10/01/2025

50.000 người đọc Kinh Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha

VATICAN – Trong buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với 50.000 tín hữu trưa Chúa Nhật 3-5-2015 tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC nhắn nhủ các tín hữu hãy ở lại trong Chúa Giêsu để sinh nhiều hoa trái thiêng liêng. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC quảng diễn bài Tin Mừng Chúa Nhật 5 Phục Sinh về những lời dặn dò của Chúa Giêsu với các môn đệ, nhắn nhủ họ hãy ở lại trong Người để có thể sinh nhiều hoa trái.

50.000 người đọc Kinh Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha
 
VATICAN – Trong buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với 50.000 tín hữu trưa Chúa Nhật 3-5-2015 tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC nhắn nhủ các tín hữu hãy ở lại trong Chúa Giêsu để sinh nhiều hoa trái thiêng liêng.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC quảng diễn bài Tin Mừng Chúa Nhật 5 Phục Sinh về những lời dặn dò của Chúa Giêsu với các môn đệ, nhắn nhủ họ hãy ở lại trong Người để có thể sinh nhiều hoa trái. 

ĐTC nói:

Anh chị em thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly, trong lúc Ngài biết rằng cái chết đã gần kề. “Giờ” của Ngài đã đến. Ngài ở với các môn đệ lần chót, và vì thế Chúa muốn ghi tạc vào tâm trí họ một chân lý cơ bản: đó là cả khi Ngài không còn hiện diện thể lý giữa họ, họ vẫn có thể kết hiệp với Ngài một cách mới mẻ và nhờ đó mang lại nhiều hoa trái. Và tất cả chúng ta có thể kết hiệp với Chúa một cách mới mẻ. Nếu một người đánh mất sự hiệp thông ấy với Chúa thì sẽ trở nên son sẻ và gây hại cho cộng đoàn nữa. Đâu là cách thế mới mẻ ấy? Để diễn tả thực tại ấy, Chúa Giêsu dùng hình ảnh gốc nho và các cành: “Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái nếu không gắn liền với gốc nho, các con cũng thế nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là gốc nho và các con là cành.” (Ga 15,4-5). Với hình ảnh đó, Chúa dạy chúng ta cách ở lại trong Ngài, kết hiệp với Ngài, mặc dù Chúa không hiện diện thể lý.


“Chúa Giêsu là gốc nho, và qua Ngài, như nhựa sống của cây, được chuyển đến các ngành tình thương của chính Thiên Chúa, Chúa Thánh Linh. Và chúng ta là cành, và qua dụ ngôn này Chúa Giêsu muốn làm cho chúng ta hiểu tầm quan trọng của sự kết hiệp với Ngài. Các cành nho không độc lập nhưng hoàn toàn tuỳ thuộc vào gốc nho, trong đó có nguồn sống. Cũng thế đối với các tín hữu Kitô chúng ta. Được tháp nhập vào Chúa Kitô nhờ Phép Rửa, chúng ta nhận được từ nơi Chúa một cách nhưng không hồng ân sự sống mới; và chúng ta được ở trong tình hiệp thông sinh tử với Chúa Kitô. Cần phải trung thành với Phép Rửa và tăng trưởng trong tình bạn với Chúa nhờ kinh nguyện, kinh nguyện hằng ngày, lắng nghe và ngoan ngoãn vâng Lời Chúa, đọc Tin Mừng, tham gia các bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể và Hoà Giải.

