Niềm hy vọng Thiên Sai
Chúa Nhật Lễ Lá là đại ngọ môn dẫn chúng ta vào Tuần Thánh, tuần mà Chúa Giêsu tiến về đỉnh cao trong cuộc đời dương thế của Người. Người lên Giêrusalem để làm ứng nghiệm lời Kinh Thánh, và để chịu treo lênThánh giá, là ngai vàng nơi Người thống trị đến muôn đời, lôi kéo nhân loại mọi thời đến với Người và ban tặng cho mọi người hồng ân cứu độ.
Niềm hy vọng Thiên Sai
Cử hành Chúa Nhật lễ Lá và kính nhớ cuộc Thương Khó của Chúa
Quảng trường Thánh Phêrô
Ngày Thế giới Giới Trẻ lần 27
Chúa Nhật Lễ Lá, 1/4/2012
Anh chị em thân mến!
Chúa Nhật Lễ Lá là đại ngọ môn dẫn chúng ta vào Tuần Thánh, tuần mà Chúa Giêsu tiến về đỉnh cao trong cuộc đời dương thế của Người. Người lên Giêrusalem để làm ứng nghiệm lời Kinh Thánh, và để chịu treo lênThánh giá, là ngai vàng nơi Người thống trị đến muôn đời, lôi kéo nhân loại mọi thời đến với Người và ban tặng cho mọi người hồng ân cứu độ. Qua các Phúc Âm, chúng ta biết Đức Giêsu hành trình tiến về Giêrusalem cùng với Nhóm Mười Hai, và sau đó, dần dần cả một đám người hành hương càng lúc càng đông đi theo các ngài. Thánh Maccô tường thuật có cả “một đám đông người” đi theo Đức Giêsu (x. 10,46).
Trong chặng cuối cuộc hành trình này, người ta ghi nhận một biến cố đặc biệt làm cho mọi người càng mong đợi điều sắp xảy ra, đến độ mọi người càng chú mục hơn nữa vào Đức Giêsu. Một anh mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, ngoài thành Giêricô, tên là Batimê. Thoạt nghe tin Đức Giêsu thành Nazareth đi qua, anh liền kêu to: “Lạy ông Giêsu, Con Vua Đavít, xin thương xót con cùng!” (Mc 10,47). Người ta tìm cách bắt anh im đi, nhưng vô ích; cho đến khi Đức Giêsu bảo dân chúng gọi anh đến và Người mời anh đến gần. Đức Giêsu hỏi anh: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?”. Và anh trả lời: “Lạy Thầy, con muốn được sáng mắt” (c. 51). Đức Giêsu trả lời: “Hãy đi, đức tin của anh đã cứu chữa anh”. Batimê lại được sáng mắt và bắt đầu lên đường đi theo Đức Giêsu(x. c. 52). Và sau dấu hiệu kỳ diệu này, cùng với câu van xin “Lạy Con vua Đavít”, thì này đây, một luồng hy vọng thiên sai đã nhen nhúm trong lòng đám đông và làm phát sinh trong lòng nhiều người câu hỏi sau đây: Có thể nào ông Giêsu đây đang đi đến kinh thành Giêrusalem trước họ là Đấng Thiên Sai, là Tân Vua Đavít? Và giờ đây, cùng với việc Ngài sắp vào Thánh thánh, phải chăng thời gian Thiên Chúa sẽ tái tạo vương quyền vua Đavít nay đã đến gần?
Việc Đức Giêsu cùng các môn đệ chuẩn bị bước vào kinh thành cũng góp phần làm tăng thêm niềm hy vọng này. Như chúng ta đã nghe trong bài Phúc Âm hôm nay (x. Mc 11,1-10), Đức Giêsu đến Giêrusalem từ hướng Bétphagê và từ Núi Cây Dầu, nghĩa là con đường mà người ta nghĩ là Đấng Thiên Sai sẽ đi qua. Từ điểm này, Người sai hai môn đệ mang đến cho Người một con lừa nhỏ mà họ sẽ gặp thấy bên vệ đường. Quả thật, họ đã gặp thấy con lừa con, họ tháo dây cột và đưa về cho Đức Giêsu. Vào lúc đó, tinh thần của các môn đệ và của những khách hành hương khác đầy phấn khởi: kẻ thì lấy áo choàng của mình trải trên lưng lừa; kẻ khác lại trải trên đường trước mặt Đức Giêsu đang ngồi trên lưng lừa. Đoạn họ chặt những cành lá và bắt đầu tung hô bằng những lời trong Thánh vịnh 118, là những lời chúc tụng cổ xưa của khách hành hương, và trong bối cảnh này, đã trở nên lời tung hô Đấng Thiên Sai: “Hosanna! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến! Chúc tụng Vương quyền, Vương quyền của Tổ phụ Đavít chúng ta mà đến. Hosanna trên các tầng trời cao thẳm!” (cc. 9-10). Lời tung hô đầy hân hoan này được 4 Thánh sử tường thuật, là một tiếng hò reo vui sướng, một thánh thi hoan hỉ: Lời tung hô này diễn tả niềm xác tín chung là trong Đức Giêsu, Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài và Đấng Thiên Sai từ ngàn xưa mong đợi nay cuối cùng đã đến. Và tất cả mọi người có mặt ở đó đều được thôi thúc bởi niềm mong đợi càng lúc càng lớn dần, đó là Đức Kitô sẽ thực hiện công việc của Người, một khi Người vào Thành thánh.
