28/11/2024

Các nhà sáng chế không hưởng lương

63 nhà nghiên cứu không chuyên trên toàn quốc lần đầu tiên cùng hội ngộ trong cuộc gặp mặt do 
Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) tổ chức ngày 
12-5, với sự hiện diện 
đặc biệt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Các nhà sáng chế không hưởng lương

 

 63 nhà nghiên cứu không chuyên trên toàn quốc lần đầu tiên cùng hội ngộ trong cuộc gặp mặt do 
Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) tổ chức ngày 
12-5, với sự hiện diện 
đặc biệt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.


 

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ đại biểu là các nhà sáng chế không chuyên nghiệp tiêu biểu năm 2015 - Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ đại biểu là các nhà sáng chế không chuyên nghiệp tiêu biểu năm 2015 – Ảnh: Nhật Bắc

Trong bài nói chuyện dài 30 phút, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa, tạo mọi điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất cũng như tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, sáng tạo, sáng chế của người dân.

Những nông dân chính hiệu

Trong 63 nhà sáng chế không chuyên tiêu biểu được Bộ KH&CN chọn lựa từ danh sách đề cử của địa phương, phần lớn đều là nông dân chính hiệu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hồng Hà – phó vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN – cho biết có các tiêu chí để lựa chọn đại biểu tham dự cuộc gặp lần đầu tiên được Bộ KH&CN tổ chức nhân Ngày KH&CN VN: đó là các nhà sáng tạo không hưởng lương nhà nước, không dùng ngân sách nhà nước để nghiên cứu; sản phẩm nghiên cứu đã đưa vào ứng dụng trong thực tiễn và từng tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật.

“Vì tiêu chí lựa chọn hướng đến nhà sáng chế không hưởng lương, nên phần lớn trong số họ là nông dân” – ông Hà nói. Trong phiếu khảo sát về tình hình bảo hộ và thương mại sáng chế ở VN được Bộ KH&CN phát ra tại buổi gặp gỡ, nhiều nhà sáng chế nắn nót ghi dòng chữ trình độ học vấn chưa hết phổ thông: 5/12, 6/12…

“Thật sự tôi chỉ học đến lớp 3. Là nông dân, tôi thấy rõ sự vất vả của nhà nông mỗi khi mùa mưa bão đến, chạy kiếm nhân công rất vất vả. Có những đợt nước ngập quá đầu gối, kể cả cắt lúa xong rồi mà để đó, không kịp chuyển về là thối hết. Trăn trở như thế, năm 2006 tôi bắt tay vào nghiên cứu máy phóng lúa, gặt đập liên hợp. Bà con xung quanh cười lắm vì trình độ của tôi chỉ đến lớp 3. Có người nói ông này dốt mà… làm liều” – ông Nguyễn Văn Dũng, nhà sáng chế đến từ Tây Ninh, nhớ lại.

Bấy giờ, ông Dũng phải bỏ tiền túi ra làm nhưng thất bại, lúc đầu mất trắng cả chục triệu đồng. Vợ ông can đừng làm nữa, vì còn phải dành tiền lo cho tụi nhỏ ăn học. Nhưng ông Dũng vay ngân hàng và vẫn quyết tâm làm.

Sau một năm nghiên cứu, sản phẩm đã hoàn chỉnh với khả năng giải phóng sức lao động tương đương… 50 người! Chiếc máy được đầu tư 150 triệu đồng/chiếc, cuối cùng đã bán được ra thị trường bốn chiếc với giá 190 triệu đồng/chiếc.

Gần đây, ông Dũng lại nức danh với sản phẩm máy phun thuốc nông nghiệp. “Sản phẩm này bắt nguồn từ câu chuyện có đợt bốn người trong huyện phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc khi đeo thùng thuốc trừ sâu trên vai phun cho cây trồng nhưng bị gió hất ngược lại. Máy phun thuốc nông nghiệp giúp người nông dân thoát hẳn khỏi nỗi lo ngộ độc” – ông Dũng nói.

