28/11/2024

Cả làng đóng bàn tự xoay

– Những chiếc bàn cổ tự xoay được phát hiện ở Quảng Nam rộ lên vào những năm 1995 – 1997 được đồn đãi như là chuyện bí ẩn ly kỳ …

 

Cả làng đóng bàn tự xoay

 

Những chiếc bàn cổ tự xoay được phát hiện ở Quảng Nam rộ lên vào những năm 1995 – 1997 được đồn đãi như là chuyện bí ẩn ly kỳ …




 

 

Ông Thẩm cùng với anh Phạm Miên (đứng kề ông Thẩm) và anh Trần Ngọc Tuấn (ngồi, bìa phải) ở tổ hợp tác mộc Văn Hà bàn cách làm đẹp cho những chiếc bàn xoay sắp đóng bằng cách thay đổi các họa tiết chạm khắc trên bàn - Ảnh: H.V.Mỹ
Ông Thẩm cùng với anh Phạm Miên (đứng kề ông Thẩm) và anh Trần Ngọc Tuấn (ngồi, bìa phải) ở tổ hợp tác mộc Văn Hà bàn cách làm đẹp cho những chiếc bàn xoay sắp đóng bằng cách thay đổi các hoạ tiết chạm khắc trên bàn – Ảnh: H.V.Mỹ

Mãi mày mò tìm bí quyết, giờ đây những người thợ ở làng mộc Văn Hà (xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) đã đóng được những chiếc bàn tròn một chân (thường được gọi bàn độc hay bàn độc xoay) có thể tự xoay khi có người đứng đặt tay lên mặt bàn.

Đáng nói là những chiếc bàn cổ tự xoay được phát hiện ở Quảng Nam rộ lên vào những năm 1995 – 1997 được đồn đãi như là chuyện bí ẩn ly kỳ đều do những lớp thợ tiền bối ở làng mộc này làm nên từ trăm năm trước…

Việc anh em trong tổ hợp tác mộc truyền thống Văn Hà đóng được bàn tự xoay là sự phối hợp công sức của bác Đinh Thẩm và mấy thợ trẻ giỏi nghề trong làng.

Đây là một thành tựu đáng trân trọng, làm sống lại chiếc bàn xoay mà những lớp thợ tiền bối của làng mộc Văn Hà làm nên.

Từ thành tựu này, chúng tôi mong các ngành chức năng cấp trên dành cho tổ mộc này những hỗ trợ thích đáng để họ có điều kiện phát triển, làm tinh xảo hơn loại sản phẩm độc đáo này cũng như các sản phẩm khác của làng để góp phần vào việc khôi phục làng nghề mộc Văn Hà vì đây là một làng mộc từng nổi tiếng ở Quảng Nam trước đây… 

Ông LÊ VĂN CHƯƠNG (phó chủ tịch UBND xã Tam Thành)

Công già sức trẻ cùng nhau

Xưởng của tổ mộc truyền thống Văn Hà bên đường liên xã Tam An – Tam Thành lúc nào cũng có vài chiếc bàn tự xoay (gọi tắt là bàn xoay) để giới thiệu cho khách. 9g đã có hai người từ thành phố Hội An vào mua bàn xoay.

Khi hai người này cùng đặt úp hai bàn tay lên mặt chiếc bàn xoay chừng năm giây thì mặt bàn bắt đầu xoay chầm chậm theo chiều kim đồng hồ, nhưng chừng nửa phút thì mặt bàn xoay khá nhanh, hai người phải bước nhanh mới theo kịp.

Theo chỉ dẫn của tổ trưởng Phạm Miên, cả hai cùng đặt ngửa bàn tay lên mặt bàn thì chiều xoay của mặt bàn tức khắc trở ngược chiều kim đồng hồ. “Nó quay được lắm!” – hai người khách cùng nói với vẻ thích thú.

“Tụi tui đang nhận đóng hai chiếc bàn xoay cho khách hàng ở Đà Nẵng. Dù anh em tụi tui đang dồn sức làm cho xong cái nhà cho mấy người Nhật ở Tổ chức JICA nhưng cũng phải tranh thủ làm bàn xoay cho khách.

Sau lần đem chiếc bàn xoay mới đóng triển lãm tại hội chợ xuân hồi năm 2013 ở TP Tam Kỳ, tiếng đồn về việc đóng bàn xoay của làng mộc Văn Hà được lan ra nhiều nơi. Bao nhiêu năm tìm tòi nghiên cứu giờ mới thành công, có người đến đặt đóng bàn xoay đều đều, anh em tụi tui mừng ghê lắm. Tất cả là nhờ công chỉ bày của bác Đinh Thẩm đó!” – vẫn lời của tổ trưởng Miên.

