10/01/2025

Khổ vì cầu, đường “trời ơi”

Nhiều cây cầu ở ĐBSCL vừa làm xong đã sập, có cầu nhưng không có đường hoặc dạ cầu thấp…khiến việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn.

 

Khổ vì cầu, đường “trời ơi”

Nhiều cây cầu ở ĐBSCL vừa làm xong đã sập, có cầu nhưng không có đường hoặc dạ cầu thấp…khiến việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn.


 


 

 

Cầu Kênh Cóc (huyện Năm Căn, Cà Mau) vừa xây xong không bao lâu đã sập – Ảnh: Tấn Thái
Trước đây khi xây cầu giao thông nông thôn trong đề án 1.588 do tiết kiệm chi phí nên không tiến hành khoan thăm dò địa chất. Các cầu bị lún có thể do nền đất yếu và trụ cầu chưa đủ dài
Ông Nguyễn Thanh Sử 
(phó Phòng hạ tầng kinh tế huyện Ngọc Hiển)

Tại một số tỉnh ở ĐBSCL, nhiều cầu vừa làm đã sập, dạ cầu thấp hoặc làm cầu không làm đường khiến việc đi lại của người dân khó khăn, gây lãng phí tiền ngân sách.

Đề án xây dựng 1.588 cây cầu giao thông nông thôn từ năm 2009 ở Cà Mau xây xong đưa vào sử dụng chưa được bao lâu thì nhiều cầu đã xuống cấp, có cầu ngã xuống sông…

Có cầu cũng như không

Trong đề án nói trên, cầu Kênh Cóc (xã Đất Mới, huyện Năm Căn, Cà Mau) hiện đã mất hai nhịp giữa nên người dân không thể qua lại. Phần còn lại của cầu này các trụ cũng bị bong tróc, mất ổn định, nghiêng về một phía, có thể gãy đổ bất cứ lúc nào.

Ông Phạm Thái Điền, người dân địa phương, nói: “Cầu xây xong chưa được bao lâu tôi thấy trụ cầu chính giữa sông có hiện tượng lún và nghiêng về một bên, nhịp cầu xê dịch. Cách đây gần một năm cầu sập”.

Ông Phan Văn Vũ, trưởng ấp Trại Lưới A, xã Đất Mới – than: “Trước đây cầu Kênh Cóc làm xong phải chờ đường, nay đường làm xong cầu đã sập. Chúng tôi đã kiến nghị xã bắc lại cầu để kết nối con đường mà địa phương đang làm”.

Ông Vũ cho biết thêm người dân tại địa phương vừa bỏ ra 100% vốn làm đường từ đầu kênh Đào đến cuối kênh Đào và đang chuẩn bị làm tiếp tuyến đường từ cầu Kênh Cóc đến cuối kênh Cóc.

Hai tuyến này cũng kết nối với nhau qua cầu Kênh Cóc đã sập. Theo UBND huyện Năm Căn, cầu Kênh Cóc làm bằng bêtông cốt thép, có năm nhịp, dài khoảng 35m, mới đưa vào sử dụng từ năm 2011.

Cũng tại xã Đất Mới, cầu ngã tư Cây Thơ mới đưa vào sử dụng năm 2012 cũng có nguy cơ sụp xuống sông. Hiện trụ giữa cầu lún nặng khiến nhịp cầu bị nghiêng và trượt ra trông rất nguy hiểm.

Còn cầu Bỏ Hũ (xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn) trụ cầu cũng bị nghiêng sang một bên. Khắc phục tình trạng này, Phòng hạ tầng kinh tế huyện Năm Căn đã gia cố thêm một trụ bêtông cặp trụ cầu nghiêng nhằm “chia lửa” tránh nhịp cầu gãy xuống sông.

Trong khi đó, ông Cao Minh Quang – phó Phòng hạ tầng kinh tế huyện Năm Căn – cho biết những cây cầu trong đề án 1.588 thường được thiết kế cơ bản gồm trụ bêtông cốt thép, dầm bêtông dự ứng lực…, trung bình mỗi cầu 300 triệu đồng, thời gian sử dụng khoảng 15 năm.

Tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) có đến 6/14 cầu nằm trong đề án 1.588 có hiện tượng lún, nguy cơ sụp đổ.

Theo một lãnh đạo Phòng hạ tầng kinh tế huyện Ngọc Hiển, việc xây dựng cùng lúc nhiều cầu trong dự án này dẫn đến tình trạng cầu xây ở những vị trí chưa hợp lý nên hiện nay chưa kết nối đường giao thông, chưa phát huy hết tác dụng…

“Phong trào” làm đường vòng cho cầu

Tuyến đường bờ đông kênh 7 ở TP Châu Đốc (An Giang) được trải bêtông nhựa từ lâu. Đây là trục giao thông liên xã nối P.Núi Sam với xã Vĩnh Châu và một số xã của huyện Châu Phú. Ngoài phục vụ đi lại, đường này còn giúp nông dân vận chuyển, tiêu thụ nông sản thuận lợi.

Khi làm đường tránh trong dự án nâng cấp quốc lộ 91, đoạn TP Châu Đốc – Tịnh Biên (Bộ GTVT đầu tư) thì cầu vượt dòng kênh 7 và tuyến đường này được xây dựng. Có điều dạ cầu vượt quá thấp, cách mặt đường bờ đông kênh 7 chỉ đủ người đi bộ qua lọt.

