10/01/2025

Hồi sinh từ tình yêu thương

Nguyễn Công Minh 
(25 tuổi) mắc bệnh lao phổi giai đoạn cuối. Minh đã buông trôi cuộc đời mình, nằm ghế đá ở khu vực P.Bồ Đề (Q.Long Biên, TP Hà Nội) cả tháng trời để chờ chết. Không ai hỏi han, đoái hoài gì Minh cho đến khi chị ấy xuất hiện…

 

Hồi sinh từ tình yêu thương

 

Nguyễn Công Minh 
(25 tuổi) mắc bệnh lao phổi giai đoạn cuối. Minh đã buông trôi cuộc đời mình, nằm ghế đá ở khu vực P.Bồ Đề (Q.Long Biên, TP Hà Nội) cả tháng trời để chờ chết. Không ai hỏi han, đoái hoài gì Minh cho đến khi chị ấy xuất hiện…



 

 

Chị Hoa cắt tóc cho Minh trong những lần lên thăm tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 4 - Ảnh: T.Lụa
Chị Hoa cắt tóc cho Minh trong những lần lên thăm tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 4 – Ảnh: T.Lụa
Xin hãy tin em, tin nó. Xin hãy cho nó cơ hội được ăn uống, chữa trị miễn phí. Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa, cứu một mạng người bằng xây bảy toả tháp…
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa (45 tuổi, có một gia đình hạnh phúc với chồng và hai con) nói rằng chỉ nhớ lần đầu tiên gặp Minh là buổi sáng một ngày trong tháng 9-2014. Còn Minh thì không quên ngày 10-9 vì đó là “một ngày quan trọng của cuộc đời em”.

Buổi sáng ấy, khi chị Hoa vừa gội đầu xong cho khách thì mẹ chị hớt hải từ ngoài phố chạy về bảo “có một người sắp chết”.

“Xin hãy tin em, tin nó”…

Chạy xe đạp ra ngoài kiểm tra, chị thấy một người nằm run rẩy, co ro trên ghế đá, cả cơ thể như một bộ khung chỉ có da bọc xương, đang nằm thở hổn hển. Nghĩ bụng chắc là bị nghiện nhưng chị Hoa vẫn tìm người đưa đi cấp cứu.

Chị cầu cứu bao nhiêu người xung quanh, ai cũng lắc đầu vì sợ liên lụy. Sau khi chị Hoa năn nỉ kèm theo lời hứa sẽ đi theo chứ không bỏ rơi người bệnh, một người đàn ông cũng đồng ý chở cậu sang Trung tâm Y tế P.Bồ Đề.

Rồi chị Hoa vội vàng đến trụ sở Công an P.Bồ Đề để hỏi thông tin. Những gì chị biết thêm về người bệnh ấy là cái tên Nguyễn Công Minh (sinh năm 1990, trú ở tổ 5, P.Bồ Đề), không có bố, mẹ đã chết, lớn lên ở trại trẻ mồ côi.

Chị Hoa nhờ công an đóng dấu xác nhận những thông tin ấy rồi tất tả trở lại Trung tâm Y tế P.Bồ Đề. Khi chị về đến nơi thì nhân viên trung tâm bảo bệnh của Minh nặng nên họ đã thuê xe ôm chuyển Minh lên Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cấp cứu.

“Vội vàng thuê xe ôm đuổi theo đến cổng bệnh viện thì tôi thấy Minh nằm còng queo ở ghế đá” – chị Hoa rớm nước mắt kể lại. Chị nhờ bác xe ôm đưa Minh vào bệnh viện nhưng vì không có tiền, lại không có giấy tờ tùy thân nên bệnh viện không nhận.

Chị cứ đưa Minh từ khoa này sang khoa khác. 13g, vị bác sĩ thấy chị tóc tai bù xù, mắt đỏ hoe, người sắp lả đi vì từ sáng chưa ăn gì liền gọi điện thoại cho lãnh đạo bệnh viện.

Vậy là gấp rút Minh được thở oxy, được khám sàng lọc, được thử máu để phát hiện không nghiện ma tuý. Bệnh viện điều xe cấp cứu chuyển Minh lên Bệnh viện Phổi trung ương.

Sau này, Minh kể lại lúc đó vì kiệt sức không đi, không nói được nhưng vẫn nghe thấy và biết cô Hoa phải khổ sở thế nào khi xin cho mình được nhập viện.

Với tờ giấy xác nhận Minh không nhà cửa, không giấy tờ tuỳ thân, nhân viên Bệnh viện Phổi trung ương và sau này là Bệnh viện Phổi Hà Nội đều hoài nghi, không nhận Minh vào chữa trị.

“Xin hãy tin em, tin nó. Xin hãy cho nó cơ hội được ăn uống, chữa trị miễn phí. Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa, cứu một mạng người bằng xây bảy toà tháp…”- chị càng năn nỉ, người ta lại càng không tin chị vì một người xa lạ mà làm việc đó.

