11/01/2025

Có thể đối thoại ba bên: Công giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo?

Hội nghị 3 ngày “Nostra Aetate – Kỷ niệm 50 năm Giáo hội Công giáo đối thoại với Do Thái giáo và Hồi giáo” đã kết thúc hôm thứ Năm 21-05 tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ (CUA) ở Washington DC. Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Hiệp nhất Kitô giáo, đặc trách đối thoại với người Do Thái – Đức Hồng y Kurt Koch – cũng tham dự Hội nghị này. Ngài nói rằng Tuyên ngôn Nostra Aetate là một điểm mốc trong quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và các tôn giáo khác.

Có thể đối thoại ba bên: Công giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo?
 
WHĐ (23.05.2015) / Vatican Radio – Hội nghị 3 ngày “Nostra Aetate – Kỷ niệm 50 năm Giáo hội Công giáo đối thoại với Do Thái giáo và Hồi giáo” đã kết thúc hôm thứ Năm 21-05 tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ (CUA) ở Washington DC. Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Hiệp nhất Kitô giáo, đặc trách đối thoại với người Do Thái – Đức Hồng y Kurt Koch – cũng tham dự Hội nghị này. Ngài nói rằng Tuyên ngôn Nostra Aetate là một điểm mốc trong quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và các tôn giáo khác.

Nhưng Đức Hồng y Koch cũng lưu ý rằng đang khi Giáo hội tiến hành các cuộc đối thoại song phương với các nhà lãnh đạo Do Thái giáo và Hồi giáo, thì có thể là quá sớm để tham gia vào một cuộc đối thoại “ba bên” giữa ba tôn giáo độc thần.

“Chúng ta không có đối thoại ba bên và đối với chúng ta vẫn còn quá sớm để thực hiện điều này vì đôi khi chúng ta nói về một công cuộc đại kết giữa con cháu Abraham – điều này rất rõ ràng – đó là một vấn đề hay. Nhưng mặt khác, chúng ta có một lối giải thích còn rất khác nhau về Abraham và chúng ta không thể phủ nhận vấn đề này. Và trong các cuộc thảo luận liên tôn, đề cập đến sự khác biệt giữa chúng ta trong việc chú giải về Abraham cũng là điều rất quan trọng.”

Được hỏi liệu các nhà lãnh đạo Hồi giáo và Do Thái giáo có sẵn sàng tham gia một cuộc đối thoại như thế không và điều đó có thể mở đường cho việc cải thiện quan hệ giữa ba tôn giáo này hay không, Đức Hồng y Koch trả lời: “Chúng tôi hy vọng trong tương lai có thể đi theo hướng này, nhưng trong mỗi tôn giáo cũng đã có những ý kiến trái chiều. Chúng ta có các nhà lãnh đạo Hồi giáo và Kitô giáo cởi mở, nhưng chúng ta cũng gặp sự chống đối trong cả ba tôn giáo. Trong Giáo hội Công giáo, chúng ta còn có sự chống đối Tuyên ngôn Nostra Aetate nữa. Cũng là những nhóm này, họ chống đại kết, chống đối thoại liên tôn, chống tuyên ngôn tự do tôn giáo. Và tôi nghĩ rằng họ là thiểu số. Chúng ta phải tiến bước trên nền tảng của Công đồng Vatican II là thẩm quyền của Giáo hội Công giáo và không thể phủ nhận ảnh hưởng rất quan trọng này.”