10/01/2025

Ngày Quốc tế Chống nạn trẻ em nô lệ

Hiện nay trên thế giới có 246 triệu trẻ em phải lao động vất vả để kiếm sống, trong đó có 73 triệu em dưới 10 tuổi. Hầu như không có nước nào trên thế giới là không có trẻ em lao động, kể cả tại các nước phát triển.

Ngày Quốc tế Chống nạn trẻ em nô lệ
 
Phỏng vấn bà Carlotta Bellini, đặc trách Tổ chức “Cứu các trẻ em phân bộ Italia”


Ngày 16 tháng 4 vừa qua là Ngày Quốc tế Chống nạn trẻ em nô lệ. Ngày 16 tháng 4 cách đây 10 năm, Iqbal Masih, 12 tuổi, đã bị các tổ chức tội phạm dệt vải giết chết tại Pakistan, vì em đã can đảm lên tiếng tố cáo cảnh khai thác bóc lột sức lao động của trẻ em.

Iqbal Masih sinh năm 1983 trong một gia đinh rất nghèo tại Pakistan. Em là một công nhân, một đại diện công đoàn lao công và là người hoạt động chống nạn trẻ em lao động. Khi mới 4 tuổi, Iqbal đã phải làm việc trong một lò đúc gạch. Để trả món nợ tương đương với 12 Mỹ kim, cha em đã quyết định bán em cho một người thợ dệt thảm. Cuộc sống nô lệ vô tận bắt đầu. Iqbal bị đánh đập, la mắng và xích chân vào máy dệt để khỏi bỏ trốn và phải làm việc mỗi ngày trên 10 tiếng đồng hồ. Thế là Iqbal chia sẻ số phận nô lệ của hàng trăm ngàn trẻ em dệt thảm khác tại Pakistan. Các em có bàn tay nhỏ nhắn, tháo vát, nhanh nhẹn, làm việc vất vả, nhưng chỉ nhận đuợc đồng lương chết đói, và nhất là các em không biết phản đối và dễ bị đánh phạt. 

Vào một ngày trong năm 1992, Iqbal và các trẻ em khác lén trốn khỏi xưởng dệt để tham dự một ngày lễ tự do, do “Mặt trận Giải phóng Nô lệ Lao động” tổ chức. Có lẽ đó là lần đầu tiên Iqbal được nghe nói tới các quyền và các trẻ em bị sống trong điều kiện nô lệ như mình. Một cách tự phát em quyết định kể lại lịch sử cuộc đời mình trong buổi biểu tình. Câu chuyện của em gây kinh hoàng và các ngày sau đó được các nhật báo địa phương đăng tải.

Trở về xưởng dệt, mặc dù bị đánh đập, Iqbal từ chối tiếp tục làm việc. Ông chủ cho rằng số tiền nợ của gia đình đã gia tăng hàng ngàn rupi, vì thế ông phải trừ vào phần ăn của Iqbal và trừ vào các việc làm sai khi dệt thảm… Nhưng rất may có một trạng sư giúp em soạn một bức thư từ nhiệm để đưa cho chủ.

Trong cuộc biểu tình, Iqbal quen ông Eshan Ullah  Khan, lãnh tụ “Mặt trận Giải phóng Nô lệ Lao động” và được ông hướng dẫn trong cuộc sống mới bảo vệ quyền lợi của các trẻ em. Gia đình Iqbal bị đe doạ phải rởi bỏ làng, nhưng Iqbal được trọ trong một trung tâm của Mặt trận Giải phóng Nô lệ Lao động và bắt đầu đi học trở lại.

Và thế là sau đó Iqbal bắt đầu kể lại cuộc đời mình trên các đài truyền hình toàn thế giới. Em mau chóng trở thành biểu tượng và phát ngôn viên của thảm cảnh các trẻ em nô lệ lao động, trong các đại hội, ban đầu được tổ chức tại Á châu, rồi bên Âu châu và Mỹ châu.

Em tuyên bố: “Tôi không sợ ông chủ cũ nữa. Chính ông ta phải sợ tôi, phải sợ chúng tôi, sợ sự nổi loạn của chúng tôi. Khi lớn lên, tôi muốn trở thành luật sư và tranh đấu để cho các trẻ em không phải làm việc nhiều quá.”

