Thế giới kêu gọi trả lại không gian sông
“Hãy trả lại cho các dòng sông không gian để chúng có thể làm tốt chức năng tự nhiên đã tạo nên nó”, đây là một trong những thông điệp rất ấn tượng từ Diễn đàn nước thế giới lần thứ 7 diễn ra tại TP.Daegu, Hàn Quốc từ 12 – 17.4 vừa qua.
Thế giới kêu gọi trả lại không gian sông
“Hãy trả lại cho các dòng sông không gian để chúng có thể làm tốt chức năng tự nhiên đã tạo nên nó”, đây là một trong những thông điệp rất ấn tượng từ Diễn đàn nước thế giới lần thứ 7 diễn ra tại TP.Daegu, Hàn Quốc từ 12 – 17.4 vừa qua.
Công trường san lấp ở thượng nguồn sông Đồng Nai – Ảnh: Bạch Long
|
Đây là sự kiện lớn nhất liên quan đến các vấn đề về nước trên toàn thế giới được tổ chức 3 năm một lần. VN có nhiều đại diện lãnh đạo từ Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT và từ nhiều cơ quan, tổ chức khác tham dự.
Có một thực tế là một số nơi ở VN đang đi ngược với thế giới trong việc quản lý các dòng sông và sử dụng tài nguyên nước. Cái sự ngược này càng đáng lo ngại hơn vì nó không chỉ ngược lại xu hướng của thế giới mà còn trái ngược với xu hướng phát triển bền vững.
Mỹ, Hàn… khôi phục sông
7 tổ chức quản lý nước của Pháp đưa đến diễn đàn một thông điệp hết sức rõ ràng “Hãy trả lại cho các dòng sông không gian để chúng có thể làm tốt chức năng tự nhiên đã tạo nên nó”. Tại sao chúng ta phải làm như vậy? Theo những tổ chức này, “chúng ta cần trả lại bản chất thiên nhiên cho các dòng sông để nó có thể thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và nhờ đó nó mới có thể bảo vệ được chúng ta”. 7 tổ chức này đề xuất một kế hoạch cần phải thay đổi cách sử dụng đất để trả lại khu vực đất ngập nước dọc theo chiều dài dòng sông. Ít nhất phải có 20% diện tích đất ngập nước này dọc các dòng sông vào năm 2050 hoặc nối các vùng đất ướt với nhau để chúng tạo thành những túi trữ nước. Đây là xu hướng mới được đề cập đến trên một diễn đàn quốc tế. Xu hướng này được nhiều nhà khoa học trên thế giới đánh giá cao vì tính bền vững với môi trường của nó.
Thế giới đã có những bài học lớn cho sự phát triển không bền vững, vì lợi ích trước mắt và hậu quả là con cháu đời sau phải tìm giải pháp khắc phục. Đó là trường hợp ở Mỹ, họ đã phải tháo dỡ hàng loạt các con đập thuỷ điện để trả lại “tự do” cho các dòng sông. Người ta thấy rằng nguồn lợi mà thuỷ điện mang đến không bằng nguồn lợi từ con cá hồi mang lại. Nhưng theo tôi, họ dỡ bỏ các đập thuỷ điện (tiền dỡ bỏ trong nhiều trường hợp cao hơn tiền xây dựng) đang vận hành không chỉ đơn giản vì bài toán kinh tế mà còn nhiều vấn đề phía sau đó, mà quan trọng nhất là môi trường.
Gần đây nhất, Hàn Quốc quyết định khôi phục lại dòng sông ở Seoul đã bị lấn chiếm. Một quyết định gây nên sự phấn khích cho toàn xã hội vì nó tạo nên một dòng sông “sống” giữa thủ đô của nước này. Chúng ta biết rằng các đô thị của Hàn Quốc có giá cả rất đắt đỏ nhưng hiện nay họ đã đề ra giải pháp bảo vệ các dòng sông, lòng sông. Không chỉ là không gian cho các dòng sông mà họ còn để cho các dòng sông một hành lang rộng lớn nhằm tạo nên cảnh quan đẹp đẽ và thoát nước vô cùng thuận lợi trong mùa lũ.
Lấp sông vì mục đích công cộng cũng không được
Trở lại vấn đề của VN. Tại Hà Nội một vài năm trước, có tranh luận xây hay không xây thành phố trên bờ sông Hồng – khu vực ở ngoài đê. Dự án này không sử dụng mặt nước nhưng đã nhận được không biết bao nhiêu phản biện liên quan đến sự can thiệp của con người vào quy luật thiên nhiên, đặc biệt dòng chảy lũ. Đến nay dự án vẫn không thể thực hiện. Câu chuyện Hà Nội không nghiêm trọng như vấn đề ở Đồng Nai – nhưng nó cũng phải dừng lại vì tác động đến tự nhiên.
