28/11/2024

Lấp sông Đồng Nai làm dự án: Nguy cơ cho Cù Lao Phố

Khu vực đáy sông Đồng Nai đoạn làm dự án có một “con cá sấu” khổng lồ chia dòng sông ra làm đôi. Việc xây dựng dự án lấn sông sẽ khiến con cá sấu này tác động rất lớn đến dòng chảy cũng như sự an toàn của Cù Lao Phố và các công trình phụ cận.

 

Lấp sông Đồng Nai làm dự án: Nguy cơ cho Cù Lao Phố

 

 

Khu vực đáy sông Đồng Nai đoạn làm dự án có một “con cá sấu” khổng lồ chia dòng sông ra làm đôi. Việc xây dựng dự án lấn sông sẽ khiến con cá sấu này tác động rất lớn đến dòng chảy cũng như sự an toàn của Cù Lao Phố và các công trình phụ cận.


 

 

Lấp sông Đồng Nai làm dự án: Nguy cơ cho Cù Lao PhốCấu trúc hình thái học đáy sông Đồng Nai, trong khu vực dự án lấp sông, rất khác thường. Có một “xương sống” như “con cá sấu” nằm giữa dòng sông như một thần hộ mệnh với Cù Lao Phố xưa kia và ngày nay – Ảnh: TS Lê Xuân Thuyên
Đó là những kết luận bước đầu sau khi các nhà khoa học tiến hành khảo sát đáy sông Đồng Nai khu vực lấp sông làm dự án vào ngày 28.3.2015. Việc khảo sát do TS Lê Xuân Thuyên, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cùng với TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam – đại diện khu vực phía nam của Mạng lưới sông ngòi VN (VRN) thực hiện, khu vực khảo sát từ cầu Hóa An chạy qua vùng dự án lấn sông và qua khỏi cầu Ghềnh.
Hai cù lao đã bị biến mất
 
 
Lấp sông Đồng Nai làm dự án: Nguy cơ cho Cù Lao Phố - ảnh 2
Với một tầm nhìn chiến lược của cả lưu vực sông Đồng Nai, tốt nhất dự án lấp sông này không nên triển khai vì những tác động tiềm tàng và nguy hiểm của nó đến khu vực xung quanh, với vùng hạ lưu và vì những hệ lụy môi trường và sinh thái nhân văn là không thể đánh đổi.
Lấp sông Đồng Nai làm dự án: Nguy cơ cho Cù Lao Phố - ảnh 3
 
 
 

Diễn biến hình thái lòng sông và hai bên bờ sông là một quá trình lịch sử. Nghiên cứu những hình ảnh ghi nhận bằng thiết bị Sonar (ký hiệu Lowrance LMS 525), kết hợp phân tích từ bản đồ tin tức tỷ lệ 1/50.000 phát hành từ năm 1965, hay đối chiếu với bản đồ tỷ lệ 1/100.000 phát hành 1952 cho chúng ta thấy đoạn sông Đồng Nai nơi có dòng chảy ngang qua đình Tân Hạnh (cách cầu Hóa An 1,5 km về phía thượng nguồn) có bề rộng tương đối hẹp, chỉ khoảng 200 m. Trong khi đoạn ngang sông thuộc khu vực dự án như hiện nay thì rộng tới khoảng 800 m. Phương pháp so sánh chập bản đồ này cho phép các nhà khoa học kết luận đường bờ sông hiện hữu là một quá trình trong tự nhiên và không có thay đổi đáng kể.

