11/01/2025

Doanh nghiệp ngang nhiên lấp hồ, lấn rạch

Một doanh nghiệp được UBND tỉnh Bình Dương cho lấp hồ, lấn rạch để làm dự án cụm cảng và logistics khiến người dân trong khu vực hết sức bức xúc.

 

Doanh nghiệp ngang nhiên lấp hồ, lấn rạch

 

Một doanh nghiệp được UBND tỉnh Bình Dương cho lấp hồ, lấn rạch để làm dự án cụm cảng và logistics khiến người dân trong khu vực hết sức bức xúc.

 

 

Người dân bức xúc về bốn cống hộp do Công ty cổ phần Thương mại và du lịch Bình Dương lắp trái quy hoạch trên rạch Bà Khâm, cản dòng chảy khiến việc mưu sinh của những hộ dân xung quanh bị ảnh hưởng - Ảnh: Bá Sơn
Người dân bức xúc về bốn cống hộp do Công ty cổ phần Thương mại và du lịch Bình Dương lắp trái quy hoạch trên rạch Bà Khâm, cản dòng chảy khiến việc mưu sinh của những hộ dân xung quanh bị ảnh hưởng – Ảnh: Bá Sơn

Tuổi Trẻ vào cuộc tìm hiểu tại sao cơ quan chức năng địa phương lại để những sai phạm xảy ra tại dự án cụm cảng và trung tâm logistics Tân Vạn do Công ty cổ phần Thương mại và du lịch Bình Dương (Binh Duong Tourist, trụ sở tại thị xã Dĩ An, Bình Dương) làm chủ đầu tư.

Quy hoạch một đằng, làm một nẻo

Theo hồ sơ, dự án cụm cảng và logistics Tân Vạn được lãnh đạo các cấp tỉnh Bình Dương phê duyệt quy hoạch chi tiết để xây dựng tại P.Bình Thắng (thị xã Dĩ An).

Đây là dự án có vị trí “đắc địa” cả về đường thủy lẫn đường bộ do nằm ngay bên sông Đồng Nai và tuyến đường vành đai 3 của TP.HCM, dễ dàng kết nối với các cảng cũng như bến bãi của cả TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Dự kiến trong tương lai khu vực này được tiếp tục mở rộng, trở thành cụm cảng và logistics tầm cỡ của vùng Đông Nam bộ.

Toàn bộ diện tích theo quy hoạch lên tới 37ha, trong đó một phần không nhỏ diện tích đất có nguồn gốc là đất của Nhà nước.

Theo quy hoạch, UBND tỉnh Bình Dương cho phép chủ đầu tư được lấp toàn bộ hồ Bình An rộng khoảng 7ha để làm nhà kho. Chủ đầu tư còn được lấn đất, san lấp một phần rạch Bà Khâm – một con rạch thoát nước mưa lớn của 
khu vực chảy vòng quanh dự án.

Đổi lại, quy hoạch yêu cầu chủ đầu tư sau khi san lấp hồ Bình An phải xây dựng một cây cầu dài 25m để nối giữa khu nhà kho hiện hữu và khu nhà kho mới (xây dựng trên hồ Bình An đã lấp); việc lấn rạch Bà Khâm phải đồng thời với việc nắn dòng, nạo vét khơi thông dòng chảy và đảm bảo bề rộng rạch còn lại là 22m.

Sau khi được phê duyệt quy hoạch, chủ đầu tư ồ ạt thi công để thực hiện dự án của mình mà không quan tâm gì tới quyền lợi của những hộ dân xung quanh.

Từ đầu năm 2014, Công ty cổ phần Thương mại và du lịch Bình Dương điều động hàng loạt xe ben chở đất đá tới lấp hồ Bình An và lấn rạch Bà Khâm. Việc lấp hồ (gần 7ha) và lấn rạch chỉ diễn ra vài tháng là xong.

Khi chủ đầu tư đổ đất đá xuống rạch thì dẫn tới việc làm nước đục chảy vào ao cá trong vùng, gây thiệt hại cho nhiều hộ dân. Tới lúc việc lấp đất đá hoàn tất, người dân lại tá hỏa khi biết chủ đầu tư làm hoàn toàn sai quy hoạch.

