22/01/2025

Thư giải đáp thắc mắc về dự án Thư viện điện tử Công giáo Việt Nam

Trong 3 tuần qua, chúng tôi nhận được khá nhiều thư của các bạn gửi về để đóng góp ý kiến xây dựng, có nhiều bạn gửi các files sách cho Thư viện này. Có anh chị còn viết thư sẵn sàng gửi tiền cho chúng tôi làm phương tiện thực hiện và không ít các bạn đưa ra các câu hỏi liên quan. Vì thế chúng tôi xin trả lời qua thư chung này với lòng biết ơn chân thành về mọi đóng góp của quý bạn.

  

Thư giải đáp thắc mắc

về dự án Thư viện điện tử Công giáo Việt Nam

Tp. HCM, ngày 20/05/2015

Quý bạn độc giả thân mến,

Trong 3 tuần qua, chúng tôi nhận được khá nhiều thư của các bạn gửi về để đóng góp ý kiến xây dựng, có nhiều bạn gửi các files sách cho Thư viện này. Có anh chị còn viết thư sẵn sàng gửi tiền cho chúng tôi làm phương tiện thực hiện và không ít các bạn đưa ra các câu hỏi liên quan. Vì thế chúng tôi xin trả lời qua thư chung này với lòng biết ơn chân thành về mọi đóng góp của quý bạn.

1. Thư viện điện tử Công giáo Việt Nam là gì?

 - Thư viện Điện tử Công giáo Việt Nam là nơi lưu trữ sách báo, tài liệu của tiền nhân viết trong quá khứ hoặc các văn nghệ sĩ sáng tác trong thời hiện tại và tổ chức cho các bạn đọc trong nước cũng như ngoài nước, không phân biệt tôn giáo, có thể sử dụng chúng dễ dàng, đồng thời cũng để lưu giữ chúng cho thế hệ mai sau.

– Gọi là Thư viện Công giáo vì tập trung và dành ưu tiên cho tác phẩm của người Công giáo. Tuy nhiên, thư viện cũng mở rộng cho mọi tác phẩm ngoài Công giáo để bất cứ ai muốn cống hiến cho cộng đồng xã hội đều có thể gửi sách báo, tài liệu của mình vào Thư viện này.

+ Thật ra, không phải sách báo nào cũng đáng lưu trữ và sử dụng, vì có những sách sai lạc về tín lý, luân lý hay cổ vũ những điều tiêu cực gây chia rẽ, hiểu lầm. Đối với những loại sách này, bộ phận thu thập và phân loại sẽ thẩm định giá trị để có thể vẫn được lưu giữ nhưng không đưa vào danh mục độc giả tự do sử dụng để tránh phổ biến những sai lầm. Những ai cần nghiên cứu, xin liên lạc với người quản thủ thư viện để giải mã số bảo mật cho việc sử dụng sách.

2. Thư viện điện tử Công giáo Việt Nam được tổ chức như thế nào?

2.1. Ban Sáng lập.

Thư viện này được một nhóm anh em có sáng kiến thành lập, đứng đầu nhóm là Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh và các anh em sau đây:

– Lm. Giuse Phạm Bá Lãm

– Lm. Gioan Phêrô Võ Tá Khánh

– Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

– Anh Tôma Nguyễn Trí Dũng

– Anh Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

– Anh Giuse Nguyễn Trọng Đa

-Anh Philipphê Nguyễn Ngọc Phượng

– Anh Giuse Phạm Văn Tại

– Anh Gioan Baotixita Lê Hải Nam

– Anh Gioan Baotixita Lưu Văn Lộc

– Anh Giuse Trần Quý Hiệp

– Anh Giuse Nguyễn Đức Khang

 2.1. Ban Quản trị

Thư viện này có một Ban quản trị để quản lý và điều hành mọi công việc của Thư viện. Ban Quản trị gồm những anh chị em đảm nhận các công tác sau đây:

– Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn: Chủ nhiệm, điều hành chung,

– Lm. Giuse Phạm Bá Lãm: Phó chủ nhiệm quản lý tài chính, vật chất, cung cấp các phương tiện làm việc, tiếp nhận các đóng góp tiền bạc, sách báo, tài liệu cho Thư viện.

– Lm. Phêrô Võ Tá Khánh : Trưởng ban Văn nghệ, phụ trách về thơ, văn, giới thiệu các sách mới, sáng tác mới trên trang web, đưa bài lên các mục mình phụ trách trên trang web.