Trong lòng con sông trước đây có những bãi cạn, cù lao nhỏ. Như phần sát bờ phía đầu sân bay Biên Hoà có một cồn nhỏ kích thước khoảng 50 x 150 m, hay sát công viên bờ sông theo đường Phan Văn Trị cũng có một cù lao kích thước khoảng 50 x 200 m. Còn về lòng sông, nơi hẹp sâu khoảng 10 m, nơi rộng thì cạn hơn chỉ 4 -5 m. Tại giữa đoạn sông nơi người ta đang triển khai đổ đá lấp sông làm dự án trước đây cũng có một cồn cát bồi khá nông. Điều này cũng có nghĩa là phần sông thu hẹp hay mở rộng ra là tuân theo các quy luật của tự nhiên, hay nói khác đi là được quy định bởi cấu tạo địa chất vốn có từ dưới lòng sông và dòng chảy tự nhiên (có nơi có đá khối nắn dòng, có nơi đất mềm để cho dòng chảy đào khoét sâu hay phá ngang là theo quy luật của nó).
Nếu so sánh bản đồ trên từ năm 1952, 1965 và ảnh vệ tinh năm 2013 chúng ta sẽ thấy đường bờ sông Đồng Nai không có thay đổi đáng kể, ngoại trừ công trình kè công viên bờ sông theo đường Phan Văn Trị, hay xây cầu Hoá  An mới. Nhưng khi so sánh chập các bản đồ này lại với nhau và nhìn kỹ thì chúng ta sẽ thấy do tác động của công trình này mà 2 cù lao nhỏ nêu trên đã bị biến mất, bãi cát bồi khá nông này cũng đã mất đi và nơi này còn trơ lại phần cứng như phần “lõi là một gờ đá” mà chúng tôi gọi là cái sống lưng của một “con cá sấu”. Nó nằm ngay giữa dòng.
Lấp sông Đồng Nai làm dự án: Nguy cơ cho Cù Lao Phố 2TS Lê Xuân Thuyên thực hiện khảo sát đáy sông Đồng Nai bằng máy Sonar – ký hiệu Lowrance LMS 525 – Ảnh: TS Vũ Ngọc Long
Có thể dẫn đến các thảm họa môi trường
Đây là một hình ảnh được phát hiện qua đo đạc bằng thiết bị Sonar vào lúc 11 giờ 10 ngày 28.3.2015. Sự hiện diện của một lõi đá cứng nhô lên giữa dòng như cái lưng của “con cá sấu” khiến dòng nước ngầm chảy qua khu vực này sẽ bị phân mảnh.
“Con cá sấu” này sẽ làm biến thái dòng dẫn và lực đẩy của nước rất khó lường khi cố tình xây dựng dự án lấn sông như vậy. Có lẽ vì thế mà gần vị trí cồn nhỏ trước đây (nước cạn) nằm kế bờ kè công viên bờ sông theo đường Phan Văn Trị đã bị đào sâu và xuất hiện một hố sâu 18 m. Những phát hiện thực tế trên đây chỉ ra rằng, các công trình xây dựng bờ kè hay xây cầu, thực hiện trên hay ven sông trong thời gian qua (cầu, kè có quy mô còn hạn chế so với dự án hiện tại) đã gây tác động nhất định tới việc làm thay đổi hình thái lòng dẫn. Việc này rất khó nhận thấy trên bề mặt nếu như không khảo sát kỹ, theo dõi biến động địa hình đáy sông.
Xu hướng thay đổi cấu trúc lòng sông, dòng chảy đã và đang diễn ra như thế nào trước đây và hiện nay vẫn còn là câu hỏi mở bởi cả hai báo cáo ĐTM (đánh giá tác động môi trường) thực hiện năm 2014 và báo cáo tác động dòng chảy tháng 10.2009 vẫn chưa đánh giá hết sự phức tạp này. Khi dự án lấn sông được triển khai, tác động ngầm dưới đáy sông này sẽ là một tác động nguy hiểm “chết người” âm thầm và lâu dài. Có thể từ đó sẽ gây ra bùng nổ về môi trường địa chất và ép nắn dòng chảy. Nhiều thảm hoạ môi trường bất ngờ sẽ xảy ra dưới mặt nước như sạt lở bờ, bồi lấp một khu nào đó, xoáy sâu ở ngay dưới chân của công trình, tác động vào mố các cây cầu như cầu Ghềnh, gây xói lở khu vực dân cư nào đó của ngã ba và các nhánh sông…
Tác động rất lớn đến dòng chảy
Việc thực hiện dự án lấn sông với một khối bê tông lớn dài 1,3 km nhô hẳn ra ngoài lòng sông, được gia cố nằm trên một phần chân mở rộng ra tận giữa lòng sông sẽ như một công trình đê điều có quy mô lớn, dồn ép điều chỉnh dòng chảy ra giữa dòng nhiều hơn theo tính toán. Và vì thế dự báo rủi ro sẽ rất nhiều. Vấn đề xảy ra không chỉ là các tác động trực tiếp, lâu dài của công trình này mà còn có thể có sự cộng hưởng với tác động từ các công trình làm trước đây. Sự cộng hưởng và quy mô của nó như thế nào? Ảnh hưởng tới sự ổn định các bộ phận của dòng chảy ở vùng lân cận ra sao sẽ là một câu hỏi rất phức tạp khi tác nhân chồng lên tác nhân và hậu quả chồng lên hậu quả.
Trở lại với sự xuất hiện của “con cá sấu” nằm giữa dòng sông (như trong hình chụp) – chúng tôi gọi đó là thần hộ mệnh cho Cù Lao Phố vì qua bao năm tháng nó đã nằm án ngữ ngay ở trước cửa của một ngã ba sông. Giả sử không có “con cá sấu” này thì điều gì sẽ xảy ra? Cái mũi tàu của Cù Lao Phố có thể đứng yên với sóng gió và chịu lực chảy của dòng nước sông Đồng Nai vào mùa lũ tháng 9 – 11 hằng năm được bao lâu? Hiện nay chúng tôi chưa biết được chiều dài của “con cá sấu” này kéo dài đến đâu nhưng cái nền móng của dự án lấn sông này không chỉ ảnh hưởng đến bề mặt của khúc sông rộng đến 800 m như tính toán mà nó ảnh hưởng rất nhiều đến dòng chảy của khúc sông này do phần đáy sông có hình thái bất thường và bị chia đôi như hình ảnh đã chụp.
Như vậy dự án lấn sông này sẽ làm tác động gây ra thay đổi dòng chảy và thay đổi cấu trúc nền đáy sông, làm xói lở chỗ này hoặc bồi lấp chỗ kia, và gây ra sự mất an toàn trước mắt cho Cù Lao Phố.

TS Vũ Ngọc Long – TS Lê Xuân Thuyên