Bên hai chiếc bàn xoay vừa mới làm xong cho một khách hàng ở huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), ông Đinh Thẩm không giấu được niềm vui.

“Nói là tui làm được bàn xoay từ hơn hai năm nay, nhưng kỳ thực tui đã mày mò tìm hiểu kỹ thuật từ trước đó rất lâu. Nói thiệt, cũng tại mình cứ nghĩ cái bàn độc xoay nó tự xoay được phải là cái bàn cổ trên trăm năm, phải có cái điều linh thiêng, kỳ bí chi ẩn chứa bên trong nên trước đó mình không dám nghĩ đến việc tìm hiểu kỹ thuật làm sao để cái bàn xoay đóng lâu cũng như mới đóng có thể tự xoay được như mấy cái bàn xoay cổ…” – nghệ nhân 91 tuổi, người thợ mộc già duy nhất còn lại của làng mộc Văn Hà, giải thích.

Nghiền ngẫm, tìm tòi mãi, ông Thẩm kể năm 2012 ông được hai người – một ở Đà Nẵng, một ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam)  - tìm tới nhờ sửa chữa sao cho cái bàn xoay cổ của họ có thể tự xoay được.

“Thật may mắn, đây là dịp may để tui thực hành kỹ thuật tui đã nghĩ ra, tìm ra nhưng chưa có dịp thực hành. Mà quả là đúng với điều tui nghĩ, sau mấy ngày cặm cụi sửa chữa, hai cái bàn đều tự xoay được. Chủ bàn mừng, tui càng mừng hơn” – ông Thẩm kể.

“Phải truyền lại bí quyết làm bàn xoay cho lớp trẻ!” – ông Thẩm kể. Vậy là ông gọi hai thợ trẻ có năng lực nhất trong làng là anh Phạm Miên và anh Trần Ngọc Tuấn đến truyền hết kỹ thuật cho họ. Cùng nhau bàn luận, nghiên cứu thêm và cùng hợp tác, ba tháng sau ông Thẩm với hai thợ trẻ này đã đóng được chiếc bàn xoay mới có thể tự xoay được.

“Đây là chiếc bàn xoay đầu tiên mà tui cùng với lớp thợ trẻ của Văn Hà đóng. Tui nhớ đinh ninh cái bàn xoay mà cha tui đóng cho ông thầy É ở xã Tam Phước kề bên cách đây đã 70 năm. Có thể nói đó là cái bàn xoay cuối cùng của lớp thợ Văn Hà tiền bối đóng còn lưu lại. Nhưng cái bàn đó cũng không tự xoay được. Tui mới sửa cho nó tự xoay được hồi cuối năm 2014” – ông Thẩm nói ngọn ngành.

Từ kỹ thuật được ông Thẩm truyền cho, anh Miên đã chỉnh sửa chiếc bàn anh đóng trước đó hai năm tự xoay được.

“Theo cách của bác Thẩm, tui chỉ bỏ ra hơn nửa ngày để sửa là chiếc bàn của tui tự xoay vù vù. Đây là một thực nghiệm thành công từ kỹ thuật của bác Thẩm” – anh Miên kể lại. Rồi đến thành công từ chiếc bàn mới đóng của anh Tuấn hồi cuối năm 2012.

“Thật đáng mừng vì đây là chiếc bàn đầu tiên tui nhận đóng cho một người khách đến đặt làm. Nhờ học được kỹ thuật, mẹo mực của bác Thẩm truyền cho, tui cũng đã làm cho cái bàn xoay cổ tui mua về trước đây tự xoay được…” – anh Tuấn nói.

“Thương hiệu” bàn xoay Văn Hà

Bàn xoay Văn Hà bắt đầu lan tiếng từ non hai năm nay. Dù tuổi cao, lại bận bịu với việc chạm trổ, sửa chữa những đồ gỗ cổ cho khách, bận góp sức với các thợ trẻ ở tổ hợp tác mộc Văn Hà, ông Thẩm vẫn nhận đóng bàn xoay cho khách tại nhà mình.

Theo ông Thẩm, đóng bàn xoay không khó, bất kỳ thợ mộc lành nghề nào cũng có thể đóng được. Nhưng để làm chiếc bàn xoay tự xoay được (khi có người đứng đặt tay lên mặt bàn) đòi hỏi người thợ phải nắm được kỹ thuật, mẹo mực riêng của loại bàn tự xoay.

Điều lý thú, cũng theo ông Thẩm, hầu hết chiếc bàn xoay được báo chí giới thiệu như là những chiếc bàn “kỳ diệu” bởi hiện tượng tự xoay của chúng hồi những năm 1990 ở Quảng Nam đều do thợ mộc Văn Hà thời xưa đóng.