– Anh Giuse Nguyễn Trọng Đa phụ trách phần thu thập, chọn lọc các sách báo, tài liệu.

– Anh Giuse Phạm Văn Tại, Nguyễn Ngọc Phượng: phụ trách phân loại, sắp xếp, đánh mã số các sách báo, tài liệu.

– Anh Giêrônimô Nguyễn Văn Nội phụ trách việc chọn lựa, đánh giá các tài liệu thần học, Thánh Kinh trước khi xử lý.

– Anh Thomas Nguyễn Trí Dũng: phụ trách phần đánh giá các tác phẩm khác, ngoài lĩnh vực thần học, Thánh Kinh, để chọn lựa, phân loại.

– Anh J.B. Nguyễn Hải Nam phụ trách phần xử lý dữ liệu, thiết kế các dự án phát triển Thư viện.

– Anh Giuse Trần Quý hiệp phụ trách phần thiết kế trang Web, quản lý dữ liệu trong kho lưu trữ, phối hợp với anh Nam và các kỹ sư tin học để chuyển các dữ liệu xử lý thành các sách điện tử (e-book) hoà nhập với hệ thống e-book toàn cầu.

 - Anh Lưu Văn Lộc: phụ trách các phần dịch thuật cho các sách ngoại ngữ, viết phần đánh giá tác phẩm để đưa lên trang web.

– Anh Giuse Nguyễn Đức Khang phụ trách phần liên lạc với các anh em hải ngoại để vận động sự giúp đỡ và thu thập các tác phẩm ở nước ngoài.

– Chị Anna Nguyễn Thị Mai Trang: Quản thủ Thư viện, phụ trách phần quản lý trang web, đưa tin lên trang web, trả lời các thư liên lạc.

3. Thư viện điện tử Công giáo Việt Nam được thực hiện như thế nào?

Công việc thư viện được thực hiện theo những bước như sau:

3.1. Bước đầu tiên:Thu thập, chọn lọc, phân loại và sắp xếp:

3.1.1. Thu thập

Trong dòng lịch sử dân tộc Việt Nam từ 1.000 năm qua cũng như Giáo Hội Việt Nam từ 400 năm qua, khi tổ tiên chúng ta bắt đầu sáng tác những áng văn thơ trên giấy Dó, ước tính đã có hàng chục ngàn tác phẩm. Tuy nhiên rất nhiều tác phẩm trong số đó đã bị huỷ hoại do sự bất cẩn của con người và sự khắc nghiệt của môi trường nóng và ẩm của Việt Nam. Vì thế Thư viện tích cực thu thập tất cả những tác phẩm còn sót lại của tiền nhân để có thể giới thiệu cho người đọc. Các sách báo, tài liệu này đến từ nhiều nguồn khác nhau:

– Từ những cá nhân và tập thể (như dòng tu, chủng viện, tổ chức, cộng đồng, thư viện khác…) là chủ nhân của các tác phẩm. Họ cho phép Thư viện được quyền sử dụng tác phẩm của mình để lưu trữ trong Thư viện và giới thiệu cho mọi người sử dụng với mục đích là để phổ biến và bảo tồn văn hoá Việt Nam.

– Từ những cá nhân và tập thể gửi về Thư viện các tác phẩm, tuy không phải của họ, nhưng đã thu thập được từ trước, bây giờ họ nhờ thư viện trình bày trên website cho mọi người biết và truy cập, nếu những tác phẩm đó không cần xin phép tác giả, hoặc tác giả không đòi tác quyền.

– Từ những độc giả có thiện cảm với thư viện, tuy không trực tiếp gửi các tập tin (files), nhưng thấy tác phẩm ích lợi cho nhiều người đọc, nên đã gửi tới Thư viện những đường kết nối (links) để người đọc có thể biết và truy cập chúng ở các địa chỉ liên kết.

– Tác phẩm sẽ được phân loại theo nguồn thu thập để bạn đọc có thể liên lạc với người làm chủ tác phẩm.

3.1.2. Chọn lọc, phân loại cho mã số từng tác phẩm để sắp xếp

– Để tiện việc lưu trữ và sử dụng: tất cả các sách báo, tài liệu thu thập được, sẽ được chọn lọc, phân loại và sắp xếp theo hệ thống thập phân của Melvil Dewey. Hệ thống này đã được hai linh mục G. Courtois và J. Pihan khai triển, áp dụng cho các sách báo Công giáo. Các tác phẩm đến từ các cơ quan, thư viện khác, dù đã được phân loại, cũng sẽ được phân loại và sắp xếp lại theo hệ thống mới của Thư viện này.