Chiếc máy giá thành khoảng 30 triệu đồng đã đến với bà con không chỉ trong tỉnh nhà chính bởi ý nghĩa thiết thực của nó.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, trong 63 nhà sáng chế không chuyên được lựa chọn tham dự cuộc gặp mặt, nhiều người đã tạo ra những sản phẩm thật sự ấn tượng, có ích cho cộng đồng, từ những thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy sạ hàng, máy gặt đập, máy tuốt lúa, đến những sản phẩm có kết cấu phức tạp, có thể ứng dụng trong những lĩnh vực đặc biệt như máy nâng hạ, thậm chí… tàu ngầm, xe tăng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ các nhà sáng chế không chuyên, trong buổi tuyên dương do Bộ Khoa học và công nghệ tổ chức tại Hà Nội ngày 12-5 - Ảnh: Đức Tâm
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ các nhà sáng chế không chuyên, trong buổi tuyên dương do Bộ Khoa học và công nghệ tổ chức tại Hà Nội ngày 12-5 – Ảnh: Đức Tâm

Nền công nghiệp phụ trợ còn hạn chế

Không phải là nhà khoa học chính hiệu, nhưng những nghiên cứu của những nhà sáng chế không chuyên đã được đưa vào ứng dụng rộng rãi, vươn ra thị trường mạnh mẽ, thậm chí một số sản phẩm máy phục vụ nông nghiệp còn được xuất sang nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết ngoài 3 chiếc máy phun thuốc nông nghiệp đã bán cùng đơn đặt hàng 14 chiếc cho thị trường trong nước, ông đã bán được 8 chiếc sang Campuchia.

Bắt tay vào nghiên cứu trong nỗi nghi ngại của láng giềng, nỗi lo lắng của gia đình vì phải tự bỏ tiền túi, ông Dũng khẳng định đến giờ chính nhờ nghiên cứu khoa học mà ông có tiền nuôi con cái thành người.

Hai người con của ông Dũng, một vừa tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, một đỗ vào Trường ĐH Ngoại thương và sau đó được Nhật Bản tiếp nhận đào tạo tiếp. 

Còn ông Nguyễn Tấn Biền (Ninh Hoà, Khánh Hoà) với sản phẩm máy bóc tách vỏ đậu có khả năng bóc tách 100 – 120 kg hạt/giờ cũng đã bán ra thị trường được hơn 20 máy, tỏa đi khắp các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Tiền Giang, Phú Yên… 

Ông Đào Viết Thoàn – thương binh hạng 1/4 – nổi tiếng với công nghệ bào chế thuốc mỡ sinh cơ chữa phỏng, đã giúp hơn 20.000 người khỏi bệnh và miễn phí nhiều tỉ đồng tiền thuốc cho gần chục ngàn bệnh nhân nghèo…

Ông Nguyễn Hồng Hà cũng cho rằng dù niềm đam mê nghiên cứu cộng với nhu cầu thực tiễn đã giúp nhiều nhà sáng chế không chuyên tạo ra những sản phẩm có ích cho cộng đồng, nhưng hoạt động nghiên cứu này đang gặp không ít khó khăn.

“Phải tự bỏ tiền túi ra để nghiên cứu, đã có những người bán nhà bán cửa, lao tâm khổ tứ cho đam mê của mình. Kể cả khi thành công thì ước mơ làm ra được cái máy tốt nhất, chất lượng ngang ngửa với nước ngoài cũng không đơn giản, khi nền công nghiệp phụ trợ của VN còn quá hạn chế. Có người muốn cải tiến thiết bị của mình cần đến xích líp đạt chuẩn 1.000 vòng/phút, nhưng xích líp trên thị trường trong nước chỉ đạt 500 vòng/phút, nên ước mơ ấy đành dang dở. Rồi sản phẩm trong nước muốn thị trường quốc tế chấp nhận thì phải bảo đảm yếu tố kỹ thuật, bảo đảm an toàn, trong khi tiềm lực khoa học nhiều địa phương lại chưa đủ khả năng để đánh giá các yếu tố này” – ông Hà nói.

Theo ông Hà, đây là những vướng mắc mà các cơ quan quản lý phải cùng người dân tháo gỡ, giúp thúc đẩy phong trào và tăng hiệu quả nghiên cứu, kể cả chuyên nghiệp và không chuyên.

Nhà sáng chế không chuyên có đơn độc?

Tại buổi gặp gỡ, chỉ có bốn nhà sáng chế được chia sẻ về câu chuyện nghiên cứu của mình, nhưng cũng chỉ dừng ở việc mô tả nghiên cứu, kể lại thành tích bản thân đạt được mà thiếu vắng những chia sẻ, tâm tư, những vướng mắc khi phải hoạt động nghiên cứu độc lập.

Trao đổi bên lề cuộc gặp gỡ, nhiều nhà sáng chế tâm sự thực tế họ chưa từng được nhận bất cứ sự hỗ trợ nào từ Nhà nước trong hoạt động nghiên cứu.

