10/01/2025

Con của đồn biên phòng

Khách lần đầu đến các đồn biên phòng ở Lai Châu thường rất ngạc nhiên khi thấy bóng trẻ con thấp thoáng trong hàng quân lúc tập thể dục sáng tinh mơ, chào cờ đầu tuần cho đến sinh hoạt đơn vị… Hỏi ra mới biết, những em bé này ăn ngủ ngay tại đồn và được bộ đội nuôi nấng dạy dỗ.

 

Con của đồn biên phòng

 

Khách lần đầu đến các đồn biên phòng ở Lai Châu thường rất ngạc nhiên khi thấy bóng trẻ con thấp thoáng trong hàng quân lúc tập thể dục sáng tinh mơ, chào cờ đầu tuần cho đến sinh hoạt đơn vị… Hỏi ra mới biết, những em bé này ăn ngủ ngay tại đồn và được bộ đội nuôi nấng dạy dỗ. Người ta gọi các em là “Con của đồn biên phòng”.

 

 
 
 
Lý Minh Sơn và Giàng A Sinh chăm sóc vườn rau cùng bộ đội - Ảnh: Mai Thanh Hải

Lý Minh Sơn và Giàng A Sinh chăm sóc vườn rau cùng bộ đội – Ảnh: Mai Thanh Hải

“Người rừng” lột xác
Vàng Lý Xinh (SN 1997) là con trai của Vàng Xé Giá và Lỳ Mò Xó ở bản mới Tá Bạ (Mường Tè, Lai Châu). Nghe Xinh ngọng nghịu nói, ai cũng lạ khiến đại uý Nông Văn Hơn, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Ka Lăng, phải cặn kẽ giải thích. Hoá ra Xinh người La Hủ – tộc người lang thang trong rừng, xa lánh mọi thứ văn minh bao năm nay, mới được bộ đội biên phòng (BĐBP) kiên trì vận động định cư ở Tá Bạ.
Cũng dân tộc La Hủ, nhưng Lò Phí Xé (SN 2000) sống ở thôn Ngàn Phố, cách biệt gần như hoàn toàn với thế giới bên ngoài bởi quãng đường đi bộ từ trung tâm xã vào thôn dài đến 2 ngày luồn rừng đi bộ. Xa xôi, nghèo đói nhưng ham học tột bậc, 2 cậu bé La Hủ khiến anh em biên phòng Đồn Ka Lăng ai cũng đau đáu lo toan và cùng thống nhất, báo cấp trên: “Xin nhận 2 cháu về nuôi trong đồn, để được đi học!”.
Đầu năm học 2012, cả hai được bộ đội vào tận nhà đón về đồn. Từ rừng xanh hòa nhập cuộc sống mới nghiêm ngặt kỷ luật, những ngày đầu bộ đội phải xúm vào giữ chặt các cậu để… cắt tóc, cắt móng chân tay; hết dỗ dành đến ra lệnh mặc quần áo; kèm chặt mỗi khi đi tắm bởi chỉ lơ là là cả hai cởi truồng lao vèo vào bể nước ăn của đơn vị… Thế nhưng, vất vả nhất là thi thoảng các cậu bé lại nhớ nhà đòi về, trốn ra khỏi đồn tìm đường đi bộ về nhà cách đó gần 100 km khiến anh em nháo nhác chạy tìm. Mấy tháng sau, Xinh và Xé đi dần vào khuôn khổ, sáng sớm nghe kẻng báo thức cũng bò dậy cùng hô theo động tác thể dục của các chú bộ đội, buổi chiều thập thõm ra vườn rau cùng nhặt cỏ tưới rau, tối đến nghiêng ngó xem ti vi xong mới chịu về phòng ngồi học…
Dẫn tôi vào phòng ở gọn gàng với 2 chiếc giường cá nhân, ở giữa là bàn học ngay ngắn, đại úy Nông Văn Hơn cho biết trước là phòng của Trung đội vũ trang, khi đón các cháu về anh em chuyển sang phòng khác để bọn trẻ có không gian riêng học tập. “Bây giờ, bài nào khó lắm mới gọi nhờ hỏi các chú. Học lực cuối năm vừa rồi, cả hai (lớp 8 Trường THCS Ka Lăng) đều xếp loại trung bình khá. Lâu lắm rồi, người La Hủ mới có con em học lên cấp THCS!”, đại úy Hơn nói. Vừa lúc, 2 cậu bé kết thúc giờ học buổi sáng, chân sáo ào vào phòng ở, đồng thanh “Cháu chào chú ạ!” khiến anh em bộ đội rúc rích cười: “Giờ thì quá rành rọt, chả bù ngày xưa, không nói nổi một câu tiếng phổ thông!”.
 