Từ năm 1993, Iqbal bắt đầu du hành và tham dự các hội nghị quốc tế, gây ý thức cho dư luận quốc tế về quyền của các trẻ em lao công tại Pakistan và góp phần vào việc thảo luận về nạn nô lệ trên thế giới cũng như các quyền căn bản của trẻ em. Cuối năm 1994, Iqbal sang Stockholm, Thuỵ Điển, để tham dự một chiến dịch tẩy chay việc mua thảm do Pakistan xuất cảng, nhằm gây áp lực trên chính quyền Alamabad. Tháng 12 năm 1994, tại Đại học Northeastern Boston, Iqbal nhận Giải thưởng Nhân quyền Reebok. Vì Iqbal quá trẻ tuổi nên đại học đã thành lập một loại giải thưởng thích hợp gọi là “Giới trẻ Hành động”.

Trong thời gian đó, vì áp lực quốc tế cũng như hoạt động địa phương, chính quyền Pakistan đã đưa ra các biện pháp, trong đó có lệnh đóng cửa hàng chục xưởng dệt thảm. Vào tháng 2 năm 1995, Iqbal tham dự một cuộc họp của các vị lãnh đạo “Mặt trận Giải phóng Nô lệ Lao động”, do nhật báo Quốc gia tổ chức, trong đó cuộc đối chất có các giọng điệu rất cứng rắn.

Iqbal sẽ là một luật sư giỏi vì em có tài. Nhưng lịch sử sự tự do của em đã vắn vỏi. Ngày 16 tháng 4 năm 1995, khi đang cùng hai anh em họ Liapat và Faryad dạo chơi bằng xe đạp trong thành phố Muridke, Iqbal bị bọn mafia dệt thảm nả hai băng đạn vào người khiến em gục chết trên chiếc xe đạp của mình. Lúc đó Iqbal mới 12 tuổi.

Ông Ullah Khan tuyên bố đây là một âm mưu của bọn mafia dệt thảm. Có ai đó cảm thấy bị đe doạ bởi hoạt động của Iqbal. Cảnh sát bị tố cáo là đồng loã với các tổ chức tội phạm, vì có nhiều điểm mờ ám trong cái chết của Iqbal. Trong khi các tên sát nhân được tự do, thì nhà báo đã kể lại cuộc đời Iqbal bị tố cáo tội gây thiệt hại cho dịch vụ thương mại của quốc gia với nước ngoài.

Iqbal muốn dành số tiền 15.000 Mỹ kim giải thưởng mà em nhận được để xây một trường học để các trẻ em nô lệ có thể đi học trở lại. Sau khi Iqbal qua đời, Trường Cao học Quincy, nơi Iqbal đã diễn thuyết tháng 12 năm 1994, đã tổ chức một cuộc lạc quyên lấy tiền xây một ngôi trường tại Kasur. Tại các nước Âu châu, có nhiều trường học mang tên Iqbal Masih. Riêng trong các thành phố Italia như Milano, Trieste, Bari, Lido Adrinao, Prato và Roma cũng như Bientina, Buti và Malnate đều có trường mang tên Iqbal Masih.

Hiện nay trên thế giới có 246 triệu trẻ em phải lao động vất vả để kiếm sống, trong đó có 73 triệu em dưới 10 tuổi. Hầu như không có nước nào trên thế giới là không có trẻ em lao động, kể cả tại các nước phát triển.

Đa số các em, khoảng 127 triệu, dưới 14 tuổi sống tại các nước Á châu và Thái Bình Dương. Trong các nước miền nam sa mạc Sahara có tới 48 triệu trẻ em dưới 14 tuổi phải lao động. Đa sổ các em làm việc trong các lĩnh vực không được bảo vệ bởi sự che chở hợp pháp nào: 70% làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, săn bắn hay đánh cá công nghiệp hoặc kỹ nghệ gỗ; 8% trong các nhà máy kỹ nghệ; 8 % trong ngành thương mại, quán ăn và khách sạn; 7% trong các dịch vụ công cộng, xã hội và tư nhân như đầy tớ trong các gia đình.

Có 8,4 triệu trẻ em là nô lệ và nạn nhân của nạn buôn người, làm việc để trả nợ cho gia đình, hay trong lĩnh vực mại dâm, báo chí dâm ô và các sinh hoạt bất hợp pháp khác.

