10/01/2025

Ước mơ của Bình “võ”

Với niềm đam mê võ cổ truyền cháy bỏng, chàng thanh niên Bến Tre đang tìm mọi cách để đưa môn võ này lan toả.

 

Ước mơ của Bình “võ”

 

 Với niềm đam mê võ cổ truyền cháy bỏng, chàng thanh niên Bến Tre đang tìm mọi cách để đưa môn võ này lan toả.

 

 

Chuẩn võ sư Nguyễn Thái Bình hướng dẫn cho các trẻ em ở xã Tân Thành Bình luyện tập võ – Ảnh: Q.Phương

Đó là Nguyễn Thái Bình ở tổ 2B, ấp Tân Long 2, xã Tân Thành Bình (Mỏ Cày Bắc, Bến Tre). Anh được Liên đoàn Võ cổ truyền VN công nhận chuẩn võ sư khi mới vừa 24 tuổi.

Đam mê và kiên trì

Căn nhà nhỏ của hai mẹ con Bình chứa toàn vật dụng của đoàn lân sư rồng và binh khí để phục vụ việc luyện tập võ. Bình nói chuyện về võ một cách say mê: hết kể các loại võ cổ truyền lại đến các vị võ sư nổi tiếng, đến các môn phái…

Bà Cao Hồng Vân (55 tuổi, mẹ Bình) cho hay lúc khoảng 4 tuổi, Bình được ông nội chỉ học đứng tấn, pháp, thủ và một vài đòn quyền của võ cổ truyền. “Tôi đi học văn hóa nhưng trong cặp lúc nào cũng có sách võ, đến giờ giải lao tôi mang sách ra đọc. Bạn bè thấy vậy nên đặt cho tôi cái tên Bình “võ” “- Bình kể lại.

“Cứ vài ngày nó lại đem về một cuốn sách võ, tôi không biết nó lấy tiền đâu mà mua. Dò hỏi mãi mới biết nó nhịn ăn để dành tiền mua. Hằng ngày đi học về nó lấy sách võ ra đọc, vừa đọc vừa múa tay múa chân theo chỉ dẫn trong sách nhìn vui lắm!” – bà Vân nói. Đến nay Bình đã có một tài sản sách võ khổng lồ khoảng 800 cuốn. Sách võ chất trên kệ không đủ chỗ, Bình chất luôn… trên giường ngủ.

Mê võ nhưng Bình chỉ tự mò mẫm học qua sách suốt nhiều năm liền. Mãi đến hè năm lớp 8, Bình tình cờ gặp được võ sư Nguyễn Thu Vân từ Sài Gòn về quê Bình chơi, rồi Bình xin khăn gói lên Sài Gòn theo học võ.

Biết Bình nhà nghèo lại mê võ nên võ sư Vân cho Bình ăn ở và học miễn phí suốt mấy tháng hè. Đều đặn các năm sau, cứ đến hè Bình lại lên thành phố “tầm sư học đạo”. “Lúc lên thăm thấy con chút xíu mà đứng dạy võ cho mấy chú xe ôm đáng tuổi cha tuổi chú, tui mừng rớt nước mắt vì biết con mình đi đúng với niềm đam mê” – bà Vân nhớ lại.

Hết hè Bình về quê tiếp tục học văn hoá. Để rèn võ và truyền đến mọi người, Bình tập hợp bạn bè trong ấp, bạn bè trong lớp tới nhà để… dạy võ. Ban đầu  nhiều người ngạc nhiên, nhưng nhờ kiên trì và đam mê nên ngày càng nhiều bạn trẻ đến nhà Bình học võ cổ truyền.

Cứ thế, Bình vừa dạy miễn phí cho các bạn vừa mày mò, tìm hiểu để nâng cao vốn võ học cho bản thân. Năm 2009 Bình được Liên đoàn Võ cổ truyền VN cấp chứng nhận hoàn thành chương trình huấn luyện viên cấp trung (cấp 15). Với cấp này, Bình chính thức được mở lớp để dạy võ ngay tại căn nhà nhỏ của mình.

