Giấc mơ “hồn quê” trên… đại lộ châu Âu
Lẽ ra sẽ là cô giáo dạy tiếng Anh nhưng con đường thời trang đã dẫn dắt Vũ Thảo gầy dựng thương hiệu thời trang thiết kế “Kilomet 109”.
Giấc mơ “hồn quê” trên… đại lộ châu Âu
Lẽ ra sẽ là cô giáo dạy tiếng Anh nhưng con đường thời trang đã dẫn dắt Vũ Thảo gầy dựng thương hiệu thời trang thiết kế “Kilomet 109”.
Vũ Thảo – cô chủ nhãn hiệu thời trang “Kilomet 109” – Ảnh: Nguyễn Khánh |
Ở tuổi 35, Thảo khởi nghiệp bằng cách di chuyển cùng “Kilomet 109”.
Giữa rừng nhà thiết kế thời trang, Thảo phải tìm một lối đi khác để không bị lãng quên. Chọn dòng thời trang thiết kế bền vững, Thảo tâm niệm dù chậm nhưng chắc. “Kilomet 109” là khoảng cách từ Thái Bình (quê Thảo) về Hà Nội – cái tên để Thảo dù đi đâu vẫn luôn nhớ đến nơi cô sinh ra.
Luôn nắm bắt cơ hội
Năm 2014, Thảo với “Kilomet 109” đã đoạt giải nhất cuộc thi YCE (giải thưởng Doanh nhân sáng tạo trẻ) do Hội đồng Anh tổ chức. “Kilomet 109” là nhãn hiệu đặc trưng với kỹ thuật dệt truyền thống Việt và vật liệu sinh thái. Trong phần thuyết trình đề án “Kilomet 109”, Vũ Thảo đã thể hiện cam kết mãnh liệt đối với trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, thông qua làm việc với lao động nữ dân tộc ít người để sản xuất những chất liệu sinh thái được nhuộm bằng phương pháp truyền thống – đánh giá của ban giám khảo về chủ nhân “Kilomet 109”. |
Điểm xuất phát của mỗi người khác nhau nhưng đích đến mới quan trọng. Thảo luôn nghĩ sẽ thành một giáo viên cho tới khi cơ hội đến với cô gái mê khâu vá một cách tình cờ.
Thảo kể: “Chị gái mình ở Đức nhờ may một số trang phục truyền thống của người Việt mà chị hay mặc lúc ở nhà. Mẫu đa dạng và tuỳ theo gu của hai chị em mà tự vẽ vời ra rồi may. Ai ngờ những mẫu thiết kế của mình và chất liệu vải mình chọn cho chị lại được bạn bè chị thích thú. Thế là đơn hàng dày lên. Mình nắm lấy cơ hội này để có thêm thu nhập trong những ngày mới tốt nghiệp đang chờ tìm việc”.
Những duyên may lần lượt ghé thăm cô cử nhân sư phạm nhưng toàn liên quan đến… thời trang. Đó là sau lần thử cho vui nhưng Thảo lại đậu vào Học viện Thời trang London (Hà Nội) chuyên ngành thiết kế sáng tạo. Năm 2008 Thảo tốt nghiệp và ở lại làm giảng viên tại trường.
Cùng lúc này Thảo cũng làm cho Công ty thời trang Victoria Roe của Anh tại Hà Nội. Năm 2010 cô thử sức với công việc thiết kế và quản lý chất lượng cho nhãn hiệu thời trang nam A.D.Deertz (Đức) ở Hà Nội.
Như đã chia sẻ, Thảo đặt tên thương hiệu riêng của cô là “Kilomet 109”. Một ý nghĩa khác trong cái tên ấy còn là bởi cô chủ của “Kilomet 109” luôn yêu thích di chuyển. Từ một giảng viên ở học viện thời trang đến nhà thiết kế cho một thương hiệu lớn vẫn chưa thỏa mãn được Thảo.
