24/01/2025

Người bạn của ngư dân

Hơn 40 năm gắn bó với ngành nông nghiệp, kỹ sư thủy sản Trần Thị Thu Nga, chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Bến Tre, được nhiều ngư dân trong tỉnh xem như ân nhân – người đã khai sinh nhiều mô hình kinh tế, mang lại sinh kế cho gia đình họ.

 

Người bạn của ngư dân

 

 Hơn 40 năm gắn bó với ngành nông nghiệp, kỹ sư thủy sản Trần Thị Thu Nga, chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Bến Tre, được nhiều ngư dân trong tỉnh xem như ân nhân – người đã khai sinh nhiều mô hình kinh tế, mang lại sinh kế cho gia đình họ.




 

 

Bà Trần Thị Thu Nga – Ảnh: Tấn Đức

Hơn 19g, văn phòng Hội Nghề cá tỉnh Bến Tre – cũng là nơi đặt trụ sở của Trung tâm Chuyển giao công nghệ, dịch vụ và phát triển cộng đồng nông – ngư nghiệp VN (thuộc Hội Nghề cá VN) trên đường 30-4, TP Bến Tre – vẫn sáng đèn.

Đã bước qua tuổi 60 vậy mà sức làm việc của bà Nga, người đứng đầu cả hai tổ chức này, vẫn khiến những người trẻ chạy theo muốn “hụt hơi”. 

Nhiều người hỏi tôi sao có điều kiện tốt quá mà không làm tư vấn dịch vụ để có nguồn thu tốt, nhưng đam mê nhất của tôi là làm việc với cộng đồng để cung cấp cho họ kiến thức, hiểu biết trong lĩnh vực mà họ đang làm, rồi xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, xây dựng thương hiệu để làm sao gắn sản xuất với thị trường, tăng thu nhập cho người dân
Bà TRẦN THỊ THU NGA

60 chưa phải là già

Làm ngày chưa đủ, bà tranh thủ làm đêm để hoàn chỉnh dự án “Xây dựng mô hình quản lý và phát triển hai nhãn hiệu tập thể: cá khô, tôm khô An Thuỷ và Bình Thắng (huyện Bình Đại)” để sớm thuyết trình với Sở Khoa học – công nghệ tỉnh, xin kinh phí triển khai thực hiện, nhằm giúp hàng trăm hộ dân ở hai làng nghề này hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và đưa sản phẩm thâm nhập thị trường trong và ngoài nước. 

Song song với dự án này, bà Nga cũng đang gấp rút hoàn tất các phần việc để đưa vào hoạt động mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, từ nguồn tài trợ của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).

Qua mô hình này, du khách có thể vừa tham quan khu bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái bãi bồi, vừa tự tay chèo thuyền, bắt ba khía, bắt cua, câu cá…

Du khách còn được nghe đội đờn ca tài tử, vốn là những ngư dân ngày đêm bám rừng, bám biển mưu sinh, thể hiện các điệu Lý kéo chài, Lý Cái Mơn, Lý con sáo trong tiếng đàn kìm, tiếng sáo vi vu. 

“Chúng tôi đã xây dựng được một hợp tác xã (HTX) du lịch với các tổ, đội vận chuyển, hướng dẫn viên, chế biến, thủ công mỹ nghệ… toàn những lao động tại chỗ, sẽ bắt đầu đón khách từ dịp lễ 30-4 này. Hi vọng loại hình du lịch này sẽ hút khách” – bà Nga lạc quan.

Đây chỉ là số nhỏ trong hàng chục mô hình, dự án hỗ trợ cộng đồng mà bà Nga và cộng sự đã và đang triển khai thực hiện với sự tài trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế nhằm mang tới việc làm cho hơn 150.000 người sống bằng nghề cá trong toàn tỉnh.

Nhiều mô hình, dự án tại cộng đồng dân cư đã và đang phát huy hiệu quả như: vùng cù lao đất (xã An Hiệp, huyện Ba Tri) có mô hình nuôi cua, nuôi nghêu. Vùng cửa sông Hàm Luông, Ba Lai có năm mô hình đồng quản lý tại năm xã, huy động người dân sở tại tham gia bảo vệ rừng, kết hợp nuôi và khai thác nguồn lợi thuỷ sản bền vững…

Không chỉ hết mình với ngư dân trong tỉnh, trong vai trò là giảng viên của Tổng cục Thuỷ sản, bà Nga đã đến nhiều tỉnh, thành: Cần Thơ, Cà Mau, Kiên Giang để đào tạo giảng viên VietGAP (tiêu chuẩn nuôi trồng thuỷ sản) nguồn cho các địa phương này.

Bà cũng không ngại ra tận Phú Quốc (Kiên Giang) và nhiều tỉnh miền Trung hướng dẫn quy trình sản xuất sạch, thân thiện môi trường, hướng tới xây dựng tiêu chuẩn MSC (khai thác thuỷ sản bền vững theo tiêu chuẩn của Hội đồng quản lý biển quốc tế).

Ân nhân của làng nghêu

Những người cao tuổi ở xã Thới Thuận, huyện Bình Đại kể rằng bãi nghêu rộng gần ngàn hecta trên địa bàn xã đã có từ trước năm 1975 nhưng không ai quan tâm.

Sau ngày giải phóng miền Nam, Nhà nước có chủ trương khoán mặt nước cho dân khai thác nghêu, nhưng liên tục xảy ra tranh chấp giữa người được giao và người không.

Sau đó để công bằng, người ta lại chia bãi bồi cho từng nhóm theo mô hình tập đoàn sản xuất. Thế nhưng vào thời điểm khai thác nghêu giống hoặc mùa nghêu thịt, lại xảy ra tình trạng tranh cướp nghêu, làm cho tình hình hết sức rối ren, thậm chí đã có xung đột dùng súng bắn nhau, dẫn tới chết người ngay trên sân nghêu Thới Thuận.

