15/01/2025

Lấp sông Đồng Nai làm dự án: Nói ‘kết luận nào chẳng giống nhau’ là nguỵ biện!

TS Tô Văn Trường, chuyên gia tài nguyên nước và môi trường, Ban Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học KC08/11-15 Bộ KH-CN, đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với Thanh Niên hôm qua.

 

Lấp sông Đồng Nai làm dự án: Nói ‘kết luận nào chẳng giống nhau’ là nguỵ biện!

 

 

TS Tô Văn Trường, chuyên gia tài nguyên nước và môi trường, Ban Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học KC08/11-15 Bộ KH-CN, đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với Thanh Niên hôm qua.

 

 

 

Hiện trường dự án lấp lấn sông Đồng Nai  Hiện trường dự án lấp lấn sông Đồng Nai  - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Vụ việc bắt đầu từ bản Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án lấp sông Đồng Nai được TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam phát hiện sao chép từ ĐTM của dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng. GS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và tài nguyên TP.HCM đứng tên trong nhóm tác giả của bản ĐTM sao chép nói trên.

Lấp sông Đồng Nai làm dự án: Nói ‘kết luận nào chẳng giống nhau’ là ngụy biện! - ảnh 2
       TS Tô Văn Trường

Giải thích với PV trên Báo Người Lao Động số ra hôm qua (14.5) về việc sao chép ĐTM, GS Phước cho rằng: “Kết luận nào mà chả giống nhau. Vì các ĐTM đều thực hiện theo mẫu Thông tư 26/2010 của Bộ TN-MT hướng dẫn”. Đặc biệt, trước câu hỏi của PV rằng đây là dự án đang được dư luận rất quan tâm, ông Phước nổi nóng trả lời: “Dư luận là ai? Toàn mấy kẻ phá hoại thôi”.

“Không phải là người có văn hoá phản biện và tiếp thu phản biện”

*Ông nhận xét gì về giải thích của GS-TS Phước, nói như vậy thì ĐTM nào cũng giống nhau?

– Thông tư 26/2010 của Bộ TN-MT hướng dẫn nội dung cơ bản báo cáo ĐTM về cấu trúc giống nhau, trong đó có những điểm chủ yếu cần phải làm rõ là đánh giá các tác động bất cập của dự án, đánh giá các biện pháp giảm thiểu tác động, có thể khắc phục được và không thể khắc phục, các cam kết nếu ĐTM được thông qua…

Dự án lấn sông Đồng Nai hoàn toàn khác dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng về mục tiêu, quy mô, nội dung đánh giá các tác động đến môi trường ở mức độ khác nhau do đặc thù công việc nên biện pháp giảm thiểu cũng khác nhau. Nên nói “kết luận nào chả giống nhau” là ngụy biện. Chẳng lẽ, dự án tác động lớn đến môi trường cũng không khác gì dự án ít tác động hoặc tác động không đáng kể? Trong mọi mặt đời sống, xã hội cho đến khoa học sự sao chép từng câu chữ là khó chấp nhận được. Làm khoa học càng cần có những quan điểm khoa học của riêng mình không thể sao chép y nguyên được.

*Ông nhận xét gì về phát biểu “dư luận toàn mấy kẻ phá hoại thôi” của GS-TS Phước?

– Tôi cảm thông chia sẻ với GS Phước khi bị công luận phản bác sản phẩm của mình. Nhưng là chuyên gia, là nhà khoa học có học hàm GS càng cần điềm tĩnh hơn. Nhận định, đánh giá của công chúng, của các nhà khoa học có thể sai, có thể đúng. Nhưng không nên đánh đồng, không nên phủ nhận sạch trơn như thế được. Dư luận có cái nhìn của dư luận, khoa học nhìn nhận theo cách của nhà khoa học. Một người dân, người ta có thể nhìn thấy những ảnh hưởng của công trình dựa trên trực quan, thậm chí thực tế cuộc sống còn sâu sắc hơn người ngồi trong phòng máy lạnh “chém gió”.

