11/01/2025

Khát vọng của Thu Thương

32 tuổi, Nguyễn Thị Thu Thương chỉ cao 80cm, nặng 20kg. 32 năm qua Thương chưa bao giờ đi được trên đôi chân của mình, nhưng nghị lực của Thương làm bất cứ ai biết cô cũng phải nể phục.

 

Khát vọng của Thu ThươngKhát vọng của Thu Thương

 

32 tuổi, Nguyễn Thị Thu Thương chỉ cao 80cm, nặng 20kg. 32 năm qua Thương chưa bao giờ đi được trên đôi chân của mình, nhưng nghị lực của Thương làm bất cứ ai biết cô cũng phải nể phục.

 

 

Thu Thương giới thiệu cách làm sản phẩm thủ công đến mọi người - Ảnh: Tâm Lụa
Thu Thương giới thiệu cách làm sản phẩm thủ công đến mọi người – Ảnh: Tâm Lụa

Chiều 7-6, 45 học sinh Singapore ghé thăm Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm Thương Thương (thôn Nam Phú, xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội). Giám đốc trung tâm Nguyễn Thị Thu Thương được mẹ thay đồ, bế lên xe lăn và đẩy ra tận cổng để đón khách.

Hôm nay Thương tự mình thoa chút kem và son môi màu đỏ. Nằm trên xe đẩy, cô luôn tươi cười, giọng nói lanh lảnh.

“Chào các em. Chị là Thu Thương, giám đốc của Trung tâm Thương Thương. Các em thấy Việt Nam có đẹp bằng Singapore không? Chị chưa đến Singapore bao giờ vì không may chị bị bệnh xương thuỷ tinh bẩm sinh, cứ cử động mạnh là gãy xương.

Tuy nhiên chị luôn mong được làm việc và sống một cuộc sống bình thường như bao nhiêu người khoẻ mạnh. Suốt 10 năm qua, chị luôn ước mơ mở trung tâm đào tạo việc làm cho các bạn cùng cảnh ngộ.

Đến cuối năm 2013 thì chị thực hiện được ước mơ này. Công ty rất nhỏ nhưng mang lại rất nhiều ý nghĩa đối với những người kém may mắn như chị…”.

Đứng sau cánh cửa nghe những lời tâm sự ấy của con gái, bà Nguyễn Thị Việt (mẹ Thu Thương) ngậm ngùi.

Vượt qua định kiến

Ngày Thương chào đời, nghe tiếng khóc của con bà Việt đã biết con không được bình thường. Thương sinh ra đầu đã to, người nhỏ, chân tay cong queo. Họ hàng nội ngoại và người dân kéo đến xem.

Có người ác ý gọi Thương là quái thai, dị dạng. Mỗi lần mẹ thay tã cô khóc ré lên. Bà Việt đặt cho con cái tên Thu Thương với mong muốn gửi gắm hết tình yêu thương cho đứa con kém may mắn.

Thương được 3 tuổi thì gia đình bà Việt mới biết con bị bệnh xương thuỷ tinh. Thương con, bà Việt đưa Thương đi chữa trị khắp các bệnh viện.

Sau khi nghe bác sĩ nói y học thế giới chưa có thuốc chữa loại bệnh này và khuyên bà Việt đưa con về nuôi sống được năm nào biết năm đó, bà Việt đành đưa con về nhà.

Thương lớn lên, đầu ngày càng to mà cơ thể không phát triển. Từ sáng đến tối cô nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều trông nhờ hết vào mẹ. Một hôm, Thương nhờ mẹ bế mình từ tầng hai xuống dưới nhà chỗ mẹ may quần áo.

Có khách hàng đến thấy Thương liền bảo: “Xuống đây làm gì, xuống có giúp được mẹ may vá không”. Câu nói vô tình ấy đã đánh thức những suy nghĩ sâu kín của Thương.

Nhìn mẹ cặm cụi với từng đường kim mũi chỉ, nhận ra mình là gánh nặng cho bố mẹ, Thương tự hỏi chẳng lẽ cuộc đời mình lại trôi qua vô ích như thế. Nhớ đến một chương trình dạy nghề cho người khuyết tật chiếu trên tivi, cô xin bố mẹ cho mình đi học nghề.

“Một người khuyết tật như con, mỗi ngày ăn ba bát cơm thì cần gì phải làm. Làm nhiều chân tay yếu, lại gãy xương” – bà Việt bảo vậy và ngăn không cho con đi học. Nhưng vì Thương quá cương quyết, bà đành chiều con.

