27/11/2024

​Lòng tốt của một sinh viên nghèo

Nghe nhiều câu chuyện người mất ví bị lấy hết tài sản trong đó và phải bỏ thêm tiền chuộc giấy tờ nên khi bị mất ví tôi nghĩ mình sẽ rơi vào trường hợp này.

 

​Lòng tốt của một sinh viên nghèo

 

Nghe nhiều câu chuyện người mất ví bị lấy hết tài sản trong đó và phải bỏ thêm tiền chuộc giấy tờ nên khi bị mất ví tôi nghĩ mình sẽ rơi vào trường hợp này. 


 

 

Sinh viên Lê Doãn Ý, người không tham của rơi – Ảnh: Trường Trung

May mắn là tôi đã gặp được một người tốt.

Chiều 22-3, tôi đi lấy áo dài tại một tiệm may trên đường Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) rồi về nhà ở cách đó chừng 5 phút chạy xe. Đến nhà tôi phát hiện mình mất ví, trong đó có 15,5 triệu đồng, một điện thoại iPhone 5s, hai sổ tiết kiệm tổng số tiền gởi là 1,3 tỉ đồng (do tôi vừa bán nhà) cùng nhiều loại giấy tờ khác.

Tôi đi trình báo vụ việc với Công an phường Mân Thái, quận Sơn Trà. Chồng tôi gọi vào số máy điện thoại bị mất của tôi thì không ai bắt máy, nhưng lát sau có một người điện thoại vào số của chồng tôi hỏi thăm chủ nhân của cái ví. Tôi lấy điện thoại của chồng gọi lại, bên kia hẹn 19g đến nhà nghỉ Sao Mai nhận lại đồ đánh mất.

Do tôi nghe nhầm tên đường nên công an không xác định được địa điểm hẹn gặp, tra tên nhà nghỉ thì lại có đến bốn nhà nghỉ trùng tên ở phường Mân Thái. Lúc này khoảng hơn 17g, tôi gọi lại lần nữa thì điện thoại bên kia tắt máy.

Đến 19g, người kia điện thoại lại xác định địa điểm gặp là nhà nghỉ Sao Mai ở đường Lê Phụ Trần, phường Mân Thái. Lúc này các anh công an cũng lên phương án tác chiến đề phòng những tình huống xấu và dặn dò tôi nhiều điều.

Tôi cũng rất căng thẳng, nhưng khi đến nhà nghỉ thì một thanh niên ra gặp tôi, sau khi xác minh đúng là tôi mất ví, người này đã trả lại ví cho tôi. Tôi mở ví ra thấy tiền bạc, điện thoại, giấy tờ đầy đủ. Mừng quá, tôi rút mấy tờ tiền hậu tạ nhưng người này không nhận.

Lúc đó trời tối, các anh công an tưởng người thanh niên đòi tiền chuộc nên đã xuất hiện, mời về trụ sở làm việc. Tôi vì quá vui mừng khi được nhận lại tài sản đánh rơi nên không kịp nói rõ câu chuyện. Sau khi về phường, biết người thanh niên bị oan, các công an chỉ yêu cầu em hoàn tất biên bản giao trả tài sản nhặt được.

Gặp em tại công an phường, tôi mới biết em tên Lê Doãn Ý (24 tuổi, học viên Viện đại học Mở Hà Nội tại Đà Nẵng). Em vừa học vừa đi làm lễ tân ở nhà nghỉ Sao Mai. Gia đình em sống ở Gia Lai, nhà đông con nên hoàn cảnh khó khăn. Do em đi lễ nhà thờ nên không mang ví trả liền cho tôi ngay sau khi nhặt được ví, lúc ở trong nhà thờ em tắt máy nên tôi không liên lạc được.

Lâu nay tôi nghe nhiều câu chuyện người mất ví thường bị mất hết tài sản và còn phải bỏ tiền chuộc giấy tờ nên lúc mất ví tôi quá hoảng hốt, cộng thêm sự trục trặc trong liên lạc nên tôi đã nghi oan cho người nhặt được ví của tôi.

Qua chuyện này, tôi muốn gởi tới mọi người niềm tin vào cuộc sống rằng bên cạnh những lọc lừa vẫn còn có những người tốt như em Ý.

PHẠM NGỌC MINH THƯ (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng)

* Thiếu tá NGUYỄN HỒNG QUANG (trưởng Công an phường Mân Thái, quận Sơn Trà):

Nên liên hệ công an để an toàn

Từng có nhiều trường hợp người mất của khi liên hệ xin lại tài sản đã bị kẻ gian cướp bóc hoặc lợi dụng làm chuyện xấu. Vì vậy, người mất tài sản và người nhặt được tài sản nên liên hệ với cơ quan công an gần nhất để được giúp đỡ.

Đối với người nhặt được tài sản, để tránh tình trạng hiểu nhầm như trường hợp anh Ý, tốt nhất nên liên hệ ngay với công an ở địa bàn để trao trả tài sản cho người mất. Thông thường, người mất tài sản sẽ khai báo ở công an khu vực 

mà họ nghi là nơi mất tài sản, vì vậy việc tìm được chủ tài sản rất nhanh. Với nghiệp vụ của mình, công an sẽ xác định nhanh và chính xác chủ tài sản.

Hành động trả lại tài sản cho người mất của anh Ý rất đáng trân trọng. Chúng tôi đã hoàn tất hồ sơ và đề nghị công an quận tuyên dương hành động đẹp của anh Ý.

* Sinh viên LÊ DOÃN Ý:

Tôi chỉ muốn nhanh chóng trả lại chiếc ví

Tôi nhặt được ví khi đang trên đường đến nhà bạn. Thấy trong đó là tài sản lớn, tôi nghĩ ngay người mất sẽ rất đau khổ nên muốn nhanh chóng trả lại họ.

Do điện thoại của chủ nhân có mật khẩu nên tôi không thể liên lạc ngay với người thân của họ. Chỉ đến khi có người gọi đến điện thoại của người mất ví, tôi mới có số điện thoại trao đổi để tìm chủ nhân chiếc ví.

Lúc gặp được chị Thư qua điện thoại đã gần 17g, tôi vội đi lễ nhà thờ nên mới hẹn đến chỗ tôi làm ở nhà nghỉ Sao Mai để trả ví.

Do quá vội nên tôi không có thời gian báo công an, vả lại lúc đó tôi chỉ nghĩ làm sao trả lại tài sản cho người mất nhanh nhất là được. Khi công an tới, thật sự tôi rất bất ngờ nhưng nghĩ mình không làm gì sai nên không lo sợ.

TRƯỜNG TRUNG ghi