10/01/2025

Dự án lấn sông Đồng Nai tạm ngừng thi công

Việc tạm dừng thi công là theo đề nghị của Công ty Toàn Thịnh Phát để xin ý kiến về việc thẩm định tính pháp lý cũng như đánh giá, làm rõ hơn các tác động của dự án.

 

Dự án lấn sông Đồng Nai tạm ngừng thi công 

 

Việc tạm dừng thi công là theo đề nghị của Công ty Toàn Thịnh Phát để xin ý kiến về việc thẩm định tính pháp lý cũng như đánh giá, làm rõ hơn các tác động của dự án.


 


 

 

Nhà nghiên cứu Phạm Văn Miên lấy mẫu nước trên sông Đồng Nai để xem xét chất lượng sau khi có dự án lấn sông – Ảnh: S.Định

 Chiều 27-3, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản chấp thuận đề nghị của Công ty cổ phần đầu tư – thiết kế – xây dựng Toàn Thịnh Phát tạm dừng thi công dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai”.

Văn bản của UBND tỉnh Đồng Nai nêu rõ việc tạm dừng thi công là theo đề nghị của Công ty Toàn Thịnh Phát để xin ý kiến Bộ Tài nguyên – môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng về việc thẩm định tính pháp lý cũng như đánh giá, làm rõ hơn các tác động của dự án.

Tạm dừng không phải vì dự án sai phạm

Văn bản đề nghị dừng thi công dự án của Công ty Toàn Thịnh Phát gửi UBND tỉnh Đồng Nai cho biết trên tinh thần lắng nghe, cầu thị, tiếp nhận thông tin từ dư luận, công ty nhận thấy cần có thời gian để các nhà khoa học đóng góp ý kiến, phản biện cũng như đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo giải quyết thấu đáo các vấn đề có liên quan.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một vị lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho hay việc tỉnh chấp thuận cho Công ty Toàn Thịnh Phát tạm ngừng thi công không phải vì nhận thấy dự án này sai phạm mà vì tôn trọng đề nghị của chủ đầu tư.

UBND tỉnh Đồng Nai sẽ có trách nhiệm trong việc mời các bộ, ngành trung ương vào thẩm tra dự án và sẽ hợp tác tối đa để làm sáng tỏ các vấn đề đang tranh cãi.

UBND tỉnh Đồng Nai luôn tin tưởng về các quyết định của mình trong việc phê duyệt dự án này là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp các quy định của pháp luật hiện hành.

Không thể một mình quyết làm dự án

Ngày 27-3, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường Bùi Cách Tuyến có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai, nêu rõ việc thực hiện dự án lấn sông Đồng Nai cần tham vấn ý kiến của Uỷ ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, đặc biệt là ý kiến của các địa phương thuộc vùng hạ lưu.

Trước đó, tại cuộc họp báo của Bộ Tài nguyên – môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường Nguyễn Thái Lai cũng khẳng định “dự án này dứt khoát phải theo quy định của Luật tài nguyên nước”.

Chiều 27-3, trong buổi họp báo thường kỳ tháng 3 của Bộ Tài nguyên – môi trường, trả lời các câu hỏi liên quan tới dự án lấn sông Đồng Nai, ông Hoàng Văn Bảy – cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên – môi trường) – nói:

“Về lĩnh vực tài nguyên nước chưa lần nào chúng tôi nhận được văn bản, tài liệu chính thức liên quan đến dự án này”.

Theo ông Bảy, diện tích của dự án tới 7,7ha là lấn sông Đồng Nai, còn một phần diện tích cũng nằm trong hành lang sông Đồng Nai. “Tôi cho rằng ngoài tuân thủ pháp luật về đầu tư, đất đai, môi trường, dự án này dứt khoát phải tuân thủ các quy định của Luật tài nguyên nước” - ông Bảy nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Thái Lai, bộ cũng chỉ biết đến dự án lấn sông Đồng Nai qua thông tin báo chí. “Còn trong quản lý, chúng tôi không nhận được bất kỳ thông tin chính thức nào từ phía tỉnh Đồng Nai về dự án này” – ông Lai nói.

Ông Nguyễn Thái Lai cho biết Bộ Tài nguyên – môi trường đã quyết định lập các đoàn công tác vào Đồng Nai tìm hiểu trực tiếp về dự án lấn sông Đồng Nai.

“Phía tỉnh Đồng Nai nói mọi trình tự thủ tục đúng theo pháp luật, còn báo cáo đánh giá tác động môi trường do tỉnh phê duyệt cho thấy tác động dòng chảy không đáng kể.

Tuy nhiên, tôi nghĩ dự án này có tác động đương nhiên tới dòng sông Đồng Nai, còn mức tác động đến đâu phải đánh giá cẩn trọng. Bộ Tài nguyên – môi trường sẽ kiểm tra, thu thập số liệu, tính toán độc lập về việc tác động tới nguồn nước, dòng chảy sông Đồng Nai, sau đó báo cáo Thủ tướng và thông tin tới báo chí cũng như cung cấp cho tỉnh Đồng Nai” – ông Lai nói.

Về tác động tới môi trường, nguồn nước, ông Bùi Cách Tuyến cho biết ngày 27-3 ông đã ký văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai nêu rõ ý kiến của bộ về việc phải tham vấn ý kiến của các bên liên quan.

Theo văn bản này, nguồn nước của hệ thống sông Đồng Nai có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội của 11 tỉnh, thành phố trên lưu vực sông, nhất là chức năng cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân vùng hạ lưu.