Vậy là từ đó tuần ba buổi, bà Việt bế Thương nằm ngửa trên xe máy để chồng chở hai mẹ con từ nhà xuống Q.Ba Đình học nghề.

“Buông nó ra khỏi vòng tay mình mà tôi còn ngỡ ngàng vì nó bé tí tẹo, quấn chiếc khăn voan quanh cổ, nhìn không thấy người, chỉ nghe giọng nói lanh lảnh.Vậy mà sau ba tháng học nghề thủ công, con đã tự tay làm được những sản phẩm đầu tiên” – bà Việt nhớ lại.

Nhưng ước mơ của Thương không chỉ dừng lại ở đó. Từ chỗ làm thuê cho các trung tâm, Thương dần nhận các bạn khuyết tật cùng cảnh ngộ về dạy nghề tại nhà rồi đặt hàng cho các bạn làm.

Năm 2005, khi được dùng ké máy tính của em trai, Thương lập các blog cá nhân, rao bán sản phẩm của mình trên mạng. Khao khát được làm chủ, được mở trung tâm để đào tạo việc làm cho các bạn cùng cảnh ngộ như mình, Thương đã làm việc miệt mài để biến ước mơ ấy thành sự thật.

Bà Việt kể làm được đồng nào Thương đưa hết cho mẹ gửi tiết kiệm, không dám ăn tiêu, mua sắm bất cứ thứ gì.

Trong suốt 10 năm, Thương nhiều lần thuyết phục bố mẹ cho mình mở trung tâm nhưng bị ông bà từ chối. Năm 2013, khi Nick Vujicic, chàng trai không tay không chân của Úc đến Việt Nam, Thương được mời vào TP.HCM dự buổi diễn thuyết.

Đi cùng Thương còn có mẹ và em gái. Buổi diễn thuyết ấy của Nick đã mở thêm cho Thương một cánh cửa.

“Nghe Nick nói chuyện, tôi tự hỏi tại sao không tay không chân mà Nick còn làm được nhiều thứ, trong khi con mình có bàn tay, có trí tuệ thì mình lại không cho nó làm” – bà Việt kể.

Để thoát khỏi những suy nghĩ day dứt ấy, bà đã thuyết phục chồng cho Thương mở trung tâm đào tạo việc làm. Năm 2013, viên gạch đầu tiên đã được đặt tại mảnh đất rộng 200m2 tại thôn Nam Phú, xã Nam Phong của vợ chồng bà Việt.

Thương bảo với mẹ: “Mẹ cố gắng giúp con, con muốn tự lập để xây trung tâm, không muốn nhận giúp đỡ của ai vì không muốn mang nợ xã hội, nợ mọi người”.

Tiền tích góp trong 10 năm của Thương không đủ, thêm tiền tiết kiệm của mình cũng không đủ, bà Việt phải vay thêm bên ngoài mới đủ 800 triệu đồng xây dựng trung tâm.

Năm 2014, Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm Thương Thương khánh thành. Thương bảo cô lấy tên “Thương Thương” để đặt tên cho trung tâm vì cô đã luôn được sống trong tình yêu thương của mọi người.

Những nỗ lực thầm lặng

Một ngày của cô gái xương thuỷ tinh bắt đầu từ sáng sớm. Sau khi được mẹ cho ăn sáng, Thương check mail, nhận đơn hàng, tìm mẫu, rao bán sản phẩm trên mạng, giám sát việc làm của các em. 14 nhân viên làm việc và ăn ở tại trung tâm đều là người khuyết tật.

Họ đến từ nhiều địa phương, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều cảm phục nghị lực của Thương rồi tìm đến để học nghề, làm nghề.

Sức khỏe các em rất kém, công việc làm đồ thủ công tỉ mẩn và mất thời gian nên người nào làm khá nhất thì được 2 triệu đồng/tháng, người được 1,4 triệu đồng, có người mới làm một tháng chưa quen tay thì chỉ được 80.000 đồng… Thương bảo mình đang cố gắng nhiều hơn để có công việc và nguồn thu ổn định cho các em.

Ngoài chăm lo cho con gái, bà Việt giờ tất bật với các đơn hàng, với việc lo miếng ăn giấc ngủ cho các nhân viên trung tâm. Thương dự tính mở thêm lớp dạy nghề may và nhờ mẹ làm giáo viên vì “nghề may các em có thể làm được ở quê chứ làm đồ thủ công thì ở quê các em không có đầu ra”.

