27/11/2024

Nhật xây trường thành chống sóng thần

Kế hoạch xây trường thành chống sóng thần của chính quyền Nhật gây ra nhiều tranh cãi do dư luận lo ngại tác động tới môi trường sinh thái.

 

Nhật xây trường thành chống sóng thần

 

Kế hoạch xây trường thành chống sóng thần của chính quyền Nhật gây ra nhiều tranh cãi do dư luận lo ngại tác động tới môi trường sinh thái.

 

 

 

Bức tường đang được xây ở tỉnh Iwate - Ảnh: News.com.auBức tường đang được xây ở tỉnh Iwate – Ảnh: News.com.au
Cách đây đúng 2 tuần, người Nhật đánh dấu 4 năm ngày xảy ra thảm hoạ động đất/sóng thần tàn phá vùng đông bắc nước này (11.3.2011), khiến khoảng 18.500 người chết hoặc mất tích và gây ra sự cố hạt nhân tại Nhà máy điện Fukushima số 1. Nhằm ngăn chặn hiểm họa sóng thần trong tương lai, chính quyền Tokyo công bố kế hoạch xây 440 con đập khổng lồ ở 3 tỉnh bị tàn phá nhiều nhất, gồm Fukushima, Miyagi và Iwate, theo Đài RT. Tổng chiều dài của các con đập khoảng 400 km, trong đó có những đoạn cao gần bằng toà nhà 5 tầng. Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng tiêu tốn khoảng 6,8 tỉ USD này hiện gây nhiều tranh cãi ở xứ sở mặt trời mọc.
Lá chắn bê tông
Theo AP, bên ủng hộ xây dựng “Vạn lý trường thành của nước Nhật” thì lập luận đó là việc không muốn nhưng phải chấp nhận, còn một số người khác cho rằng dự án sẽ tạo ra công ăn việc làm. “Những bức tường cao sẽ bảo vệ các khu dân cư và tuyến sơ tán”, ông Mitsutaka Kodama thuộc ban tái thiết Miyagi khẳng định. Trong khi đó, bên phản đối cho rằng những con đập gây tốn kém, làm tổn hại môi trường sinh thái và quang cảnh biển, gây trở ngại cho ngành thủy sản và không bảo vệ được người dân.
Ông Kazutoshi Musashi, người dân ở cảng cá Osabe thuộc Iwate, cho AP hay bức tường cao hơn chục mét ở khu vực đã che khuất tầm nhìn ra biển và cho rằng nó trông giống “bức tường của nhà tù”. Ngư dân Makoto Hatakeyama ở thành phố cảng Kesennuma thuộc tỉnh Miyagi nói với RT: “Chúng tôi yêu phong cảnh này nên lo ngại về tác động đối với môi trường từ việc xây bức tường biển mà cũng sẽ ảnh hưởng tới kế sinh nhai của tôi”.
Một người dân khác cũng ở Miyagi tên Masahito Abe thì tuyên bố với The Guardian: “Tôi không muốn phần còn lại của thế giới nghĩ Nhật là một rừng bê tông. Sóng thần là hiện tượng tự nhiên con người không thể kiểm soát, nên tôi có thể bỏ qua sự tàn phá và bất hạnh mà nó gây ra. Nhưng tôi không thể tha thứ cho con người về việc tàn phá môi trường của chính mình”. Ngay cả bà Akie Abe, phu nhân Thủ tướng Shinzo Abe cũng phản đối kế hoạch xây lá chắn bê tông nói trên. Trong một lần phát biểu tại thành phố New York (Mỹ) vào tháng 9 năm ngoái, bà Abe đã kêu gọi không tiến hành kế hoạch xây dựng trường thành nói trên, theo AP.
Lợi bất cập hại ?
