30 năm tìm việc cho “người dưng nước lã”
Đó là người đàn ông đã dành cả đời mình cho những người xin việc. Ông là Nguyễn Quốc Vững (59 tuổi), giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên TP Cần Thơ.
30 năm tìm việc cho “người dưng nước lã”
Đó là người đàn ông đã dành cả đời mình cho những người xin việc. Ông là Nguyễn Quốc Vững (59 tuổi), giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên TP Cần Thơ.
Công việc tư vấn và giới thiệu việc làm hằng ngày của ông Vững với giới trẻ – Ảnh: Tấn Đức |
Tại trung tâm này, chúng tôi thấy ông đang ân cần tư vấn cho từng lao động mang hồ sơ xin việc đến trung tâm nhờ tư vấn, giới thiệu việc làm:
“Tuyết Hằng trông có vẻ thư sinh, thích hợp với việc văn phòng, chú khuyên nên làm nhân viên nhập liệu. Bích Hạnh trông mặt hơi bị… ngầu, làm quản lý kho nhé.
Còn Hồng Ngọc có kỹ năng giao tiếp, chuyên môn cao, kinh nghiệm làm việc, chú giới thiệu vào vị trí giám đốc nhân sự nha. Nếu các cháu đồng ý thì chú gọi điện qua công ty trước để họ cho lịch phỏng vấn luôn nghen…”.
“Thủ kho” việc làm
Ngày làm việc của vị giám đốc có thâm niên gần 30 năm trong lĩnh vực tư vấn, giới thiệu việc làm bắt đầu lúc 6g sáng tại… quán cà phê quen thuộc trên đường Phạm Ngũ Lão (Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Đó là lúc ông căng mắt dò tìm thông tin tuyển dụng lao động của các cơ quan, doanh nghiệp đăng trên những tờ báo phát hành trong ngày.
“Chú Nguyễn Quốc Vững là người có nhiều kinh nghiệm và rất tâm huyết với công việc giới thiệu việc làm. Mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng chú luôn có những suy tư trăn trở nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động. Chú cũng không ngừng tìm kiếm, mở rộng thị trường việc làm, không ngừng đưa ra những ý tưởng sáng tạo, những cách làm hay, hiệu quả để người lao động có thêm nhiều cơ hội tìm được việc làm thích hợp. Những suy nghĩ và việc làm của chú thật đáng trân trọng” – anh Huỳnh Thái Nguyên, phó bí thư Thành đoàn TP Cần Thơ, nói. |
Nhiều lúc đang xem, ông Vững “à” lên đầy sảng khoái: “Có chỗ làm hấp dẫn nữa nè” rồi lấy điện thoại gọi đến nhà tuyển dụng hỏi thêm những thông tin cụ thể về điều kiện làm việc, yêu cầu chuyên môn cũng như số lượng cần tuyển.
6g30, ông Vững rời quán cà phê, mang theo những thông tin vừa cập nhật, bổ sung vào danh sách “nhu cầu tuyển dụng” dày cộp trên bàn làm việc.
Gần 30 năm gắn bó với lĩnh vực lao động – việc làm, ông Vững đã tạo dựng mối quan hệ thân thiết với khoảng 5.000 doanh nghiệp hoạt động trên mọi lĩnh vực, rải đều ở tất cả các tỉnh thành trong và ngoài nước.
Nhờ đó, “kho” việc làm trong tay ông luôn sẵn có để cung cấp cho người cần việc.
“Cái khó của giới thiệu việc làm là không chỉ căn cứ vào bằng cấp chuyên môn, kinh nghiệm làm việc, mà phải xem “tạng” người đó phù hợp với công việc gì và quan trọng hơn là phải chỉ ra những điểm yếu để họ tự khắc phục khi tiếp xúc với bên trực tiếp tuyển dụng” – ông Vững cho biết.
Nhờ những kinh nghiệm quý báu đó, tỉ lệ người tìm được việc làm ưng ý qua giới thiệu của ông đều đạt trên 80%, với khoảng 3.000 lao động /năm.
Trong số này nhiều người đã từng bước thăng tiến trong công việc, giữ vai trò quan trọng tại các đơn vị, doanh nghiệp lớn.
Những người này tiếp tục trở thành “cầu nối” giữa doanh nghiệp với trung tâm mỗi khi có nhu cầu tuyển dụng lao động mới.
Như trường hợp của bà N.T.G. trước đây làm việc tại An Giang, do hoàn cảnh gia đình bà chuyển về Cần Thơ, được ông Vững giới thiệu việc làm, giờ là người phụ trách nhân sự tại một hãng sản xuất nước giải khát có nhà máy sản xuất ở Cần Thơ, hay bà T.S.H. qua giới thiệu của ông Vững đã trở thành giám đốc nhân sự một công ty chuyên về chế biến thủy hải sản đóng hộp, có quy mô trên 1.000 lao động.
Người gầy dựng đầu tiên
Những người làm việc ở trung tâm vẫn kháo nhau câu chuyện ông Vững suýt bị “đánh ghen” cũng chỉ vì sự nhiệt tình đến lạ của ông! Ấy là vào một buổi trưa, khoảng 11g30.
Sau khi nhận cuộc gọi từ một doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn trung tâm TP Cần Thơ thông báo cần tuyển một nữ tạp vụ, làm việc ngay vào đầu giờ chiều.
