28/11/2024

Những cư dân 2.000 năm trước

Quá trình nghiên cứu, khai quật khu di tích Gò Tháp, đặc biệt là năm 2013 đã dần hé lộ chân dung những cư dân đầu tiên sinh sống ở vùng đất này cách đây hơn 2.000 năm. Vậy họ là ai?

 

Những cư dân 2.000 năm trước

 

Quá trình nghiên cứu, khai quật khu di tích Gò Tháp, đặc biệt là năm 2013 đã dần hé lộ chân dung những cư dân đầu tiên sinh sống ở vùng đất này cách đây hơn 2.000 năm. Vậy họ là ai?

 

 

PGS. TS  Đặng Văn Thắng đang chỉ đạo việc khai quật - Ảnh: V.Tr.
PGS. TS Đặng Văn Thắng đang chỉ đạo việc khai quật – Ảnh: V.Tr.

Chinh phục vùng đầm lầy

Hàng chục năm qua khi tiến hành khai quật ở bất kể vị trí nào trong khu vực di tích Gò Tháp rộng khoảng 6km2, các nhà khảo cổ học đều phát hiện vết tích của con người sinh sống thời văn hóa Óc Eo và hậu Óc Eo. Đó là những mảnh gốm thô, gốm mịn tô màu, gỗ có vết chế tác, than tro, trang sức, xương động vật, chày nghiền, đá mài…

Đáng chú ý nhất là trong đợt khai quật lần thứ ba tại di tích gò Minh Sư vào tháng 4-2003 đã làm rõ thêm các đặc điểm của di chỉ cư trú. Hình thức cư trú trên các đồi gò thấp bên cạnh các lạch trũng nhỏ.

TS Lê Thị Liên (Viện Khảo cổ học) cho biết khi khai quật khu vực gò Minh Sư đã phát hiện dấu tích bếp, có cả chiếc bát còn nguyên vẹn. Ngoài ra còn có cả dấu tích vùng ngập nước trong thời gian khá dài tạo nên một lớp bùn xám đen, nơi dày nhất tới gần 80cm.

Quá trình cư trú của cư dân tại đây cũng là quá trình bồi đắp các vùng đất trũng. Bằng chứng là các lớp gạch vụn được đắp lẫn với đất pha sét một cách rất chắc chắn. Riêng tại khu vực đìa Vàng và đìa Phật, ở độ sâu khoảng 0,5m còn phát hiện nhiều cọc đứng thẳng, dựng cách quãng.

Những cọc gỗ này thường có thân tròn, đầu dưới đẽo nhọn, cắm sâu dưới lòng đất, phần trên có đục lỗ để lắp xà ngang, được xem là cọc gỗ nhà sàn. Điều đó càng chứng tỏ rằng xưa kia đây là vùng đầm lầy, được con người chinh phục và sinh sống trong thời gian khá dài.

Thật ra lối cư trú nhà sàn trên cọc gỗ đã xuất hiện trong thời tiền sử ở những vùng trũng ven sông Đồng Nai và nó cũng chính là lối cư trú truyền thống của cư dân cổ quen sống ở vùng sình lầy, ven sông, ven biển ở Nam Đông Dương và Đông Nam Á. Cho đến nay trong các di tích thuộc văn hoá Óc Eo chưa phát hiện được ngôi nhà nào còn tương đối nguyên hình dạng.

Câu hỏi đặt ra là: “Những người đầu tiên chinh phục vùng đầm lầy Gò Tháp từ khi nào, họ là ai?”. TS Lê Thị Liên cho biết căn cứ vào kết quả giám định niên đại của nhiều hiện vật tìm thấy trong lòng đất Gò Tháp thì có thể khẳng định con người đã có mặt sinh sống tại đây từ vài thế kỷ trước Công nguyên và kéo dài đến khi văn hoá Óc Eo suy tàn.

Gò Tháp được xem là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị, tôn giáo quan trọng của văn hóa Óc Eo ở đồng bằng sông Cửu Long. TS Liên nói thêm: “Bên cạnh các di vật mang đặc điểm của văn hóa Óc Eo điển hình, còn có các di vật ở phía Bắc (sành, gốm) và di vật ngoại nhập (hạt chuỗi thủy tinh khảm – eye bead), thậm chí có cả các mảnh gốm có đặc điểm thời tiền sử đã cho thấy di tích Gò Tháp là một trung tâm văn hoá Óc Eo phát triển, có mối quan hệ giao lưu rộng rãi với thế giới bên ngoài. Không chỉ vậy, nơi đây còn có lịch sử phát triển lâu đời hơn những gì mà chúng ta được biết cho tới nay”.