Nhưng đâu là nội dung, là âm vang sâu xa nhất của tiếng reo hò hoan hỉ này? Câu trả lời sẽ được toàn bộ Kinh Thánh cung cấp cho chúng ta. Kinh Thánh nhắc lại Đấng Thiên Sai sẽ thực hiện lời hứa chúc lành của Thiên Chúa, lời hứa đầu tiên Thiên Chúa ban cho Abraham, cha của mọi kẻ tin: “Ta sẽ tạo cho ngươi một dân tộc vĩ đại, Ta sẽ chúc phúc cho ngươi […] Trong ngươi, mọi dân tộc trên địa cầu sẽ được chúc phúc” (St 12, 2-3). Dân Israel luôn giữ cho Lời hứa được luôn sống động trong lời cầu nguyện của mình, đặc biệt qua lời cầu nguyện bằng Thánh vịnh. Chính vì thế, Đấng được đám đông tung hô có phúc, đồng thời, cũng là Đấng, mà trong Người, toàn thể nhân loại sẽ được Thiên Chúa chúc phúc. Như thế, trong ánh sáng của Đức Kitô, nhân loại được kết hợp cách sâu xa, được tấm áo choàng chúc phúc của Thiên Chúa bao phủ lấy, nếu ta có thể nói được như thế. Sự chúc phúc thâm nhập tất cả, nâng đỡ tất cả, cứu chuộc tất cả, thánh hoá tất cả.
Ở đây, chúng ta có thể khám phá ra một đại sứ điệp đầu tiên mà ngày đại lễ hôm nay muốn mang đến cho chúng ta: lời mời gọi có một cái nhìn đúng đắn về toàn thể nhân loại, về những con người cấu tạo nên thế giới này, về những nền văn hoá và văn minh khác nhau. Cái nhìn mà người tín hữu nhận được nơi Đức Kitô, đó là cái nhìn chúc phúc: một cái nhìn khôn ngoan và đầy tình yêu mến, có khả năng nắm bắt được vẻ đẹp của thế giới và thương cảm sự mỏng manh yếu đuối của thế giới. Trong cái nhìn này lộ ra chính cái nhìn của Thiên Chúa về con người mà Ngài hằng yêu mến, và về công trình sáng tạo là tác phẩm tay Ngài làm ra. Chúng ta đọc thấy trong Sách Khôn Ngoan: “Lạy Chúa, Chúa yêu thương tất cả mọi người, bởi vì Chúa có thể làm được tất cả. Chúa nhắm mắt làm ngơ trước những tội họ phạm, để họ quay về với Chúa. Vì chưng Chúa yêu thương tất cả những gì hiện hữu, Chúa không ghê tởm bất cứ loài nào do Chúa dựng nên […] Chúa tha thứ cho mọi hữu thể, bởi vì chúng thuộc về Chúa là Chủ Tể yêu mến sự sống” (Kn11,23-24.26).
Chúng ta hãy quay về với bản văn Phúc Âm hôm nay, và chúng ta hãy tự hỏi mình: Thực sự có cái gì trong tâm hồn của tất cả những ai tung hô Đức Kitô là Vua Dân Do Thái? Chắc chắn là họ có ý tưởng về Đấng Thiên Sai, họ muốn biết Vị Vua được các Tiên tri tiên báo và mong đợi trong một thời gian dài đăng đẳng hành động như thế nào. Đây không phải là điều tình cờ mà chỉ vài ngày sau đó, đám đông tại Giêrusalem, thay vì tung hô Đức Giêsu, lại la to xin với Philatô: “Đóng đinh nó vào thập giá!”. Và chính các môn đệ, cũng như những người khác đã nghe và đã thấy, sẽ không nói được lời gì mà chỉ biết thất vọng. Thật thế, đa số hoàn toàn thất vọng khi thấy cách Đức Giêsu quyết định dùng để tự xưng mình là Đấng Thiên Sai và Vua Dân Do Thái. Và đối với chúng ta, trọng tâm của ngày lễ hôm nay cũng nằm trong câu hỏi sau đây: Đối với chúng ta, Đức Giêsu Thành Nazareth là ai? Chúng ta nghĩ gì về Đấng Thiên Sai, chúng ta nghĩ gì về Thiên Chúa? Đây là một câu hỏi trọng tâm mà chúng ta không thể nào lẫn tránh được, bởi vì trong tuần lễ này, chúng ta được kêu mời đi theo Vua của chúng ta, Đấng đã chọn Thánh giá làm ngai vàng; chúng ta được kêu mời đi theo một Đấng Thiên Sai là người không hề bảo đảm cho chúng ta một hạnh phúc trần gian dễ dãi, nhưng là hạnh phúc thiên đàng, là mối phúc của Thiên Chúa. Như thế, chúng ta phải tự hỏi mình: đâu là những mong đợi thực sự của chúng ta? Đâu là những ước muốn sâu xa nhất mà chúng ta mang trong lòng trong ngày hôm nay khi chúng ta đến đây cử hành Chúa Nhật Lễ Lá và để bắt đầu Tuần Thánh?
