10/01/2025

Ý thức, cái thùng rác và sự chế tài

Du lịch VN đã thua các nước trong khu vực về giá cả, dịch vụ, sự thân thiện… Nếu thua luôn vệ sinh môi trường thì không còn gì để cạnh tranh.

 

Ý thức, cái thùng rác và sự chế tài

 

Du lịch VN đã thua các nước trong khu vực về giá cả, dịch vụ, sự thân thiện… Nếu thua luôn vệ sinh môi trường thì không còn gì để cạnh tranh.


 

Các cơ sở kinh doanh du lịch ở Thanh Hóa phải thuê người thu gom rác thải trên bãi biển	- Ảnh: Ngọc MinhCác cơ sở kinh doanh du lịch ở Thanh Hoá phải thuê người thu gom rác thải trên bãi biển – Ảnh: Ngọc Minh
Đừng hô khẩu hiệu
Ông Trần Thế Dũng, Phó giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ, kể ở bãi xe đưa khách vào tham quan đền Mẫu Đồng Đăng (Lạng Sơn) dù vào mùa cao điểm lễ hội nhưng vẫn không có một cọng rác. Hỏi mới biết nhiều năm qua, ở đây luôn áp dụng các biện pháp mạnh để khách không xả rác, bằng cách phạt tiền và cắt cử người thường xuyên nhắc nhở du khách, tài xế về việc xả rác, hút thuốc vứt tàn bừa bãi; cử người đi thu lượm rác. Trong một xã hội mà ý thức con người chưa cao, đặc biệt ở những nơi có đông người, cần có chế tài và kiểm tra, không thể phó mặc cho ý thức và thùng rác.
Theo ông Dũng, các điểm tham quan ở VN quá thiếu thùng rác, sắp đặt ở những nơi không phù hợp, khiến khách không dễ dàng nhìn thấy. Cần phải có biện pháp cụ thể như có người thường xuyên thu gom rác, nhắc nhở du khách hoặc trên vé ghi rõ tầm quan trọng của giữ gìn vệ sinh môi trường chung. Vai trò của hướng dẫn viên là rất quan trọng trong vấn đề vệ sinh môi trường.
Cù Lao Chàm, một đảo nhỏ ở TP.Hội An (Quảng Nam), gần đây thu hút đông du khách trong và ngoài nước. Điều đặc biệt, chính quyền và người dân Cù Lao Chàm đều nói không với túi ni lông, khiến du khách phải làm theo. Để làm được điều đó, Hội An đã phát tặng giỏ xách nhựa cho người dân; quyên góp giấy báo cũ để người dân gói đồ. Vì thế, Cù Lao Chàm được mệnh danh là đảo xanh, nơi chẳng thể tìm thấy rác thải hay túi ni lông bập bềnh trên bãi biển.
Từ kinh nghiệm của Cù Lao Chàm hay đền Mẫu Đồng Đăng cho thấy, nguyên nhân chính của ô nhiễm môi trường ở các điểm tham quan chủ yếu do sự thờ ơ của chính quyền địa phương và ban quản lý thắng cảnh. Chuyên gia du lịch Phan Đình Huê cho biết, du khách VN đi chơi nước ngoài rất ý thức đến việc xả rác vì hướng dẫn viên luôn cảnh báo. “Để chấn chỉnh tình trạng ô nhiễm môi trường du lịch ở VN cần tăng cường các biện pháp chế tài cùng với tuyên truyền, nhưng trước hết là ý thức của chính những người làm công tác quản lý ở điểm tham quan”, ông Huê phát biểu.
Bán hàng rong cũng phải có trách nhiệm
Chuyên gia du lịch Nguyễn Tuấn Quyền cho biết, ở Pattaya (Thái Lan), chính quyền địa phương quy trách nhiệm cho người bán hàng trong việc xả rác. Khu vực bán hàng của ai trên bãi biển, người đó phải có trách nhiệm dọn dẹp nếu du khách xả rác. Nếu để dơ bẩn sẽ bị phạt và vi phạm nhiều lần có thể không cho kinh doanh trong thời hạn nhất định. Tất cả điều này có trong cam kết khi thuê mặt bằng kinh doanh, cả người bán hàng rong cũng vậy. Vì “nồi cơm” của mình, người bán hàng luôn có ý thức tự giác trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường chung. Còn ở VN, người bán hàng rong hoặc kinh doanh hàng quán hầu như không chịu trách nhiệm gì, cộng với du khách, người dân kém ý thức đã khiến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng.
Cũng theo ông Quyền, hiện nhiều công ty du lịch lớn trong nước đã đưa nội dung nhắc nhở du khách bảo vệ môi trường trong quá trình tham quan, du lịch cho hướng dẫn viên. Nhưng số lượng công ty làm việc này rất ít. Vai trò của Tổng cục Du lịch trong bảo vệ môi trường du lịch là rất lớn. Tổng cục không thể chế tài các doanh nghiệp vi phạm nhưng là cơ quan kết nối với các địa phương để làm việc này họ không thể đứng ngoài cuộc.
Ông Huê cũng đề nghị, Tổng cục nên làm vai trò cầu nối với các địa phương, ban ngành để triển khai một chiến dịch bảo vệ môi trường du lịch. Đừng nghĩ vệ sinh môi trường là chuyện nhỏ. Các điểm tham quan đều có bán vé, vậy thì phải sử dụng một phần kinh phí này cho việc bảo vệ môi trường chung.
Nội dung box
Làm clip cảnh báo du khách
Chúng ta không thể đổ lỗi hết cho du khách, bởi thực tế tôi thấy nhiều điểm đến không có thùng rác hoặc quá ít. Điều tôi băn khoăn nhất là trách nhiệm của ban quản lý các điểm tham quan. Ngoài ra, các công ty du lịch cần tăng cường tuyên truyền về bảo vệ môi trường cho du khách. Công ty chúng tôi có một video clip ngắn về những gì du khách nên làm và không nên khi đi du lịch, trong đó có việc giữ gìn vệ sinh chung. Chúng tôi cũng thiết kế túi giấy thay vì túi ni lông cho du khách sử dụng; trên xe luôn có các giỏ đựng rác.
Ông Nguyễn Tử Anh
Giám đốc Công ty du lịch Nexus
Các khu du lịch chỉ biết thu tiền !
Kinh nghiệm của Singapore cho thấy, ý thức của người dân trong việc giữ gìn môi trường chỉ là một phần. Quan trọng là đi đâu ở Singapore cũng thấy có thùng rác cho du khách, người dân bỏ vào. Các thùng rác đều có hướng dẫn phân loại rác rõ ràng. Cuối cùng là các biện pháp chế tài được áp dụng nghiêm túc và nghiêm khắc. Tại sao du khách VN đi chơi nước ngoài thì rất ý thức đối với việc xả rác, còn ở trong nước lại lơ là? Các khu du lịch ở VN chỉ biết khai thác, thu tiền của du khách nhưng không có kế hoạch đầu tư, tái tạo, đặc biệt không ý thức trong bảo vệ tài nguyên du lịch.
Ông Trần Vĩnh Lộc
Giám đốc Công ty du lịch Lạc Hồng

N.Trần Tâm