Họ nghĩ chị là người nhà của Minh nhưng giả vờ không quen biết để được chữa trị miễn phí. 16g, khi chị Hoa mệt mỏi oà khóc thì Minh mới được làm thủ tục nhập viện. Sau khi có kết quả chụp chiếu, vị bác sĩ gọi chị vào lắc đầu bảo: “Bệnh lao phổi giai đoạn cuối, phổi nó trắng hết rồi, khó qua khỏi!”.

Nhờ bảo vệ bệnh viện và người xung quanh trông Minh, chị Hoa trở về P.Bồ Đề, gặp các hội ở phường xin cho Minh được 5 triệu đồng. Rồi chị quay trở lại uỷ ban phường xin xác nhận hoàn cảnh của Minh gửi bệnh viện để Minh được điều trị miễn phí.

Khi bệnh viện trả lời bệnh của Minh không thể nào chữa khỏi, người họ hàng xa của Minh cũng đã làm đơn xin tổ dân phố một suất đất để nếu Minh chết thì có nơi chôn cất.

Riêng chị Hoa vẫn một mình chuyển Minh đi các bệnh viện theo chỉ định của bác sĩ. Nằm ở Bệnh viện Phổi Hà Nội tròn một tháng, Minh được chuyển lên Trung tâm Bảo trợ xã hội số 4 (xã Tây Đằng, huyện Ba Vì).

Từ cõi chết trở về

Chúng tôi tình cờ biết câu chuyện của chị Hoa và Minh ngày 16-5, khi về thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội số 4. Ông Nguyễn Văn Bằng, giám đốc trung tâm, kể:

“Tối qua mưa to gió lớn mà 9g tối còn có người gõ cửa trung tâm để vào thăm Minh. Chị ấy xin ngủ lại trung tâm một đêm để sáng mai cắt tóc miễn phí cho các đối tượng ở đây”.

Theo chân ông Bằng xuống khu nhà nữ, chúng tôi thấy các thành viên trong trung tâm đang xếp hàng dài chờ đến lượt được cắt tóc. Dưới khoảng sân nhỏ, Minh nhẫn nại dùng tôngđơ cắt ngắn tóc cho mọi người để chị Hoa sửa lại.

Nhìn Minh khỏe mạnh, hoạt bát, ông Bằng nói: “Ngày được đưa vào trung tâm, nó vẫn phải thở oxy và ngồi xe lăn. Trung tâm tiếp tục đưa Minh đi chữa trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Sơn Tây. Bác sĩ bảo bệnh của nó không thể chữa khỏi, phải gọi gia đình đến sớm để lo hậu sự. Vậy mà sau sáu tháng ở đây, nó khỏe lại rất nhiều. Thật kỳ diệu!”.

Mẹ Minh qua đời vì bệnh lao năm em 9 tuổi. Một năm sau, cậu bé được đưa vào làng trẻ em mồ côi Birla (Q.Cầu Giấy). Tuổi mới lớn bồng bột, Minh hay quậy phá, bỏ học rồi trốn khỏi trung tâm. Đi học nghề Minh cũng bỏ ngang vì chán nản. Em phát bệnh lao từ năm 2013.

“Cậy mình sức trẻ, em nghĩ bệnh tật chắc không sao. Đến khi bệnh tình ngày càng trở nặng thì không có tiền chữa trị. Em ở nhờ nhà người chị ở P.Bồ Đề một thời gian, nhưng đến khi bệnh nặng quá thì em ra ghế đá nằm.

Lúc đó em nghĩ mình sắp đi rồi, thậm chí mong mình chết sớm vì mệt quá. Nằm bệt ba ngày không đi lại được thì gặp cô Hoa” - Minh kể.

Tháng 2-2015, khi chị Hoa lên Ba Vì thăm, thấy Minh yếu quá, chị đã xin cho Minh được về nhưng trung tâm bảo chị không phải là người nhà nên không được bảo lãnh.

Chị về kêu gọi người thân quen giúp đỡ, nhưng ai từng nghe qua câu chuyện của Minh đều lắc đầu bảo: “Nếu giúp đỡ mà nó chết thì phí quá”.

Vậy mà lần này đến thăm Minh, chị ngạc nhiên khi thấy cậu đã khoẻ hơn nhiều. “Cháu không phải thở oxy, đã tăng hơn 10kg rồi” – nghe Minh khoe mà chị Hoa rơm rớm nước mắt.

Biết Minh thèm một tô bún chả, sáng mai chị đã dậy thật sớm ra cổng trung tâm nhờ xe ôm chạy ra phố mua cho Minh. Tiền xe ôm đắt gấp đôi tiền tô bún.

Cuộc đời đáng sống

Minh bảo mình từ cõi chết trở về nên lần này đã thay đổi thật rồi. “Thay đổi thế nào?” – chị Hoa cười hỏi. “Nếu chị và cô không tin thì có thể hỏi nhân viên trung tâm xem cháu ở đây thế nào” – Minh tự tin bảo vậy.

