10/01/2025

“Không xử lý được phá rừng vì có cán bộ trong đó”

“Những vụ phá rừng không xử lý được vì có cán bộ trong đó. Cán bộ có nhận đất, có nhận rừng, có buôn bán đất đai, có chỉ đạo bật đèn xanh cho phá rừng…”

 

“Không xử lý được phá rừng vì có cán bộ trong đó”

 

 “Những vụ phá rừng không xử lý được vì có cán bộ trong đó. Cán bộ có nhận đất, có nhận rừng, có buôn bán đất đai, có chỉ đạo bật đèn xanh cho phá rừng…” 



 

 

Ông Nguyễn Đức Luyện: “Chúng tôi đi thực tế nhận ra nguyên nhân mất rừng nhưng không làm rõ nguyên nhân, không làm rõ được trách nhiệm vì có… quân ta trong đó” – Ảnh: H.Bình

Ông Nguyễn Đức Luyện, phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, nêu ý kiến như vậy tại cuộc họp Ban chỉ đạo nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng (2011-2020) do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) chiều 9-4.

Cuộc họp do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì với sự tham dự của đại diện các tỉnh Tây nguyên, Bình Phước, Ngân hàng Nhà nước, các bộ Công thương, Tài nguyên – môi trường, Tài chính, Công an…

Xin nói ngoài báo cáo

Được mời phát biểu, ông Nguyễn Đức Luyện nói trước cuộc họp ông có gửi báo cáo đến Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tuy nhiên, ông Luyện “xin được nói những nội dung ngoài báo cáo, kiến nghị chưa có trong báo cáo”.

“Tài nguyên rừng ở Đắk Nông đang suy giảm nghiêm trọng về số lượng và chất lượng. Cá nhân tôi theo dõi lĩnh vực này thấy số liệu hằng năm không như báo cáo nên khó khăn trong việc làm chính sách” – ông Luyện mở đầu.

Theo ông Luyện, hiện Đắk Nông chỉ còn 334.000ha rừng, giảm so với diện tích rừng công bố hằng năm khoảng 29.500ha. Trữ lượng gỗ tỉnh này chỉ còn 29 triệu m3. “Như vậy, Đắk Nông sẽ đối mặt hai cái khó là nguồn nước và sa mạc hoá – ông Luyện tiếp – Độ che phủ rừng hiện chỉ còn 36%, tính luôn cây công nghiệp, cao su mới được 39% thì nguy cơ quá lớn với Đắk Nông”.

“Báo cáo của chúng tôi và các tỉnh nói có nhiều nguyên nhân mất rừng. Tuy nhiên, qua thực tế công việc chúng tôi thấy có hai nguyên nhân mang tính cội nguồn gốc rễ của vấn đề cần xử lý. Nguyên nhân thứ nhất liên quan đến cán bộ. Những cuộc phá rừng không xử lý được vì có cán bộ trong đó.”

“Cán bộ có nhận đất, có nhận rừng, có buôn bán đất đai, có chỉ đạo bật đèn xanh cho phá rừng. Do đó nó cứ lùng nhà lùng nhùng, sang nhượng lung tung đâu xử lý được, công an cũng bó tay. Chúng tôi đi thực tế nhận ra nguyên nhân mất rừng nhưng không làm rõ nguyên nhân, không làm rõ được trách nhiệm vì có… quân ta trong đó” – ông Luyện ý kiến.

Có “lực lượng ngầm” đứng sau

Trong khi đó, ông Y Dhăm Ênuôl – phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk – cho biết trong tám năm qua, rừng ở Đắk Lắk giảm khoảng 52.000ha, tương ứng với 4% độ che phủ. Trong số diện tích giảm này có sai số do thống kê. Vấn đề ông Y Dhăm Ênuôl đặt ra là áp lực di dân ngoài kế hoạch tạo sức ép lên rừng.

“Người di cư giờ đi cả ôtô chứ không phải vài hộ nữa. Đa số họ là hộ nghèo. Họ không có gì cả, chỉ có bộ đồ trên người nên gây áp lực cho đất sinh hoạt, sản xuất” – ông Y Dhăm Ênuôl nói. Theo ông, cần phải tuyên truyền phổ biến pháp luật đến từng người dân một cách thường xuyên về bảo vệ, phát triển rừng.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh nước ta là một trong những nước bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Phát triển rừng là một trong những giải pháp để hạn chế biến đổi khí hậu. Ông Hải cho rằng mặc dù còn vô vàn khó khăn, kể cả khó khăn về kinh tế, cũng phải bảo vệ và phát triển rừng.

“Năm 2014, chúng ta đã triển khai nhiều công việc liên quan đến bảo vệ, phát triển rừng. Chúng ta đã ban hành nghị quyết của Bộ Chính trị, nghị định 118, tiếp tục sắp xếp các doanh nghiệp trồng rừng, thúc đẩy trồng rừng thay thế…” – ông Hải dẫn chứng.

Ông Hải nhấn mạnh: “Trong rất nhiều vụ vi phạm lâm luật có nhiều lực lượng ngầm đứng đằng sau. Nếu không phối hợp tốt hơn như công an, kiểm lâm, chính quyền địa phương không cách gì phát hiện đầu nậu gỗ, đầu nậu rừng, đầu nậu lâm sản mà chỉ bắt được mấy ông cửu vạn. Ngoài sức ép lên rừng như di dân tự do. Rõ ràng, đằng sau đấy còn có các đối tượng vi phạm cần tiếp tục xử lý mạnh mẽ hơn…”.

Công ty lâm nghiệp “sống dở chết dở”

Theo ông Y Dhăm Ênuôl, hiện Đắk Lắk có 15 công ty lâm nghiệp. Trong số này, 13 công ty nhiều tháng nay nhân viên không có lương, sống dở chết dở. “Việc quản lý rừng cũng liên quan đến đời sống kiểm lâm, liên quan đến kế sinh nhai của người bảo vệ rừng. Cơ chế chính sách hiện có nhiều bất cập. Những người làm việc bảo vệ rừng không đủ sống. Phải làm sao cho người giữ rừng đủ sống mới giữ rừng được” – ông Y Dhăm Ênuôl kiến nghị.

HÀ BÌNH