“Đứa con của quỷ”
Vượt qua tuổi thơ sóng gió khi cha mẹ mất từ năm lên 3, cô bé Michaela DePrince đã vươn lên để trở thành một trong những ngôi sao đầy hứa hẹn của nghệ thuật múa ballet.
“Đứa con của quỷ”
Vượt qua tuổi thơ sóng gió khi cha mẹ mất từ năm lên 3, cô bé Michaela DePrince đã vươn lên để trở thành một trong những ngôi sao đầy hứa hẹn của nghệ thuật múa ballet.
ẹn của nghệ thuật múa ballet.
Vũ công ballet Michaela DePrince - Ảnh: Teenvogue |
10 năm nội chiến (1991-2002) tại Sierra Leone đã gây nên ký ức đau buồn cho tuổi thơ DePrince: cha qua đời dưới tay những kẻ nổi loạn, mẹ mất vì đói khát sau đó không lâu. Michaela DePrince đã được người bác gửi vào trại trẻ mồ côi.
Những ngày tháng sống trong cô nhi viện càng trở nên khó khăn hơn khi em mắc chứng bệnh bạch biến. Căn bệnh do một số tế bào sắc tố trong da bị hỏng làm nước da có màu trắng hoặc nổi đốm trắng khiến em bị những người xung quanh ghét bỏ.
Họ gọi em là “đứa con của quỷ”. Những đứa trẻ trong cô nhi được phát số thứ tự theo cấp độ được yêu thương từ nhiều nhất tới ít nhất. DePrince được đánh số thứ 27/27 đứa trẻ trong trại ngày ấy.
“Tôi không được nhận đủ thức ăn, không được nhận quần áo đẹp, tôi là người cuối cùng được chọn đồ chơi. Họ thật sự không quan tâm chuyện tôi sống hay chết hoặc bất cứ việc gì xảy đến với tôi” – DePrince kể.
Nỗi tuyệt vọng và kinh hoàng lớn nhất với DePrince trong những ngày ấy là khi cô bé tận mắt chứng kiến những kẻ nổi loạn đã giết chết tàn bạo một trong những giáo viên của trại mồ côi. Cô giáo đó bị giết khi đang mang thai. Cô cũng là người duy nhất thật sự quan tâm tới DePrince.
Ngay từ lần đầu tiên DePrince nhìn thấy trên bìa cuốn tạp chí có hình một vũ công ballet rất xinh đẹp, cô bé lập tức bị hút vào hình ảnh nghệ sĩ vũ công ballet tươi cười trong trang phục thật duyên dáng.
DePrince cắt tấm hình đó ra giắt vào quần và lúc nào cũng mang bên người. Em giữ tấm hình vũ công ấy chỉ đơn giản vì mơ một ngày nào đó sẽ được hạnh phúc và xinh đẹp như người nghệ sĩ trong ảnh.
Sau này nhớ lại, DePrine bảo cô “đã nhìn thấy hi vọng trong đó”. Đài CNN dẫn lời tâm sự của cô: “Bức ảnh đó giống như một biểu trưng của tự do, của hi vọng, của nỗ lực gắng sống thêm một chút. Tôi đã rất buồn khổ trong trại trẻ mồ côi, tôi không biết mình đã vượt qua những ngày tháng đó thế nào nhưng bức ảnh đã thật sự cứu sống tôi”.
Niềm đam mê với ballet đã được tiếp sức khi năm 1999, lúc lên 4 tuổi, DePrince được một gia đình ở bang New Jersey (Mỹ) nhận làm con nuôi. Cô bé được học múa ballet và rất mau chóng đạt được những dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp.
Ở tuổi 13, DePrince giành được học bổng toàn phần của Nhà hát ballet Mỹ. Một năm sau, cô tham dự giải America Grand Prix dành cho giới trẻ, cuộc thi ballet lớn nhất thế giới. Tại đây DePrince tiếp tục giành thêm một học bổng khác.
DePrince trở thành một trong các ngôi sao được xuất hiện trong bộ phim tài liệu First position (Vị trí đầu tiên) của Mỹ năm 2011 và biểu diễn trong chương trình truyền hình Dancing with the stars (Khiêu vũ cùng các ngôi sao). Vào tháng 8-2012, cô có buổi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp đầu tiên tại Johannesburg, Nam Phi.
Năm 2012 DePrince tốt nghiệp Trường Jacqueline Kennedy Onassis của nhà hát ballet Mỹ, sau đó tham gia Nhà hát khiêu vũ Harlem. Năm ngoái, DePrince trở thành học viên của Công ty ballet quốc gia Hà Lan, nơi thu hút rất nhiều nghệ sĩ quốc tế và là khách mời thường xuyên của những sự kiện lễ hội lớn trên toàn châu Âu.
Trong khát vọng vươn lên khẳng định mình, DePrince còn muốn thay đổi những định kiến lâu nay của công chúng về các vũ công ballet da đen. Cô cho biết mình sẽ còn phải nỗ lực nhiều hơn để được chấp nhận vào thế giới đặc biệt của nghệ thuật múa ballet, nơi mà hầu hết nghệ sĩ đều là người da trắng.
Cô nói: “Tôi vẫn đang cố hết sức để thay đổi cách nhìn của mọi người về vũ công ballet da đen. Để mọi người tin rằng chúng tôi có thể trở thành những vũ công tuyệt vời”.