Bà Việt chưa đồng ý vì không muốn con gái ôm đồm nhiều quá. Những lúc bị mẹ mắng vì quyết tâm làm cái gì là làm cho bằng được, Thương chỉ bảo: “Mẹ đừng cản, công việc là niềm vui của con…”.

Bây giờ, dù vẫn nằm một chỗ như 32 năm qua, vẫn di chuyển bằng cách lăn mình, dù chưa bao giờ bước đi được bằng đôi chân của mình nhưng Thương vẫn miệt mài với công việc.

Như lúc còn nhỏ không được đến trường, Thương miệt mài học chữ cái, ghép vần để có thể đọc, viết như bạn bè cùng trang lứa. Hết học tiếng Việt, Thương lại học tiếng Anh. Như suốt thời thơ ấu, sợ mình là người vô dụng, Thương đã cố gắng giúp mẹ trông nhà, bán rượu, giúp chị đan lưới…

Bây giờ bà Việt đã có thể yên tâm với những gì con gái đang làm.

Bà đã có thể cười nhẹ nhõm: “Đi đâu người ta cũng khen sao con bà giỏi thế, mình cũng thấy tự hào. Mình sống gần hết đời người mà chưa nhận được tấm bằng khen nào trong khi con tàn tật, nằm một chỗ thì nhận đầy bằng khen, danh hiệu…”.

“Nếu không có công việc thì cuộc sống của mình sẽ vô cùng tẻ nhạt. Công việc làm cuộc sống của mình thay đổi, cuộc sống của mình thay đổi thì người khác cũng thay đổi, xã hội sẽ tốt đẹp hơn.

Tôi mong muốn việc làm của mình sẽ giúp mọi người nhận ra rằng người khuyết tật không chỉ cần được nuôi ăn ngày ba bữa cơm mà họ có thể làm được nhiều hơn thế. Chỉ cần có đam mê. Cứ đam mê và cố gắng thì làm gì cũng sẽ thành” – Thương bảo vậy khi tôi hỏi về những cố gắng của chị trong suốt thời gian qua.

Đam mê và nỗ lực không mệt mỏi đã giúp cô gái xương thủy tinh biến những khát vọng đẹp của đời mình thành sự thật…

Anh hùng thầm lặng

Từ quốc lộ 1 ở thị trấn Phú Xuyên, hỏi đường vào Trung tâm Thương Thương ai cũng biết.

Căn phòng nhỏ của Thương ở trung tâm treo kín bằng khen: danh hiệu anh hùng thầm lặng do Microsoft Việt Nam trao tặng, gương mặt trẻ thủ đô tiêu biểu năm 2014, tôn vinh tấm gương nghị lực bằng khen của bộ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội vì đã phấn đấu vươn lên đạt thành tích trong lao động sản xuất, danh hiệu người tốt việc tốt do UBND TP Hà Nội trao tặng, gương thanh niên thủ đô làm kinh tế giỏi…

Thương cười bảo: “Chắc mình là người khuyết tật nên được ưu ái nhận nhiều danh hiệu…”.

Ít ai biết rằng Thương rất hay hát và chưa bao giờ từ chối hát trong các chương trình thiện nguyện.

Tối 7-6, hình ảnh Thương bé tí teo, nằm trên xe đẩy cầm mic cất giọng hát trong trẻo trong chương trình “Hội ngộ hành trình thiện nguyện cho và nhận” được tổ chức tại Đại học Văn hoá Hà Nội đã làm nhiều người rơi nước mắt.

Trước đây, Thương vẫn thường trích 5% từ doanh thu bán hàng để đi làm từ thiện, tặng quà cho người nghèo, cho các cơ sở nuôi người khuyết tật khác.

Bây giờ Thương vẫn ấp ủ rất nhiều dự định để chứng minh rằng người khuyết tật không vô dụng, người khuyết tật không chỉ cần được nuôi ngày ba bữa cơm mà họ còn có thể làm được nhiều hơn thế…

Nếu không có công việc thì cuộc sống của mình sẽ vô cùng tẻ nhạt. Công việc làm cuộc sống của mình thay đổi, cuộc sống của mình thay đổi thì người khác cũng thay đổi, xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Tôi mong muốn việc làm của mình sẽ giúp mọi người nhận ra rằng người khuyết tật không chỉ cần được nuôi ăn ngày ba bữa cơm mà họ có thể làm được nhiều hơn thế. Chỉ cần có đam mê. Cứ đam mê và cố gắng thì làm gì cũng sẽ thành

Nguyễn Thị Thu Thương
TÂM LỤA