Hỏi thế thôi nhưng chị Hoa đã nghe giám đốc trung tâm, nhân viên y tế và các chị nuôi khen Minh hiền lành, rất biết giúp đỡ người khác và chăm chỉ tập thở để chống chọi với bệnh tật. “Lần này có trung tâm, có cô Hoa giúp đỡ chứ chắc gì đã có lần thứ hai.

Em sẽ sống và tự lập vì không muốn phụ công những người đã giúp đỡ em trong thời gian qua” – Minh nói thế. Quen với góc phố, bụi đường từ nhỏ, Minh không nói được những câu quá dài, quá tình cảm nhưng những ai chứng kiến quá trình Minh hồi sinh thì đều tin rằng em đã thật sự đổi thay.

Điều gì khiến chị thương Minh và gắn bó với một người xa lạ như thế? Chị Hoa không trả lời câu hỏi của chúng tôi mà trầm tư kể về Minh: Lúc bé phải vào trại trẻ mồ côi. Lớn lên không ai dạy dỗ, bệnh tật không có tiền chữa bệnh, phải lăn lóc hết góc phố nọ đến góc phố kia, rồi chịu đựng mưa gió bão bùng, bữa no bữa đói.

“Thấy người nghèo khổ phải nán lại, tôi không bao giờ đi qua vì bất cứ lý do gì. Xã hội có bao nhiêu người khổ, được như mình là sung sướng lắm rồi. Không có tiền thì mình giúp công…” – với suy nghĩ giản dị như thế, chị Hoa sẵn sàng dừng xe chở người già, trẻ em qua bên kia cầu Long Biên để họ đỡ phải đi bộ một đoạn đường dưới trời trưa nắng rát.

Chị sẵn lòng tìm đường đưa một đứa trẻ đi lạc về tận nhà, chị mua vội mấy xiên thịt nướng đuổi theo dúi vào tay cậu bé lang thang đường phố khi biết cậu đói ăn.

Cửa hàng cắt tóc, gội đầu nữ mà chị Hoa mở tại nhà ở P.Bồ Đề thường vắng khách vì thỉnh thoảng chị lại đóng cửa theo bạn bè đi tặng quà cho người nghèo.

Khi Minh ốm nằm một chỗ, đến bà bán phở cũng không dám bán cho Minh vì sợ mất khách. Nhiều người mắng chị: “Hơi đâu mà giúp nó, lỡ lây bệnh thì sao”. Chị bảo: “Ai cũng nghĩ thế thì trên đời này có ai đi giúp đỡ người khác”.

Chiều thứ bảy, Minh bịn rịn tiễn chị Hoa ra về. Dưới khoảng sân trung tâm bảo trợ xã hội đầy nắng chiều, Minh ngoéo tay với chị Hoa và lặp lại lời hứa: “Cháu sẽ tập hít thở và ngồi thiền đều đặn để chữa bệnh, cô cứ yên tâm nhé!”.

Sau hôm ấy, chị Hoa khoe Minh vừa được đưa đi tái khám sau đợt điều trị thuốc kéo dài. Bác sĩ nói bệnh tình của Minh đã có nhiều tiến triển, phổi vẫn còn khí nhưng không còn dịch.

Ai cũng nghĩ chính tình yêu thương của chị Hoa và những người không máu mủ xung quanh Minh là liều thuốc tinh thần quý báu không một loại thuốc đắt tiền nào sánh được đã giúp Minh trụ lại với trần gian này…

“Tôi tin rằng nó sẽ tiếp tục sống”

Trưa 15-5, chị Hoa đón xe buýt từ bến xe Gia Lâm sang bến xe Mỹ Đình để về huyện Ba Vì thăm Minh. Lần này vào thăm, chị Hoa mua cho Minh và các nhân viên hai quả dưa hấu, 1kg mận, một hộp sữa bột để Minh bồi bổ sức khoẻ.

Chị còn cẩn thận mua cho bạn cùng phòng của Minh chiếc card điện thoại để có gì Minh còn gọi nhờ.

Trước khi ra về, chị Hoa gửi vào trung tâm 2,7 triệu đồng để Minh thích ăn gì thì nhờ các cô ở trung tâm đi mua.

Chị nói như tiếc rẻ: “Hôm trước gom mãi được 5 triệu đồng, tính đi thăm nó nhưng để lâu quá tiêu mất, lần này đi chỉ gom được hơn 3 triệu đồng”.

Trên chuyến xe buýt từ huyện Ba Vì về TP Hà Nội dài 60km, chị Hoa bày tỏ với chúng tôi: “Không hiểu sao chị luôn có một niềm tin rằng nó sẽ sống, nó sẽ tiếp tục sống! Giờ mà có tiền mua thêm thuốc cho Minh thì tốt quá”.

Và chị kể về những dự định sắp tới cho Minh: nếu Minh khỏe chị sẽ dạy cậu nghề cắt tóc gội đầu, nếu Minh không có chỗ ở chị sẽ cho cậu ở nhờ nhà, miễn là Minh được sống và làm việc có ích cho xã hội. 

TÂM LỤA