Trước tình hình đó, tỉnh Bến Tre lại chuyển các tập đoàn sản xuất nghêu thành HTX nhưng hoạt động theo “kiểu cũ”, không phát huy vai trò của người dân nên vẫn không mang lại hiệu quả. 

“Đầu năm 1997 tôi về làm phó giám đốc Sở Thuỷ sản. Lần đầu tiên xuống dự đại hội bầu ban lãnh đạo HTX nghêu, thấy mọi người cãi nhau tưng bừng.

Hai lần bỏ phiếu không thành công, cuối cùng phải ôm thùng phiếu không đi về. Thấy tình hình căng quá, tôi tìm hiểu thì được biết thành phần ứng cử ban quản lý HTX, trong đó nhiều người tái cử đều do Nhà nước phân công, không am hiểu nguyên tắc quản lý kinh tế, tài chính mà chỉ làm theo kiểu chủ quan áp đặt, không dân chủ công khai, tỉ lệ ăn chia lợi tức cho xã viên không rõ ràng.

Vậy là tôi cùng với các anh em ở Liên minh HTX tỉnh bắt tay vô gỡ vướng. Chúng tôi dành nhiều thời gian xuống tận địa bàn dân cư, nắm tâm tư nguyện vọng của dân, đề nghị họ cử đại diện tham gia ứng cử ban quản lý HTX. Tháng 7-1997 đại hội thành công, HTX nghêu Rạng Đông ra đời, là HTX kiểu mới đầu tiên của tỉnh”.

Thời gian đầu thành lập, bà Nga thường xuyên bám bãi nghêu, cùng ăn, cùng ở với ngư dân để “cầm tay chỉ việc”, từ cách khai thác nghêu trứng, ươm dưỡng lên thành nghêu giống, cách thu hoạch nghêu thịt sao cho đạt năng suất cao nhất.

Rồi tiến thêm một bước, bà hướng dẫn ngư dân thực hiện quy trình kỹ thuật theo chuẩn quốc tế: kết hợp khai thác với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ bãi sinh sản và trồng rừng phòng hộ ven biển, tạo nguồn thức ăn cho nghêu. 

Đi liền đó là việc xây dựng các phương thức hoạt động phù hợp với lợi ích của người dân: toàn hộ dân trong xã là xã viên HTX; sản phẩm thu được sau khi trừ chi phí sản xuất và trích một phần tích lũy, còn lại chia đều cho toàn bộ số người có hộ khẩu trong xã. Phương thức “cộng đồng trách nhiệm”, bình đẳng cùng hưởng lợi đã tạo sinh khí mới trong toàn HTX.

Sản phẩm làm ra được cấp chứng nhận quốc tế MSC, được xuất qua Nhật, châu Âu khiến giá nghêu tăng vùn vụt. Chỉ sau thời gian ngắn, HTX nghêu Rạng Đông đã ăn nên làm ra, trở thành mô hình khai thác tài nguyên hiệu quả cho nhiều tỉnh ven biển. 

Ông Nguyễn Quốc Dũng – nguyên chủ tịch UBND xã, cũng là chủ nhiệm đầu tiên của HTX nghêu Rạng Đông – nhớ lại: “Người dân ở xã Thới Thuận coi chị Nga là ân nhân, góp công đầu trong việc biến bãi nghêu khoảng 900ha, thường xuyên xảy ra tranh chấp, hiệu quả kinh tế không đáng kể, thành nguồn thu chủ yếu nuôi sống 9.000 dân trong xã”.

Cùng suy nghĩ này, bà Nguyễn Thị Hồng, một người dân ở ấp Thới Hoà 1, nói: “Vợ chồng tôi có bốn con, hằng ngày thay nhau ra bãi cào nghêu, cứ mỗi giỏ (18-20kg) được trả công hơn 100.000 đồng, cộng với số tiền bán nghêu được HTX chia khoảng 800.000 đồng/người/tháng thì sống khoẻ ru mà không phải lo gì. Chúng tôi nhớ cái công chị Nga nhiều lắm”.

“Có điều kiện tiếp xúc, làm việc nhiều với chị Nga, tôi càng thêm khâm phục tinh thần dám nghĩ, dám làm, vì cộng đồng mà dấn thân của chị” – ông Dương Thanh Thoại, điều phối viên các dự án của IUCN VN tại hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh, bày tỏ.

Ngày “cá tháng tư” đầy ý nghĩa

Ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh, bà Nga đã dành sự quan tâm đặc biệt tới việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Cách đây bảy năm, nhân ngày “cá tháng tư” (1-4, cũng là ngày truyền thống của ngành thủy sản VN), bà Nga đã phát động phong trào thả con giống thuỷ sản ra sông.

Hoạt động này đã thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh. Để phong trào phát triển sâu rộng, Hội Nghề cá tỉnh đã phối hợp với Tỉnh hội Phật giáo, kêu gọi đông đảo người dân tham gia.

Hằng năm vào ngày “cá tháng tư” đã có hàng triệu con giống, trong đó có những loài ngoài tự nhiên không còn nhiều như cá hô, cá chày, cá he, tôm càng xanh… được thả.

“Đây là việc làm thiện tâm, góp phần bảo tồn các loài cá hiếm ngoài sông rạch, được nhiều tín đồ hưởng ứng” – đại đức Thích Thiện Minh (TP Bến Tre), người tham gia tích cực hoạt động thả con giống vào tự nhiên trong nhiều năm qua, nói.

TẤN ĐỨC