– Vì là Thư viện Điện tử Công giáo nên chúng tôi dành 8 phần cho các khoa học Kitô giáo, 1 phần (phần đầu, số 0) cho Kiến thức phổ thông và 1 phần (phần cuối, số 9) cho lĩnh vực giáo dục. Chúng tôi không phân loại theo tầm cỡ thư viện quốc gia hay quốc tế với số lượng hàng triệu cuốn sách thuộc đủ mọi lĩnh vực.

Trong hệ thống thập phân này các sách báo được phân loại theo nội dung, chia thành 10 đại mục, đánh số từ 0 đến 9. Mỗi đại mục lại được chia thành 10 phần nhỏ hơn gọi là trung mục, được đánh số từ 00 đến 99. Mỗi trung mục lại được chia thành 10 phần nhỏ chi tiết hơn, gọi là tiểu mục, đánh số từ 000 đến 999.

– Chúng tôi đã gửi 1 tập sách nhỏ, tên là Phiếu tài liệu theo hệ thống thập phân, dày 72 trang, có ghi sẵn các mục cho các anh chị em phụ trách công việc phân loại này.

Các đại mục:

0. Kiến thức cơ bản

1. Thánh Kinh

2. Tín lý

3. Luân lý và tu đức

4. Ân sủng và bí tích

5. Phụng vụ

6. Giáo sử – Giáo luật

7. Công đồng – Thông điệp – Văn kiện

8. Mục vụ

9. Giáo dục – Sư phạm

Trong Đại mục 0: Kiến thức cơ bản, chúng tôi chia thành các trung mục:

00. Thư mục tổng quát

01. Triết học

02. Tôn giáo

03. Khoa học xã hội

04. Ngôn ngữ

05. Khoa học thuần tuý

06. Khoa học thực dụng

07. Nghệ thuật

08. Văn học

09. Sử học – Địa lý

Trong Trung mục 00: Thư mục tổng quát, chúng tôi chia thành các tiểu mục:

000. Kiến thức (vấn đề học hỏi, phương pháp khảo cứu, truyền đạt…)

001. Các loại thư tịch và thư mục

002. Thư viện học (tổ chức, điều lệ…)

003. Tự điển – Tự điển bách khoa

004. Tạp chí – Almanac – Niên giám

005. Nhật báo

006. Công báo

007. Những sách hiếm, quý…

008.

009.

Thí dụ: Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo của Uỷ ban Giáo lý Đức tin trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, xuất bản năm 2010 được ghi mã số 208 vì thuộc đại mục 2 (tín lý), trung mục 20 (tín lý tổng quát), tiểu mục 208 (Giáo lý Hội Thánh Công giáo). Các sách giáo lý như Bản toát yếu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, xuất bản năm 2007, Sách Giáo lý Tân Định… đểu được ghi mã số này (x. Phiếu tài liệu theo hệ thống thập phân [dành cho Công giáo]).

 

3. 2. Bước 2 : Xử lý dữ liệu

Sau đó, sách báo “sống” in trên giấy được số hoá thành các dữ liệu dưới các định dạng thông dụng nhất để mọi người dễ sử dụng. Văn bản được lưu trữ dưới dạng các tập tin (files) Word 2003 (hoặc 2007), font chữ Unicode. Các hình ảnh, tập tin video hay âm thanh sẽ được chuyển về các định dạng phổ biến nhất và ít chiếm dung lượng nhất cho độc giả dễ truy cập.

– Các tác phẩm đã được số hoá, gửi về Thư Viện qua đĩa hay qua các files cũng sẽ được kiểm tra các dạng thức chữ (Word, Unicode) hay hình ảnh (PDF) để có sự dồng nhất.

– Công việc “số hoá” các tác phẩm “sống” này được thực hiện như sau: tác phẩm sẽ được chụp qua máy photocopy hay quét qua máy “scanner” thành tập tin dữ liệu. Các dữ liệu này sẽ được chuyển qua một chương trình để “đọc lại” thành các tập tin dạng chữ tự động, thay vì phải thuê người đành máy. Tuy nhiên, vì các bản văn tiếng Việt có nhiều dấu nên việc chuyển hoá tự động luôn có những sai sót và cần người có người đọc lại, so sánh với nguyên bản và hiệu đính. Đây là công việc nặng nhọc, tốn tiền bạc, thời gian nhất. Trung bình 1 cuốn sách với nội dung 100 trang khổ A 4, thân chữ 12,  sẽ tốn khoảng 200.000 đ tiền chụp dữ liệu và 10-20 giờ kiểm tra, hiệu đính.