Thay vì làm cầu để đảm bảo độ cao 3,7m cho các phương tiện lưu thông thì chủ đầu tư lại lắp đặt bốn cống hộp với độ thông thủy chỉ còn 2,5m, bề rộng mặt cầu cũng không đảm bảo.

UBND thị xã Dĩ An cho phép chủ đầu tư nắn dòng rạch Bà Khâm và chỉ được lấn một phần rạch để còn bề rộng 22m nhưng chủ đầu tư san lấp… “quá tay” khiến con rạch này chỉ còn rộng 15m.

Trong văn bản giải trình gửi UBND thị xã Dĩ An, Công ty cổ phần Thương mại và du lịch Bình Dương cho rằng bề rộng rạch Bà Khâm còn 15m là “đáp ứng tốt cho việc thoát nước của khu vực” nên đề nghị được giữ nguyên hiện trạng, không phải nạo vét lên thành 22m như quy hoạch.

Còn việc giải quyết bốn cống hộp, công ty này đề xuất sẽ lắp thêm hai cống hộp nữa để tổng bề rộng đang từ 10m lên 15m, trong khi quy hoạch quy định cầu phải rộng tới 18m.

Mặc dù được yêu cầu cải tạo rạch Bà Khâm phải đảm bảo bề rộng 22m nhưng Công ty cổ phần Thương mại và du lịch Bình Dương đã san lấp “quá tay” khiến con rạch này chỉ còn rộng 15m - Ảnh: Bá Sơn
Mặc dù được yêu cầu cải tạo rạch Bà Khâm phải đảm bảo bề rộng 22m nhưng Công ty cổ phần Thương mại và du lịch Bình Dương đã san lấp “quá tay” khiến con rạch này chỉ còn rộng 15m – Ảnh: Bá Sơn

Bất chấp

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện UBND P.Bình Thắng (thị xã Dĩ An) cho biết rất đồng cảm với những bức xúc của người dân.

Sau khi nhận được đơn phản ảnh của bà con, UBND phường đã xác minh phản ảnh việc chủ đầu tư dự án cụm cảng và logistics Tân Vạn làm sai quy hoạch, nhận thấy có ảnh hưởng tới việc làm ăn của một số hộ dân.

UBND phường đã có báo cáo lên cấp trên và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng quy hoạch nhưng chủ đầu tư không nghe.

Theo tìm hiểu, dù tới ngày 24-1-2014, Công ty cổ phần Thương mại và du lịch Bình Dương mới được UBND thị xã Dĩ An ra quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 đối với dự án cảng và logistics Tân Vạn, nhưng từ trước đó công ty này đã tiến hành san lấp hồ và rạch.

Trong vòng hai tháng, cán bộ địa chính P.Bình Thắng lập ít nhất năm biên bản về việc công ty này san lấp rạch Bà Khâm không có giấy phép, yêu cầu dừng san lấp nhưng công ty này vẫn “bỏ ngoài tai”.

Ngoài ra, công ty này còn bị lập biên bản vì xây dựng trạm điện, nhà máy phát điện dự phòng cũng không có giấy phép xây dựng.

Các sự việc này đều được UBND P.Bình Thắng báo cáo lên trên nhưng phía thị xã lại “đá quả bóng” trở lại khi Phòng quản lý đô thị Dĩ An trả lời việc đình chỉ thi công và ra quyết định xử lý thuộc thẩm quyền của UBND phường. Rốt cuộc là không có quyết định xử phạt nào được đưa ra.

Giải thích về lý do làm không đúng quy hoạch, ông Nguyễn Đình Nhuần – phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ Bình Dương – nói công ty không làm cầu vì… độ dốc quá lớn, nếu làm cầu cao thì xe sẽ rất khó lưu thông.

Chủ đầu tư cho rằng với bề rộng 15m thì rạch Bà Khâm vẫn sẽ đủ thoát nước, không làm ảnh hưởng tới các hộ nuôi cá.

