28/11/2024

Lấp sông Đồng Nai làm dự án: 89,1% người dân được hỏi phản đối

Đây là kết quả tham vấn cộng đồng do nhóm chuyên gia Mạng lưới sông ngòi VN (VRN) thực hiện.

 

Lấp sông Đồng Nai làm dự án: 89,1% người dân được hỏi phản đối

 

 

Đây là kết quả tham vấn cộng đồng do nhóm chuyên gia Mạng lưới sông ngòi VN (VRN) thực hiện.


 

Hầu hết người dân trong khu vực dự án phản đối dự án lấp sông này - Ảnh: Độc LậpHầu hết người dân trong khu vực dự án phản đối dự án lấp sông này – Ảnh: Độc Lập
Cuộc khảo sát được tiến hành trên 50 hộ dân tại P.Quyết Thắng, Cù Lao Phố (xã Hiệp Hòa), P.Bửu Hòa (bờ sông đối diện khu vực dự án) theo hình thức phỏng vấn sâu. Người được phỏng vấn ở nhiều độ tuổi khác nhau trong khoảng từ 33 – 80 tuổi. Nội dung phỏng vấn bao gồm mức độ hiểu biết về dự án, sự đồng thuận với việc triển khai dự án, quan điểm đối với dự án.
Cơ quan chức năng bất nhất
Về mức độ hiểu biết dự án, người dân cho biết những thông tin mà họ biết được chủ yếu từ báo chí và trò chuyện với những người xung quanh. Riêng các hộ ở P.Quyết Thắng chỉ mới biết trong cuộc họp dân do chủ đầu tư dự án thực hiện hồi tháng 4.2015 (tối 17.4, UBND P.Quyết Thắng bất ngờ tổ chức cho Công ty Toàn Thịnh Phát gặp gỡ các hộ dân ở khu vực dự án – PV).
Có đến 89,1% hộ phản đối dự án, số hộ còn lại cho biết họ chưa rõ dự án có gây tác động tiêu cực nào không nên chưa có ý kiến.
Những hộ dân phản đối cho rằng dòng sông từ trước tới giờ chưa từng bị xâm lấn bởi các công trình kiên cố. Bất kỳ người dân nào có hành vi xâm lấn dòng sông, dù ở quy mô nhỏ, cũng lập tức bị cơ quan chức năng đến xử lý với lý do làm ảnh hưởng bờ sông và dòng chảy. Trong khi dự án lấp sông ồ ạt ở quy mô lớn lại được cơ quan chức năng nói là không gây ảnh hưởng gì là điều quá vô lý, cho thấy sự trước sau bất nhất. Việc này sẽ tạo tiền lệ xấu cho các khu vực khác tiếp tục xâm lấn sông ngòi, khiến người dân mất niềm tin vào chính quyền.
Người dân địa phương đặc biệt lo ngại dự án sẽ làm thay đổi dòng chảy và gia tăng xói lở, đe dọa Cù Lao Phố. Trên đoạn sông này có 2 xoáy nước lớn, dự án lấp sông sẽ thu hẹp dòng chảy và khiến 2 xoáy nước mạnh hơn, đe doạ bờ sông P.Quyết Thắng và mũi Cù Lao Phố, lũ lụt sẽ gia tăng, lòng sông bị thu hẹp nên mực nước lũ sẽ cao hơn.
Không cần thiết phải làm lại ĐTM
TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, cố vấn VRN, nhấn mạnh: “Nước là máu. Sông là mạch máu. Nếu không có nước thì chúng ta không thể sống và phát triển được. Các dòng sông là đối tượng cần được bảo vệ chứ không phải đối tượng để con người chinh phục. Việc bảo vệ các dòng sông một cách bền vững là phục vụ cho nhu cầu hôm nay và cả mai sau. Để bảo vệ được các dòng sông cần xem trọng tính pháp lý và vai trò của các bên liên quan. Có ý kiến cho rằng ĐTM của dự án này không đạt thì cho làm lại cái khác. Quan điểm như vậy là không đúng. Vì dự án này đã sai ngay từ đầu về tính pháp lý của nó. Mặt khác nói là cải tạo cảnh quan nhưng lại xây dựng hạ tầng, phát triển đô thị để kinh doanh là không đúng bản chất. Như vậy, làm ĐTM lại để làm gì? Điều này cũng giống như chuyện chủ đầu tư lấp xong rồi mới họp dân vậy nó là chuyện vô nghĩa”.
TS Tứ nhấn mạnh dự án đã đổ đất đá xuống sông đến hơn 90%, nên việc cần làm bây giờ không phải là ĐTM nữa mà cần làm rõ về nguồn gốc đất đá lấp xuống sông đó là từ đâu ra? Có nguy hại đến sức khoẻ, tính mạng của người dân, môi trường hay không? “Tôi nghĩ bây giờ Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai cần vào cuộc làm rõ vấn đề này. Để làm rõ câu chuyện này không khó. Họ được lập ra để bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai nên bây giờ họ cần phải thể hiện vai trò, chức năng, sự tồn tại của mình”, TS Tứ đề xuất.
Dự án khởi công, 4 tháng sau mới có giấy phép
Theo nhóm nghiên cứu của VRN, có một điều hết sức vô lý là dự án được khởi công nhưng 4 tháng sau đó mới được cấp phép xây dựng. Lễ khởi công ngày 17.9.2014 có mặt đầy đủ các vị lãnh đạo cấp cao của tỉnh Đồng Nai nhưng mãi đến ngày 15.1.2015 dự án lấp sông mới được cấp phép xây dựng.

Cách làm ĐTM không khách quan
TS Vũ Ngọc Long (VRN) cho biết theo quy định hiện hành, chủ đầu tư dự án phải bỏ tiền ra thuê một đơn vị độc lập làm ĐTM (Báo cáo đánh giá tác động môi trường). Báo cáo này mang tính phản biện cho dự án.
“Còn ở ĐTM dự án lấp sông Đồng Nai, chủ đầu tư lại đứng tên trong ĐTM thì nó khiến người đọc hiểu rằng chính ông chủ đầu tư đi làm ĐTM. Như vậy là không đúng theo tinh thần của ĐTM, cũng giống như việc vừa đá bóng vừa thổi còi. Đơn vị được thuê đứng làm ĐTM lại xếp tên mình xuống hàng thứ 4, dưới 3 cái tên của chủ đầu tư có nghĩa là họ nịnh chủ đầu tư một cách thái quá nếu không muốn hiểu theo nghĩa họ không có năng lực trong việc làm ĐTM. Có chăng đơn vị nhận trách nhiệm làm ĐTM người ta chỉ ghi vài dòng cảm ơn chủ đầu tư đã hỗ trợ kinh phí phương tiện vật chất để làm ĐTM mà thôi”.
Trong khi đó, TS Đào Trọng Tứ nói: “Chúng tôi đang đấu tranh theo hướng chủ đầu tư phải bỏ tiền ra đưa vào một quỹ nào đó hay đưa nhà nước quản lý. Nhà nước có trách nhiệm sử dụng số tiền đó đi thuê một đơn vị độc lập có uy tín, năng lực và có chức năng để làm ĐTM thì mới khách quan được”.
C.Nhân – L.Quân

Chí Nhân