Còn sông Đồng Nai là một con sông nổi tiếng với nhiều truyền thuyết lịch sử với những phong cảnh hùng vĩ. Còn nhìn ở khía cạnh cuộc sống, sông Đồng Nai có vai trò sống còn cho cuộc sống của hơn 20 triệu người của 11 tỉnh sống ven con sông này. Sông Đồng Nai là con sông lớn thứ 3 ở VN và là nguồn sống quan trọng cho một vùng kinh tế năng động và lớn nhất cả nước, dân số đông, lên tới gần 20 triệu người. Khu vực quan trọng như vậy nhưng tài nguyên nước sông Đồng Nai được đánh giá là rất hạn chế. Sông Đồng Nai là 1 trong 4 lưu vực sông của VN có mức độ căng thẳng về nước lớn nhất về mùa khô, và lưu vực sông có tài nguyên nước bình quân đầu người thấp nhất VN. Theo đánh giá của Báo cáo môi trường quốc gia – Báo cáo môi trường nước mặt (2010) ghi rõ ràng rằng: “Việc khai thác nguồn nước đã làm suy thoái nghiêm trọng về số lượng và chất lượng tài nguyên nước trên các lưu vực sông lớn của VN như sông Hồng, Thái Bình và Đồng Nai”.
Chỉnh trang đô thị không thể không làm, kè những đoạn sông bị xói lở, trồng cây làm những con đường công viên ven sông, chắc chắn người dân ủng hộ. Nhưng chỉnh trang đô thị khác với việc đổ đất đá xuống lòng sông để có đất xây chung cư, biệt thự. Dù lấn sông vì bất cứ mục đích gì, kể cả mục đích phục vụ công cộng cũng là điều không thể – nó đi ngược lại với quy luật thiên nhiên và con cháu chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả.
Một địa phương, một doanh nghiệp có thể lấp, lấn sông làm đô thị chắc chắn là nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp có được “bài học tốt” để theo. Lấn sông là một việc làm thiếu thận trọng và vi phạm vào những điều cấm kỵ của luật pháp.
Thượng nguồn sông Đồng Nai cũng bị san lấp
Ở thượng nguồn sông Đồng Nai, sát đường tỉnh lộ 768 nằm cách bờ tràn đập thủy điện Trị An khoảng 1 km (thuộc địa bàn tổ 5, ấp Thái An, xã Tân An, H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai) cũng đang ngổn ngang hiện trường lấp sông. Theo quan sát của chúng tôi, tại hiện trường diện tích đất san lấp kéo dài dọc bờ sông khoảng 30 m, chiều cao từ mặt đường xuống nước 10 m, rộng đến trên 3 m. Ước tính đã có cả hàng ngàn mét khối đất được đổ xuống, lấn sông. Tại nơi đổ đất có nhiều cọc tre được cắm xuống tận dưới lòng sông. Trên bờ, có hàng chục ống cống và cột bê tông lớn được tập kết, chuẩn bị để xây dựng công trình.
Ông Nguyễn Quốc Phiên, Trưởng ấp Thái An cho hay: “Họ đổ khoảng 3 tuần nay, xe đến đổ ào ào rồi đi ngay nên không biết ai để hỏi. Tôi đã báo cáo lên xã. Chính quyền xã nói là công trình gì đó của ông Dũng, cán bộ ở Chi cục Thuế ở TP.Biên Hoà gì đấy”. Trong khi đó, ông Vũ Văn Thượng, cán bộ địa chính xã Tân An, khẳng định: “Vị trí lấp đất là của ông Dũng, có sổ đỏ và là đất nông nghiệp. Ông Dũng đã từng xuống xã xin thủ tục san lấp mặt bằng để xây bờ bao nhưng việc cấp phép không thuộc thẩm quyền nên xã đã hướng dẫn lên huyện làm thủ tục. Chúng tôi xuống kiểm tra nhưng không có ai nên chưa khẳng định được ông này đổ lấn ra sông bao nhiêu”.
Ông Võ Văn Phi, Chủ tịch H.Vĩnh Cửu, thì nói: “Tôi có biết việc này, cũng xảy ra chục ngày nay rồi. Tôi đã giao Phòng TN-MT xuống làm việc. Họ xin thủ tục làm bến thủy nội địa nhưng chưa xong. Khi đang san lấp thì anh em phòng tài nguyên xuống kiểm tra. Việc san lấp là chưa được phép”.
Bạch Long
|
TS Đào Trọng Tứ
TS Đào Trọng Tứ
(Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu)