11/01/2025

Chủ đầu tư phải sửa sai

Vụ “Doanh nghiệp ngang nhiên lấp hồ, lấn rạch”, UBND thị xã Dĩ An (Bình Dương) yêu cầu Công ty cổ phần Thương mại và du lịch Bình Dương phải sửa sai

 

Chủ đầu tư phải sửa sai

 

Vụ “Doanh nghiệp ngang nhiên lấp hồ, lấn rạch”, UBND thị xã Dĩ An (Bình Dương) yêu cầu Công ty cổ phần Thương mại và du lịch Bình Dương phải sửa sai


 

Chủ đầu tư xây kho xưởng công trình trên hồ Bình An đã bị lấp, bên cạnh là rạch Bà Khâm đã bị đơn vị này lấn đất - Ảnh: Đức Trong
Chủ đầu tư xây kho xưởng công trình trên hồ Bình An đã bị lấp, bên cạnh là rạch Bà Khâm đã bị đơn vị này lấn đất – Ảnh: Đức Trong

Ngày 8-6, nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ cho biết sau khi báo đăng bài “Doanh nghiệp ngang nhiên lấp hồ, lấn rạch”, chiều cùng ngày Công ty cổ phần Thương mại và du lịch Bình Dương đã có văn bản gửi Thị uỷ, UBND thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương và các cơ quan chức năng giải trình xoay quanh việc thực hiện dự án cụm cảng và trung tâm logistics Tân Vạn (P.Bình Thắng, thị xã Dĩ An). 

Theo nguồn tin, trong văn bản này chủ đầu tư đã kiến nghị điều chỉnh một số nội dung xung quanh việc thực hiện dự án. Trong đó có việc duy trì bề rộng rạch Bà Khâm sau khi san lấp chỉ là 15m (thay vì 22m như quy hoạch) và duy trì việc đặt bốn cống hộp thay vì làm cầu bắc ngang con rạch này. Như vậy, kiến nghị của chủ đầu tư nhằm hợp thức hóa những sai phạm mà công ty này đã thực hiện.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Hoàng – chủ tịch UBND thị xã Dĩ An – cho biết UBND thị xã kiên quyết yêu cầu Công ty cổ phần Thương mại và du lịch Bình Dương phải sửa sai, thực hiện đúng quy hoạch đã được duyệt. UBND thị xã Dĩ An sẽ không chấp nhận những đòi hỏi không chính đáng của nhà đầu tư này.

Ông Hoàng cho biết đối với bề rộng rạch Bà Khâm, UBND thị xã yêu cầu Công ty cổ phần Thương mại và du lịch Bình Dương phải đặt thêm cống hộp rộng 7m hai bên (tổng cộng là 14m) để nâng bề rộng thoát nước của rạch.

Đối với việc làm cầu để nối giữa phần kho cũ và phần kho mới được xây dựng trên hồ Bình An đã bị san lấp, chủ đầu tư cho rằng “theo hồ sơ khoan khảo sát địa chất, nếu bố trí cây cầu và hai trụ bêtông với tải trọng thiết kế thì việc xây dựng mố cầu cần xử lý bằng khoan nhiều cọc nhồi với chiều sâu khoảng 30m, chi phí đầu tư sẽ đội lên gấp 2-3 lần so với làm cống hộp” nên kiến nghị chỉ đặt cống hộp như hiện nay.

Tuy nhiên, đại diện UBND thị xã Dĩ An cho rằng cần làm cầu để đảm bảo độ thông thoáng cho lưu thông và thoát nước của người dân xung quanh. “Doanh nghiệp phải nhanh chóng khắc phục trước cao điểm mùa mưa năm nay. Nếu chậm khắc phục, để lặp lại tình trạng cá của người dân bị chết như năm 2014 thì chúng tôi sẽ kiến nghị UBND tỉnh cho dừng dự án này” – ông Hoàng nói.

Theo ghi nhận ngày 8-6, chủ đầu tư vẫn chưa có động thái gì để trả lại bề rộng thoát nước cho rạch Bà Khâm. Trong khi đó, các hộ dân nuôi cá cho biết sau trận mưa lớn mấy ngày gần đây, nước trong ao cá của dân đã ngập ngang người, cao hơn mực nước ngoài sông Đồng Nai, nhưng do rạch hẹp nên người dân không thể nào thoát nước được.

Về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư, Sở Tài nguyên – môi trường tỉnh Bình Dương cho biết sở từng trả lại hồ sơ của Công ty cổ phần Thương mại và du lịch Bình Dương vì trong hồ sơ của công ty trình lên thể hiện có 5.060m2 đất của rạch Bà Khâm (có thể do lấn rạch nên tăng thêm diện tích này).

Khi trả lại hồ sơ, Sở Tài nguyên – môi trường đề nghị công ty cần “liên hệ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn để được xem xét, có văn bản để đảm bảo khả năng lưu, thoát nước của rạch không ảnh hưởng tới người dân khu vực và cảnh quan môi trường”. Tuy nhiên, tới nay công ty này vẫn chưa nộp lại hồ sơ và chưa hoàn tất thủ tục để đóng tiền cho Nhà nước.

Quá ưu ái chủ đầu tư

Nhiều người dân và cán bộ hưu trí ở Bình Dương cho rằng cơ quan chức năng của tỉnh đã quá ưu ái chủ đầu tư. Theo một cán bộ hưu trí, hồ Bình An trước đây được coi là “lá phổi” của khu vực Dĩ An, không chỉ điều tiết nước mà còn có nhiệm vụ làm mát cho khu vực, nhưng nay chủ đầu tư được lấp hồ để làm dự án kinh tế.

Theo tìm hiểu, Công ty Thương mại và du lịch Bình Dương trước đây là doanh nghiệp nhà nước nhưng được cổ phần hoá từ năm 2006. Khi đó, ông Nguyễn Đức Thuấn, tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và sản xuất giày Thái Bình (Thái Bình Shoes, một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực da giày, túi xách…), đã mua một phần lớn cổ phần và trở thành chủ tịch HĐQT của Binh Duong Tourist.

 

BÁ SƠN