11/01/2025

Hạn đỉnh điểm 40 năm

Người dân Ninh Thuận đang phải đối mặt với khô hạn gay gắt nhất trong 40 năm qua và ngày 9.6, Chủ tịch UBND tỉnh này đã ban hành quyết định công bố thiên tai (hạn hán).

 

Hạn đỉnh điểm 40 năm

 

 

Người dân Ninh Thuận đang phải đối mặt với khô hạn gay gắt nhất trong 40 năm qua và ngày 9.6, Chủ tịch UBND tỉnh này đã ban hành quyết định công bố thiên tai (hạn hán).


 

Nhiều hồ chứa nước thủy lợi đã khô cạn

Nhiều hồ chứa nước thuỷ lợi đã khô cạn  – Ảnh: Thiện Nhân

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, có đến 3/4 diện tích đất nông nghiệp và 2/3 dân số, chủ yếu tập trung ở vùng nông thôn, miền núi bị ảnh hưởng do nắng hạn kéo dài. Đến thời điểm giữa tháng 6, có 31/47 xã của 6/7 huyện, thành phố chịu tác động khô hạn, với 41.907 khẩu (8.612 hộ của 12 xã) cần phải hỗ trợ, cấp nước sinh hoạt.

Còn theo Sở NN-PTNT Ninh Thuận, hiện lượng nước tại 20 hồ chứa chỉ còn 14,77/192,21 triệu m3, đạt 7,6% dung tích thiết kế. Nắng hạn kéo dài đã làm 501 ha cây trồng vụ đông xuân 2014 – 2015 mất trắng và hơn 16.000 ha phải dừng sản xuất do thiếu nguồn nước tưới; có 1.300 con gia súc (chủ yếu dê, cừu, bò) bị chết do thiếu thức ăn. Tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện 3 đợt cấp gạo (1.417 tấn) cho người dân vùng khó khăn, hạn hán không sản xuất được và dự kiến sẽ tiếp tục cấp phát gạo cho 18.997 hộ (89.403 khẩu).

Xe lọc nước chuyên dụng Quân khu 5 lọc nước sạch cấp phát cho người dân vùng hạnXe lọc nước chuyên dụng Quân khu 5 lọc nước sạch cấp phát cho người dân vùng hạn

Giặc hạn

Đối với bộ đội, nắng hạn ở Ninh Thuận bây giờ chẳng khác nào giặc. Sáng 13.6, PV Thanh Niên theo chân những chiến sĩ Quân khu 5 đưa nước sạch cấp phát cho người dân xã ven biển Phước Dinh, H.Thuận Nam – địa phương đang gánh chịu đợt nắng hạn từ hơn 1 năm nay. Do nước biển xâm nhập, toàn bộ giếng nước ở khu này bị nhiễm mặn, làm hàng trăm hộ dân ngày đêm đối phó với cảnh thiếu nước sinh hoạt. Như thường lệ, xe bồn vừa đến thôn làng, người dân đã chuẩn bị can 20 lít để tiếp nhận nguồn nước sạch. Chỉ trong chốc lát, gần 7 m3 nước sạch đã được phân phát hết. Bà Châu Thị Thuỷ (60 tuổi) cho biết trước đây người dân phải đi mua nước ngọt với giá 100.000 đồng/m3 để sử dụng, nay nhờ bộ đội đưa nước về tận làng cấp phát miễn phí, làm mát lòng dân.

Cấp phát nước cho người dân vùng hạn Phước TrungCấp phát nước cho người dân vùng hạn Phước Trung

Đại úy Trần Văn Chí, Phó đội trưởng Đội y học dự phòng Cục Hậu cần Quân khu 5, người phụ trách cấp nước, cho biết với tinh thần giúp dân vượt đại hạn, Bộ Tư lệnh quân khu đã điều xe lọc nước chuyên dụng và 4 xe bồn chở nước vào Ninh Thuận. Đây là xe lọc nước hiện đại nhất trong quân đội dùng để phục vụ sẵn sàng chiến đấu cũng như phòng chống thiên tai; bình quân mỗi ngày lọc được từ 30 – 40 m3 nước tinh khiết. Xe đặt ở Sông Dinh, TP.Phan Rang-Tháp Chàm, cách các vùng tâm hạn chừng 30 km; sau đó nước lọc được bơm vào xe bồn, vận chuyển đến vùng tâm hạn.

