Nhiều quy định có hiệu lực từ ngày 1-4
Từ hôm nay, 1-4, nhiều văn bản về cấp bản sao từ sổ gốc, tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực..
Nhiều quy định có hiệu lực từ ngày 1-4
Từ hôm nay, 1-4, nhiều văn bản về cấp bản sao từ sổ gốc, tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực..
Người dân chứng thực bản sao tại UBND P.14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM – Ảnh: Thanh Đạm |
Trong tháng 4-2015, nhiều văn bản có liên quan đến đời sống người dân có hiệu lực như quy định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch; tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức có hệ số lương thấp; nâng mức trợ cấp cho người có công với cách mạng…
Tuổi Trẻ giới thiệu một số nội dung quan trọng của các văn bản này.
Được yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu
“Trường hợp pháp luật quy định nộp bản sao thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận bản sao (bản photo) không được yêu cầu bản sao có chứng thực nhưng có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu. Người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.
Cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao có chứng thực thì không được yêu cầu xuất trình bản chính, trừ trường hợp có căn cứ về việc bản sao giả mạo, bất hợp pháp thì yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc tiến hành xác minh nếu thấy cần thiết”.
Đây là một nội dung đáng lưu ý của nghị định 23/2015 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 10-4) nhằm khắc phục tình trạng “giấy tờ gì cán bộ cũng đòi bản sao y và khi đã có bản sao y rồi vẫn còn đòi bản chính”, gây khó khăn, phiền hà, lãng phí cho người dân như lâu nay.
Cũng theo nghị định này, người dân phải chịu trách nhiệm về nội dung của giấy tờ, văn bản mà mình ký để yêu cầu chứng thực chữ ký…
Hệ số lương từ 2,34 trở xuống được tăng lương
Từ ngày 1-4, theo nghị định 17/2015 của Chính phủ, cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống sẽ được tăng lương theo quy định với mức tăng 8% so với lương hiện hành. Cụ thể, mức tiền lương tăng thêm hằng tháng = hệ số lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh x mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng x 8%. Tiền lương tăng thêm không dùng để tính đóng và hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các loại phụ cấp lương.
Cũng từ ngày 1-4, theo nghị định 20/2015 của Chính phủ, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 1.220.000 đồng lên 1.318.000 đồng.
Gạo tẻ thường thuộc diện bình ổn giá
Từ ngày 20-4 (thời điểm thông tư liên tịch số 10/2015 của liên bộ Tài chính – Nông nghiệp và phát triển nông thôn có hiệu lực), một số mặt hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện bình ổn giá và kê khai giá. Mặt hàng thực hiện bình ổn giá gồm: phân đạm urê, phân NPK; thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ; văcxin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; muối ăn; thóc, gạo tẻ thường.
Mặt hàng thực hiện kê khai giá gồm: thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm và thuỷ sản; thuốc tiêu độc, sát trùng, tẩy trùng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm, thuỷ sản và các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá nói trên trong thời gian Nhà nước không áp dụng biện pháp đăng ký giá.
Tiêu chuẩn danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”
Nghị định 27/2015 (có hiệu lực từ ngày 25-4) lưu ý: danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” được xét tặng ba năm một lần và công bố vào dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11.
Một trong những tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” là đã bảy lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc bảy lần được tặng danh hiệu giáo viên, giảng viên dạy giỏi cùng cấp hoặc bảy lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và giáo viên, giảng viên dạy giỏi cùng cấp, trong đó có lần liền kề năm đề nghị xét tặng; một lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” cấp tỉnh, bộ hoặc danh hiệu giáo viên, giảng viên dạy giỏi cấp tỉnh, bộ; một lần được tặng bằng khen cấp tỉnh, bộ.
Danh hiệu “Nhà giáo nhân dân” được xét tặng cho các đối tượng đã được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” và đạt các tiêu chuẩn cụ thể như: đã được một lần tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” cấp tỉnh, bộ hoặc giáo viên, giảng viên dạy giỏi cấp tỉnh, bộ; được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trở lên (riêng đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở có hai lần được tặng bằng khen cấp tỉnh, bộ trở lên); nhà giáo có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 20 năm trở lên.
Cán bộ quản lý giáo dục có thời gian công tác trong ngành từ 25 năm trở lên, trong đó có 15 năm trở lên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy…
Cài đặt báo động cho ATM Theo thông tư số 47/2014/TT-NHNN, quy định các yêu cầu kỹ thuật về an toàn bảo mật đối với trang thiết bị phục vụ thanh toán thẻ ngân hàng (có hiệu lực từ ngày 1-4), đối với ATM đặt bên ngoài, tổ chức cung cấp dịch vụ ATM phải thực hiện thêm các biện pháp đảm bảo an toàn như có biện pháp đảm bảo ATM tránh bị kéo để di dời trái phép; che giấu các thành phần, bộ phận ATM không cần thiết để lộ ra bên ngoài; trang bị thiết bị cảm biến để cảnh báo tác động nhiệt từ các thiết bị khò hàn và nhận biết các lực tác động với cường độ lớn hoặc liên tục từ bên ngoài lên thân vỏ máy (hệ thống báo động). Đối với máy POS (máy chấp nhận thanh toán thẻ ngân hàng, có tính năng giúp thanh toán tại các cửa hàng, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng…), tổ chức thanh toán thẻ, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và đơn vị chấp nhận thẻ phải có thoả thuận rõ về trách nhiệm của đơn vị chấp nhận thẻ, bao gồm: quản lý, bảo vệ, lắp đặt máy POS tại nơi an toàn. |
Bồi hoàn chi phí đào tạo theo thời gian làm việc Thông tư liên tịch 04/2015/TTLT-BGDĐT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo (có hiệu lực từ ngày 24-4) quy định: người được cử đi học tập ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, người được tham gia chương trình đào tạo trong nước theo các đề án đặt hàng đào tạo do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi tốt nghiệp hoặc chưa chấp hành đủ thời gian làm việc theo quy định sẽ phải bồi hoàn tiền học bổng và chi phí đào tạo. Chí phí bồi hoàn được xác định tuỳ thuộc thời gian làm việc theo sự điều động của người học, tối đa bằng 100% chi phí đào tạo được cấp từ ngân sách nhà nước và phải được hoàn trả đầy đủ vào ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được quyết định chi phí bồi hoàn của cơ quan có thẩm quyền. |