11/01/2025

Chứng nhân cho Chúa Phục Sinh

Mầu Nhiệm Chúa Lên Trời đánh dấu việc hoàn thành ơn cứu độ đã được bắt đầu với biến cố Nhập Thể. Đức Giêsu lên trời, Người đã mang con người cùng với Người vào trong cuộc sống thân tình của Chúa Cha

Chứng nhân cho Chúa Phục Sinh

 

Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng
Chúa Nhật VII PS Lễ Chúa Lên Trời, 20/5/2012
Anh chị em thân mến!

Theo sách Công vụ Tông đồ thì 40 ngày sau khi sống lại, Đức Giêsu lên trời, nghĩa là Người quay về cùng Chúa Cha, Đấng đã sai Người đến trần gian. Trong nhiều quốc gia, mầu nhiệm này không được cử hành trong ngày Thứ Năm, nhưng trong ngày hôm nay, Chúa Nhật tiếp theo sau. Mầu Nhiệm Chúa Lên Trời đánh dấu việc hoàn thành ơn cứu độ đã được bắt đầu với biến cố Nhập Thể. Sau khi giáo huấn các môn đệ lần cuối, Đức Giêsu lên trời (x. Mc 16,19). Tuy nhiên, Người “không xa rời thân phận của chúng ta” (x. Kinh Tiền tụng); thật thế, trong bản tính nhân loại của Đức Giêsu, Người đã mang con người cùng với Người vào trong cuộc sống thân tình của Chúa Cha, và như thế, mạc khải đích điểm cuối cùng của cuộc lữ hành trần thế chúng ta. Cũng thế, vì phần rỗi chúng ta, Người đã từ Trời xuống thế, Người đã chịu đau khổ và chịu chết trên cây Thánh giá, cũng như vì chúng ta, Người đã sống lại và lại lên Trời về với Thiên Chúa, Đấng từ nay không còn xa cách chúng ta nữa.

Thánh Lêon Cả cắt nghĩa rằng, qua mầu nhiệm này, không những chúng ta tuyên xưng “sự bất tử của linh hồn mà còn tuyên xưng sự bất tử của thân xác.” Quả thật, ngày hôm nay, không những Chúa xác minh với chúng ta sẽ chiếm hữu được Thiên đàng, nhưng trong Đức Giêsu Kitô, chúng ta cũng đã đi lên các tầng trời” (Bàn về việc Lên trời của Chúa, Tractatus 73, 2.4: CCL138 A, 451.453). Chính vì thế, các môn đệ, khi thấy Thầy rời khỏi đất mà lên trời, không hề cảm thấy nản lòng thất vọng, như người ta có thể nghĩ thế, mà trái lại, các ngài cảm thấy hết sức vui mừng và được thôi thúc ra đi loan báo Đức Kitô đã chiến thắng cái chết (x. Mc 16,20). Và Chúa Phục Sinh đã hành động với các ông, ban cho mỗi người một đặc sủng riêng. Thánh Phaolô còn viết như sau: “Người đã ban ân huệ cho loài người… Chính Người còn ban cho người này được làm tông đồ, người kia được làm tiên tri, kẻ khác được làm người rao giảng Tin Mừng, kẻ khác nữa được làm mục tử và tiến sĩ… hầu xây dựng Thân mình Đức Kitô… trong sức mạnh của tuổi tác, đạt tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4, 8.11-13).

Các bạn thân mến, Lễ Chúa Lên Trời nói với chúng ta rằng trong Đức Giêsu Kitô, nhân tính của chúng ta đã được đưa lên tầng cao của Thiên Chúa; như thế, cứ mỗi lần chúng ta cầu nguyện là đất thấp lại nối liền với Trời cao. Và cũng như trầm hương, khi được đốt lên thì khói trầm hương bay lên cao, thì cũng thế, khi chúng ta tin tưởng dâng lời nguyện cầu trong Đức Giêsu Kitô, thì lời nguyện của chúng ta băng qua các tầng trời và đến trước ngai toà Thiên Chúa, và được Ngài lắng nghe và đoái nhận. Trong tác phẩm nổi tiếng của Thánh Gioan Thánh Giá, Đường lên núi Cát Minh, chúng ta đọc thấy rằng “Để lời cầu xin mà chúng mang trong tâm hồn được Chúa thương tinh chấp nhận, thì không có cách nào tốt đẹp hơn là hướng toàn bộ sức mạnh lời cầu nguyện của chúng ta vào điều làm đẹp lòng Thiên Chúa nhất. Lúc đó, không những Ngài sẽ ban cho chúng ta điều chúng ta cầu xin, đó là ơn cứu độ, mà còn ban cho điều Ngài thấy là thích hợp và tốt đẹp cho chúng ta, ngay cả khi chúng ta không cầu xin Ngài” (Sách III,  chương 44, 2, Rôma 1991, 335).

Sau cùng, chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, xin Mẹ giúp chúng ta chiêm ngưỡng những của cải trên trời mà Chúa đã hứa ban cho chúng ta, và xin Mẹ giúp chúng ta trở nên những chứng nhân ngày càng đáng tin hơn của Mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô, của Sự Sống thật.