Khi dạy học không còn sách vở
Ngày nay, công nghệ không chỉ giúp lưu trữ tài liệu học tập thay thế sách vở, mà còn đem đến cho học sinh khả năng sáng tạo không giới hạn, thậm chí mỗi học sinh có thể trở thành một Tony Stark trong loạt phim bom tấn Iron Man.
Khi dạy học không còn sách vở
Ngày nay, công nghệ không chỉ giúp lưu trữ tài liệu học tập thay thế sách vở, mà còn đem đến cho học sinh khả năng sáng tạo không giới hạn, thậm chí mỗi học sinh có thể trở thành một Tony Stark trong loạt phim bom tấn Iron Man.
Trên chiếc máy vi tính với màn hình cảm ứng rộng đến 60 inch được đặt ngang như chiếc bàn thấp, chỉ bằng thao tác đơn giản, cậu học sinh nhỏ đã có ngay một bàn phím ảo trên chính màn hình để gõ bất cứ những gì mình muốn. Cậu bé còn dễ dàng kéo thả bàn phím nằm ở các vị trí khác nhau, nghiêng ngả đủ kiểu theo ý thích. Không những thế, màn hình máy tính còn có thể tùy biến chia thành nhiều phần để một lúc có 4 người, thậm chí nhiều hơn, sử dụng các tính năng khác nhau: chơi nhạc, vẽ hình, gõ văn bản, giải ô chữ… Nó không chỉ thu hút cậu bé học sinh mà cả các chuyên gia giáo dục, giáo viên, cánh nhà báo…
Đó là một góc nhỏ giữa thế giới công nghệ cực kỳ phong phú của Đại hội và triển lãm công nghệ giáo dục EduTECH diễn ra từ ngày 2 – 3.6 tại thành phố Brisbane (bang Queensland, Úc).
Không phải là một triển lãm với quy mô quá lớn, nhưng EduTECT vẫn quy tụ những tinh hoa công nghệ giáo dục hàng đầu thế giới từ các tên tuổi như Intel, Microsoft, Samsung, Dell, Toshiba, Asus… Thế giới công nghệ ở sự kiện này mở ra một kỷ nguyên mới về giáo dục, khi dạy học gần như không còn cần đến sách vở, mà tập trung hướng đến việc tạo ra một môi trường sáng tạo không giới hạn dành cho mọi học sinh, ngay từ bậc tiểu học.
Một trong những xu hướng tiên phong được trình diễn tại EduTECH chính là BYOD (Bring your own device) do Intel, thông qua việc cung cấp công nghệ lõi, kết hợp cùng nhiều hãng công nghệ khác phát triển. Đây là chương trình mà Intel đang triển khai tại hơn 60 quốc gia.
Thiết bị học tập đa năng 2 trong 1
Từ năm 2013, tạp chí Wired đánh giá BYOD chính là một xu hướng của thế kỷ 21. Mỗi học sinh có thể sử dụng loại thiết bị “lai” máy tính bảng (tablet) với máy tính xách tay (laptop) để làm phương tiện học tập mà Intel đang tập trung phát triển cùng một số hãng khác.
Thiết bị này không chỉ để lưu trữ các tài liệu học tập bản điện tử, mà còn có nhiều tính năng chuyên dụng khác dành cho học tập, nghiên cứu như: màn hình cảm ứng, bút điện tử stylus, ống kính phóng đại, đầu dò cảm biến nhiệt độ, tích hợp khả năng truy cập vào thư viện nội dung số toàn cầu… Nó còn kết hợp với thiết bị của các bạn học khác cũng như thiết bị chủ từ giáo viên để tạo thành một mạng lưới hướng dẫn, chia sẻ thông tin, thậm chí kiểm soát quá trình học tập của học sinh.
Để khai thác hiệu quả, toàn bộ hệ thống thiết bị này chạy trên một nền tảng chương trình được phát triển chuyên cho dạy học. Nhờ đó, giáo viên có thể nhanh chóng chia sẻ bài tập cho từng học sinh, các học sinh có thể kết hợp làm việc nhóm và đóng góp nghiên cứu của từng học sinh được ghi nhận cụ thể.
