liên hệ gia đình, một tình huynh đệ mới với những gia đình sinh ra và tái sinh trong niềm hy vọng.

Niềm tin ấy bảo vệ chúng ta khỏi quan niệm hư vô về cái chết, cũng như khỏi những an ủi giả tạo của trần thế, đến độ chân lý Kitô “không có nguy cơ bị pha trộn với những huyền thoại thuộc nhiều loại khác nhau”, “chiều theo những nghi thức mê tín, cổ xưa hoặc hiện đại” (Bênêđictô XVI, Kinh Truyền Tin 2-11-2008).

ĐTC kết luận:

“Ngày nay các vị mục tử và mọi tín hữu Kitô cần biểu lộ một cách cụ thể hơn ý nghĩa của niềm tin đối với kinh nghiệm gia đình về tang tóc. Không được phủ nhận quyền khóc thương: cả Chúa Giêsu cũng đã bật khóc và xao xuyến sâu xa trong lòng vì cái tang lớn của một gia đình mà Ngài yêu mến (x. Ga 11,33-37). Đúng hơn, chúng ta có thể kín múc từ chứng tá đơn sơ và mạnh mẽ của biết bao gia đình đã biết đón nhận, trong tiến trình rất cam go của cái chết, cả tiến trình chắc chắn của Chúa, đã chịu đóng đinh và sống lại, với lời hứa không thể hồi lại của Ngài sẽ sống lại từ cõi chết. Công việc tình thương của Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn công việc của cái chết. Và chúng ta phải trở thành những người cộng tác chuyên cần với tình thương ấy, qua niềm tin của chúng ta!”

Sau bài huấn giáo trên đây bằng tiếng Ý, như thường lệ, các linh mục và giám chức của Toà Thánh đã tóm lược giáo huấn của ĐTC bằng cách thứ tiếng Pháp, Ảrập, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ba Lan, cùng với lời chào của ĐTC. Ngài cũng đặc biệt chào các tín hữu đến từ Việt Nam.