Trước khi thảm hoạ sóng thần ngày 11.3.2011 xảy ra, nhiều chính quyền địa phương ở Nhật đã xây đập chắn biển. Theo The Guardian, khoảng 3.000 người dân ở làng Fudai thuộc Iwate sống sót khỏi cơn sóng cao tới 20 m là nhờ bức tường cao 15 m, vốn từng bị chỉ trích là công trình gây lãng phí. Tuy nhiên, đó chỉ là trường hợp ngoại lệ. Hầu hết các bức tường không đủ sức bảo vệ người dân trước cơn sóng thần năm 2011. Cụ thể, đập chắn biển lớn nhất thế giới khi đó ở thành phố Kamaishi, cũng thuộc Iwate, vẫn bị sóng tràn qua, khiến khoảng 1.000 người thiệt mạng.
Một số chuyên gia còn chỉ ra điểm nghịch lý là các bức tường có thể giúp giảm thiệt hại, nhưng cũng có khả năng khiến những người dân địa phương trở nên ỷ lại, không chịu cảnh giác. “Những bức tường biển có tiềm năng cứu người với điều kiện sóng thần không vượt quá chiều cao và áp lực được ước tính… Vấn đề là bạn không thể dự đoán chiều cao của sóng thần kế tiếp nên những bức tường biển không thể cho bạn an toàn 100%. Luôn luôn có nguy cơ, dù bạn xây chúng cao cỡ nào đi nữa”, Giáo sư Christian Dimmer tại Đại học Tokyo nói. Có lẽ do đó mà ông Tsuneaki Iguchi, cựu Thị trưởng thị trấn Iwanuma, thuộc Miyagi, cho hay thị trấn của ông hiện không có chủ trương xây đập chắn biển cao hơn mà chỉ tu sửa các bức tường vốn đã bị sập trong đợt sóng thần 2011 và trồng thêm cây thông dọc bờ biển để tạo ra “bức tường xanh”. Ông Iguchi nói rõ: “Điều chúng tôi cần làm là sơ tán tất cả mọi người… Việc an toàn nhất là mọi người sống ở nơi cao hơn và tách rời nhà ở với nơi làm việc. Nếu làm được điều đó, chúng tôi không cần có vạn lý trường thành”.
Okinawa yêu cầu ngưng lấn biển
Ngày 23.3, chính quyền tỉnh Okinawa của Nhật đã ra lệnh ngưng triển khai dự án xây dựng căn cứ quân sự của Mỹ ở vùng biển Henoko vì lo ngại hoạt động lấn biển này sẽ tàn phá môi trường sinh thái, theo Đài NHK. Tỉnh trưởng Okinawa Takeshi Onaga nói với các cơ quan truyền thông rằng nhiều khối bê tông nặng đến 45 tấn được thả xuống biển có nguy cơ phá hỏng môi trường biển. Chính quyền Okinawa ra lệnh cho Văn phòng Bộ Quốc phòng Nhật tại tỉnh này ngưng dự án trong vòng 1 tuần để điều tra mức độ ảnh hưởng trên thực địa trước khi quyết định có cho phép tiếp tục hay không. Ông Onaga, người đắc cử hồi tháng 12.2014 nhờ chiến dịch tẩy chay sự hiện diện của quân đội Mỹ trên đất Nhật, dọa sẽ hủy bỏ giấy phép lấn biển do người tiền nhiệm cấp hồi năm ngoái nếu Tokyo không tuân thủ yêu cầu.
Căn cứ quân sự của Mỹ ở Henoko dự kiến sẽ thay thế căn cứ không quân Futenma nằm ở khu vực đông dân cư. Tờ The Guardian nhận định quyết định của Okinawa sẽ gây khó khăn cho Tokyo vì Thủ tướng Shinzo Abe, người sẽ có chuyến thăm Mỹ tuần tới, rất ủng hộ dự án và mối quan hệ với Mỹ. Đến hôm qua, Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga tuyên bố quyết định của ông Onaga là vô giá trị và chính phủ sẽ tiếp tục hoạt động xây dựng như kế hoạch.
Vinh Sơn

 

Văn Khoa