Còn nhà khoa học nhìn nhận dựa trên kinh nghiệm nhiều năm, trải qua nhiều dự án, đề tài khoa học, có cơ sở khoa học. Có những hiện tượng khoa học chỉ cần định tính thôi đã tương đối rồi. Định lượng, tính toán là để khẳng định lại nhận định đó mà thôi. Là người làm khoa học càng cần tôn trọng, tiếp thu xem người ta nói gì, mình làm hết chưa, đúng, sai ở đâu. Phản ứng của GS Phước không phải là người có văn hóa phản biện và tiếp thu phản biện.

Những sai lầm của báo cáo ĐTM

*Theo ông sai lầm lớn nhất của báo cáo ĐTM lấp sông Đồng Nai là gì?

– Lỗ hổng lớn nhất của báo cáo ĐTM là phần thiết lập mô hình toán thuỷ lực nhiều sai lầm (không phải chuyên gia môi trường nào cũng hiểu lĩnh vực chuyên sâu này). Mô hình dòng chảy được thiết lập trong phạm vi quá nhỏ, các biên gần ngã ba dễ bị ảnh hưởng của điều kiện biên. Chưa đưa vào mô phỏng ảnh hưởng của công trình (co hẹp khu vực cầu Ghềnh, Rạch Cát, Hiệp Hoà, Hòa An), dẫn tới các kết quả không đủ độ tin cậy. Không có phân tích tần suất lũ, cạn để chọn năm điển hình cho tính toán. Về nguyên tắc, trong vùng triều, đặc biệt là có xả nước từ hồ Trị An thì khi triều xuống vận tốc max phải lớn hơn vận tốc max lúc triều lên. Tuy nhiên kết quả trong báo cáo lại ngược lại không có giải thích, triều lên vận tốc dòng chảy là 0,926 m/giây, thuỷ triều xuống vận tốc dòng chảy là 0,871 m/giây.

Phương pháp đánh giá khả năng tự làm sạch như trong báo cáo không phù hợp với vùng triều, vì khi đổi dòng, vận tốc dòng chảy gần như bằng 0 và nước thải xả vào lúc này không được hoà loãng sẽ gây ô nhiễm nặng. Trong vùng và lân cận có các nhà máy cấp nước có thể chịu ô nhiễm mặn nhưng không thấy được đánh giá. Việc tính toán thuỷ lực cho từng giai đoạn (3 giai đoạn) thi công cũng chưa được đề cập để có các biện pháp giảm thiểu và bắt buộc tuân thủ.

Dự án cho khảo sát địa hình từ mặt cắt MC08 về hạ lưu còn phần thượng lưu lại không có, cũng không có đánh giá gì về biến đổi hình thái khu vực này. Kết quả chập mặt cắt cho thấy khu vực hạ lưu này hầu hết địa hình đều có hiện tượng bị hạ thấp (1 – 3 m), hoặc một số đoạn tim sông bị lệch. Dự án chưa có những đánh giá cụ thể hơn về nguyên nhân hạ thấp và dự báo được nguy cơ hạ thấp, xói sạt tiếp theo có thể diễn ra như thế nào? Mô hình toán không được hiệu chỉnh. Tính ra vận tốc chỉ khoảng 0.1 – 0.2 m/giây ở khu vực này là quá sai. Một yếu điểm rõ rệt là vật liệu đáy khu vực không đồng nhất. Giữa dòng là cát thô (D50~1 mm), 2 bên bờ là bùn, cát mịn (D50 = 0.01 – 0.6 mm). MIKE 21 không có khả năng tính bùn cát hỗn hợp. Nghiên cứu đã lấy giá trị trung bình (D50 = 0.35 mm – cát mịn) để tính. Rõ ràng cát và bùn có tính chất cơ lý khác hẳn nhau và cơ chế vận tải của chúng cũng khác nhau. Dùng giá trị bình quân làm mô hình sẽ chẳng trúng vào chỗ nào cả.