Lý Minh Sơn và Giàng A Sinh chăm sóc vườn rau cùng bộ đội - Ảnh: Mai Thanh Hải

Cháu Mạ Mò Hà và Lò Xé Giá được trung uý Trần Văn Trương trực tiếp chỉ bảo việc học hành – Ảnh: Mai Thanh Hải

Lính cơ động “tí hon”
Tiểu đoàn 19 huấn luyện – cơ động của BCH BĐBP tỉnh Lai Châu đóng quân ở tít xã Pa Tần (Sìn Hồ, Lai Châu). Địa bàn khắc nghiệt, cơ sở vật chất lại chưa đồng bộ nên nhiều anh em vẫn phải ở trong phần mái kéo dài sau dãy nhà cấp 4, vách che bằng vải bạt. Dẫu vậy, ngay đầu gian nhà các anh vẫn dành riêng diện tích cho 2 cậu bé, đầu cũng húi cua 3 phân giống các chú bộ đội, sinh hoạt.
Đó là Lý Minh Sơn và Giàng A Sinh (cùng SN 2005), người dân tộc Mông ở bản Nậm Xảo, Pa Tần, Sìn Hồ. Nhà nghèo, anh em đông nên dù rất thèm đi học, 2 cậu bé vẫn đứng trước nguy cơ phải bỏ học ở nhà chăn trâu kiếm củi. Biết hoàn cảnh, BCH Tiểu đoàn 19 đề xuất đón các cháu về nuôi và “bố nuôi” trực tiếp của cả hai là thiếu tá Lò Văn Nguyệt, Chính trị viên phó tiểu đoàn.
Thiếu tá Nguyệt kể, ngày đầu về đơn vị, 2 cậu bé suốt ngày chui trong phòng vì “sợ các chú bộ đội toàn cắt đầu trọc”. Vừa “nịnh nọt”, thiếu tá Nguyệt vừa vác chăn chiếu xuống ở cùng 2 cậu và tỉ tê chuyện trò mấy ngày. Sau đó, cứ buổi chiều các cậu đi học về là những chàng lính trẻ người Mông mới nhập ngũ lôi kéo tham gia bóng chuyền, bóng đá, thậm chí là cả những trò đánh gậy quen thuộc ở bản…
Mưa dầm thấm lâu, bây giờ thì cả hai đã thành “cơ động tí hon”. Buổi chiều, 2 cậu từ trường về đến đơn vị là chào rõ to chiến sĩ vệ binh gác ngoài cổng đến từng người gặp ngoài sân, lao vào phòng treo cặp sách xong vút ra vườn rau, chen vào nhổ cỏ những luống rau xanh mướt… “Ở bản không có ti vi nên cứ đến giờ bộ đội xem thời sự hằng ngày, Chúng tôi là chiến sĩ ngày cuối tuần là cả hai đều ngay ngắn ngồi hàng đầu, mắt dán vào màn hình!”, thiếu tá Nguyệt kể, gương mặt ánh lên hạnh phúc. Anh còn “bật mí”: “Mỗi tháng, toàn đơn vị góp 5.000 đồng/chiến sĩ và 15.000 đồng/cán bộ để thành khoản phụ mua quần áo, giày dép, sách bút cho các cháu bằng bạn bè bên ngoài!”.
 

