10/01/2025

Đi hướng khác, thành “chàng trai bạc tỉ”

Đang có cuộc sống ổn định chốn thị thành, chàng kỹ sư xây dựng Võ Ngọc Sơn (34 tuổi, trú thôn Đông Gia, Đại Minh, Đại Lộc, Quảng Nam) rẽ hướng sang chăn nuôi, mỗi năm doanh thu bạc tỉ.

 

Đi hướng khác, thành “chàng trai bạc tỉ”

 

Đang có cuộc sống ổn định chốn thị thành, chàng kỹ sư xây dựng Võ Ngọc Sơn (34 tuổi, trú thôn Đông Gia, Đại Minh, Đại Lộc, Quảng Nam) rẽ hướng sang chăn nuôi, mỗi năm doanh thu bạc tỉ.


 

 

Trang trại chăn nuôi tổng hợp của Võ Ngọc Sơn – Ảnh: Thanh Ba

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP.HCM với tấm bằng kỹ sư xây dựng loại ưu, Võ Ngọc Sơn đã không gặp khó để tìm kiếm công việc phù hợp với chuyên môn của mình.

Tuy nhiên, trong một chuyến tham quan thực tế vùng Đông Nam bộ, tình cờ tiếp cận mô hình chăn nuôi tổng hợp của nông dân, Sơn nảy ra ý tưởng mang những kiến thức mà mình tiếp thu được về Quảng Nam, quyết tâm thực hiện ước mơ thuở bé rằng một ngày nào đó sẽ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương còn nghèo khó.

Về quê

Võ Ngọc Sơn đã nhận được nhiều bằng khen do Huyện đoàn, UBND huyện trao tặng. Sơn cũng là gương mặt duy nhất của huyện nằm trong danh sách được Tỉnh đoàn tuyên dương và trao tặng bằng khen thời gian sắp tới.

Ở quê nhà, Sơn còn được nhắc đến là một nhà hảo tâm khi luôn nhiệt tình tham gia các công tác đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ người nghèo. Sơn đang nhận bảo trợ và chu cấp cho hai em nhỏ mồ côi ở địa phương đến lúc học hết đại học.

Sơn gói ghém đồ đạc, tức tốc trở về nơi chôn nhau cắt rốn, rong ruổi khắp các miền quê từ Đà Nẵng đến Quảng Nam khảo sát, tìm địa thế thuận lợi mở trang trại. Khu đất hoang dã, heo hút núi đồi ở xã Duy Tân (huyện Duy Xuyên) được Sơn chọn.

Từ một chàng kỹ sư chuyên thiết kế bản vẽ cho các công trình xây dựng, Sơn đã không ngần ngại vác cuốc, rựa đi chặt phá cây dại, khai hoang cả chục hecta đất mà người ta bảo “chó ăn đá, gà ăn sỏi”.

Vậy là một trang trại lớn bậc nhất huyện nằm tựa vào vách núi mọc lên cùng hình ảnh người thanh niên với dáng vẻ chẳng khác nào “công tử bột” không ngại gian khổ dầm mưa dãi nắng, xắn tay áo cùng nhân công vận chuyển hàng nghìn khối đất đá đắp đường.

Và cũng chính Sơn cùng “nhào” vô đóng hàng trăm chuồng sắt và khởi nghiệp chăn nuôi loài gà công nghiệp lấy trứng với số lượng 10.000 con.

Con đường tìm đến thành công bằng hướng đi mà ban đầu người thân và bạn bè của Sơn ra sức can ngăn không hề bằng phẳng.

Ngay những mẻ trứng đầu tiên cho xuất trại, Sơn đã nếm một vố đau khi dịch bệnh gia cầm bùng phát khiến trứng bị rớt giá thê thảm, nhiều người khuyên Sơn từ bỏ và chấp nhận thua lỗ nhưng Sơn vẫn nhất quyết bám trụ với suy nghĩ “mình đâm lao thì phải theo lao, còn nước còn tát”.

“Mỗi tháng phải rót cả chục triệu đồng bù lỗ tiền thức ăn có lúc khiến tôi kiệt quệ. Chạy đôn chạy đáo vay mượn khắp nơi, thậm chí cầm sổ đỏ của gia đình thế chấp ngân hàng mới đủ trang trải chi phí thua lỗ” – Sơn nhớ lại.

Vận may mỉm cười

Và rồi vận may cũng mỉm cười với Sơn. Sau đợt dịch cúm hoành hành, giá trứng tăng vọt, dần dần nợ nần được giải quyết và trang trại bắt đầu ăn nên làm ra. “Thừa thắng xông lên”, Sơn tiếp tục thử nghiệm chăn nuôi 500 con heo lấy thịt, 1.000 con thỏ, 70 con trâu rồi đào ba ao nước và thả 200.000 cá trê lai.

Bên cạnh đó, Sơn còn hợp tác với Công ty Thái Việt và mở thêm cơ sở chăn nuôi gia công ngay tại quê nhà của mình ở thôn Đông Gia (xã Đại Minh).

Trò chuyện về mô hình trang trại kết hợp nhiều loại vật nuôi, Sơn chia sẻ: “Tận dụng cỏ dại sát vách núi, tôi nuôi trâu theo kiểu chăn thả. Phân gà sẽ được dọn sạch để làm thức ăn cho cá trê. Tôi nghĩ nếu biết tính toán, kết hợp sẽ tiết kiệm một khoản chi phí rất lớn trong chăn nuôi tổng hợp”.

Hiện tại cơ ngơi chăn nuôi của Sơn có 20 lao động làm việc thường xuyên và cùng với Sơn “đóng quân” ở trang trại để tiếp tục mở rộng diện tích chăn nuôi. Chặng đường bảy năm từ khi về quê, trải qua những khó khăn ban đầu, nay mỗi năm doanh thu của trang trại 3-4 tỉ đồng.

Ông chủ trang trại trẻ tuổi này là một bí thư chi đoàn thôn năng nổ. Anh Ngô Bá Công, bí thư Đoàn xã Đại Minh, cho biết: “Hai trang trại của Sơn đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương, đặc biệt là những thanh niên một thời lầm lỡ. Mô hình làm kinh tế của Sơn quả thật rất đáng để mọi người học tập”.

THANH BA