Giáo viên cũng có thể cập nhật tức thì học sinh nào đang làm việc gì, nếu lệch ra ngoài chủ đề nghiên cứu học tập có thể nhắc nhở ngay, thậm chí tạm khoá phương tiện. Vì thế, không có chuyện học sinh chỉ lo chơi game hay làm việc riêng trong giờ học.
Mỗi học sinh là một Tony Stark
Phòng học lý tưởng tại EduTECH không chỉ đơn thuần là những chiếc tablet 2 trong 1. Đó còn là những màn hình cực lớn thay thế cho bảng đen, phấn trắng giúp học sinh chia sẻ tức thời các sáng tạo để các bạn học khác, giáo viên cùng tham gia thảo luận. Các loại màn hình cảm ứng cỡ lớn xuất hiện tại EduTECH rất đa dạng về kích thước, lẫn tính năng. Kèm theo còn có hàng loạt thiết bị phụ trợ khác như máy quét 3D, máy in 3D, cảm biến điều khiển từ xa bằng cử động, hệ thống wifi tốc độ siêu cao, thiết bị vẽ hình nổi…
Nhờ đó, tất cả các ý tưởng, sáng tạo của học sinh có thể được hiện thực hoá ngay tại lớp học. Đơn giản là việc tìm hiểu về chiếc cầu bắc qua sông, bằng việc kết nối thông tin, học sinh có thể nhanh chóng cập nhật thông tin những loại cầu trên toàn thế giới để phân loại kiểu dáng thiết kế, khả năng chịu lực, thậm chí tự chạy chương trình vẽ nên một chiếc cầu. Bản thiết kế được nhanh chóng chuyển qua định dạng 3D rồi truyền thông tin đến máy in 3D để tạo nên một mô hình chiếc cầu thu nhỏ.
Ngược lại, mọi vật dụng có thể được đưa vào một thiết bị quét 3D để mã hoá, lưu giữ hình ảnh đa chiều trên máy tính. Sau đó, thông qua bộ cảm biến điều khiển bằng cử động, học sinh đánh giá, thậm chí thiết kế lại, thêm bớt chi tiết bằng cách “nắm bỏ”, “gắn kết” các chi tiết như cách nhân vật Tony Stark thiết kế các bộ giáp sắt trong loạt phim Iron Man của Hollywood.
Công nghệ là chưa đủ
Tuy nhiên, như các thảo luận về việc ứng dụng công nghệ vào dạy học trong khuôn khổ EduTECH, giới chuyên gia còn đặt ra vấn đề cần thay đổi mang tính hệ thống của giáo dục, trong đó có tư duy giảng dạy từ giáo viên. Giáo sư Eric Amur, nhà vật lý học và là chuyên gia hàng đầu về giáo dục của Đại học Harvard (Mỹ), cảnh báo trong bài phát biểu khai mạc rằng: “Học sinh đang nghiên cứu để vượt qua các kỳ thi chứ không phải nghiên cứu để sáng tạo”.
Công nghệ không đủ sức thay đổi chất lượng giáo dục mà cần phải kết hợp với tư duy của các nhà quản lý giáo dục, giáo viên. Việc triển khai, áp dụng công nghệ như thế nào cũng là một thách thức lớn hơn. Nhiều nước phát triển đã nhận thức được điều này nên đang tiến hành hàng loạt chương trình cải cách toàn diện, kết hợp ứng dụng công nghệ cùng phương pháp giảng dạy, đánh giá học sinh. Đây cũng chính là xu hướng của thế giới hiện đại, nếu quốc gia nào không nhanh chóng cập nhật, thay đổi kịp thời thì tất nhiên sẽ bị “bỏ lại”.
Thời của công nghệ in 3D Công nghệ in 3D được giới thiệu rất nhiều tại EduTECH. Công nghệ này hiện có thể cho phép nhận thiết kế rồi chế tạo ngay sản phẩm bằng nhiều vật liệu khác nhau, theo mẫu vật tùy thích: từ đồ chơi, đế dép, bộ lắp ráp… cũng như nhiều vật dụng khác. Thậm chí, trên thế giới, đã xuất hiện cả công nghệ in 3D, chế tác thành phẩm bằng kim loại, như súng đạn. Tất nhiên, điều đó cũng đặt ra một thách thức là những thiết bị nguy hiểm như súng có thể được sản xuất dễ dàng hơn, gây mất kiểm soát.
|
Ngô Minh Trí