Dự án chưa đánh giá được nguy cơ bồi, xói của các khu vực làm thay đổi tỷ lệ phân lưu giữa hai nhánh sông tại Cù Lao Phố. Nguy cơ xảy ra có thể sông nhánh bị lấp, mất an toàn cầu Rạch Cát, Hiệp Hoà. Nguy cơ xói đầu Cù Lao Phố, kè bờ sông đối diện do dòng chảy áp sát, mất an toàn chân và mố cầu Ghềnh…

Báo cáo ĐTM còn rất nhiều khiếm khuyết, không đủ tin cậy nhưng báo cáo vẫn đưa ra các khuyến nghị rất viển vông.

Hàng loạt vi phạm về quy hoạch

Bộ Xây dựng vừa có văn bản liên quan đến việc kiểm tra, đánh giá thực hiện dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai gửi Bộ TN-MT sau khi nhận được công văn của bộ này về kiểm tra, thực hiện dự án. Theo đó, sau khi nghiên cứu hồ sơ do UBND tỉnh Đồng Nai cung cấp và khảo sát thực địa tại khu vực đang thực hiện dự án, Bộ Xây dựng cho biết, có khá nhiều vấn đề không tuân thủ quy định hiện hành trong thực hiện dự án.

Cụ thể, đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1:2.000 P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa được UBND Đồng Nai phê duyệt tại Quyết định 1669/QĐ-UBND ngày 16.6.2009 nêu rõ, khu đất dự án lấn sông Đồng Nai khi chưa thực hiện quy trình điều chỉnh cục bộ các nội dung liên quan đến đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó theo Quyết định số 227/2003/QĐ-TTg ngày 6.11.2003).

Ngoài ra, nội dung đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết nói trên cũng chưa xác định rõ chức năng đô thị cho khu đất dự án lấn sông (bao gồm khu công viên cây xanh cảnh quan và các công trình xây dựng nhà ở, thương mại… như dự án đang được thực hiện).

Quá trình lập quy hoạch chi tiết dự án kéo dài song nội dung đồ án quy hoạch chỉ được lấy ý kiến cư dân một lần cách thời điểm phê duyệt đồ án gần 2 năm cũng là một điểm lưu ý được Bộ Xây dựng nêu ra trong văn bản.

Bộ Xây dựng khẳng định, quy mô dự án không thống nhất giữa Quyết định số 2923/QĐ-UBND ngày 13.9.2013 (phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án) và Quyết định số 2230/QĐ-UBND ngày 21.7.2014 (về việc chấp thuận đầu tư dự án).

Lê Quân

Đã móc xong đất đá lấp sông ở H.Vĩnh Cửu

Liên quan đến vụ lấp sông Đồng Nai ở khu vực địa bàn xã Tân An, H.Vĩnh Cửu, (Đồng Nai) mà Báo Thanh Niên phản ánh, hôm qua (14.5) UBND xã Tân An cho biết đã khắc phục xong, trả lại nguyên trạng cho dòng chảy. Có mặt tại hiện trường, chúng tôi ghi nhận đất, đá san lấp xuống đã được móc lên, đổ dài theo dọc bờ sông. Ông Trần Văn Tâm, Phó chủ tịch UBND xã Tân An cho hay: “Phần khắc phục xem như đã xử lý xong rồi”. Nhưng khi đề cập việc ai là thủ phạm đổ đất thì ông Tâm lại nói: “Xã đang cho mời ông Hà Công Thanh lên để xử phạt hành chính vì ông ấy là chủ đất, để xảy ra vụ việc thì phải chịu trách nhiệm”.

Đất đổ lấn xuống sông được móc lên đổ lên bờ Đất đổ lấn xuống sông được móc lên đổ lên bờ – Ảnh: Bạch Long

Bạch Long

Ý kiến:

Phản đối cũng nên dựa trên cơ sở khoa học

GS Phước trả lời PV Báo Người Lao Động
       

GS Phước trả lời PV Báo Người Lao Động

Cách phản ứng của GS Phước làm tôi cảm thấy rất thất vọng. Thầy Phước bảo ĐTM nào cũng giống nhau như vậy là chết rồi. ĐTM nào cũng giống nhau thì làm sao nhà nước lại quy định mỗi dự án phải có ĐTM.

