11/01/2025

Phá rừng phòng hộ để nuôi tôm

Gần 20ha rừng phi lao phòng hộ ven biển bị san bằng để làm hồ nuôi tôm khiến dân phản đối quyết liệt nhưng chính quyền xã nói làm theo quyết định của cấp trên, còn huyện nói không biết việc này.

 

Phá rừng phòng hộ để nuôi tôm

 Gần 20ha rừng phi lao phòng hộ ven biển bị san bằng để làm hồ nuôi tôm khiến dân phản đối quyết liệt nhưng chính quyền xã nói làm theo quyết định của cấp trên, còn huyện nói không biết việc này.


 

 

Rừng bị san phẳng, xe ủi đào gốc phi lao để tạo hồ tôm – Ảnh: An Bang

Chuyện này diễn ra tại xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế).

Theo lời kêu cứu của người dân Vinh Mỹ, chúng tôi đến nơi và chứng kiến những cánh rừng phi lao phòng hộ ven biển đã bị đốn hạ. Hàng vạn gốc cây bị xe ủi xới banh gốc nằm la liệt. Dải cát trắng mênh mông nằm phơi mình dưới nắng hè để chờ xây thành hồ nuôi tôm.

Một công trường xây dựng hồ nuôi tôm cũng đang thi công. UBND xã Vinh Mỹ cho biết có 15ha rừng phòng hộ đã phá và xây xong hồ nuôi tôm, 4,5ha đang giải phóng mặt bằng và đào hồ.

Môi trường ô nhiễm do hồ tôm xả thải

Nước từ các hồ nuôi tôm được xả ra một con mương rồi đổ thẳng ra biển mà không được xử lý. Nước từ con mương đục ngầu và bốc mùi rất khó chịu. Ông Lê Chí Dũng, trưởng Phòng Tài nguyên – môi trường huyện Phú Lộc, cho hay ông không hề biết việc chuyển đổi từ rừng phòng hộ sang nuôi tôm và tới nay chưa có một báo cáo nào về việc nuôi tôm gây ô nhiễm ở xã này.

Ông Nguyễn Huyên, một người dân ở thôn 1, xã Vinh Mỹ, nói: “Rừng ni đã có từ đời xưa để bảo vệ làng. Rừng mất thì làng cũng mất thôi!”.

Cũng tâm trạng như ông Huyên, nhiều người dân xã Vinh Mỹ cho biết làng biển mà không có rừng bảo vệ bao đời nay thì đã mất từ lâu rồi.

Vậy mà giờ đây không chỉ phá rừng, các chủ hồ tôm còn tiếp tục xâm lấn phần rừng còn lại. Hiện tại, khoảng cách từ khu nuôi tôm đến bờ biển chỉ còn chưa đầy 200m.

Ông Tô Thanh Liêm, chủ tịch UBND xã Vinh Mỹ, nói việc chuyển đổi từ rừng phòng hộ ven biển sang nuôi tôm là chủ trương đã được huyện và tỉnh cho phép.

Căn cứ mà ông Liêm đưa ra là quyết định của UBND huyện Phú Lộc, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản của huyện, trong đó cho phép chuyển 12ha rừng phòng hộ sang nuôi tôm.

Và quyết định của UBND huyện Phú Lộc phê duyệt dự án nuôi tôm thẻ chân trắng trên vùng cát ven biển xã Vinh Mỹ, trong đó có việc mở rộng thêm diện tích lên 19,5ha từ việc chuyển đổi rừng phòng hộ.

Thứ ba là nghị quyết của HĐND tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng sang sử dụng vào mục đích khác để thực hiện dự án năm 2015, trong đó có đề cập đến việc xây dựng khu quy hoạch nuôi tôm xen ghép cao triều xã Vinh Mỹ.

Trả lời về việc này, ông Hồ Trọng Cầu – phó chủ tịch UBND huyện Phú Lộc – cho biết việc chuyển đổi từ rừng phòng hộ sang hồ nuôi tôm là do dân tự phát, huyện không hề biết. Ông Cầu nói trước đây người dân chỉ làm vài hồ lẻ tẻ, huyện cũng thấy không đáng kể nên cho qua (?).

Còn việc phá rừng ồ ạt mới đây, theo ông Cầu, là do sau khi có nghị quyết của HĐND tỉnh (ngày 12-12-2014) như nói trên, người dân không hiểu phải chờ thêm các văn bản hướng dẫn khác nữa mới được làm nên họ đã làm đồng loạt. 

Chúng tôi đưa ra hai quyết định của UBND huyện, trong đó một văn bản do chính ông Cầu ký cách đây 4 năm (ngày 14-11-2012), về việc chuyển đổi 12ha rừng phòng hộ sang nuôi tôm; và một văn bản do ông Nguyễn Thanh Hà, nguyên chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, ký ngày 17-10-2014 (phê duyệt dự án nuôi tôm trên vùng cát ven biển xã Vinh Mỹ với diện tích 19,5ha từ chuyển đổi rừng phòng hộ), ông Cầu tỏ ra bối rối và cho rằng đây chỉ là văn bản “mở đường” để trình lên tỉnh xin ý kiến.

Ông Cầu cho biết sau khi nhận các khiếu nại của người dân xã Vinh Mỹ, huyện đã kiểm tra và đình chỉ ngay việc xây dựng các khu nuôi tôm trên đất rừng phòng hộ, đồng thời củng cố hồ sơ để xử lý đối với các cá nhân vi phạm. Còn đối với các hồ đã nuôi tôm, thời gian tới huyện sẽ xin ý kiến cấp trên để tiếp tục nuôi.

Huyện cũng sẽ buộc các chủ hồ nuôi tôm phải hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải và đảm bảo thực hiện đúng các biện pháp bảo vệ môi trường. Riêng đối với những hồ sát biển, huyện sẽ xoá bỏ và phục hồi rừng phòng hộ.

AN BANG