Nhưng tuy làm ra bàn xoay, những người thợ Văn Hà thời đó vẫn không phát hiện tính năng tự xoay của chúng.

Những năm 1940-1942, ông Thẩm kể ông cùng cha mình làm nhà cho một người ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước (Quảng Nam), nghe mấy ông già ở đó bảo bàn độc xoay do thợ Văn Hà lớp trước làm cho một số ít người ở đây có thể tự xoay khi có 2-3 người đứng đặt tay lên mặt bàn. “Đến lúc đó thợ Văn Hà mình mới biết bàn độc xoay do mình làm ra có thể tự xoay.

Nhưng cũng chỉ là những chiếc bàn đã 60-70 năm trở lên mới có thể tự xoay được. Còn những chiếc bàn mình mới đóng thì không tự xoay được…” – ông Thẩm kể lại. Bởi vậy, việc tìm ra kỹ thuật để làm bàn xoay mới đóng có thể tự xoay của những người thợ Văn Hà hôm nay là một thành tựu thêm vào với “bản quyền” bàn xoay Văn Hà của cha ông họ.

Vừa làm vừa tìm tòi, nghiên cứu thêm để có thể cho ra những chiếc bàn xoay độc đáo là mục tiêu mà những thợ mộc trẻ Văn Hà hôm nay coi trọng hơn gắn bó với chiếc bàn xoay di sản của ông cha. Thêm vào với việc nâng cao kỹ thuật là việc “làm đẹp” chiếc bàn xoay.

Ngoài việc phải chọn các loại gỗ tốt, những người thợ đóng bàn xoay ở Văn Hà đang cố cho ra các kiểu dáng, họa tiết chạm khắc mới, đẹp từ mặt bàn đến chân trụ, khung lồng. Tuy chỉ mới bước đầu, nhưng những người thợ đóng bàn xoay ở đây vẫn tin tưởng vào “thị trường” bàn xoay từ tên tuổi làng nghề của mình.

“Hồi bàn xoay mới nổi lên vào những năm 1990, người ta đã đổ đến làng Văn Hà mình tìm mua, nhờ thợ sửa bàn xoay cũ là bởi họ biết thợ Văn Hà thời trước làm ra bàn xoay. Còn từ ngày có tin thợ Văn Hà nay đóng được bàn xoay thì đã có người đến đặt hàng. Đến nay tổ mộc tụi tui cũng như bác Thẩm đã đóng, bán ra vài chục cái bàn xoay, “thương hiệu” bàn xoay Văn Hà đã được nhiều nơi biết đến…” – anh Miên nói.

Một thợ trẻ ở Văn Hà đã tiếp thu được kỹ thuật đóng bàn tự xoay của cha ông - Ảnh: H.V.Mỹ
Một thợ trẻ ở Văn Hà đã tiếp thu được kỹ thuật đóng bàn tự xoay của cha ông – Ảnh: H.V.Mỹ

Kỹ thuật chứ không phải ma thuật

“Tụi tui không muốn gọi những chiếc bàn tự xoay với những từ “ma thuật”, “huyền bí”. Người thợ phải làm đúng kỹ thuật, nghĩa là đúng cấu trúc của chiếc bàn xoay thì nó mới có thể tự xoay được, không đúng thì nó không xoay.

Để mặt bàn có thể tự xoay khi có người đứng cùng đặt sấp hay cùng đặt ngửa bàn tay lên mặt bàn, điều cần thiết là mình phải thiết kế sao cho cái lỗ ở mặt dưới của mặt bàn nằm chính giữa thật chuẩn xác, thật cân phân.

Cái lỗ này là nơi cái trục, tức là phần trên cùng của chân bàn (vì đây là loại bàn chỉ có một chân), sẽ đặt mặt bàn vào để mặt bàn xoay được.

Thêm điều nữa là độ sâu, cạn (nông) của cái lỗ mặt bàn; độ dài, ngắn của trục cũng là yếu tố khiến bàn có thể tự xoay hay không tự xoay được. Đây cũng là điều được coi là mẹo mực, là bí quyết của việc đóng bàn xoay mà nay chúng tôi mới tìm ra được, để làm chủ được việc đóng bàn tự xoay.

Trước đây có người cho rằng muốn đóng bàn tự xoay thì phải dùng gỗ mít, mà là gỗ mít cũ, gỗ mít đã dùng lâu năm, nhưng nay chúng tôi dùng các loại gỗ khác đều được, cả đến gỗ tươi vừa vừa phơi khô, miễn là loại gỗ chắc” – ông Đinh Thạch cho biết.

HUỲNH VĂN MỸ