27/11/2024

Bí ẩn “kinh thánh của quỷ”

Nguồn gốc cuốn sách được đặt biệt danh “kinh thánh của quỷ” hiện vẫn gây tranh cãi, và cội nguồn tranh chấp đến từ hình ảnh quỷ Satan cỡ lớn trên một trang sách.

 

Bí ẩn “kinh thánh của quỷ”

 

Nguồn gốc cuốn sách được đặt biệt danh “kinh thánh của quỷ” hiện vẫn gây tranh cãi, và cội nguồn tranh chấp đến từ hình ảnh quỷ Satan cỡ lớn trên một trang sách.


 

Bí ẩn “kinh thánh của quỷ” - ảnh 1
Bí ẩn “kinh thánh của quỷ” - ảnh 2

Trang in hình quỷ dữ trên cuốn sách gây tranh cãi – Ảnh: AFP/Getty

Codex Gigas là quyển sách lớn nhất thế giới của thời Trung cổ. Với bề dày 22 cm, cao 92 cm, ngang 50 cm, nặng 74 kg, cuốn sách lớn đến nỗi tác giả phải cần hơn 160 mảnh da động vật để ghép thành. Tuy nhiên, kích thước không phải là điều khiến giới sử gia ngạc nhiên, mà chính là một trang màu in hình quỷ dữ khổ lớn, làm nhiều người cho rằng đây là quyển sách bị nguyền rủa. Ngày nay, cuốn sách bí ẩn được bảo quản tại Thư viện Quốc gia Thuỵ Điển ở Stockholm và được đặt biệt danh “kinh thánh của quỷ”. Nó được cho là đã hoàn thành vào đầu thế kỷ 13 tại một tu viện ở CH Czech.
Đến nay, giới sử gia vẫn chưa rõ cuốn sách đã được tạo ra bằng cách nào, và ai đã viết một tác phẩm nhân danh quỷ Satan như thế. Truyền thuyết cho rằng vào thời Trung cổ, một thầy tu phải chịu hình phạt khủng khiếp là sẽ bị nhốt trong một căn phòng kín vì phạm lời thề của dòng tu. Để tránh hình phạt, vị tu sĩ cam kết trong một đêm sẽ viết xong một cuốn sách chứa mọi tri thức của nhân loại. Gần hết thời hạn, ông ta trở nên hoảng loạn, cầu viện quỷ Satan giúp đỡ để hoàn thành cuốn sách, và trao đổi bằng chính linh hồn của mình. Satan đồng ý và ký vào quyển sách bằng cách thêm một trang vẽ chân dung bản thân. Đó là bức tranh vẽ hình một con quỷ dữ đứng giữa hai ngọn tháp lớn.
Theo một báo cáo trên tạp chí National Geographic cách đây vài năm, kết quả phân tích chữ viết tay của chuyên gia Michael Gullick (Bảo tàng Quốc gia Thụy Điển) xác nhận một người đã viết toàn bộ cuốn sách này. Cùng với chữ viết tay, chữ ký bên trong dòng chữ “hermann inclusis” cho thấy nhiều khả năng chỉ có một tác giả duy nhất. Còn mực cũng được làm từ tổ côn trùng nghiền lại với nhau. Trong khi đó, các cuộc thử nghiệm nhằm tái tạo kiểu chữ trên “kinh thánh của quỷ” cho thấy phải mất 5 năm viết không ngừng tay mới hoàn thành cuốn sách, theo báo cáo trên trang The Line Up. “Rõ ràng tác giả của kỳ công này bị ám ảnh bởi một điều gì đó khi viết một tác phẩm khổng lồ như vậy. Và dù được tạo ra nhờ quyền năng của ánh sáng hay bóng tối, nó bất diệt với thời gian”.
Sở dĩ gọi đây là “kinh thánh” vì Codex Gigas ghi lại toàn bộ nội dung của kinh thánh, kèm theo 5 câu khác. Cuốn sách bắt đầu bằng kinh Cựu ước, và theo sau là 2 tác phẩm của học giả kiêm sử gia Flavius Josephus vào thế kỷ đầu tiên sau công nguyên. Nó chấm dứt bằng kinh Tân ước, và phần cuối của tác phẩm dài hơi là Biên niên sử Bohemia của thánh Cosmas xứ Prague. Một số nhà nghiên cứu cho rằng cội nguồn của tin đồn về vị tu sĩ bị trừng phạt đến từ sự hiểu lầm khi giải mã chữ ký trên quyển sách, dòng chữ “hermann inclusis”. Trong đó, từ “in clusis” được cho là nói về một hình phạt khủng khiếp, nhưng nghĩa của nó trên thực tế gần hơn với “ẩn dật”. Nếu nhìn theo khía cạnh này, tác giả có thể là một tu sĩ cô độc, người xa lánh thế giới bên ngoài và dành trọn cuộc đời để tạo ra Codex Gigas.

Phi Yến