Người dân ấp Vĩnh Phước, P.Núi Sam, TP Châu Đốc kể khi cầu vừa nối nhịp, thấy dạ cầu thấp, đơn vị thi công cho cào hạ mặt đường đông kênh 7 xuống. Thế nhưng xe tải loại nhỏ không mui chở lúa chạy qua dạ cầu bị mắc kẹt, buộc đơn vị thi công phải gỡ nhịp cầu để kéo xe tải này ra.

Sau đó, đơn vị thi công tiếp tục cào mặt đường lõm xuống sâu 6 tấc, nhưng xe tải vẫn không qua được dạ cầu nên chủ dự án nâng cấp quốc lộ 91 cho xây thêm tuyến đường vòng qua chân cầu dài khoảng 300m.

Ban quản lý dự án 7 (thuộc Tổng cục Đường bộ VN), đại diện chủ đầu tư, cho biết việc xây cầu như thế là do bên thiết kế.

Nếu cầu cao hơn thì chi phí xây dựng sẽ cao hơn làm thêm đường vòng qua chân cầu. Mặt khác làm đường vòng cũng kết nối được đường đông kênh 7 với tuyến quốc lộ 91 mới.

Tại khu vực 2, thị trấn Thứ 11, huyện An Minh (Kiên Giang) cầu Kênh Hãng cũng trong tình trạng tương tự. Cầu này chỉ cao 2,5m so với mặt đường, nối hai huyện An Minh và Vĩnh Thuận, trở thành “vật cản” đối với nhiều xe tải.

Ông Nguyễn Bá Hoàng, một người dân địa phương, cho biết do cầu có tĩnh không thấp nên chỉ còn xe nhỏ và xe tải thùng thấp qua lọt, các loại xe khác đều phải đi vòng hướng Vĩnh Thuận hoặc An Minh Bắc, khá tốn chi phí.

Ông Nguyễn Văn Dũng – giám đốc Sở GTVT tỉnh Kiên Giang – cho biết ông chưa nghe người dân phản ảnh, cũng chưa nghe nhà thầu báo gì về việc vướng mắc giao thông tại cầu Kênh Hãng.

“Sắp tới chúng tôi tổ chức đi khảo sát toàn tuyến, nếu có vướng mắc sẽ điều chỉnh kịp thời” – ông Dũng nói.

Trong khi đó, tại công trường thi công cầu Kênh Hãng, một số cán bộ kỹ thuật thuộc Cienco 6 cho hay tình trạng xe tải kẹt gầm cầu chỉ là tạm thời.

Dự kiến đến tháng 5, sau khi thông xe toàn tuyến đường hành lang ven biển phía nam, đoạn thị trấn Thứ Bảy (huyện An Minh, Kiên Giang đi Cà Mau) sẽ có đường dân sinh vòng tránh gầm cầu hiện hữu.

Còn tại Bạc Liêu, cầu vượt Vĩnh Hưng băng qua tuyến đường Cầu Sập – Ninh Quới (huyện Vĩnh Lợi) cũng chỉ cao 2,5m (nhưng được gắn biển tĩnh không 2,1m).

Do cầu thấp, hiện tại đường Cầu Sập – Ninh Quới đã được rào chắn để các xe không đi vào gầm cầu vượt mà rẽ sang đường vòng.

Theo Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu, cầu này được phân cấp cho Ban quản lý dự án xây dựng cơ bản huyện Vĩnh Lợi làm chủ đầu tư. Nếu làm cầu cao quá thì suất đầu tư cao, vì vậy đã hạ thấp tĩnh không cầu vượt, làm đường vòng cho xe cộ lưu thông tránh cầu.  

Cầu hoành tráng chờ… vốn làm đường

Điểm cuối của cầu Giá Rai trị giá 290 tỉ đồng là… ruộng – Ảnh: Chí Quốc

Đó là công trình cầu vượt Giá Rai, huyện Giá Rai (Bạc Liêu) được Bộ GTVT đầu tư với tổng vốn khoảng 290 tỉ đồng bắc ngang quốc lộ 1 và kênh xáng Bạc Liêu – Cà Mau (nối tuyến đường Giá Rai – Cạnh Đền với đường Giá Rai – Gành Hào).

Cầu vượt Giá Rai thi công xong để đó gần hai năm qua, không thể sử dụng được bởi hai bên cầu không có đường. Hằng ngày xe từ Gành Hào ra quốc lộ 1 phải qua cầu Giá Rai cũ tải trọng chỉ 8 tấn.

Theo nhiều doanh nghiệp thủy sản tại địa phương, lâu nay khi vận chuyển thủy sản họ luôn bị bắt tải trọng cầu, nên khi thấy cầu vượt Giá Rai được thi công ai cũng mừng nào ngờ giờ có cầu phải chờ đường.

Ông Ngô Hữu Dũng – giám đốc Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu – cho biết hiện cầu này vẫn chờ tỉnh cân đối nguồn vốn để thực hiện đường dẫn hai bên. Cụ thể, còn khoảng 4km đường dẫn hai bên cầu với số vốn khoảng 234 tỉ đồng.

NHÓM PV-CTV