28/11/2024

Không biết ai trồng cây để nguyên bầu?

Chiều 15.6, trả lời PV Thanh Niên, ông Phạm Xuân Hưng – Phó tổng giám đốc Công ty công viên cây xanh Hà Nội, cho biết hiện công ty vẫn đang xác minh xem đơn vị nào đã tiến hành trồng những cây xanh còn để nguyên bầu bị ngã gãy trong trận giông lốc vừa qua.

 

Không biết ai trồng cây để nguyên bầu?

 

 

Chiều 15.6, trả lời PV Thanh Niên, ông Phạm Xuân Hưng – Phó tổng giám đốc Công ty công viên cây xanh Hà Nội, cho biết hiện công ty vẫn đang xác minh xem đơn vị nào đã tiến hành trồng những cây xanh còn để nguyên bầu bị ngã gãy trong trận giông lốc vừa qua. Nhìn nhận phương pháp trồng cây như vậy là “không đúng quy trình”, tuy nhiên ông Hưng nói: “Để mọi việc được sáng tỏ, rõ ràng thì cần phải có thời gian kiểm tra, sau đó mới kết luận”.


 

Cây đổ bật gốc trơ bầu ni lôngCây đổ bật gốc trơ bầu ni lông – Ảnh: Lê Quân

Nhiều chuyên gia về cây xanh đô thị cùng có chung nhìn nhận, việc Hà Nội bị thiệt hại gần 1.300 cây xanh trong trận giông vừa qua có phần nguyên nhân không nhỏ do từ con người. GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch các ngành sinh học VN, nói: “Nhiều cây to bị đổ, gãy cành là do không được cắt tỉa cẩn thận trước mùa mưa bão. Còn một số trường hợp cây non, cây nhỏ bị bật gốc đổ là do kỹ thuật trồng chưa đúng, không lột bỏ lớp vỏ bọc bầu bằng ni lông khi đặt cây. Bên cạnh đó, việc chằng chống cây non khi mới trồng cũng không chắc chắn khiến cây dễ dàng bị quật ngã”.

TS Nguyễn Tiến Hiệp, Giám đốc Trung tâm bảo tồn thực vật thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN, cho rằng: “Thiệt hại là do lựa chọn không đúng chủng loại cây, kỹ thuật trồng cây sai”. “Đơn cử như ở dọc đường Láng, tôi khảo sát thấy có nhiều cây tạp nham như điệp vàng, bằng lăng, phượng bị gió bão quật đổ. Lẽ ra, không nên trồng những loại cây thân mềm này ở đường phố. Một yếu tố nữa là cây không được cắt tỉa cẩn thận nên bị nặng tán, trong khi bộ rễ cây ở vỉa hè thường bị thiếu không gian phát triển nên không khó bị quật ngã bởi gió bão”, ông Hiệp phân tích thêm.

Một cán bộ từng công tác ở Sở Xây dựng Hà Nội chuyên về chăm sóc cây xanh đô thị cho biết, trước mùa mưa bão hằng năm đều có đợt cắt tỉa tán cây. Tuy nhiên, do kinh phí thiếu nên buộc phải chọn lọc, cắt tỉa những cây nặng tán chứ không thể làm toàn bộ.

Cây trong “tầm ngắm chặt hạ” vẫn trụ vững

Khảo sát của PV Thanh Niên trên các tuyến phố nằm trong đề án thay thế 6.700 cây xanh của Hà Nội cho thấy, cây xanh ở đây vẫn trụ vững trong cơn giông lốc vừa qua. Cụ thể, trên đường Lê Duẩn, hàng cây xà cừ cổ thụ đã được đánh dấu trên thân cây, nằm trong tầm ngắm chặt hạ gần như vẫn nguyên vẹn, chỉ có 2 cây bị bật gốc, ngã đổ. Trong khi đó số cây bị ngã đổ nhiều trong khu vực này phần lớn là loại cây nhỏ nằm trong khuôn viên công viên Thống Nhất.

Còn ghi nhận trên đường Nguyễn Chí Thanh gần với cầu Trung Hoà, đoạn từ nút giao Nguyễn Chí Thanh – Huỳnh Thúc Kháng đến cầu Trung Hoà, hàng chục cây hoa sữa, bằng lăng lâu năm may mắn còn sót lại khi UBND TP.Hà Nội ra lệnh dừng chặt hạ, thay thế cây xanh cũng bình an vô sự trước mưa giông.

P.Hậu

 

Lê Quân