27/11/2024

Trên 73% học sinh THCS không biết 10 bài dân ca

Đó là kết quả khảo sát tại một số trường THCS được công bố tại hội thảo khu vực về giáo dục di sản phi vật thể trong trường học VN.

 

Trên 73% học sinh THCS không biết 10 bài dân ca

 

 Đó là kết quả khảo sát tại một số trường THCS được công bố tại hội thảo khu vực về giáo dục di sản phi vật thể trong trường học VN.

 

 

 

Học sinh tập thể dục trên nền nhạc bài Trống cơm – Ảnh: V.H.Xuân

Hội thảo do Bộ Giáo dục – đào tạo, Bộ Văn hoá – thể thao & du lịch phối hợp với UNESCO tổ chức ngày 24-3.

Cũng theo kết quả khảo sát này, chỉ có khoảng 21% học sinh biết 10 bài dân ca VN trở lên.

“Không phải học sinh thờ ơ với di sản phi vật thể nói chung và với dân ca VN nói riêng, mà điều cốt yếu là chương trình dạy học phải hấp dẫn các em” – ThS Nguyễn Thị Tố Mai, trưởng khoa sư phạm âm nhạc Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật trung ương, nhận xét.

Tập thể dục trên nền nhạc dân ca

Đa số trường phổ thông hiện nay đều cho học sinh tập thể dục giữa giờ theo nhịp trống, theo nhịp đọc của giáo viên…

Vài năm gần đây, Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM đã có sáng kiến tổ chức cho học sinh tập thể dục giữa giờ theo điệu nhạc của bài hát dân ca Trống cơm.

Do diện tích sân trường không đủ để tất cả học sinh tập thể dục nên nhà trường đã tận dụng cả hành lang, sảnh, khoảng trống giữa bục giảng và bàn học sinh trong một số lớp học để đảm bảo 100% học sinh được tập thể dục giữa giờ.

Sau khi tập xong, học sinh cùng nhau vỗ tay và hát vang bài Trống cơm một cách vui vẻ.

Nhiều học sinh cho biết rất thích giờ tập thể dục này vì nhẹ nhàng và thoải mái.Vũ Hoàng Xuân

Theo Bộ GD-ĐT, từ đầu năm 2013 Bộ GD-ĐT và Bộ VH-TT&DL đã có văn bản hướng dẫn việc sử dụng di sản văn hóa vào dạy học và thí điểm tại bảy địa phương trên cả nước việc tổ chức dạy học lồng ghép, tích hợp di sản vào các môn âm nhạc, lịch sử, địa lý.

Bộ GD-ĐT đã chỉ định mỗi sở GD-ĐT chọn hai trường THCS và hai trường THPT áp dụng thí điểm.

Đưa di sản vào chương trình giáo dục địa phương trong hai năm học qua cũng là một trong những yêu cầu mới của Bộ GD-ĐT nhằm tiệm cận với chương trình giáo dục mới đang được xây dựng.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Huy – thành viên dự án “Giáo dục di sản trong nhà trường VN” do UNESCO hỗ trợ kinh phí, đa số chương trình, dự án đã áp dụng trong các nhà trường thời gian qua đều có chung nhược điểm là người thực hiện chỉ hiểu về di sản văn hóa, truyền thống văn hóa ở mức chung chung, theo lối mòn, không có sự giám sát của cơ quan quản lý giáo dục, ngành văn hóa chưa phối hợp trong việc cung cấp thông tin chuyên môn về loại hình di sản.

Nhiều mô hình giáo dục di sản trong nhà trường được đánh giá tốt nhưng lại chưa được ngành giáo dục ghi nhận và sử dụng như một chương trình có tính bền vững, lâu dài.

TS Nguyễn Xuân Trường – Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT – cũng đề cập những trở ngại khi thí điểm đưa di sản vào trường học: cán bộ quản lý chưa thật quan tâm thường xuyên, giáo viên còn thụ động; năng lực tổ chức hoạt động dạy học của một số giáo viên hạn chế, không biết cách vận dụng di sản vào dạy học; việc xây dựng nguồn tư liệu về di sản còn thiếu khiến giáo viên lúng túng, khó khăn khi xây dựng chương trình dạy học.

Trong báo cáo về việc này, TS Trường cũng cho rằng việc “chưa có quy trình hướng dẫn cụ thể khai thác di sản văn hóa phi vật thể phục vụ giảng dạy” cũng là một khó khăn để có thể triển khai rộng rãi và hiệu quả yêu cầu này.

Hội thảo ngày 24-3 có sự tham gia của 60 chuyên gia VN và quốc tế đến từ 13 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương cũng bàn sâu về vấn đề này nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong việc đưa di sản văn hóa vào trường học một cách hiệu quả hơn.

Nhiều ý kiến chuyên gia đều thống nhất cho rằng muốn việc đưa di sản văn hóa vào trường học một cách hiệu quả, chương trình giáo dục cần được xây dựng hấp dẫn, tránh nặng nề, quá tải cho học sinh. Ngoài việc lồng ghép vào các tiết học chính khóa cần có những hình thức học tập khác để học sinh tự cảm nhận thay vào việc áp đặt, khô cứng.

Phát biểu tại hội thảo này, ông Nguyễn Vinh Hiển – thứ trưởng Bộ GD-ĐT – nhấn mạnh: “Chương trình cần được xây dựng linh hoạt, phù hợp với văn hóa địa phương, dân tộc, phù hợp với điều kiện của mỗi nhà trường. Cần tận dụng, khai thác các nguồn học liệu tại chỗ, gần gũi với học sinh, dễ hiểu, dễ cảm…

VĨNH HÀ