24/01/2025

Người ở lại Láng Cơm

“Tôi chấp nhận từ bỏ sung sướng, chọn gian nan để được sống có ý nghĩa. Ba tôi giận mấy năm nay…” – Trần Công Anh tâm sự.

 

Người ở lại Láng Cơm

 

“Tôi chấp nhận từ bỏ sung sướng, chọn gian nan để được sống có ý nghĩa. Ba tôi giận mấy năm nay…” – Trần Công Anh tâm sự.




 

 

Thầy giáo Công Anh trong lớp học đặc biệt của mình – Ảnh: My Lăng

Trần Công Anh là một thầy giáo trẻ đã tình nguyện ở lại Láng Cơm – vùng đất nghèo, xa xôi của huyện Hòn Đất (Kiên Giang) tám năm nay,

Gần hai giờ chạy xe máy, đi qua gần chục cây cầu treo nhỏ xíu, cao vồng, chúng tôi mới tới được điểm trường của ấp Láng Cơm (thuộc Trường tiểu học Bình Giang 1, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, Kiên Giang).

Đó là nơi thầy giáo trẻ Trần Công Anh (30 tuổi) đã gắn bó tám năm nay, kể từ ngày xung phong về vùng sâu vùng xa này.

Vừa rồi lĩnh lương, tiền lương mấy tháng chưa lĩnh dồn lại hơn 10 triệu đồng, mình đóng 6.790.000 đồng cho tụi nhỏ. Đóng tiền như trả góp, cứ trừ dần vào lương mình. Có lúc mấy tháng liền mình không thấy mặt mũi tiền lương đâu. Tụi nhỏ ở đây cực lắm, tội lắm
Thầy CÔNG ANH

Thầy và trò ở Láng Cơm

Khi chúng tôi đến, thầy Công Anh đang xoay giữa một lớp học với hai trình độ: lớp 1 ở khu vực đầu phòng học và phía cuối là nhóm học sinh lớp 2.

Học trò của thầy, những đứa trẻ đen nhẻm, còi cọc, tóc xơ cháy nắng; tấm áo trắng lem luốc, gấu quần cong queo; bàn chân trẻ con cáu bẩn thọc vào những đôi dép cũ… Hình ảnh không lạ – như những đứa trẻ vùng cao – nhưng vẫn khiến người ta phải xót xa, chạnh lòng…

Thầy giáo của bọn trẻ cũng chẳng khá hơn. Gương mặt rám đen, tóc khô queo. Quần áo sơmi đóng thùng – dù ráng tươm tất, chỉnh tề nhưng cũng không giấu được những vết sờn cũ do lâu ngày không được ủi thẳng thớm.

Nhìn cảnh tụi nhỏ tung tăng ùa ra sân trong giờ giải lao, khó để hình dung mỗi năm học mới thầy giáo phải cầm loa tay đi từ đầu xóm đến cuối xóm, đến từng nhà thông báo, vận động người dân cho con em đi học. Lúc đó dân mới đăng ký.

Điểm trường Láng Cơm hiện có 25 bé mẫu giáo, 15 học sinh lớp 1 và 13 học sinh lớp 2. Ở vùng quê nghèo quà để dụ tụi nhỏ học chỉ là gói kẹo bình dân thầy giáo cất dưới ngăn bàn. Thầy Công Anh đưa danh sách điểm trường Láng Cơm cho chúng tôi xem.

Ở mục họ tên cha – mẹ nhiều em chỉ là khoảng trống… “Gần một nửa học trò của mình cha mẹ ly dị hoặc có cha thì không mẹ, có mẹ thì không cha” – thầy Công Anh nói.

Trò nghèo quá, quần áo cũ rách thì thầy đi xin mạnh thường quân. Xin riết có người quen mặt. Thầy Công Anh nói đã xin được 200 bộ mới. Trò đói thì thầy đi xin gạo. Đến mùa lúa thầy xin lúa cho tụi nhỏ.

Năm nào thầy cũng ứng tiền lương để đóng tiền quỹ hội, giấy thi, tiền đồng phục, tiền sách… cho trò. Vậy mà không thấy người thầy có gương mặt khắc khổ ấy than một lời về chỗ ở tạm bợ của mình, dù đó là căn nhà lá trống trơn sát mép sông. Nhà không cửa, trống từ trước ra sau.