Việc triển khai dự án đầu tư phát triển có nguy cơ tác động xấu đến chất lượng nguồn nước của hệ thống sông Đồng Nai, nên cần được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng về các tác động môi trường trong phạm vi dự án và tham vấn ý kiến các địa phương nằm ở hạ nguồn lưu vực sông.

Quan ngại môi trường sông Đồng Nai bị phá hủy

Trong một diễn biến khác, ngày 27-3 Viện Sinh thái học miền Nam đã có chuyến nghiên cứu thực tế ở đoạn sông Đồng Nai – khu vực đang thực hiện dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” do Công ty Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư.

Chuyến nghiên cứu thực tế do tiến sĩ Vũ Ngọc Long - viện trưởng – dẫn đầu.

Theo tiến sĩ Long, chuyến nghiên cứu thực tế nhằm nắm bắt thông tin, các số liệu, lắng nghe ý kiến cộng đồng dân cư… để chuẩn bị cho một cuộc toạ đàm mở, góp phần làm rõ những vấn đề liên quan tới dự án trên.

Trong chuyến nghiên cứu thực tế, ông Phạm Văn Miên (nhà nghiên cứu sinh thái, thành viên của đoàn) đã thuê ghe đi ngược dòng sông Đồng Nai từ khu vực chùa Ông (Cù Lao Phố) đến nơi thi công dự án và gần cầu Hoá An.

Ông Miên nói qua từng đoạn cắt trên sông, ông lấy tổng cộng bảy mẫu nước sông để phân tích.

Sau khi lấy mẫu nước, ông Miên trao đổi: “Tôi lấy mẫu nước bây giờ là để biết hiện trạng nước đang trong thời điểm thi công như thế nào. Từ đó tôi đánh giá được trong quá trình thi công hệ sinh thái và tính chất môi trường ở đây biến đổi như thế nào.

Những lần sau sẽ lấy mẫu nước tiếp, phân tích để minh chứng các dự đoán ảnh hưởng của dự án đến sông Đồng Nai”.

Trả lời câu hỏi liệu có an tâm với lời giải thích của chính quyền Đồng Nai về dự án không ảnh hưởng lớn đến dòng chảy của sông Đồng Nai, ông Miên nói:

“Không an tâm. Qua đi thực tế, nhìn trực quan thấy khối lượng đất đá đổ xuống sông rộng, kéo dài như vậy, có thể trả lời trước rằng chắc chắn dòng chảy sẽ xoáy, chảy nhanh hơn, kéo theo chất lượng môi trường nước, hệ sinh thái trên bờ, dưới nước biến đổi ở toàn bộ khu vực dự án và lân cận”.

Cũng theo ông Miên, Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam đã nghiên cứu, lập luận “lấn sông 50m, 75m, 100m không làm thay đổi đáng kể dòng chảy” là không thể chấp nhận được.

“UBND tỉnh Đồng Nai tin vào kết quả đánh giá dòng chảy của họ mới quyết định cho làm dự án. Vì vậy tôi muốn đi thực tế xem xét thêm phương pháp thu thập số liệu, phương pháp tính toán của họ” – ông Miên giải thích.

Không nên đổ thêm đất đá xuống sông Đồng Nai

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ sau chuyến nghiên cứu ven sông Đồng Nai – khu vực đang đổ đất đá san lấp một phần mặt nước sông Đồng Nai xây dựng khu đô thị ven sông, tiến sĩ VŨ NGỌC LONG chia sẻ:

– Trên thực địa, một khối lượng đất đá khổng lồ đang được đổ lấp một phần mặt nước sông Đồng Nai để xây dựng khu đô thị ven sông đã cho thấy quy hoạch không hướng tới sự thân thiện với cộng đồng.

Cách làm này cho thấy chưa khai thác hết lợi thế của cảnh quan sinh thái ven sông để phục vụ cho số đông người dân, không chỉ ở Đồng Nai mà còn ở các tỉnh lân cận.

Sau khi khảo sát thực tế, tôi thấy cần đặt ra những điều như vậy bên cạnh nhiều câu hỏi về tính pháp lý của quyết định phê duyệt, thực hiện dự án.

* Thưa ông, những câu hỏi nào phải được làm rõ xung quanh việc đổ đất đá xuống sông Đồng Nai để có mặt bằng làm khu đô thị?

– Tôi vẫn thấy cần trở lại với câu hỏi tại sao tỉnh Đồng Nai không trao đổi ý kiến với những cơ quan trung ương liên quan; các tỉnh, thành có lợi ích chung từ sông Đồng Nai.

Riêng với cộng đồng dân cư, tôi nghĩ rằng cần tham vấn ý kiến của ít nhất 80% người dân trong phạm vi khoảng 5km lân cận dự án. Còn như chỉ hỏi ý kiến vài chục hộ dân, theo tôi, là thiếu tôn trọng sự thật khách quan… 

Tôi cũng cho rằng cần làm rõ người được hưởng lợi từ dự án và những giá trị được hưởng lợi là những gì; còn cộng đồng người dân hưởng lợi những gì, cần có một câu trả lời minh bạch, không nên đưa ra những thông tin chung chung, thiếu tính thuyết phục…

Qua nhiều công trình ven sông, ven biển cho thấy xu hướng hiện nay ở một số địa phương đang cố gắng trả lại giá trị môi trường ven sông, ven biển cho cộng đồng, tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội cải thiện chất lượng sống.

Tôi cho rằng không nên tiếp tục đổ thêm một khối đất đá nào nữa xuống mặt nước sông Đồng Nai. Để tiếp tục lắng nghe thêm ý kiến của cộng đồng cần có những thảo luận, giải trình thoả đáng trên tinh thần tôn trọng sự thật khách quan trong khoa học.

V.LAM – XUÂN LONG – HÀ MI – QUỐC THANH