Hà Nội bàng hoàng sau giông lốc
Sáng qua, UBND TP.Hà Nội đã họp khẩn bàn giải pháp khắc phục hậu quả nặng nề sau trận mưa giông tối 13.6.
Hà Nội bàng hoàng sau giông lốc
Sáng qua, UBND TP.Hà Nội đã họp khẩn bàn giải pháp khắc phục hậu quả nặng nề sau trận mưa giông tối 13.6.
Theo báo cáo, 2 người chết, 5 người bị thương, hơn 1.290 cây xanh bị đổ, gần 140 căn nhà bị tốc mái, nhiều ô tô, xe máy, trạm điện bị hư hại. Hai người chết do bị cây đổ đè đều xảy ra ở Q.Hai Bà Trưng, trong đó 1 người chết tại chỗ, 1 người chết trên đường đi cấp cứu; 5 người khác bị thương do rơi mái tôn, rơi biển báo xây dựng và cây đổ ở các quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trong số cây xanh bị gãy đổ có hơn 800 cây thuộc 12 quận và hơn 400 cây ở các huyện ngoại thành. Theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, khu vực nội thành có 34 cây xà cừ cổ thụ bị bật gốc, gãy. Còn lại chủ yếu là cây muồng, phượng, bằng lăng, thậm chí có 6 cây đa cổ thụ ở các đường Võ Thị Sáu, Trần Xuân Soạn, Giải Phóng, Tam Trinh cũng bị gió lốc quật gãy.
Điện lực Hà Nội cũng cho biết, lưới điện Hà Nội chịu nhiều ảnh hưởng, với 108 sự cố trên lưới điện, gây mất điện trên hầu hết địa bàn các quận, huyện. Tuy nhiên, trong ngày hôm qua, đã cấp điện trở lại cho các quận. Xã Tiến Xuân, Yên Bình của Thạch Thất có 10 cột điện bị đổ, đang dựng lại cột và tiến hành nối lại.
Nhiều cây xanh được trồng cẩu thả
Theo khảo sát của PV Thanh Niên, tại khu vực Trung Kính, Trung Hòa, Nam Trung Yên, đường Láng… có hàng loạt cây sấu, bằng lăng, hoa sữa… chừng 5 – 6 tuổi bị bật gốc nằm chắn ngang đường. Khu vực đường Đê La Thành có hơn 200 cây xà cừ cổ thụ, thì hiện có khoảng 170 cây bị xâm phạm bộ rễ. Cụ thể những cây này bị nhiều hộ kinh doanh bít kín bằng xi măng, gạch đá, khiến bộ rễ phải “ngoi” lên, ăn nổi.
Tại đường Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương… cũng có nhiều cây xanh mới trồng bị giông lốc quật bung gốc để lộ bầu cây còn nguyên lớp ni lông bọc kín khiến rễ cây không bám sâu được vào đất. Nghiêm trọng hơn là tại đoạn đường mới làm chưa được đặt tên dài gần 1 km nối từ đường Ái Mộ đến đường Hoàng Như Tiếp (gần trụ sở UBND P.Bồ Đề) thuộc P.Bồ Đề, Q.Long Biên có hàng chục cây lát hoa đường kính thân cây khoảng từ 50 – 80 cm, cao 7 – 10 m, tán cây không rộng, ít lá cành bị bật gốc đổ hàng loạt. Một số đoạn có 6 – 10 cây nối đuôi đổ ngã rạp xuống vỉa hè trơ gốc, rễ. Điều đáng nói là những gốc cây bị bật lên đều để lộ còn nguyên vỏ bọc bầu bằng ni lông, được chằng buộc dây rất chắc chắn. Phía bên ngoài lớp vỏ bọc bầu bằng ni lông có rất ít rễ cây đâm xuyên được qua, bám xuống đất. Sợi rễ nào xuyên qua được đều ngắn, gầy và mỏng manh.
Đầu giờ chiều qua, một nhóm công nhân xưng là người của Công ty TNHH Thiên Đường, trụ sở tại khu đô thị Việt Hưng, Q.Long Biên đến dùng xe cẩu chuyên dụng dựng trồng lại những cây bị đổ trên đoạn đường này. Các công nhân dùng cưa tỉa bớt cành, lá cây nhưng vẫn để nguyên bọc bầu ni lông được chằng buộc cẩn thận rồi đào hố sâu chừng 80 – 100 cm để lấp đất trồng lại.