Trong phiếu khảo sát do chính Bộ KH&CN gửi đến các nhà sáng chế, có người không ngần ngại ghi rõ sáng chế của mình chưa đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ dù độc đáo, duy nhất, dù đảm bảo tính mới, sáng tạo chỉ vì… không đủ kinh phí!

Trao đổi bên lề buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng thừa nhận hiện tại “bà con mình tự làm chứ chưa nghĩ đến tìm nguồn đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp”. Do nguồn đầu tư hạn chế nên sản phẩm không đạt tiêu chuẩn như mong muốn để đưa ra và chiếm lĩnh thị trường.

Theo ông Quân, trách nhiệm của Bộ KH&CN là tiếp cận sớm người dân có sáng chế để họ tạo ra những sản phẩm phù hợp khả năng, lại thật sự thiết thực với cộng đồng. Ngân sách nhà nước không thể tuỳ tiện hỗ trợ những sản phẩm không có tính thực tiễn.

Vậy nhà sáng chế không chuyên liệu có quá đơn độc khi phần lớn họ phải “tự bơi” để cho ra những sản phẩm thiết thực, trong khi không ít cơ quan nhận tài trợ của Nhà nước để nghiên cứu lại tạo ra những sản phẩm na ná nhau? Bộ có cách nào để trả lại sự công bằng? Đáp lại câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng “mọi sự công bằng đều chỉ có tính tương đối”.

Theo đó, khi lập các viện nghiên cứu, các trường ĐH, Nhà nước muốn tạo ra quả đấm thép để phát triển khoa học, đào tạo, làm ra những sản phẩm trình độ cao. Song Nhà nước cũng không thể đầu tư cho tất cả. Kể cả các viện nghiên cứu, trường ĐH trọng điểm thì vẫn cần huy động nguồn lực từ xã hội.

“Thực tế, ngân sách nhà nước hạn hẹp. Nói là ưu ái cho viện nghiên cứu, cho ĐH trọng điểm, nhưng ngân sách chỉ đủ để trang trải chi thường xuyên cho các cơ quan này. Đầu tư cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng chỉ là 10% trong 2% tổng chi ngân sách. Do đó, bản thân các nhà khoa học chuyên nghiệp có đề tài nghiên cứu đã khó khăn, chưa thể nói chúng ta đủ nguồn lo cho các đối tượng khác trong xã hội” – ông Quân nói.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng cần huy động nguồn lực từ doanh nghiệp để hỗ trợ nghiên cứu, đồng thời Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cũng như thông qua việc đưa các nhà khoa học, các viện, trường đến với người nghiên cứu không chuyên.

Phát huy phong trào nghiên cứu trong nhân dân

Trò chuyện với những nhà sáng chế không chuyên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh để xây dựng đất nước VN độc lập, thống nhất, chủ nghĩa xã hội; để thực hiện được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, không có cách nào khác là phải dựa vào và phát huy tài nguyên trí tuệ VN, năng lực sáng tạo của nhân dân – nguồn tài nguyên vô tận mà càng khai thác, sử dụng thì càng thêm giàu có, phong phú.

Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu thì một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định là phải nghiên cứu sáng tạo, “sản phẩm nào tốt hơn, rẻ hơn thì sản phẩm đó thắng, tiềm lực khoa học công nghệ của quốc gia nào tốt hơn thì quốc gia đó thắng” – Thủ tướng lưu ý.

Đánh giá cao những đóng góp của các nhà khoa học không chuyên trong công tác nghiên cứu, sáng tạo, sáng chế, Thủ tướng bày tỏ mong muốn phong trào nghiên cứu, sáng tạo, sáng chế trong nhân dân tiếp tục được phát huy, nhân lên mạnh mẽ và các nhà sáng chế tiếp tục niềm đam mê của mình, tiếp tục có những sáng tạo, sáng chế mới hữu ích để phục vụ xã hội, cộng đồng và phục vụ chính cuộc sống của gia đình.

Thủ tướng đề nghị Bộ KH&CN cũng như các bộ, ngành hết sức quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các công trình nghiên cứu, sáng tạo, sáng chế về KH&CN, hỗ trợ về vốn, về bảo hộ sở hữu trí tuệ, quảng bá sản phẩm ra thị trường cũng như các chính sách thuế đối với các sản phẩm sáng tạo để ứng dụng rộng trong cuộc sống, trong sản xuất…

NGỌC HÀ