11/01/2025

Khu bờ tây sông Sài Gòn mang nhiều “sứ mệnh”

Để khép lại tuyến bài Để đất vàng thành cơ hội vàng, Diễn đàn chủ nhật tuần này ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia, nhà quy hoạch…

Khu bờ tây sông Sài Gòn mang nhiều “sứ mệnh”

 

 Để khép lại tuyến bài Để đất vàng thành cơ hội vàng, Diễn đàn chủ nhật tuần này ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia, nhà quy hoạch…




 

 

Bờ sông Sài Gòn phía quận 1 và quận 4 - Ảnh: Thuận Thắng
Bờ sông Sài Gòn phía quận 1 và quận 4 – Ảnh: Thuận Thắng

Đó là các chuyên gia Nguyễn Đỗ Dũng – người khơi mào chủ đề, ThS kiến trúc sư Lương Thu Anh – đại diện Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM, nguyên kiến trúc sư trưởng TP.HCM Lê Văn Năm và ý kiến người dân TP.HCM qua cuộc “điều tra bỏ túi” của Tuổi Trẻ.

ThS.KTS LƯƠNG THU ANH, phó phòng quản lý quy hoạch khu trung tâm Sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM, cho rằng TP.HCM đang bị áp lực phải chất thêm diện tích sàn để tăng diện tích văn phòng, căn hộ, siêu thị… 

Nhiều mục đích trong khu bờ tây

* Khu bờ tây sông Sài Gòn được quy hoạch có hệ số sử dụng đất trung bình là 6, cao nhất trong toàn bộ khu trung tâm 930ha. Điều này có ý nghĩa gì?

– Khu bờ tây sông Sài Gòn mang ba “sứ mệnh” chính:

Trước hết, phát triển cao tầng ở khu bờ tây là để giữ gìn đô thị lịch sử. Những năm gần đây, những khu lịch sử của TP cũng bị áp lực tháo dỡ những nhà cũ để xây dựng cao tầng tăng diện tích sử dụng.

Nhà nước không thể ban hành một lệnh cấm hay hạn chế xây dựng trên diện rộng vì mục đích bảo tồn, như vậy là duy ý chí, ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất của người dân. Vì vậy, TP phải chọn giải pháp để cân bằng giữa phát triển đô thị: thêm không gian cho văn phòng, cho tiện nghi cuộc sống của người dân mà vẫn giữ được nét về ký ức lịch sử của TP.

Chọn bờ tây, nơi hiện hữu là các khu cảng cũ, kho xưởng, trở thành khu phát triển cao tầng để giảm tải cho khu trung tâm lịch sử, tránh phá vỡ những không gian lịch sử như khu biệt thự quận 3, dọc đường Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn… để thế hệ hôm nay và mai sau có thể cảm nhận được dòng chảy lịch sử của TP. Nếu mất những khu vực này, hậu quả còn khốc liệt hơn là làm mất dần ký ức về đô thị của TP.

Hai là, mặc dù TP đã quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm để chuẩn bị cho việc mở rộng khu trung tâm TP (từ năm 1996) nhưng vì thiếu vốn hoặc thiếu kế hoạch đầu tư nên Thủ Thiêm chưa thu hút nhà đầu tư như mong đợi.

Khu trung tâm vẫn tiếp tục chịu áp lực phải tăng mét vuông sàn và nhận các dự án mới. Tại khu trung tâm thì chỉ còn quỹ đất dọc bờ tây sông Sài Gòn là có quy mô lớn, thuận lợi để tạo khu đô thị hoàn chỉnh hiện đại, sử dụng những hạ tầng có sẵn và kết nối ngay vào đời sống.

Việc chọn lựa địa điểm phát triển dự án phần lớn do thị trường điều tiết, Nhà nước chỉ định hướng chứ không thể khiêng cưỡng áp đặt. Trong điều kiện như vậy, khu bờ tây gánh “sứ mệnh” đón dòng vốn đầu tư trong khi chờ Thủ Thiêm hoàn thiện hạ tầng.

