Dò tìm kiếm nguồn phóng xạ của Nhà máy luyện phôi thép, Công ty CP thép Pomina bị mất – Ảnh: Nguyễn Long
|
Ngày 6.4, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) tổ chức cuộc họp khẩn để đưa ra phương án tìm kiếm và giải pháp ứng phó sự cố mất nguồn phóng xạ tại Nhà máy luyện phôi thép (Công ty CP thép Pomina, KCN Phú Mỹ 1, H.Tân Thành). Tại cuộc họp, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thành lập tổ tìm kiếm, thu hồi nguồn phóng xạ (gọi là tổ tìm kiếm), do Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ BR-VT Mai Thanh Quang làm tổ trưởng. Tham dự cuộc họp còn có cả Cục trưởng Cục An toàn và bức xạ hạt nhân Vương Hữu Tấn cùng đại diện lãnh đạo Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh…
Lấy nguồn phóng xạ nhưng không làm thủ tục nhập kho !
Trước đó, ngày 1.4, Công ty CP thép Pomina có công văn gửi các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thông báo về việc bị mất nguồn phóng xạ loại Co-60 (nguồn phóng xạ nhóm 4), có hoạt độ phóng xạ 4,27 mCi, được công ty nhập về từ Đức năm 2010, dùng để đo mức thép lỏng trên dây chuyền lò đúc số 3, trong tổng số 5 dây chuyền của nhà máy. Đến giữa tháng 3 vừa qua, khi tiến hành bàn giao công việc giữa nhân viên cũ và nhân viên mới phụ trách công tác an toàn phóng xạ, nhà máy mới phát hiện mất nguồn phóng xạ trên. Nhà máy có tổ chức tìm kiếm nhưng không thấy. Ngoài ra theo công ty, trong quá trình hoạt động, do một dây chuyền sản xuất của nhà máy bị trục trặc nên từ cuối năm 2014, nguồn phóng xạ bị mất trên đã được lấy ra khỏi dây chuyền nhưng không được làm thủ tục nhập kho, và từ tháng 1, nguồn phóng xạ này đã không được quản lý!
Chiều 6.4, tổ tìm kiếm cùng Cục trưởng Vương Hữu Tấn đã xuống làm việc với Nhà máy luyện phôi thép Công ty CP thép Pomina để chỉ đạo công tác tìm kiếm. Tổ tìm kiếm đã sử dụng thiết bị chuyên ngành hiện đại tiến hành dò tìm thiết bị chứa nguồn phóng xạ bị mất trong khu vực nhà máy và trên 20 cơ sở thu mua phế liệu khu vực trọng điểm xung quanh nhà máy. Tuy nhiên, đến cuối ngày hôm qua vẫn chưa tìm ra manh mối.
Thiết bị chứa phóng xạ của Nhà máy luyện phôi thép, Công ty CP thép Pomina bị mất – Ảnh: Nguyễn Long
|
Chắc chắn có thiếu sót
|
|
Tháng 9.2014, tại TP.HCM cũng xảy ra vụ mất cắp thiết bị chứa nguồn phóng xạ hạt nhân dùng trong công nghiệp của Công ty TNHH Apave – Châu Á – Thái Bình Dương chi nhánh TP.HCM, khiến nhiều cơ quan chức năng gồm UBND TP, Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM, Sở Thông tin – Truyền thông, Công an TP.HCM, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Trung tâm hạt nhân TP, UBND Q.Bình Tân (địa bàn xảy ra mất thiết bị)… vào cuộc đánh giá mức độ nghiêm trọng của sự cố, xác định hướng xử lý và triển khai công tác điều tra, xác minh nhằm nhanh chóng thu hồi nguồn phóng xạ bị mất. Đến tối 18.9.2014, Công an Q.Tân Bình phát hiện thiết bị chứa phóng xạ bị mất tại khu vực đường Vườn Lài, P.Phú Thọ Hoà, Q.Tân Phú.
|
|
|
Cục trưởng Vương Hữu Tấn cho biết sẽ hỗ trợ tối đa các trang thiết bị để tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhanh chóng tìm ra nguồn phóng xạ bị mất. “Tính nguy hiểm của nguồn phóng xạ rất cao nếu bị lấy ra khỏi các ống chì bảo vệ. Sau gần 5 năm sử dụng, nguồn phóng xạ Co-60 bị mất nói trên có hoạt độ phóng xạ hiện tại còn lại khoảng 2,33 mCi, ở khoảng cách tiếp xúc 10 cm, nguồn phóng xạ này có thể gây ra liều chiếu xạ khoảng 2,5 mSv/giờ, trong khi liều chiếu xạ cho phép đối với một người bình thường trong 1 năm chỉ là 1 mSv. Như vậy, nếu người dân vô tình tiếp xúc trực tiếp lâu dài với nguồn phóng xạ này sẽ nguy hiểm cho sức khỏe cũng như tác hại đến môi trường. Vì vậy việc tìm kiếm và thu hồi thiết bị chứa nguồn phóng xạ bị mất là hết sức khẩn cấp”, ông Tấn nói.