“Thời gian năm năm đi làm cho các hãng thời trang giúp tôi có nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong ngành thời trang. Nhưng tôi nhận ra bài học mà tôi có được là của những ông chủ chứ không phải của tôi. Để có những trải nghiệm cho riêng mình, “Thảo phải có Kilomet 109”! – Đó là suy nghĩ nung nấu trong tôi suốt những ngày tháng trước khi mở ra thương hiệu thời trang của mình” – Thảo chia sẻ.
Giấc mơ “hồn quê” trên… đại lộ
“Hồn quê” ở đây lại không phải Thái Bình – quê hương Thảo. Từ những ngày còn là sinh viên học viện thời trang Thảo đã mê mẩn chất liệu từ trang phục của người Nùng vùng Tây Bắc. Cô tình cờ quen một phụ nữ Nùng trong triển lãm hội chợ trang phục Tây Bắc ở Hà Nội.
Theo chân người bạn Nùng, Thảo có thời gian “đại náo” với cách nhuộm màu biến tấu từ cách làm truyền thống của phụ nữ Nùng.
Điều Thảo đặc biệt thích thú là cách tạo màu vải hoàn toàn thủ công và từ các chất nhuộm tự nhiên không độc hại của người Nùng. Họ làm màu nhuộm bằng cách lên men các loại lá cây truyền thống rất độc đáo và không gây hại cho người sử dụng cũng như môi trường.
Cũng từ đây Thảo định hướng cho toàn bộ sản phẩm của “Kilomet 109” phải thật sự “bền vững” trong tất cả các khâu từ thiết kế, may mặc đến chất liệu. Hiện tại Thảo có một xưởng may và một cửa hàng trưng bày tại Hà Nội.
Ngoài ra, Thảo còn xử lý khâu thiết kế và sản xuất sản phẩm cho một số thương hiệu thời trang tại London, Paris và Berlin. Cô cũng liên kết với các lao động bản địa tại một số vùng dân tộc ít người ở Cao Bằng, Mai Châu để có nguồn vải ổn định.
Những cửa hàng mà Thảo gửi gắm sản phẩm ở nước ngoài được cô kỳ vọng là A.D.Deertz, Tortrase ở Berlin (Đức).
Đây là những con phố chính tập trung nhiều khách qua lại bao gồm người bản địa và khách du lịch, nơi mà Thảo nhắm đến khách hàng mục tiêu yêu thích dòng sản phẩm có tính thẩm mỹ, có sức sống lâu bền thay vì đại trà, nhanh và ẩu. Đó là giấc mơ trên đại lộ của “Kilomet 109” mà Thảo đang gầy dựng trong tương lai.
Nhiều người tò mò vậy Thảo là một doanh nhân hay nghệ sĩ? Thảo đã có rất nhiều cuộc triển lãm thời trang cá nhân tại Hà Nội.
Gần đây nhất là bộ sưu tập khăn cổ lấy cảm hứng từ “hiện tượng dây điện chằng chịt trên phố phường Hà Nội”. Thương hiệu “Kilomet 109” của Thảo với các sản phẩm giá từ ngàn USD trở lên nhưng luôn có đơn đặt hàng ổn định. Đó là lý do mà nhiều người tò mò ranh giới nghệ sĩ và doanh nhân ở Vũ Thảo.
Cô chủ “Kilomet 109” đã lý giải: “Thị trường thời trang thiết kế ở VN rất đa dạng nhưng về độ phổ biến thì thua xa các nước. Một phần do gu của nhà thiết kế thường lạ và khó gần gũi với người tiêu dùng. Riêng tôi, ngoài thế mạnh của “Kilomet 109” là chất lượng sinh thái từ chất liệu thì các thiết kế của tôi thường nhắm tới những khách hàng mục tiêu là người yêu thích dòng thời trang thiết kế và an toàn cho sức khỏe”.