Thiếu tá Lò Văn Nguyệt và hai con nuôi - Ảnh: Mai Thanh HảiThiếu tá Lò Văn Nguyệt và hai con nuôi – Ảnh: Mai Thanh Hải
Những đứa con của núi
Có người nói, ở đất nước này, xa xôi và khó khăn nhất là Lai Châu cũng chả sai. Cái sự nghèo khó này không chỉ hiển hiện trong bữa ăn hằng ngày của đồng bào dân tộc thiểu số khắp 23 xã biên giới mà còn rành mạch trong con số học sinh bỏ học và thấp thoáng trong sự san sẻ của BĐBP với những con trẻ nhận đỡ đầu trên địa bàn.
Thiếu tá Hoàng Mạnh Hùng, Đồn trưởng Đồn biên phòng Dào San (Phong Thổ) dẫn tôi leo ngược dốc lên thăm cô bé Vàng Thị Ty, người dân tộc Mông có gương mặt tròn xoe, má căng mọng như trái táo chín đang học Trường tiểu học Tung Qua Lìn. Thiếu tá Hùng kể, đồn nhận đỡ đầu cháu Vàng Thị Ty và Vàng A Phi, đều đang học lớp 3. Hoàn cảnh gia đình các cháu khó khăn, hằng tháng cán bộ chiến sĩ góp mua gạo thực phẩm để bố mẹ các cháu không vì thiếu đói mà bắt các con bỏ học! “Ở nhiều đồn đời sống còn khó khăn nhưng anh em cũng cố gắng giúp đỡ các cháu bằng cách nhận đỡ đầu, cung cấp rau củ, thực phẩm tăng gia tại chỗ, thậm chí nhường gạo trong khẩu phần ăn các cháu được học hành…”, thiếu tá Hùng tâm sự.
Đến Đồn biên phòng Thu Lũm (Mường Tè), chứng kiến cảnh 2 cháu Mạ Mò Hà (SN 1999) và Lò Xé Giá (SN 2002, đều người Hà Nhì ở bản Còng Khà, Thu Lũm) sống cùng trung úy Phạm Văn Trương (quân y sĩ của đồn), mới thấm thía cái sự vất vả lo toan của bộ đội dành cho bọn trẻ thế nào. Mạ Mò Hà đang học lớp 9 Trường THCS Thu Lũm, ra dáng thanh niên nhưng mắt lúc nào cũng buồn rười rượi. Hỏi ra mới biết bố mẹ em mất mấy năm nay, phải ở nhờ nhà chị gái, chỉ khi được các chú BĐBP đón về đồn nuôi dạy, cậu bé mới thôi khóc thầm mỗi đêm. Giờ cả hai ở cùng phòng và được chú Trương dạy từ cách gấp chăn màn quần áo, cho đến cái chữ, phép toán. Tò mò hỏi phương pháp dạy học cho cả hai đứa trẻ lớp 6 và lớp 9, trung úy Trương cười: “Vợ em cũng dạy THCS ở quê, nên có bài khó là gọi điện về hỏi, dạy lại các cháu!”. Nói đoạn, anh dõi ánh mắt xuống xa chân núi: “Con mình ở xa, mỗi năm gặp được 2 – 3 lần. May còn có 2 đứa này để anh em nguôi nỗi nhớ nhà!”…
Hình như nhận biết được tình cảm của bộ đội dành cho, mấy đứa trẻ đều gọi các cán bộ chiến sĩ là bố, cùng bộc lộ mơ ước: “Học tốt để làm BĐBP”. Và đây cũng là mong mỏi của những người lính biên phòng giữ bình yên nơi phên dậu nước nhà.
Theo đại tá Phan Hồng Minh, Phó chính ủy BĐBP tỉnh Lai Châu, các đơn vị trong BĐBP tỉnh lấy tổ chức Đoàn cơ sở làm nòng cốt, lựa chọn đỡ đầu mỗi đơn vị ít nhất 2 em học sinh hoàn cảnh khó khăn, có ý thức vươn lên trong học tập (ưu tiên con em gia đình chính sách, học sinh tiểu học, THCS). Ngoài hỗ trợ về kinh tế, các đơn vị còn hỗ trợ thêm sách vở, quần áo, đồ dùng học tập… Các đơn vị nhận nuôi dưỡng thì bố trí nơi ăn ngủ góc học tập dành cho các em, phân công cán bộ kèm cặp giúp đỡ sinh hoạt theo thời gian biểu của đơn vị, chú trọng bồi dưỡng các em thành lớp người kế cận sau này tham gia giữ gìn bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia…
Hiện nay, các tổ chức Đoàn trong BĐBP Lai Châu đang đỡ đầu 29 học sinh dân tộc thiểu số (La Hủ: 6, Mông: 12, Hà Nhì: 5, Dao: 3, Thái; 1, Mảng: 2), trong đó 6 em được trực tiếp nuôi dạy tại các đồn Ka Lăng, Thu Lũm, Tiểu đoàn huấn luyện – cơ động.

Mai Thanh Hải