10/01/2025

Tôn sùng Thánh Thể

Ngày lễ trọng kính Mình và Máu Chúa, lại một lần nữa, giới thiệu cho chúng ta giá trị của việc tôn sùng Thánh Thể. Nhờ lời cầu bầu của Mẹ Maria, ước gì một niềm tin đích thực và sâu xa vào Mầu nhiệm Thánh Thể được lan rộng và lớn lên trong cộng đoàn Giáo Hội.

 Tôn sùng Thánh Thể

Kinh Truyền Tin
Quảng trường Thánh Phêrô 
Chúa Nhật X TN, Lễ Mình Thánh Chúa, 10/6/2012

Anh chị em thân mến!

Ngày hôm nay, tại Ý cũng như tại nhiều quốc gia khác, người ta cử hành Lễ Corpus Domini, nghĩa là lễ trọng kính Mình và Máu Chúa, Lễ Thánh Thể. Truyền thống tổ chức những cuộc kiệu Mình Thánh Chúa cách trọng thể trên các đường phố và trên các công trường vẫn còn sống động. Tại Rôma, cuộc rước kiệu này đã được diễn ra ở bình diện giáo phận vào ngày thứ Năm vừa qua, vào chính ngày lễ, mà mỗi năm đều tái diễn niềm vui và lòng biết ơn của các Kitô hữu đối với Đức Giêsu đang hiện diện giữa họ, trong Bí tích Thánh Thể.

Lễ Corpus Domini là một động tác tôn kính sâu xa mang tính công cộng đối với Bí tích Thánh Thể, mà qua đó, Chúa cũng hiện diện cả sau khi cử hành Thánh lễ, để ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Thánh Justinô, người đã để lại cho chúng ta một trong những chứng từ cổ xưa nhất về phụng vụ Thánh Thể, đã khẳng định rằng, sau khi đã cho những người hiện diện rước lễ, các phó tế cũng mang bánh được truyền phép cho những người vắng mặt (x. Apologia [Biện giáo], 1,65). Chính vì thế, trong các nhà thờ, chỗ linh thánh nhất, đó là nơi người ta cất giữ Mình Thánh Chúa. Khi nói đến đây, tôi không thể không xúc động nghĩ đến một số nhà thờ đã bị hư hại cách nặng nề bởi trận động đất vừa qua, tại Émilie Romagne, và nghĩ đến sự kiện là trong một vài trường hợp, Mình Thánh Chúa Kitô trong Nhà Tạm đang bị chôn vùi dưới những đống đổ nát. Với tấm lòng yêu mến, tôi cầu nguyện cho các cộng đoàn, cùng với các linh mục của mình, phải quy tụ ngoài trời, hay dưới những tấm lều lớn, để dâng Thánh lễ; tôi cảm ơn họ vì chứng tá họ đã thể hiện và về điều họ đã làm để giúp đỡ toàn thể dân cư. Tình thế này làm nổi bật hơn nữa tầm quan trọng của việc kết hợp nhân danh Chúa, và sức mạnh đến từ Bánh Thánh Thể, cũng còn được gọi là “bánh của khách bộ hành”. Từ việc chia sẻ tấm bánh này đã phát sinh và canh tân khả năng chia sẻ cả đời sống và của cải, khả năng mang lấy gánh nặng của nhau, khả năng hiếu khách và ân cần đón tiếp.

Tóm lại, ngày lễ trọng kính Mình và Máu Chúa, lại một lần nữa, giới thiệu cho chúng ta giá trị của việc tôn sùng Thánh Thể. Người Tôi tớ Chúa là Đức Phaolô VI đã nhắc lại rằng Giáo Hội Công giáo công bố việc tôn sùng Thánh Thể “không chỉ trong Thánh lễ, mà còn cả bên ngoài Thánh lễ; Giáo Hội hết sức giữ gìn Bánh được truyền phép và trưng bày cho giáo dân tôn kính một cách long trọng” (Thông điệp Mysterium Fidei [Mầu nhiệm đức tin], s. 62). Chầu Thánh Thể cũng có thể được thực hiện ở bình diện cá nhân, khi ta dành thời giờ để tĩnh lặng trước nhà chầu, cũng như ở bình diện cộng đồng, với những Thánh vịnh và những bài thánh ca, nhưng ta phải luôn dành ưu tiên cho việc thinh lặng, và khi thinh lặng, ta lắng nghe Chúa đang sống động và hiện diện trong Bí tích Thánh Thể nói với chúng ta. Đức Trinh Nữ Maria cũng là người thầy dạy chúng ta biết cách cầu nguyện này, bởi vì không một ai biết chiêm ngưỡng Đức Giêsu, với môt cái nhìn đức tin, và đón nhận trong lòng mình những tiếng vọng thân tình của Chúa Giêsu đang hiện diên qua nhân tính và thần tính của Người nhiều hơn và tốt hơn Mẹ. Nhờ lời bầu cử của Mẹ, ước gì một niềm tin đích thực và sâu xa vào Mầu nhiệm Thánh Thể được lan rộng và lớn lên trong cộng đoàn Giáo Hội.