2 năm chưa có mưa

Đến xã Phước Trung, H.Bác Ái, PV Thanh Niên chứng kiến cảnh tiêu điều, cỏ cây héo rũ một màu vàng úa. Ông Phinăng Hùng (60 tuổi, thôn Tham Dú) cho biết cuộc sống người dân đa phần nghèo khó nay còn khổ hơn vì phải đối diện với nắng hạn kéo dài gần 2 năm. Hàng ngàn người dân sinh sống trong môi trường oi bức, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. “Mỗi gia đình nhận khoảng 40 lít nước sạch, chỉ đủ cho việc ăn uống hằng ngày, nên người dân phải đến các con suối cạn đào hố sâu lấy nước để tắm giặt”, ông Hùng nói. Còn ông Pinăng Hoàng (70 tuổi, ở thôn Đồng Dày) quả quyết đã sinh sống trên mảnh đất này hơn 40 năm nhưng chưa có năm nào hạn kéo dài gay gắt như thế này. Gần 2 năm rồi mà ở đây hầu như không có giọt mưa, khiến khe suối và các hồ thuỷ lợi quanh làng đã khô cạn. Không có nước, nên gần 3 ha đất sản xuất nông nghiệp của gia đình ông Hoàng đành bỏ hoang, sinh sống hằng ngày bằng nguồn gạo cứu trợ của nhà nước. Để cứu đàn cừu hơn 50 con của gia đình, hằng ngày ông Hoàng đi xe máy trên 20 km mót rơm rạ làm thức ăn cho gia súc; còn nước uống cho cừu phải đi xa hơn 6 km mang về.

Đưa đàn gia súc đi tìm thức ăn, nguồn nướcĐưa đàn gia súc đi tìm thức ăn, nguồn nước

Đi về vùng quê nào của tỉnh Ninh Thuận lúc này cũng có cảm giác bỏng rát, nắng như hắt lửa vào mặt. Cỏ cây tiêu điều xơ xác, gia súc mệt mỏi lê chân đến những chiếc hồ trơ đáy để mót vét những giọt nước cuối cùng. Trời vẫn xanh màu xanh nhức mắt, chưa thấy bất cứ một dấu hiệu nào của cơn mưa đầu hạ.

Ông Lê Văn Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết nguồn nước sinh hoạt của người dân Ninh Thuận hiện phụ thuộc vào hồ Đơn Dương (Lâm Đồng) qua Nhà máy thủy điện Đa Nhim chảy về hạ lưu Sông Dinh. UBND tỉnh Ninh Thuận đã đề nghị Tập đoàn điện lực VN chỉ đạo nhà máy này duy trì xả nước với lưu lượng 15 – 17 m3/giây, thời gian cấp nước tối thiểu từ 16 – 18 giờ/ngày đêm phục vụ người dân Ninh Thuận.

Dự báo vào tháng 9 mới có mưa nên ngoài việc tổ chức cấp phát gạo, nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn; đào ao, khoan giếng…, tỉnh đã thành lập ba tổ công tác chỉ đạo chống hạn do ba phó chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để kiểm tra tình hình thực tế, kịp thời ứng phó với nắng hạn. Ông Bình cũng cho biết tỉnh đã kiến nghị Chính phủ phân bổ nguồn kinh phí để xây dựng các hồ thuỷ lợi Tân Mỹ, Sông Than, đập hạ lưu Sông Dinh; sau đó xây dựng hệ thống liên thông các hồ mới giải quyết tình trạng thiếu nước cục bộ ở Ninh Thuận.

 

Thiện Nhân