Ông Vương Hữu Tấn cho rằng đơn vị ở Bà Rịa-Vũng Tàu quản lý nguồn phóng xạ không tuân thủ đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, khi Thanh Niên hỏi về việc quản lý nguồn phóng xạ tại các cơ sở hiện nay được thực hiện như thế nào thì ông Tấn từ chối trả lời. Còn theo ông Cấn Văn Minh, Phó cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, cho biết: “Bộ Khoa học – Công nghệ đang xây dựng Thông tư 23 về quản lý nguồn phóng xạ dễ mất. Dự thảo đang tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học. Dự kiến sẽ ban hành trong tuần sau”. Về việc các quy định xử lý sai phạm trong an toàn bức xạ, ông Minh cho hay, tùy từng trường hợp sẽ xử lý, nếu không đảm bảo an toàn đơn vị đó sẽ không được tiếp tục cấp phép sử dụng.
Giáo sư Phạm Duy Hiển, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, nhận xét việc để xảy ra tình trạng thất lạc phóng xạ cho thấy đơn vị, người sử dụng đã bất cẩn, quy trình quản lý nguồn phóng xạ chắc chắn có sự thiếu sót. Theo GS Hiển, tuy nguồn phóng xạ đang bị thất lạc không gây nguy hiểm chết người, nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ con người nếu không được bảo quản đúng cách. “Điều tôi lo ngại nhất là những người dân ở gần khu vực có nguồn phóng xạ, nhất là trẻ em không biết nguy hiểm để phòng tránh”, GS Hiển nói.
Thiết bị chứa phóng xạ bị mất trộm năm 2014 – Ảnh: Đàm Huy
|
Hơn 4.000 cơ sở liên quan đến bức xạ hạt nhân
Theo thống kê mới nhất của Bộ Khoa học – Công nghệ, cả nước hiện có hơn 4.000 cơ sở có các hoạt động liên quan đến bức xạ hạt nhân. Trong đó có 3.000 cơ sở X-quang y tế; hơn 900 cơ sở hoạt động ứng dụng năng lượng nguyên tử như hoạt động thăm dò khai thác dầu khí và các cơ sở thăm dò khai thác quặng phóng xạ; công nghiệp; chụp ảnh phóng xạ; nghiên cứu; đào tạo…
Trong năm 2014, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã thanh tra 52 cơ sở ở 11 tỉnh, thành phố. Số cơ sở công nghiệp được thanh tra chiếm 46,2%, y tế chiếm 30,8%, cơ sở dịch vụ an toàn bức xạ chiếm 9,6%, cơ sở giáo dục đào tạo, hải quan, địa chất chiếm 5,8%, cơ sở hạt nhân chiếm 4%… Theo quy định, các cơ sở khi tiến hành công việc bức xạ phải xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố phù hợp với nguy cơ, tình huống có thể xảy ra nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro, hậu quả của công việc đem lại. Tuy nhiên, trong năm 2014 có những sự cố và vụ việc vi phạm nghiêm trọng xảy ra tại một số địa phương.
Qua thanh tra đã phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm nên đã ngăn ngừa được những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra cho người dân và môi trường. Tuy nhiên, về công tác đảm bảo an toàn bức xạ hạt nhân trong năm 2014, việc báo cáo thực trạng chưa đầy đủ, vẫn còn những trường hợp sử dụng thiết bị bức xạ không có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn.
Tháng 11.2014, Bộ Khoa học – Công nghệ đã có Chỉ thị số 4050 về việc Tăng cường công tác quản lý an toàn, an ninh nguồn phóng xạ. Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức về an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức kiểm kê nguồn phóng xạ được sử dụng, lưu giữ tại địa phương; xây dựng và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ cấp tỉnh trước ngày 1.6.2015; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định đối với các cơ sở sử dụng và lưu giữ các nguồn phóng xạ tại địa phương…
Cần gắn chip để kiểm soát
TS Đặng Thanh Lương, nguyên Phó cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, cho rằng đừng nghĩ được cấp phép là xong, cấp phép chỉ là công nhận ban đầu. Đơn vị có nguồn phóng xạ phải có trách nhiệm rất cao. Những việc đó phải được chú trọng mọi nơi, mọi lúc. Cơ quan quản lý cần phải chú trọng đến các biện pháp an toàn tại các cơ sở có nguồn phóng xạ; đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra định kỳ, tuân thủ quy trình pháp luật. Để đảm bảo an ninh, an toàn tránh bị đánh cắp, ông Lương nói: “Trước đây chúng tôi đã từng kiến nghị gắn chip vào các nguồn phóng xạ lớn và gắn vào xe khi vận chuyển nguồn phóng xạ. Cơ quan quản lý có thể định vị được nguồn phóng xạ. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng làm như vậy sẽ rất tốn kém. Nhưng, những sự vụ xảy ra liên tục gần đây, thì việc này cần phải làm càng sớm càng tốt”.
|