Không được phép lấp sông, tác động đến dòng chảy
Đó là khẳng định của bà Trần Thị Quốc Khánh, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, khi nói về việc chính quyền tỉnh Đồng Nai cho lấp sông làm dự án nhà ở thương mại.
Không được phép lấp sông, tác động đến dòng chảy
Đó là khẳng định của bà Trần Thị Quốc Khánh, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, khi nói về việc chính quyền tỉnh Đồng Nai cho lấp sông làm dự án nhà ở thương mại.
Chủ đầu tư vẫn hối hả thi công lấp sông Đồng Nai – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Trần Thị Quốc Khánh cho biết hiện uỷ ban chưa đi khảo sát việc UBND tỉnh Đồng Nai cho thực hiện dự án lấp sông Đồng Nai để có nhận định đầy đủ về dự án này. “Tuy nhiên, theo tôi, nếu chiếu theo quy định của luật Quản lý tài nguyên nước thì việc thực hiện lấp sông, tác động đến dòng chảy như vậy là không được phép thực hiện”, bà Khánh nhấn mạnh.
|
Theo bà Khánh, việc thực hiện dự án như của Đồng Nai phải được đánh giá, tính toán rất kỹ đến tác động môi trường bởi vì sông Đồng Nai chảy qua nhiều địa phương khác nhau. Nếu như sau đó có những tác động đến dòng chảy, làm xói lở các khu vực đông dân cư sinh sống ở các vùng ven sông tại các địa phương khác thì phải giải quyết hậu quả như thế nào? “Tôi được biết UBND tỉnh Đồng Nai vẫn quyết tâm thực hiện dự án. Nhưng với dự án không thực sự cấp thiết và có quy mô ảnh hưởng đến môi trường như vậy thì nên tạm dừng, để tham vấn thêm ý kiến của các nhà khoa học, các nhà chuyên môn và cả người dân. Chính quyền cần phải thận trọng để tránh những hậu quả xấu nhất có thể xảy ra”, bà Khánh khuyến nghị.
Trong khi đó, bình luận về nội dung thông cáo báo chí phát đi ngày 24.3 của UBND tỉnh và phát ngôn của lãnh đạo một số sở ngành ở Đồng Nai, PGS-TS Lê Mạnh Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), nói: “Từ góc độ một nhà khoa học, tôi nói một cách rất thật lòng là lãnh đạo tỉnh Đồng Nai phát biểu như thế rõ ràng không có tinh thần cầu thị. Tôi rất mong các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai xem xét vấn đề này một cách khoa học hơn, tốt hơn cho người dân”.
Xã hội sẽ phải trả giá đắt
Theo ông Hùng, việc bỏ tiền ra để làm dự án đó là vấn đề rất nhỏ so với thiệt hại mà xã hội sau này phải trả. “Các vị làm lãnh đạo nhiều khi không hiểu hết. Trong khoa học thì tôi cũng không nói các bạn ở Viện Khoa học thủy lợi miền Nam làm đúng hay không đúng nhưng rõ ràng là cơ sở dữ liệu cho chuyện này chưa hoàn toàn đầy đủ. Cho nên, tôi rất không hài lòng. Tôi nói thật là như vậy. Về chuyên môn thì các vị, ý chí của những người lãnh đạo đang lấn lướt chuyên môn. Đừng nên áp đặt ý chí của mình vào cái việc tự nhiên”, ông Hùng nói và lưu ý “không phải ngẫu nhiên mà lòng sông có chỗ rộng, chỗ hẹp”. “Đó là kết quả của sự phù hợp giữa chế độ dòng chảy và kích thước của lòng dẫn từ bao đời đến giờ. Các bạn phải xem xét các vấn đề về khoa học đi, về lòng chảy đi. Đừng suy nghĩ đơn giản như thế”, ông Hùng khuyến cáo.