Đang ăn cơm, nhưng sực nhớ lúc sáng có một chị khá trẻ đến trung tâm gửi hồ sơ nhờ tìm việc. Ngặt nỗi chị này không có điện thoại liên lạc mà chỉ có địa chỉ nhà trọ ở một con hẻm gần chợ An Nghiệp, Q.Ninh Kiều. Bỏ dở bữa ăn, ông Vững phóng xe đi tìm.
Khi đến đúng nhà trọ ghi trong hồ sơ xin việc, một tình huống bi hài đã xảy ra. Người chồng chị này nổi cơn ghen, hỏi vặn: “Giữa trưa tìm vợ tui làm chi, có tình ý gì không”.
Ông Vững kiên trì giải thích rằng bên tuyển dụng cần lao động đột xuất; rằng thấy hoàn cảnh vợ chồng khó khăn nên ráng giúp…
Vậy mà người chồng vẫn lớn tiếng: “Tui không tin, làm gì có ai nhiệt tình như ông”. Thấy tình hình căng quá, ông Vững đòi… kêu công an tới giải quyết, người chồng mới chịu xuôi.
Bẵng đi một thời gian, chồng chị tạp vụ nọ tìm tới gặp ông Vững để nói rằng nhờ có ông giới thiệu việc làm mà vợ chồng họ vượt qua khó khăn, dần ổn định cuộc sống.
Quê Giồng Trôm (Bến Tre), năm 1970 khi mới 14 tuổi ông Vững đã một mình qua Cần Thơ mưu sinh. Hôm thì ông đội bánh bò đi bán, bữa khác lại dựng bàn ghế dưới gốc cây ven đường hớt tóc dạo, đợi tới thứ năm hằng tuần vào thăm cha bị giam ở khám lớn Cần Thơ vì tham gia cách mạng.
Lớn lên ông được cử đi học ngành y rồi tham gia làm nhiệm vụ tại chiến trường Campuchia. Xuất ngũ, ông vào công tác tại Tỉnh đoàn Hậu Giang (nay là TP Cần Thơ).
Sớm lăn lộn với cuộc sống bằng nhiều nghề để mưu sinh, cảm nhận sâu sắc ý nghĩa của lao động nên khi làm công tác thanh niên, ông Vững đã đề xuất thành lập bộ phận dạy nghề, tạo việc làm cho thanh niên.
Bí thư Tỉnh đoàn Hậu Giang lúc đó là ông Võ Minh Chiến, hiện là phó Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, đã ủng hộ ngay.
Năm 1988, Trung tâm Dịch vụ lao động trẻ trực thuộc Tỉnh đoàn Hậu Giang ra đời. Vạn sự khởi đầu nan, hồi mới thành lập trung tâm ông Vững đón xe đò ra tận Tây Ninh nhận đơn đặt hàng các sản phẩm thêu rua trang trí về tổ chức làm gia công để vừa giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi vừa tạo kinh phí hoạt động cho trung tâm.
Rồi khó khăn cũng qua mau. Dưới sự lèo lái của ông Vững, trung tâm đã mở được nhiều lớp đào tạo kỹ năng tin học, ngoại ngữ, liên kết dạy nghề để cung ứng lao động cho nhiều doanh nghiệp lớn tại TP Cần Thơ, từ đó đã xây dựng được uy tín trong lĩnh vực cung ứng lao động.
Các “đơn hàng” giới thiệu việc làm dồn dập đến, trong đó có những doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH Pataya Cần Thơ, Nhà máy thuốc lá Vinataba, dầu thực vật Cái Lân…
Cần mẫn với nghề
Năm 2010, trung tâm dời tạm về trong một con hẻm nên hoạt động gặp nhiều khó khăn do không có mặt bằng, thiếu cơ sở vật chất để tổ chức các hoạt động dịch vụ nhằm tạo nguồn kinh phí, tự cân đối thu chi như trước đây.
Vì lẽ này, đội ngũ nhân viên của trung tâm đã giảm hàng chục người, và những người còn lại phải làm việc gấp đôi, gấp ba. Trong số những người hiếm hoi còn lại đó, hằng ngày người ta vẫn thấy vị giám đốc tóc đã có nhiều sợi bạc, người gầy nhom, dang tay gánh vác toàn bộ công việc của trung tâm.
Bận bịu nhiều việc nhưng ông vẫn mong được tiếp đón thật nhiều lao động đến tìm việc, để ông được “rỉ rả” tâm sự, chỉ ra mặt mạnh, mặt yếu rồi khéo léo cho lời khuyên thấu lý đạt tình trong việc chọn nghề cho từng người. Nhìn cách ông nói chuyện với những thanh niên không quen biết mà tưởng như ông có bà con họ hàng với họ.
Và thi thoảng người ta lại thấy ông tủm tỉm cười khi nghe các bạn trẻ đến tìm việc tại trung tâm bảo rằng: “Nghe ba mẹ con kể lại hồi xưa khi chưa cưới nhau cũng tới nhờ chú tư vấn, giới thiệu việc làm!”.
Những người biết rõ về ông như các thế hệ cán bộ Đoàn ở Cần Thơ đánh giá rất cao về nỗ lực không ngừng nghỉ của ông đem lại việc làm cho người khác.
Họ bảo khó có ai đủ kiên trì ngồi ở chỗ đó trong ngần ấy năm trời dài đằng đẵng như vậy mà không biết ngán với một công việc đơn điệu lặp đi lặp lại hằng ngày là “kiếm tìm việc làm cho người dưng nước lã”.