Ba là, việc quy hoạch lại bờ tây, tái phát triển những khu đất hiện là những bến cảng, xưởng công nghiệp cũ thành khu vực hữu ích hơn cho đô thị. Nếu không phát triển thì nơi đây mãi mãi là những khu cảng cũ kỹ và người dân cũng không có cơ hội tiếp cận dòng sông, còn phát triển các dự án dân dụng mới sẽ tạo cho TP những khu đất cây xanh công cộng mới ven sông.

* Xây dựng bờ tây như thế nào để đáp ứng được nhiều mục tiêu như vậy?

– Giải pháp là tạo ra những khu đô thị nén để tối đa hóa quỹ đất dành cho không gian mở và cây xanh. Nghĩa là chọn phương án phát triển các tòa nhà cao tầng để dưới đất được trống dành cho cây xanh và không gian công cộng. Phương án này đáp ứng tốt nhất đòi hỏi về phục vụ công cộng lẫn về giá trị kinh tế. 

Nhà cao để có nhiều đất trống cho cây xanh

* Các nhà quy hoạch cho rằng việc quy hoạch lại bờ tây trong giai đoạn này là cơ hội để tăng mảng xanh cho TP, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đô thị trong khu trung tâm vốn rất thiếu mảng xanh. Vấn đề này có được đặt ra khi quy hoạch khu bờ tây?

– Giả sử vài năm vừa qua TP có một nguồn ngân sách dồi dào và khu đô thị Thủ Thiêm hoàn chỉnh hạ tầng, thì tôi đoán là lãnh đạo TP sẽ thiên về quyết định dùng ngân sách để bồi thường, giải phóng mặt bằng khu bờ tây, để làm một công viên tuyệt đẹp với những công trình phúc lợi, lối đi bộ xen cây xanh nhiều tầng cho TP. Đó là một phương án lý tưởng nhất.

Những ý kiến của các nhà quy hoạch, KTS về việc dành phần lớn đất cho cây xanh không phải là không có lý nhưng không đáp ứng được sự phát triển của TP và những nhiệm vụ thực tiễn khác của khu bờ tây. Nếu TP có GDP cao, cách làm này sẽ rất tốt nhưng trước mắt chưa đạt thì phải có một giải pháp dung hòa.

* Thực tế nhiều công viên tiếp giáp với các dự án nhà ở bị hạn chế tiếp cận nên không còn mang ý nghĩa công cộng nữa?

– Tôi nghĩ ở đây là vấn đề quản lý. Những dự án ven sông hiện nay còn riêng lẻ, chưa kết nối thành một tuyến liên tục để trở thành công cộng được. Ví dụ như khu Saigon Pearl hiện nay riêng lẻ, nay mai kết nối được với khu Tân Cảng thì khu vực này sẽ có dải công viên dài, trở thành công cộng và thu hút người dân đến. 

Khu bờ tây có hệ số sử dụng đất trung bình cao nhất

Theo đồ án quy hoạch 1/2.000 khu trung tâm 930ha của TP.HCM, về tổng thể toàn khu trung tâm có hệ số sử dụng đất (tỉ lệ giữa tổng diện tích sàn toàn công trình với diện tích toàn bộ lô đất) trung bình là 4 (được xác định dựa trên khả năng đáp ứng về giao thông).

Trong đó, hệ số sử dụng đất trung bình của các khu là: khu bờ tây 6, khu lõi trung tâm thương mại – tài chính (CBD) 5, khu trung tâm văn hoá lịch sử 3,5, khu vực cận lõi trung tâm 3, khu biệt thự quận 3 thấp nhất là 2,5.

Như vậy, trong toàn khu trung tâm, khu vực bờ tây sông Sài Gòn có hệ số sử dụng đất cao nhất (6), gấp 1,5 lần hệ số sử dụng đất trung bình của toàn khu trung tâm, cao hơn cả khu lõi trung tâm thương mại – tài chính.

DƯƠNG NGỌC HÀ thực hiện