11/01/2025

Huỷ diệt cá trên kênh rạch

Không chỉ câu cá bất chấp lệnh cấm, trên nhiều kênh rạch nội thành TP.HCM còn diễn ra tình trạng chích điện để bắt cá.

 

Huỷ diệt cá trên kênh rạch

 

 

Không chỉ câu cá bất chấp lệnh cấm, trên nhiều kênh rạch nội thành TP.HCM còn diễn ra tình trạng chích điện để bắt cá.


 

Kích điện lạm sát cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - Ảnh: Đình Nguyên

Kích điện lạm sát cá trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè – Ảnh: Đình Nguyên

Theo ghi nhận của PV, cạnh các biển cấm câu cá trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè vẫn tràn lan những nhóm người câu cá. Nghiêm trọng hơn, vào ban đêm, nhiều chiếc ghe túa ra kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (quận: 1, 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình) chích điện, chài lưới. Thế nhưng, không hề thấy bóng dáng lực lượng chức năng xuất hiện để ngăn chặn tình trạng này.
Ông Trần Văn Sơn, Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN-PTNT TP.HCM), thừa nhận thời gian qua lực lượng chức năng chưa xử lý được bất kỳ một trường hợp nào về nạn lạm sát cá trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. “Bất cập này khiến đa số người dân và dư luận bức xúc. Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ báo chí, chúng tôi đã cử lực lượng thanh tra đi nắm tình hình và nhận thấy việc lạm sát cá là có thật. Trong tuần này chi cục sẽ phối hợp công an các quận, huyện tổ chức truy quét, xử lý nghiêm”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, Nghị định số 103 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thuỷ sản có chế tài hành vi lạm sát thủy sản. Cụ thể, phạt tiền 1 – 2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng kích điện; nếu tàng trữ, vận chuyển phương tiện kích điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác bị phạt 2 – 5 triệu đồng; nếu sử dụng lưới điện để khai thác bị phạt 10 – 15 triệu đồng. Riêng hành vi sử dụng lưới đánh bắt bị phạt 300.000 – 500.000 đồng. Biện pháp xử phạt bổ sung là tịch thu dụng cụ đánh bắt trái phép.
Cũng theo ông Sơn, chi cục đã hoàn tất dự thảo về cấm đánh bắt cá trên kênh rạch ở khu vực trung tâm TP. Theo đó, cấm khai thác cá dưới mọi hình thức trên 3 tuyến kênh: Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hủ – Bến Nghé (Q.1, Q.4, Q.8, Q.5…), Tân Hoá – Lò Gốm (Q.6, Q.11…).
Dự kiến trong năm 2015 việc cấm này sẽ chính thức áp dụng nếu Chính phủ đồng ý. Ngoài xử phạt những hành vi vi phạm đã được quy định sẵn trong Nghị định số 103, TP đề xuất bổ sung phạt hành vi câu cá trên kênh rạch tùy theo trọng lượng cá bị đánh bắt trái phép: dưới 10 kg phạt 500.000 – 1 triệu đồng; 10 – 20 kg phạt từ 1 – 2 triệu đồng; từ 20 – 50 kg phạt 2 – 3 triệu đồng; trên 50 kg phạt từ 3 – 5 triệu đồng. Thẩm quyền xử phạt sẽ giao chủ tịch UBND các cấp, thanh tra chuyên ngành thuỷ sản và công an thực hiện.
Cần truy trách nhiệm người đứng đầu
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đặng Văn Khoa, Uỷ viên T.Ư MTTQ VN, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP.HCM, cho rằng thời gian qua có sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, quận, huyện trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên kênh rạch ở TP.HCM.
“Đây là vấn đề không thể chấp nhận được vì dư luận, báo chí đã cảnh báo từ rất lâu. TP phải có chiến dịch trọng điểm để dẹp được nạn lạm sát cá. Cơ quan quản lý phải khẩn trương vào cuộc xử phạt, tuần tra, kiểm soát để chấn chỉnh chứ không thể thả nổi như hiện nay. Nếu địa bàn nào không chặn được nạn lạm sát cá để đảm bảo mỹ quan đô thị, nguồn lợi thuỷ sản thì truy trách nhiệm người đứng đầu địa bàn đó”, ông Khoa đề nghị.

Đình Phú – Đình Tuyên