Nếu một người kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu, thì được hưởng những ơn của Chúa Thánh Linh, như Thánh Phaolô đã nói, những ơn này là “tình thương, vui mừng, hoà bình, quảng đại, hiền lành, từ nhân, trung thành, dịu hiền, tự chủ” (Gl 5,22); đó là những ơn được ban cho chúng ta, nếu chúng ta kết hiệp với Chúa Giêsu, và vì vậy, một người kết hiệp như thế với Chúa thì mưu ích nhiều cho tha nhân và xã hội, đó là một Kitô hữu chân thực. Thực vậy, qua những thái độ ấy, người ta biết đó là một Kitô hữu đích thực, cũng như qua hoa trái người ta biết được cây thế nào. Hoa trái của sự kết hiệp sâu đậm với Chúa Giêsu thật là tuyệt vời; toàn thể con người chúng ta được biến đổi nhờ ơn Chúa Thánh Linh: linh hồn, trí tuệ, ý chí, tình cảm và cả thân thể nữa, vì tinh thần và thân xác chúng ta là một. Chúng ta nhận được một cách sống mới, sự sống của Chúa Kitô trở nên cuộc sống chúng ta: chúng ta có thể nghĩ như Chúa, hành động như Chúa, nhìn thế giới và sự vật với đôi mắt của Chúa Giêsu. Do đó, chúng ta có thể yêu thương anh chị em chúng ta, như Chúa đã làm, đã yêu mến họ, bắt đầu từ những người nghèo khổ nhất, với con tim của Chúa, và nhờ đó mang vào thế giới những hoa trài của lòng từ nhân, bác ái và bình an.”

ĐTC cũng nói: “Mỗi người chúng ta là một cành của một gốc nho duy nhất; và tất cả chúng ta đều được kêu gọi sinh hoa trái của sự cùng thuộc về Chúa Giêsu và Giáo Hội. Chúng ta hãy phó thác bản thân cho sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, để chúng ta có thể là những cành cây sống động trong Giáo Hội và làm chứng về đức tin của chúng ta bằng cuộc sống hợp với niềm tin ấy, với ý thức rằng tuỳ theo ơn gọi đặc thù, tất cả chúng ta đều tham dự vào sứ mạng cứu độ duy nhất của Chúa Giêsu Kitô.

Chào thăm

Sau khi ban phép lành, ĐTC nồng nhiệt chào thăm mọi người hiện diện đến từ Italia và các nước khác, ngài cũng nhắc đến lễ phong chân phước mới nhất và nói:

“Hôm qua (2-5-2015) tại thành Torino, đã có lễ phong chân phước Luigi Bordino, giáo dân thánh hiến trong Dòng Tu huynh Thánh Giuse Cottolengo. Người đã hiến cuộc sống cho các bệnh nhân và người đau khổ, và không ngừng xả thân cho người nghèo, chữa trị và rửa các vết thương của họ. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì người môn đệ khiêm tốn và quảng đại này.

ĐTC cũng đặc biệt chào các thành viên Hội Méter, trong ngày các trẻ em nạn nhân của bạo lực (3-5). Ngài nói: “Tôi cám ơn sự dấn thân của anh chị em trong việc phòng ngừa các tội ác này. Tất cả chúng ta đều phải dấn thân để mỗi người, đặc biệt là các trẻ em luôn được bênh đỡ và bảo vệ.”

Trong số các tín hữu hành hương diện diện, ĐTC đặc biệt nhắc đến các nhóm đến từ Zagreb, Cộng hoà Croatia, từ Litija Slovenia, Madrid và Lugo của Tây Ban Nha; đông đảo các tín hữu Italia đến từ các giáo xứ, hiệp hội và trường học. Ngài cũng đặc biệt nghĩ đến các trẻ em nam nữ đã hoặc sắp lãnh nhận Bí tích Thêm Sức.

Viếng thăm Giáo xứ Đức Mẹ Nữ Vương Hoà Bình 

Ban chiều cùng ngày Chúa Nhật, ĐTC Phanxicô đã đến viếng thăm Giáo xứ Đức Mẹ Nữ Vương Hoà Bình ở vùng biển Ostia Lido, một giáo xứ ngoại ô cách trung tâm thành Roma khoảng 30 cây số.

Giáo xứ này được thành lập cách đây 90 năm, có khoảng 20.000 tín hữu Công giáo trên tổng số 25.000 dân; và thánh đường giáo xứ này là nhà thờ đầu tiên được xây cất tại Ostia và từng là nhà thờ hiệu toà của Đức cố Hồng y Phaolô Phạm Đình Tụng trong 15 năm, từ 1994 cho đến khi ngài qua đời năm 2009.

ĐTC đến giáo xứ vào lúc 4 giờ chiều, sau phần chào thăm và gặp gỡ các giới trong giáo xứ, đặc biệt là những người trẻ và người khuyết tật, ngài giải tội cho 4 giáo dân và cử hành thánh lễ lúc 6 giờ chiều.