Theo ông Lê Văn Hoàng – chủ tịch UBND thị xã Dĩ An, quan điểm của UBND thị xã Dĩ An là chủ đầu tư phải làm đúng quy hoạch.

UBND thị xã đã yêu cầu chủ đầu tư phải trả lại bề rộng rạch Bà Khâm đúng quy hoạch được duyệt bằng cách phải lắp đặt thêm cống hộp hai bên. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện yêu cầu này và cũng chưa bị xử lý.

Thực tế cho thấy đang có sự im lặng khó hiểu của nhiều cơ quan chức năng trong việc thực hiện dự án cụm cảng và trung tâm logistics Tân Vạn.

Cụ thể, một cán bộ cho biết việc công ty này lấp hồ Bình An (trước đây thuộc khu du lịch) để chuyển sang làm cảng và logistics thì phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất (nếu có) và làm lại hợp đồng thuê đất, tính tiền sử dụng đất.

Thế nhưng hợp đồng thuê đất mà Công ty cổ phần Thương mại và du lịch Bình Dương ký với UBND tỉnh Bình Dương (do Sở Tài nguyên – môi trường làm đại diện) từ năm 2009 tới nay vẫn chưa được ký lại. Việc xác định lại đơn giá thuê đất, tính tiền sử dụng đất cũng chưa được thực hiện.

Đối với phần rạch Bà Khâm mà chủ đầu tư được cải tạo (thực chất là lấn rạch) sẽ khiến diện tích đất tăng lên, đáng lẽ chủ đầu tư phải làm thủ tục thuê bổ sung và thực hiện nghĩa vụ tài chính kèm theo đối với Nhà nước nhưng tới nay vẫn chưa được thực hiện xong.

Chặn đường sống của dân

Ông Nguyễn Thành Biên, một trong những hộ nuôi cá giống hơn 30 năm nay tại P.Bình Thắng, cho biết gia đình ông có truyền thống 43 năm nuôi cá giống ở khu vực, từ trước khi có cụm cảng và logistics Tân Vạn.

Công việc làm ăn trước nay vẫn suôn sẻ, bốn ao cá của anh em trong gia đình ông Biên mỗi năm đều dựa vào con nước sông Đồng Nai lên xuống để mưu sinh. Riêng ông Biên được chia hai ao cá, mỗi năm trừ chi phí gia đình cũng thu nhập được gần 100 triệu đồng.

“Thế nhưng từ ngày bốn cống hộp này lắp xong, nước trong rạch không thoát hết ra sông cái nên nước ao nuôi cá của mấy hộ chúng tôi cũng không thể thoát ra được. Giờ chỉ có cách dùng máy bơm để điều tiết nước, nhưng làm sao xuể. Trong khi rạch bị lấn, hồ Bình An không còn nên nguồn nước hay bị đục, có bữa cá chết nổi phình mà chúng tôi không biết phải làm sao” – ông Biên rưng rưng nói.

Ông Sỹ Tấn Xuân, mở một cơ sở câu cá giải trí ở gần đó, cũng cho biết cơ sở của ông mấy tháng nay phải đóng cửa vì nước ứ không xả được, hôi thối nên cá chết, khách không tới nữa.

Một số hộ dân nuôi cá giống cho biết trước đây lấy được nước từ sông Đồng Nai vào ao cá thì nước sạch, cá lớn nhanh, chỉ nuôi một tháng rưỡi là có thể bán được. Nhưng hiện nay có nhiều hộ một năm chỉ nuôi được hai mẻ cá giống vì nguồn nước bị ảnh hưởng.

“Trước đây, các hộ dân trong khu vực còn dùng ghe, thuyền để qua lại trên rạch Bà Khâm. Nhưng từ khi họ lấn rạch, đặt cống hộp thấp chủm thì ghe thuyền của chúng tôi đành bỏ không” – cụ Nguyễn Văn Bê (84 tuổi) cho biết.

BÁ SƠN – ĐỨC TRONG