– Thư viện cũng lưu trữ những tài liệu viết tay của các tác giả. Thí dụ tài liệu nghiên cứu của Lm. Thanh Lãng với vài ngàn trang giấy viết tay, rất ích lợi cho các nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam hay cho các sinh viên làm luận văn. Các tài liện này cũng sẽ phải được số hoá bằng việc chụp ảnh hay quét (scan). Nếu cần phải thuê người đánh máy một số thành văn bản. Đây cũng là công việc nặng nhọc, tốn tiền bạc, thời gian.

– Một số tác phẩm được các thư viện khác lưu trữ bằng những bản vi phim (microfilm), muốn cho độc giả biết và sử dụng các tác phẩm này, Thư viện cũng phải chuyển hoá thành các dữ liệu thông thường.

3.3. Bước 3: Lưu giữ trong kho và giới thiệu trên website

– Các sách báo, tài liệu sau khi được số hoá sẽ được lưu trữ trong một kho, như các sách được lưu trữ trong một toà nhà cụ thể, gọi là Kho dữ liệu (server). Kho dữ liệu này tuỳ theo số sách nhiều hay ít, số trang sách lớn hay nhỏ, được thuê để chứa trong một thời gian lâu dài. Tiền thuê sẽ trả hàng năm.

– Các tác phẩm lưu giữ trong kho được phân loại dữ liệu và công cụ tìm kiếm tiện dụng và khoa học như một thư viện thực thụ: theo Đề mục, tên tác phẩm, tên tác giả, loại dữ liệu như trong một thư viện hiện đại gọi là các sách điện tử (e-books).

– Mỗi tác phẩm có một mã số riêng vừa là mã số lưu trữ và cả mã số truy cập.

– Theo dự tính, Thư viện này có thể đưa vào mỗi năm khoảng 200 đầu sách, mỗi cuốn có nội dung 100 trang A4, với 1.000 từ Việt mỗi trang, thì số lượng lưu trữ trong vòng 20 năm, thư viện phải lưu trữ khoảng 4.000 sách mới với khoảng 400.000.000 từ, chưa kể các file hình ảnh và âm thanh.

-Trong thực tế hiện nay, nếu chúng tôi xin chuyển được các sách của thư viện Dũng Lạc và kho sách Hán Nôm của hai cố linh mục Thanh Lãng và Nguyễn Hưng, các sách của các cha giáo sư và anh em học viên của Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Đà Lạt vào Thư Viện này, thì số sách có ngay khoảng 2.000 cuốn, chưa kể hàng chục ngàn sách khác của các tác giả và độc giả khác muốn gửi vào. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi kinh phí lớn và nhiều thời gian để xử lý các tác phẩm đó thành số hoá. Chúng tôi hy vọng có những vị ân nhân và các tình nguyện viên giúp đỡ chúng tôi thực hiện công trình này.

– Do đó, để tiết kiệm tài chính, tạm thời chúng tôi mượn tạm 1 server ở bên Việt Nam để thực hiện trong giai đoạn đầu. Sau đó tính tới việc thuê hẳn 1 server ở Hoa Kỳ để bảo đảm an toàn các dữ liệu, truy cập nhanh cho mọi người trên khắp thế giới. Giá thuê 1 server vào khoảng 5,000 đến 8,000 USD/năm.

3.4. Bước 4: Giới thiệu trên website

– Thư viện sẽ lập một website mang tên Thư viện Công Giáo Việt Nam để giới thiệu các sách báo, tài liệu lưu trữ cho người đọc có thể vào xem hay tải về sử dụng. Trang này có tên miền là: thuvienconggiao.net với địa chỉ liên lạc là [email protected].

– Trên trang chủ của website này, sẽ có nhiều ô nhỏ, chứa các đề mục để giới thiệu những tác phẩm đã được số hoá. Người đọc chỉ cần gõ vào ô tìm kiếm theo tên sách, tên tác giả, tên chủ đề sẽ thấy hiện ra mã số của các sách trong mỗi mục và tác phẩm muốn tìm:

– Các đề mục chính là:0. Kiến thức cơ bản, 1. Thánh Kinh, 2. Tín lý, 3. Luân lý và tu đức, 4. Ân sủng và bí tích, 5. Phụng vụ, 6. Giáo sử – Giáo luật, 7. Công đồng – Thông điệp – Văn kiện, 8. Mục vụ, 9. Giáo dục – Sư phạm.