Vách có cũng như không vì đóng bằng lưới sắt, chẳng đủ che gió mưa. Thật ra đó là lán của thợ xây trường trước đây. Khi thợ rút đi, thầy giáo Công Anh ở cùng những người làm cầu, làm đường từ thiện.

Cho con được cống hiến

30 tuổi đời vẫn chưa có người yêu. Cuộc sống của người thầy giáo trẻ về đêm không điện, không nước ngọt, không tivi. 7-8g tối đã phải giăng mùng tránh muỗi. “Đêm người ta ngủ, mình lọ mọ trong mùng đốt đèn dầu làm việc thì ngại làm phiền bốn người còn lại. Chui ra ngoài mùng thì chết với muỗi, một phút ngồi bên ngoài thành mồi cho muỗi thịt” – thầy Công Anh bật cười kể.

Mỗi lần soạn giáo án, thầy phải ra Trường tiểu học Bình Giang 1 (điểm chính) cách đó 18km. Để tiết kiệm xăng xe đi lại, thầy giáo phải tranh thủ soạn lúc ban ngày, khi học sinh đang làm bài tập.

Ít ai biết Công Anh xuất thân trong một gia đình có nền tảng rất khá. Cha anh trước khi nghỉ hưu từng giữ chức vụ lớn trong tỉnh. Tốt nghiệp ĐH Sư phạm TP.HCM, làm ở Sở GD-ĐT Kiên Giang một thời gian ngắn Công Anh xung phong về nơi heo hút, nghèo khổ này để bắt đầu sự nghiệp trồng người.

Công Anh tâm sự: “Ở nhà giờ chỉ có hai ông bà già. Dạy được hai năm ở Láng Cơm, ba trực tiếp nói với lãnh đạo cho tôi về gần nhà nhưng tôi không chịu. Tôi không muốn dựa thế gia đình để thuận lợi trong công việc.

Tôi nói với ba: “Hồi xưa cha mẹ cống hiến nhiều cho cách mạng, cho đất nước. Con giờ chưa làm được gì. Ba hãy cho con được cống hiến. Tôi chấp nhận từ bỏ sung sướng, chọn gian nan để được sống có ý nghĩa. Ba tôi giận mấy năm nay. Vất vả thế nào tôi cũng không dám nói với ba. Tôi không lo gì cho mình, chỉ lo cho học sinh. Dạo này ba tôi gọi về cưới vợ suốt. Ba biểu nhà cửa có, ruộng vườn có, giờ chỉ mỗi vợ là chưa có. Lỡ về cưới vợ ổng bắt ở nhà luôn thì sao. Bây giờ muốn về thành phố Rạch Giá lúc nào cũng được nhưng tôi không thể đi, không thể bỏ tụi nhỏ của mình được…”.

Thầy không nhận em xin nghỉ học

Thầy Công Anh xúc động kể về ba chị em Mộng Linh (10 tuổi, học sinh lớp 1/4), Bích Chi (8 tuổi) và Nguyễn Thị Liễu (9 tuổi) đều là học sinh lớp 2/4. Cả ba là con chị Nguyễn Thị Kiều, quê Châu Thành (An Giang).

Cha của các em đã bỏ đi khi tụi nhóc còn nhỏ xíu. Mỗi lần hết gạo, tụi nhóc lại bỏ nhỏ: “Thầy ơi, nhà con hết gạo rồi”. Sợ tụi nhỏ đói không đi học nổi, nghỉ, thầy Công Anh lại chạy vạy đi xin gạo cho tụi nhỏ.

“Vừa rồi cả ba đứa cùng nghỉ học. Mình xuống nhà mới hay tụi nhỏ bệnh cùng lúc. Ông ngoại phải đi xin tiền mua thuốc cho cháu. Mộng Linh sinh ra có 700gam. Nó hơi chậm. Bích Chi thì lanh lợi, giỏi, làm toán rất nhanh. Chi vừa nhận giấy khen học sinh xuất sắc, được giáo viên trường chính nhận xét hoàn thành xuất sắc tất cả các môn học” – thầy Công Anh mỉm cười kể.

Rồi thầy kể về cậu nhóc Nguyễn Văn Trường: “Ngày 20-11 nó mua tặng mình chai sữa tắm kèm bông tắm, mình không nhận biểu nó mang về cho nội xài. Nó biểu thầy không nhận em nghỉ học. Mình không dám từ chối nữa…”.

MY LĂNG