Sáng tạo trẻ: Lọc nước mưa tự động
Trương Ngọc Cường và Lê Đình An (sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) đã có một sáng chế rất có ích trong đời sống hằng ngày, đó là hệ thống thu và xử lý nước mưa tự động.
Sáng tạo trẻ: Lọc nước mưa tự động
Trương Ngọc Cường và Lê Đình An (sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) đã có một sáng chế rất có ích trong đời sống hằng ngày, đó là hệ thống thu và xử lý nước mưa tự động.
Hệ thống thu và xử lý nước mưa tự động – Ảnh: Lê Thanh
|
Hệ thống này sẽ giúp người dân tại các vùng khan hiếm nước ngọt, nước bị nhiễm phèn, biên giới, hải đảo có nguồn nước sạch để sử dụng.
Đình An chia sẻ: “Việc thu nước mưa từ mái nhà thường tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh, bởi mái nhà luôn tồn tại các chất bụi bẩn. Nguy hiểm hơn, mái nhà được lợp bằng tôn lâu ngày dễ bị gỉ sét nên khi mưa xuống dễ hòa theo khiến người dùng nước có khả năng bị bệnh ung thư”.
Quê An ở xã Long Thượng, H.Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đây là vùng nước bị nhiễm phèn, chưa có nguồn nước máy sinh hoạt nên người dân chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước mưa tích trữ để sử dụng trong mùa khô.
Xuất phát từ thực tế trên, An muốn chế tạo hệ thống thu và xử lý nước mưa tự động để giúp người dân ngay chính quê hương mình đỡ vất vả về chuyện nước sạch vào mùa khô.
Về kỹ thuật, Ngọc Cường cho biết hệ thống hoạt động với nguồn điện 220 V, có 3 bộ phận chính: bộ phận thu nước tự động với mái thu mưa (có diện tích 2 x 2 m) tự động căng ra để hứng nước và cuốn gọn khi trời hết mưa; bộ phận xử lý nước được bố trí trong 2 bình lọc; bộ phận điều khiển thông minh giúp việc thu nước mưa đạt hiệu suất và chất lượng cao nhất.
Trương Ngọc Cường (trái) và Lê Đình An
|
Nguyên tắc hoạt động là khi có mưa cảm biến sẽ gửi tín hiệu đến bộ điều khiển. Lập tức, bộ điều khiển sẽ cấp dòng điện cho động cơ hoạt động làm quay trục, khi ấy mái thu nước mưa được kéo căng ra để hứng nước. Nước mưa hứng được chảy qua 2 bình lọc trước khi chảy vào bể chứa hoặc túi đựng nước. “Nước mưa bắt buộc phải được xử lý qua hai bình lọc mới trở thành nước tinh khiết được. Trong hai bình lọc đó tụi mình thiết kế tổng cộng 6 lớp nguyên vật liệu gồm: đá vôi trắng, xơ dừa, cát thạch anh, than hoạt tính, đá khoáng và các lớp đá để thông dòng chảy”, Ngọc Cường giải thích.
Hệ thống này chỉ có giá thành hơn 2 triệu đồng nhưng thời gian sử dụng tới 5 năm cho khoảng 5 người dùng. Tính ra, mỗi năm một người dùng nước sạch chỉ phải trả chưa đến 100.000 đồng.
Thạc sĩ Trần Đại Nguyên, Phó trưởng khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đánh giá: “Hệ thống rất tiện lợi, dễ sử dụng và đã cho ra mẫu nước đạt tiêu chuẩn tốt. Tôi đánh giá cao sáng chế này vì nó là công trình nghiên cứu hết sức thiết thực, gắn liền với nhu cầu thực tế của người dân, đặc biệt là ở những vùng khan hiếm nước ngọt vào mùa khô”.
“Không dừng lại ở đó, nếu ở TP.HCM người dân sử dụng hệ thống này để thu nước mưa thì không những tiết kiệm được tiền nước sinh hoạt vào mùa khô mà còn góp phần hạn chế tình trạng gây ngập lụt do một lượng lớn nước mưa đổ trực tiếp ra đường”, thạc sĩ Trần Đại Nguyên nhận xét.
Lê Thanh