PGS.TS Đặng Văn Thắng, người trực tiếp chỉ đạo công tác khai quật, khảo cổ tại Gò Tháp liên tục nhiều năm qua, cũng có cùng nhận định với TS Liên khi cho rằng có dấu vết con người đã có mặt chinh phục vùng đầm lầy này từ khoảng thế kỷ thứ II trước Công nguyên, tức cách đây đã hơn 2.000 năm. Và đến thế kỷ thứ I sau Công nguyên thì vương quốc Phù Nam hình thành.

Quốc gia cổ đại này nằm ở vùng hạ lưu sông Cửu Long, phía đông kiểm soát cả vùng Nam Trung bộ, phía tây kiểm soát thung lũng Mê Nam (Thái Lan) và về phía nam kiểm soát cả phía bắc bán đảo Malaysia. Phù Nam được biết đến là một vương quốc cổ có nền thương mại hưng thịnh của khu vực, đặc biệt là từ giữa thế kỷ thứ III-VI.

Quá trình đào thám sát và khai quật khu Gò Tháp còn cho thấy con người đã chiếm lĩnh vùng này sau khi biển vừa mới rút. Có thể ban đầu do nền đất còn bùn lầy chưa hoàn toàn được ổn định nên họ đã chọn địa điểm cao là những cồn cát làm nơi cư trú.

Sau đó do nhu cầu của sinh hoạt tôn giáo và tín ngưỡng, họ đã đắp những nơi này thành gò cao để xây cất đền thần. Cư dân cổ ở Gò Tháp đã khai phá đất đai tạo dựng cuộc sống, tiếp thu một nền văn minh tương đối cao.

Những di vật phát hiện trong lòng đất còn cho thấy họ có các hoạt động thủ công nghiệp phát triển, đặc biệt là nghề làm gạch, gốm, luyện kim, kim hoàn.

Những hiện vật bằng vàng được tìm thấy trong quá trình khai quật ở khu di tích Gò Tháp - Ảnh: V.Tr.
Những hiện vật bằng vàng được tìm thấy trong quá trình khai quật ở khu di tích Gò Tháp – Ảnh: V.Tr.

Những nền văn hoá bị… biến mất

Theo PGS.TS Đặng Văn Thắng, những cư dân Phù Nam xưa kia là tộc người Malay – Indonesien (giỏi về thương mại) và Môn – Khmer (giỏi về nông nghiệp). Họ từ Đồng Nai, từ Cần Giờ xuống, từ Mã Lai đa đảo vào và hội tụ tại Nam bộ, trong đó có Gò Tháp.

Sau đó thông qua quá trình giao lưu với thế giới bên ngoài, đặc biệt là Ấn Độ thì những tăng lữ Bà La Môn và người thuộc đẳng cấp thứ hai (cai trị), thương nhân, thợ thủ công đã đến đây làm ăn buôn bán, truyền đạo Hindu và Phật giáo, dạy chữ và các nghề thủ công.

Sự hội tụ, giao lưu giữa những người giỏi về thương mại và nông nghiệp dần dần biến vùng này trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn thứ hai, có thể nói quyền lực chỉ đứng sau trung tâm văn hoá Óc Eo tại Ba Thê (An Giang).

Theo các tài liệu lịch sử, cư dân Phù Nam theo đạo Bà La Môn và đạo Phật. Vương quốc Phù Nam đạt đến sự cực thịnh dưới triều vua Kaundinya Jajavarman (478-514). Thế rồi sau đó vương quốc Phù Nam bị suy tàn bởi nội loạn và sự nổi dậy của tiểu quốc.

Một yếu tố khác góp phần vào sự suy tàn của Phù Nam là nền kinh tế của quốc gia đã đi xuống từ sau những tiến bộ về kỹ thuật hàng hải. Thuyền buôn vào thời điểm này đã có thể đi xa bờ và ít có nhu cầu ghé lại Óc Eo trên đường đi qua Trung Quốc, sự biến đổi khí hậu làm mực nước tăng…

Tháng 1-2001, các nhà khảo cổ học đã khai quật 64m2 ở phía đông nam, cách chân gò Minh Sư khoảng 120m đã làm xuất lộ một tầng văn hoá mang tính chất cư trú dày 0,9 – 1,2m. Hơn 18.000 mảnh gốm được tìm thấy, trong đó có nhiều hiện vật có thể được phục nguyên, cùng với nhiều di vật khác như mảnh đáo gốm, con dấu đất nung, mảnh ngói, cốc nấu / rót kim loại, xương động vật… thể hiện những đặc trưng của một di chỉ văn hoá Óc Eo điển hình.

Nhiều ý kiến cho rằng khu vực này có thể là khu vực sinh sống tập trung của cư dân Óc Eo xưa tại Gò Tháp. Việc khai quật để tìm thêm những bí mật trong lòng đất nơi này cũng được tính đến song hiện nay vẫn chưa thực hiện được.

 

 

VÂN TRƯỜNG