– Ngoài ra còn có một số mục khác để cổ vũ và phát triển nền văn hoá Công giáo như:

Vườn hồng: giới thiệu sách mới cho thiếu nhi.

Tuổi hoa: giới thiệu sách mới cho thanh thiếu niên..

Vườn thơ: giới thiệu những áng thơ hay, có giá trị của các nhà thơ Công giáo.

Quán Văn: giới thiệu những sáng tác mới và có giá trị của các văn nghệ sĩ Công giáo (truyện, tiểu thuyết, bút ký, hội hoạ, kiến trúc, nhiếp ảnh, nhạc, video clip…).

Cửa hàng sách: giới thiệu sách báo, tài liệu có giá trị và mới xuất bản ở Việt Nam cho độc giả (không phải Công giáo).

Kho sách Hán Nôm: giới thiệu những công trình nghiên cứu Hán Nôm Công giáo

Kho sách Nói: dành cho người khiếm thị.

Giao lưu: giải đáp thắc mắc cho các độc giả về thư viện.

Danh sách ân nhân: nêu tên người đóng góp sách báo, tài liệu, nguồn lực, tài chính cho Thư viện.

– Trên trang web này, mỗi tác phẩm có một đoạn giới thiệu ngắn, xuất hiện trong mỗi ô nhỏ của đề mục, khoảng 50 đến 100 từ để giúp người đọc biết về nội dung trước khi quyết định truy cập hay tải về.

 4. Việc truy cập trên website có phải trả phí?

– Người đọc truy cập với tư cách nghiên cứu cá nhân được hoàn toàn miễn phí và truy cập không giới hạn. Tuy nhiên một vài tác phẩm có thể được mã hoá để hạn chế việc truy cập do nội dung có những điểm tiêu cực (Thí dụ: Sách Tây Dương Gia Tô Bí Lục) hay cần xác định độ tuổi (Thí dụ: Sách Hình về giới tính và quan hệ tình dục).

– Việc truy cập các file dữ liệu thuộc quyền sở hữu của Thư viện nhằm mục đích in ấn, xuất bản thành sách để bán, hay nghiên cứu, in thành văn bản để đạt các học vị của cá nhân hay tập thể đều phải được sự đồng ý bằng văn bản của Ban Quản Trị Thư Viện và phải trả một phần phí cho việc thực hiện các file dữ liệu đó.

5. Quyền sở hữu của Thư viện

– Thư viện chỉ giữ quyền sở hữu đối với những tác phẩm đã được uỷ thác cho Thư viện từ những cá nhân và tập thể muốn nhượng quyền sở hữu tác phẩm của mình để từ nay Thư viện quản lý chúng. Trên trang Web sẽ có mã số chỉ rõ tác phẩm nào thuộc quyền sở hữu của Thư Viện.

– Các tác phẩm khác được tác giả hay người nắm quyền sở hữu cho Thư viện mượn để số hoá và đưa vào cho Thư viện sử dụng thì Thư viện chỉ có tác quyển trên dữ liệu điện tử mà thư viện đã bỏ công sức, tiền bạc ra thực hiện mà thôi. Các cá nhân và tập thể vẫn giữ nguyên tác quyền đối với tác phẩm vật thể của họ và có quyền trao tặng cho người khác sử dụng theo ý mình.

– Thư viện không có tác quyền trên những tác phẩm mà bạn đọc gửi tới qua đường kết nối (link) hay trao cho mà không có giấy uỷ quyền.

– Thư viện tha thiết xin các tác giả, các văn nghệ sĩ, các tổ chức có quyền sở hữu tác phẩm như các cá nhân, cộng đồng dòng tu, các nhà xuất bản và các thư viện khác gửi các tác phẩm mình sở hữu về choThư viện Điện tử Công giáo Việt Nam mà không đòi hỏi bất cứ một điều kiện tài chính nào. Lý do là vì Thư viện này được lập ra hoàn toàn vì mục đích phục vụ cộng đồng Dân Chúa và nhân loại cách vô vị lợi mà không đòi hỏi ai bất cứ điều kiện nào.

– Trong trường hợp vì một lý do bất ngờ ngoài ý muốn, mà Thư viện phải đột ngột đóng cửa, không còn phục vụ được nữa, thì tất cả tài sản vật chất cũng như tinh thần của Thư viện đều được giao về cho Hội đồng Giám mục Việt Nam quản lý và sử dụng.