|
Cụ thể hơn, ông Hùng phân tích: “Theo quy luật tự nhiên, lòng dẫn nếu nhỏ, hẹp thì có độ sâu khác. Việc dòng sông có chỗ mở rộng là để phù hợp với dòng chảy. Sau đấy tại sao dòng sông không đi thẳng mà lại rẽ ra 2 nhánh đều có lý do của nó. Nếu chưa hiểu thì đừng nói một cách mơ hồ. Nếu thu hẹp dòng chảy, nó sẽ bị xáo trộn, hay còn gọi là dòng chảy dỗi. Một khi dòng chảy dỗi, nó sẽ tác động lên bờ phía này hay phía kia, như cái đuôi của một con vật nó sẽ quẫy chỗ này hay chỗ kia để cuối cùng sẽ về lại với quy luật tự nhiên của nó. Đừng nghĩ rằng chảy qua cái đoạn bị thu hẹp đó là nó sẽ dừng lại. Nếu chúng ta giữ cái đuôi đó không cho nó quẫy ở phía thượng lưu thì nó sẽ quẫy ở phía hạ lưu làm thay đổi hẳn ở phía hạ lưu. Điều cốt lõi của công tác chỉnh trị sông là phải xem nó quẫy chỗ nào cho phù hợp, cần hướng đến những nơi không có dân cư, nhà cửa, công trình… để hạn chế những tác động tiêu cực. Nếu không tìm ra quy luật mà làm một cách duy ý chí như vậy thì chúng ta sẽ phải trả giá đắt hơn rất nhiều lần. Tôi tin rằng các nhà khoa học không thể chấp nhận những lý luận mà các vị ở Đồng Nai đang đưa ra”.
Thu hẹp dòng chảy là điều tối kỵ
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu – Trường đại học Cần Thơ, nhận định phương pháp thi công dự án này dẫn đến phần đáy công trình lớn hơn nhiều phần bề mặt, khiến đáy sông bị thu hẹp nhiều. “Trong tình hình lũ trên sông Đồng Nai tập trung đến 85% tổng lượng dòng chảy trong thời gian chỉ khoảng 3 tháng/năm, việc thu hẹp dòng chảy là điều tối kỵ. Tại VN và trên thế giới, xu thế hiện nay là ứng xử theo tự nhiên, bảo vệ và không xâm lấn thiên nhiên. Nhiều quốc gia như Hà Lan và Mỹ đang tập trung cho giải pháp “Room for the rivers” nhằm mở rộng không gian chảy cho các dòng sông”, ông Tuấn lưu ý.
Thành Thành Công chỉ còn giữ ít vốn tại Toàn Thịnh Phát? Ngày 20.3, trả lời phỏng vấn PV Thanh Niên, ông Huỳnh Phú Kiệt, Tổng giám đốc Toàn Thịnh Phát, cho biết Thành Thành Công là một đối tác chiến lược của Toàn Thịnh Phát, công ty này không thuộc Tập đoàn Thành Thành Công. Hiện công ty có hơn 600 cổ đông và ông Kiệt là một cổ đông lớn. Còn trong một thông cáo báo chí phát đi, Toàn Thịnh Phát cho biết dự án lấp sông Đồng Nai có tổng vốn đầu tư khoảng 2.200 tỉ đồng chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2013 – 2016, kinh phí 416 tỉ đồng để lập thủ tục đầu tư, xây dựng hạ tầng, cải tạo cảnh quan môi trường, làm hạ tầng… thì có 200 tỉ đồng từ Thành Thành Công. Trong một bài viết về lễ khởi công dự án The Pegasus Riverside đăng tải trên website: toanthinhphat.com.vn (hiện đã bị gỡ bỏ – PV) có đưa thông tin “Công ty Toàn Thịnh Phát – công ty thành viên của Tập đoàn Thành Thành Công”. Ngày 25.3, PV Thanh Niên liên hệ với bộ phận truyền thông Tập đoàn Thành Thành Công đề nghị gặp lãnh đạo tập đoàn để làm rõ mối quan hệ với Công ty Toàn Thịnh Phát trong dự án lấp sông. Tuy nhiên, phía Thành Thành Công cho biết: “Lãnh đạo tập đoàn đi công tác vắng nên không thể gặp. Hiện Thành Thành Công đã bán gần hết vốn tại Toàn Thịnh Phát, chỉ còn lại một ít”. Đ.Sơn |
Mạnh Quân – Chí Nhân