Nói như vậy là nói càn quá rồi. Tôi nghĩ nhóm chuyên gia VRN chúng tôi đã nghiên cứu ĐTM, đi thực tế, khảo sát địa chất, mẫu nước, lấy ý kiến cộng đồng… trên tinh thần khách quan và khoa học. Thầy Phước muốn phản đối những lý lẽ của chúng tôi cũng nên dựa trên cơ sở khoa học.

TS Vũ Ngọc Long

Phát ngôn không đúng với văn hóa của giới làm khoa học

Việc GS-TS Phước phát ngôn như vậy không đúng với “văn hoá” của giới làm khoa học. Trong giới khoa học, khi có tranh luận về vấn đề gì thường các nhà khoa học chọn cách đàng hoàng trao đổi với nhau hài hòa. Các nhà khoa học nên tôn trọng lẫn nhau. Nếu anh Phước thấy anh Long nói có chỗ nào chưa được thì nên đối thoại với nhau trên cơ sở các dẫn chứng cụ thể, thuyết phục. TS Long cũng làm vì cái chung, cho cộng đồng người dân ven sông Đồng Nai chứ không vì động cơ cá nhân riêng gì. Hiện nay dòng sông Đồng Nai đã phải oằn mình gánh quá nhiều dự án, không thiếu đất để xây nhà mà phải nhất thiết chất thêm một dự án lấp sông làm khu đô thị nữa. UBND tỉnh Đồng Nai cần cân nhắc kỹ dự án này với quyền lợi của người dân có nguồn sống từ con sông, nhất là nhiều người nghèo đang bám vào sông để mưu sinh.

GS Đặng Huy Huỳnh 
(Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN)

 Đánh giá tác động môi trường 2014 – 2015 mà lại lấy số liệu 2007 – 2008

Chúng tôi nói thì có trách nhiệm với lời nói của mình. Đánh giá tác động môi trường 2014 – 2015 mà lại lấy số liệu 2007 – 2008 mà lại bảo là không thay đổi thì… đúng là “ảnh chả hiểu một cái gì”. Chuyện sao chép còn nhiều đoạn nói ra nó buồn cười lắm… nhưng mà thôi, tôi cũng không muốn bàn sâu thêm. Nếu anh không có thì nên giải thích, chứng minh đàng hoàng đi. Ngay chính cơ quan quản lý nhà nước cũng thấy vấn đề này nó như thế nào rồi. Vừa rồi ông Lai (Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thái Lai – PV) cũng nói ĐTM nói một đường mà dự án thực hiện một nẻo còn gì.

TS Đào Trọng Tứ
(Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu)

Làm xấu uy tín của giới khoa học

Đấy (việc GS-TS Nguyễn Văn Phước trả lời trên Báo Người Lao Động số ngày 14.5 – PV) là quan điểm rất “cùn”, không phải phong cách của người làm khoa học. Đã là vấn đề về khoa học thì cần phải có thực tiễn, dẫn chứng, số liệu cụ thể mới thuyết phục. Một nhà khoa học cho rằng, các số liệu của một dòng sông không thay đổi đáng kể trong 7 năm là vô lý. Các dòng sông luôn có sự thay đổi theo thời gian, trong 1 năm đã có nhiều biến đổi khác nhau nhất là trong tình trạng biến đổi khí hậu đang là chủ đề đáng lo ngại.

Về vấn đề nói kết luận của các báo cáo ĐTM nào cũng giống nhau lại càng vô lý. Nếu giống nhau tất thì cần gì phải bỏ số tiền lớn ra làm ĐTM. Nói chung, đấy cũng là một nhà khoa học có học vị tiến sĩ, được phong hàm giáo sư nhưng nói như vậy làm xấu uy tín của giới nhà khoa học. Nguyên nhân có thể do bị chạm vào đúng chỗ yếu nên phản ứng theo cách nói như vậy.

TS Trần Việt Hùng
(Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN)

Chí Nhân – Lê Quân (ghi)

 

Chí Nhân (thực hiện)