6. Nguồn lực của Thư viện gửi về đâu?

Để có thể vận hành, Thư viện cần sự đóng góp các ngưồn lực vật chất và tinh thần của mọi cá nhân và tập thể nào muốn xây dựng và phổ biến nền văn hoá Công Giáo. Cụ thể như sau:

– Xin gửi các files sách báo, tài liệu Công giáo đang có cho Thư Viện theo địa chỉ: [email protected]

– Xin gửi các sách báo, tài liệu, băng đĩa, hình ảnh… Công giáo chưa được số hoá về địa chỉ: Lm. Giuse Phạm Bá Lãm, Nhà thờ Hoà Hưng, 104 Tô Hiến thành, P.15, Q. 10, Tp. HCM, Việt Nam. Đt: 0902509090.

– Xin cũng chuyển tiền bạc, máy móc, vật chất đóng góp cho Thư viện về Lm. Giuse Phạm Bá Lãm, Nhà thờ Hoà Hưng, 104 Tô Hiến thành, P.15, Q. 10, Tp. HCM, Việt Nam. Đt: 0902509090.

– Các ý kiến đóng góp về việc xây dựng, tổ chức, quản lý, điều hành… xin gửi về LM. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, 1b Tôn Thất Tùng, Q.1, Tp. HCM, Việt Nam theo địa chỉ: [email protected]

 - Xin các anh chị em văn nghệ sĩ và các chuyên viên tham gia đảm nhận những mục trong trang website để giới thiệu, sách báo, thơ văn cho thiếu nhi, thanh thiếu niên và người lớn.

7.  Dự liệu nguồn lực để thực hiện dự án Thư viện

– Sau phần chuẩn bị nhân sự, Thư viện cần 1 địa điểm để làm việc, chứa các sách báo, tài liệu “sống” từ các nơi gửi về, đặt các máy móc làm việc cũng như để thỉnh thoảng các anh chị em trong các ban có thể gặp nhau. Nhờ sự giúp đỡ của Cha Lãm, Phó chủ nhiệm, địa điểm đó hiện nay đặt tại 1 phòng trong giáo xứ Hoà Hưng. Về lâu dài, khi Cha Lãm không làm cha xứ nữa, Thư viện này cũng cần một địa điểm thích hợp.

– Thư viện cần một số tiền để thực hiện việc số hoá và xử lý dữ liệu, trả lương cho nhân viên thường trực.

Nếu 100 trang Photocopy khổ A4 hiện nay tốn khoảng 150.000 đ và 50.000đ tiền xử lý kiểm tra so với văn bản chính. Tổng cộng là 200.000 đ/cuốn.

Nếu mỗi năm Thư viện làm được 200 cuốn x 200.000 đ = 40.000.000 đ

– Thư viện cần trả lương cho 1 người quản thủ thường trực làm việc tại văn phòng. Nếu mỗi tháng 4 triệu đồng x 12 tháng = 50 triệu đồng. Đây là người lãnh thù lao duy nhất, còn các anh em khác đều làm tự nguyện, không lấy thù lao.

-Thư viện dành khoảng 10 triệu đồng cho các đồ dùng văn phòng như tủ đựng sách báo, tài liệu, giấy in nhãn mã hoá, bút…

– Trong văn phòng, về lâu dài, có lẽ cần phải có 1 máy photocopy, máy scanner, máy tính văn phòng, một máy điện thoại để việc xử lý được an toàn và nhanh chóng các sách vở, dữ liệu thay vì thuê mướn như bây giớ.

– Đó là chưa kể tiền thuê 1 server hằng năm, khoảng 100 triệu đồng (5.000 USD).

Tổng cộng, dự án này mỗi năm cần từ 100 đến 200 triệu đồng VN (khoảng 5.000 đến 10.000 USD). Trong trường hợp xử lý nhiều tác phẩm, tiền chi sẽ cao hơn.

Đây là một công trình lớn, có tính cách cần thiết, ích lợi lâu dài cho Giáo Hội và xã hội Việt Nam nên chúng ta hy vọng sẽ có nhiều người chung tay góp sức và có các vị ân nhân giúp đỡ.

Lời kết

Thay mặt cho Ban Quản trị Thư Viện, chúng tôi xin hết lòng cám ơn Quý Đức cha, quý cha, và tất cả anh chị em đang hy vọng Thư viện này sớm thành hình. Cầu chúc tất cả luôn tràn đầy niềm vui của Chúa Phục Sinh và ơn lành của Chúa Thánh Thần.

Kính thư,

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Chủ nhiệm