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý thính giả bài phỏng vấn bà Carlotta Bellini, đặc trách Tổ chức “Cứu các trẻ em phân bộ Italia”, về thế giới nô lệ trẻ em vị thành niên.

Hỏi: Thưa bà Bellini, tại Italia là một quốc gia tân tiến mà cũng có nạn  trẻ em bị khai thác bóc lột sức lao động hay buôn người hay sao?

Đáp: Vâng, có rất nhiều việc phải làm tại Italia này, bởi vì thiếu một chương trình quốc gia chống lại nạn buôn người và một chương trình dự kiến các biện pháp cần đề ra để yểm trợ các nạn nhân. Và trên bình diện quốc tế trong những ngày trung tuần tháng 4, đặc biệt trong các ngày từ 13 tới 16 tháng 4, đã có 8000 người tìm đến biên giới Nam Italia  và  Âu châu, và họ đã kể lại các câu chuyện tàn bạo. Họ là các người bị đối xử như nô lệ: bị thiêu sống, bị tra tấn, và bị bắt buộc gọi điện thoại về gia đình để cho thân nhân nghe các tiếng gào thét đớn đau của họ; họ là các trẻ em bị nhốt giam trong sa mạc và trở thành nạn nhân của nạn buôn người… Và một khi họ đến được Italia hay Âu châu, họ vẫn còn gặp các thảm cảnh này.

Hỏi: Nhưng xem ra không phải chỉ có tệ nạn nô lệ trong các tổ chức đa quốc hay trong các trại lao động, mà cũng có nạn khai thác tình dục và hiện tượng hôn nhân trẻ em nữa có đúng không, thưa bà?

Đáp: Vâng, đúng thế. Nạn khai thác tình dục tại Italia liên quan nhiều nhất đến nhóm các thiếu nữ đến từ các nước Đông Âu, trong đó có cả và nhất là các thiếu nữ đến từ các nước trong Liên hiệp Âu châu như Rumania, Bulgaria, và các thiếu nữ Nigeria. Đây là các bé gái hay thiếu nữ được tuyển lựa trong các quốc gia quê quán của họ với lời hứa tìm công ăn việc làm cho, có thể là chuyên viên uốn tóc – với các thiếu nữ Nigeria thì đây là lời hứa thông thường nhất – hay là giữ trẻ em. Nhưng một khi tới Italia, thì trái lại họ bị kiểm soát và khai thác trong tất cả mọi cách thức.

Thế rồi còn có hiện tượng các cuộc hôn nhân sớm: đây là một hiện tượng liên quan tới các thiếu nữ đến từ các nước cựu Yugoslavia, nhưng cũng liên quan tới các thiếu nữ vị thành niên Italia nữa. Trong trường hợp này đó là các bé gáí người Rom bị gia đình bán cho một gia đình khác để làm vợ một người đàn ông. Một khi hôn nhân đã xong, các em trở thành nô lệ của người đàn ông đó. Các em bị bắt buộc phải ăn trộm hay có các hoạt động bất hợp pháp.

Hỏi: Thưa bà, Italia là quốc gia Âu châu nơi đã có số nạn nhân cao nhất được xác nhận hay suy đoán. Các thống kê cho biết trong năm 2010 có 2.400 trẻ vị thành niên bị khai thác bóc lột, có đúng thế không?

Đáp: Chắc chắn là con số này không đúng, con số thật phải cảo hơn nhiều, vì có rất nhiều thiếu nữ và cả các bé trai vị thành niên bị liên luy trong các sinh hoạt khai thác sức lao động hay khai thác tình dục, và các em không được nhận diện. Vì thế điều mà chúng ta biết được chỉ là chóp nổi của một núi đá băng khổng lồ  chìm sâu trong lòng đại dương. Điều nền tảng là dấn thân của chính quyền Italia qua việc đưa ra một chương trình trên bình diện toàn quốc liên quan tới nạn buôn người và khai thác trẻ em. Trên bình diện Âu châu qua một hoạt động chia sẻ  nhằm tiếp đón, yểm trợ và che chở các em. Và cũng phải hoạt động trên bình diện quốc tế để đương đầu với các hiện tượng này bởi vì rất tiếc là chúng không hề được ghi nhận như là các hiện tượng khai thác, lạm dụng, bạo lực và nô lệ mới. (RG 16-4-2015)