Theo một số người dân, cách trồng cây như vậy chắc chắn sẽ tiếp tục phải trồng lại khi có mưa bão. “Hàng cây này mới trồng được khoảng 2 năm nhưng trước đó đã có vài lần phải dựng trồng lại nhiều cây do mưa bão quật đổ”, ông Nguyễn Đăng Minh, 63 tuổi, là người thường xuyên đi tập thể dục qua đây khẳng định. Theo ông Minh, trong số những cây bị đổ do giông lốc chiều 13.6 có nhiều cây đã đổ, được dựng trồng lại đến hai ba lần.
Nhiều người dân ở ven đường này cũng thắc mắc vì sao khi trồng cây, công nhân lại không lột bỏ lớp vỏ bọc bầu bằng ni lông để rễ có thể ăn sâu xuống đất nhanh hơn.
“Việc bất thường”
Chuyên gia cây lâm nghiệp Lê Huy Cường khẳng định, làm như vậy là quá ẩu, hạn chế rễ cây phát triển bám đất. Từng có hơn 10 năm nghiên cứu cây xanh Hà Nội, ông Cường đánh giá việc hơn 1.000 cây xanh Hà Nội bị đổ gãy trong trận giông lốc là việc bất thường. Ông Cường cho hay, tại các quận nội thành, nhất là ở những tuyến phố cũ, không gian sinh trưởng của cây xanh bị xâm hại nghiêm trọng.
“Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều nhà cao tầng xây san sát, người dân đào móng, ép cọc bê tông ngay dưới gốc cây, rồi việc lắp đặt đường ống cấp thoát nước, hạ ngầm cáp điện… đã chặt rất nhiều rễ cây. Nhưng tác động kể trên của con người cũng xâm chiếm không gian phát triển ngầm của bộ rễ cây, làm giảm nghiêm trọng độ bám của cây”, ông Cường nói. Theo ông, phần không gian dành cho tán cây phát triển cũng bị con người o ép quá đáng, nhiều tuyến phố cây xanh có xu hướng phát triển nghiêng ra đường là do nhà cao tầng lấn át không gian sinh trưởng của cây khiến tán không thể phát triển theo bán kính hình tròn như bình thường mà thường mọc nghiêng ra đường đón ánh sáng. “Đây là một nguyên nhân làm mất cân bằng trọng tâm cây. Cộng hưởng với việc bộ rễ bị bê tông o ép lâu ngày, không thể phát triển ăn sâu, bám chắc vào đất mà chỉ mọc nông sát mặt đất. Do đó, khi gặp giông bão, khó tránh được cây đổ ngang đường, gây thương vong cho con người”, ông Cường nói.
Một cán bộ từng công tác tại Công ty TNHH MTV cây xanh Hà Nội cũng cho rằng nhiều năm qua, quá trình thi công các công trình chỉnh trang cơ sở hạ tầng đô thị như làm hè đường, đường ống cấp thoát nước, hạ tuyến cáp điện… các đơn vị thi công đã chặt bỏ không ít rễ cây xanh. Đây là nguyên nhân làm giảm độ bám đất giữ cây được vững chắc. Do bị chặt, cắt bừa bãi nên từ những vết thương đó, rễ cây thường sẽ bị nấm bệnh xâm nhập, gây mục gốc.
“Có thể do công nhân sợ vỡ bầu cây”
TS Nguyễn Tiến Hiệp, Giám đốc Trung tâm bảo tồn thực vật thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN khẳng định việc trồng cây như trên là làm ẩu, không đúng kỹ thuật, làm rễ cây mới trồng yếu, không thể xuyên thủng lớp ni lông vươn ra ngoài. “Đúng ra, khi trồng cây phải lột bỏ để rễ cây dễ dàng phát triển, bám chắc vào đất. Có thể do công nhân sợ vỡ bầu cây. Để bầu cây không vỡ khi trồng, chỉ có thể giữ lại dây buộc, còn phần ni lông bọc phải tháo bỏ”, TS Hiệp nói.
|
Bắc bộ vẫn còn mưa giông, lốc tố
Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư cho biết ở phía bắc nước ta đã hình thành khối không khí lạnh, di chuyển về phía nam ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Bắc. Khi không khí lạnh kết hợp với lưỡi cao áp cận nhiệt đới có xu hướng lấn về phía tây sẽ có nguy cơ tạo thành một tổ hợp thời tiết xấu. Các tỉnh Bắc bộ, đặc biệt là khu vực miền núi phía bắc cần đề phòng hiện tượng giông lốc, sét đánh, mưa lớn gây ra lũ quét và sạt lở đất đá bất ngờ.
|
Lê Quân – Minh Sang – Mai Hà