“Những trẻ em nghèo, học giỏi… tôi đều miễn học phí. Vì thế mà ngày càng có nhiều bạn trẻ đến học võ. Thấy tôi có thể tập hợp được các bạn trẻ nên chi đoàn ấp lấy mô hình luyện tập võ của tôi làm chương trình hoạt động của ấp, lần lần rồi lan ra cả xã và huyện” – Bình kể.

Vừa dạy võ cho mọi người, Bình vừa tiếp tục học và rèn võ cho bản thân. Năm 2011 Bình thi và được nâng lên cấp 16. Tháng 1-2015 Bình thi tiếp lên cấp 17 và được Liên đoàn Võ cổ truyền VN cấp văn bằng chuẩn võ sư khi mới tuổi 24.

Không để thất truyền

Đam mê và cháy hết mình với võ cổ truyền, Bình tìm đủ mọi cách để đưa môn võ này đến với mọi tầng lớp trong xã hội. “Trước kia tôi cũng từng đi học taekwondo, pencak silat… nhưng rồi tôi nhận thấy không “quyến rũ” bằng võ cổ truyền. Võ cổ truyền là bản sắc văn hóa riêng của cha ông ta nên mình phải tiếp thu và làm rạng danh môn võ này” – Bình nói.

Vì vậy mà Bình truyền võ miễn phí cho người nhiều tầng lớp, nhiều độ tuổi, nhiều nơi khác nhau: với các cụ ông cụ bà lớn tuổi, Bình kết hợp giữa khí công và võ cổ truyền để đưa ra những bài tập riêng giúp các cụ rèn luyện sức khoẻ; các chú xe ôm, dân quân tự vệ được Bình truyền những đòn, thế tự vệ; trẻ em ở làng SOS của tỉnh cũng được Bình dạy võ miễn phí. “Nói chung tôi dạy võ với mong muốn truyền nó đến nhiều người, cuốn hút giới trẻ đến với võ cổ truyền” – Bình nói.

Với trăn trở làm sao để đưa võ cổ truyền đến với càng nhiều người càng tốt, nhất là những người ở các tỉnh, ở nước ngoài, Bình gom góp, dành dụm tiền mua máy chụp hình để ghi lại các bài võ do chính mình thể hiện và đưa lên các trang mạng cộng đồng hướng dẫn mọi người tập luyện. Chưa hết, Bình mua thêm máy tính rồi mày mò lập website để quảng bá võ cổ truyền.

Không có tiền mua tên miền, Bình sử dụng tên miền miễn phí. Sử dụng miễn phí nên nhiều lần lập xong, cập nhật thông tin rồi bị mất nhưng Bình không nản vẫn cứ theo đuổi. Trang web mới nhất mà Bình lập có tên http://bivodo.ucoz.com/ hiện mỗi ngày có khoảng 500 lượt người truy cập tìm hiểu thông tin võ cổ truyền. Số người truy cập trang web này hiện đã toả ra 32 quốc gia trên toàn thế giới. Ngoài ra Bình còn quản lý các fanpage như: lịch sử võ học VN, võ cổ truyền Bến Tre… thu hút hàng nghìn người theo dõi.

Bình không có cha từ khi mới chào đời. Mẹ bị bệnh tim chỉ ở nhà may vá. Để có tiền theo đuổi đam mê, từ những ngày học phổ thông Bình đã đi phục vụ quán để kiếm tiền phụ mẹ và mua sách võ.

Hiện Bình là sinh viên đại học năm thứ nhất hệ tại chức ngành quản lý văn hoá do Trường ĐH Văn hoá tổ chức đào tạo tại Bến Tre. Bình chia sẻ: “Tôi là người đứng lớp dạy võ nhưng nếu không có trình độ học vấn, không có kiến thức tốt thì làm sao “truyền lửa” võ cổ truyền cho các bạn trẻ được. Vì thế mà lâu nay tôi luôn đặt ra cho mình tâm niệm sống: luôn ở trong ta hai lẽ sống, một là đức võ, hai là đạo văn. Giỏi võ nhưng phải có cái tâm tốt thì mọi người mới nể trọng”.

Bình dự tính: “Tôi tiếp tục học hỏi, tập luyện đến năm 28 tuổi thi tiếp để được công nhận là võ sư vì đó là mức tuổi tối thiểu dự thi võ sư theo quy định”.

 

QUANG PHƯƠNG