Các bạn trẻ thân mến, các bạn đã đến đây! Một cách đặc biệt, đây là Ngày của các bạn ở bất cứ nơi nào Giáo Hội hiện diện. Và vì thế, tôi hết lòng ưu ái chào các bạn! Ước gì Chúa Nhật Lễ Lá, đối với các bạn, là ngày quyết định, quyết định đón tiếp Chúa và đi theo Người cho đến cùng, quyết định làm cho Lễ Vượt Qua của Đức Kitô, cái chết và sống lại của Người trở thành trọng điểm của cuộc đời Kitô hữu các bạn. Đó là quyết định dẫn đến niềm vui thật, như tôi đã muốn nhắc lại trong Sứ điệp gửi các bạn trẻ nhân Ngày Thế giới Giới trẻ – “Hãy vui luôn trong Chúa” (Ph 4,4) – và đây cũng là trường hợp của Thánh nữ Clara thành Assise, cách đây đã 800 năm, nhờ gương sáng của Thánh Phanxicô và những bạn đồng nghiệp đầu tiên của ngài thôi thúc, đã từ giã nhà cha mình vào Chúa Nhật Lễ Lá, để hoàn toàn tận hiến cho Chúa: Thánh nữ chỉ mới 18 tuổi đời, và Thánh nữ đã có được sự can đảm của đức tin và tình yêu, can đảm quyết định đi theo Đức Kitô, tìm thấy trong Người niềm vui và bình an.
Anh chị em thân mến, ước gì những ngày đặc biệt này gợi lên trong lòng chúng ta hai tình cảm: ca ngợi, như những ai đã đón tiếp Đức Giêsu tại kinh thành Giêrusalem qua tiếng tung hô “hosanna” của mình; và tạ ơn, vì trong Tuần Thánh này, Chúa Giêsu sẽ tái diễn hồng ân vĩ đại nhất mà chúng ta không thể nào tưởng tượng được: Người sẽ ban cho chúng ta sự sống, mình và máu, tình yêu của Người. Tuy nhiên, đối với một hồng ân vĩ đại như thế, chúng ta phải đáp trả lại một cách thích đáng, nghĩa là dâng hiến bản thân, thời giờ, kinh nguyện, đời sống hiệp thông tình yêu sâu xa của chúng ta với Đức Kitô chịu đau khổ, chịu chết và sống lại vì tôi. Các Giáo phụ trong thời Giáo Hội sơ khai đã thấy được biểu tượng của tất cả những điều trên trong cử chỉ của những người đi theo Đức Giêsu khi Người tiến vào thành Giêrusalem, cử chỉ trải áo choàng của mình trước mặt Chúa. Các Giáo phụ nói, trước mặt Đức Kitô, chúng ta phải trải cuộc đời và cả con người chúng ta, trong một thái độ biết ơn và thờ lạy. Để kết luận, chúng ta hãy nghe lại tiếng nói của Thánh Anrê, Giám mục Crête, là một trong những Giáo phụ thời Giáo Hội sơ khai: “Do đó, chúng ta hãy khiêm nhường trải con người chúng ta ra trước mặt Đức Kitô, trải con người chúng ta hơn là trải áo choàng, hay trải những cành lá vô tri và những cành cây xanh làm vui thoả cặp mắt con người trong chốc lát, và rồi sau đó, sẽ bị khô héo đi, cùng với nhựa cây và màu xanh tươi mát. Chúng ta hãy trải con người chúng ta ra, cùng với ân sủng của Đức Kitô, hay đúng hơn, cùng với chính con người Đức Kitô… và chúng ta hãy phủ phục dưới chân Người, như những chiếc áo choàng được trải rộng… để có thể dâng lên Đấng Chiến Thắng Cái Chết, không phải những cành cây cọ không hơn không kém, mà là những chiến lợi phẩm trong cuộc chiến thắng. Ngày hôm nay, chúng ta cũng hãy chung tiếng với các trẻ em Do Thái trong bài thánh ca này, khi chúng ta đưa tay vẫy những cành lá thiêng liêng của tâm hồn: ‘Chúc tụng Vua Dân Do Thái, Đấng nhân danh Chúa mà đến ” (PG 97,994). Amen!