27/11/2024

​Hạnh phúc của chị Thuý

Dưới khoảng sân nhỏ rợp bóng những tán lá, có người phụ nữ nhỏ nhắn, khuôn mặt đôn hậu đang chải tóc cho đàn con trẻ vây quanh mình.

 

​Hạnh phúc của chị Thuý

 

Dưới khoảng sân nhỏ rợp bóng những tán lá, có người phụ nữ nhỏ nhắn, khuôn mặt đôn hậu đang chải tóc cho đàn con trẻ vây quanh mình. 

 

 


 

 

Chị Thuý giữa những đứa trẻ mồ côi mà mình cưu mang – Ảnh: N.Dương

Những tiếng cười trong trẻo của chúng giòn tan trong tiếng xào xạc của lá.

Những đứa trẻ ở đây rất đáng thương. Không có ai đó dang tay ra thì tương lai của các em sẽ ra sao? Tôi không thể hình dung được chúng sẽ như thế nào. Điều may mắn của các em là còn có những người như Thúy. Tôi mong các em biết trân trọng những gì mà người mẹ này đã dành cho mình để rồi cố gắng học thật tốt và trở thành người thành công
Bà Espoir Guerison (người Pháp gốc Việt, một vị khách thường xuyên của Tâm Tịnh Viên Homestay)

Người mẹ đó là Nguyễn Ngọc Thuý ở phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên – Huế. Mấy năm qua chị dồn hết tiền bạc để xây dựng một căn nhà cưu mang những mảnh đời bất hạnh.

Nhói đau trước nghịch cảnh

Tôi vừa tới, cùng lúc thấy mấy đứa trẻ vừa đi học về, tay cầm tờ giấy chạy về phía chị. À, thì ra chúng đang khoe bài kiểm tra được điểm 9, điểm 10 với chị Thuý.

Cô bé Quỳnh ngày nào còn sống trong đòn roi của người cha tâm thần, cậu bé Thành mồ côi cả cha lẫn mẹ bơ vơ giữa sông nước mò cua bắt ốc giờ đây đã là những học trò ngoan và học giỏi, có điểm 10 và còn làm cán bộ lớp.

Vừa châm ấm trà, chị Thuý vừa nói: “Lũ trẻ tội quá, đứa thì mồ côi, đứa thì bị cha mẹ mắc bệnh tâm thần đánh đập… chẳng khác nào đang đứng bên bờ vực, mình không dang tay ra sao được”.

Thật tình cho đến giờ tôi vẫn không thể hiểu chị lấy đâu ra ngần ấy sức lực để có thể quán xuyến 34 đứa trẻ có 34 hoàn cảnh khác nhau, trong khi công việc ở Công ty lữ hành Tâm Tịnh Viên Homestay mà vợ chồng chị quản lý quá bận rộn.

Trong lúc công việc tiến triển tốt, những khoản tiền vất vả kiếm được chị chẳng dành dụm cho tương lai. Ngược lại, chị dồn hết vào việc nuôi những đứa trẻ mồ côi. Có người nói chị dại dột, việc chi phải rước lấy khổ cực. Chị cười đáp rằng với chị, hạnh phúc bình dị chỉ là ngày ngày được ôm ấp và chăm chút bọn trẻ mồ côi này.

Năm 2012, khi công việc kinh doanh ổn định, vợ chồng chị mua được mảnh đất ở Hương Hồ. Dồn hết vốn liếng, vay mượn khoảng 1,6 tỉ đồng, vợ chồng chị xây hai ngôi nhà 200m2 đủ tiện nghi để bọn trẻ có không gian sinh hoạt, nghỉ ngơi. Chị tận dụng không gian để cơi nới, mở rộng làm phòng đọc sách, thư viện cho bọn trẻ.

Vậy là mỗi khi nghe người ta kháo nhau nơi nào có đứa trẻ vừa mất bố lẫn mẹ, sống bơ vơ côi cút không nơi nương tựa, chị lại lặn lội tìm đón về nuôi.

Chỉ về phía hai đứa trẻ đang chở nhau trên chiếc xe đạp đi học, chị Thuý kể đó là hai chị em Võ Thị Tuyết Lành (13 tuổi) và Võ Thị Tuyết Diệu (8 tuổi).

Cha hai em đã mất cách đây hai năm vì bệnh tật. Cuộc sống lam lũ vất vả và sự ra đi của người chồng tạo thành cú sốc nặng khiến mẹ các em không còn tỉnh táo như người bình thường. Bà không kiểm soát được bản thân, thậm chí nhiều lúc không biết con mình là ai. Mỗi khi lên cơn, bà lại đánh đập chửi bới chúng.

Chị Thúy biết đến hoàn cảnh của hai đứa trẻ này qua câu chuyện của một người bạn, vậy là chị lại lặn lội về phường Hương Sơ, TP Huế để xin hai đứa trẻ đáng thương này về nuôi.

“Chúng còn quá nhỏ để chịu đựng được những cay đắng của cuộc đời. Mình đem về nuôi đơn giản chỉ là không muốn chúng phải chịu đau đớn vì bị đánh đập nữa và cố gắng cho chúng đi học tiếp để có tương lai” – chị Thúy bộc bạch.

Cố gắng và cố gắng

Anh Garcia Jean chồng chị Thuý là người Pháp, cũng là một người giàu tình thương đối với những mảnh đời bất hạnh đang cần che chở.

Bởi vậy anh luôn ủng hộ việc làm của vợ và nỗ lực cùng vợ chăm sóc bọn trẻ hằng ngày. Khoản tiền thu nhập từ dịch vụ homestay của hai vợ chồng đều được dành hết cho việc ăn học của bọn trẻ.

Không biết mỗi tháng chị phải kiếm được bao nhiêu tiền mới có thể lo đủ cái ăn cái học cho 34 đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn. Đó chắc chắn không phải là một số tiền nhỏ.

“Nghe ở đâu có đoàn từ thiện là mình lại đi xin áo quần, sách vở. Còn những khoản khác mình phải tự xoay xở. Khi nào thiếu tiền thì mình đi vay để lo cho các cháu” – chị cười giải thích.

Không chỉ nuôi các cháu ở trung tâm, từ năm 2004 đến nay chị còn đóng học phí cho 400 cháu là con em vạn đò, có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi ở các phường Hương Sơ, Phú Hiệp, Phú Hậu (TP Huế).

Bình quân chi phí cho một em mỗi năm hết khoảng 2 triệu đồng, vị chi tiêu tốn khoảng 800 triệu đồng/năm. Cũng thật may khi trong số 400 cháu được hỗ trợ đó, có 250 cháu được người Pháp nhận giúp đỡ.

Có thời gian việc kinh doanh gặp khó khăn, chị đành liều mình đi vay ngân hàng. Cũng thật may, anh Garcia Jean là một cầu nối tuyệt vời giữa những tấm lòng từ bên kia đại dương với những đứa trẻ nơi đây.

Đó là những người bạn, những du khách đi du lịch đến đây. Họ biết đến bọn trẻ thông qua Garcia. Đến Huế, họ ghé thăm, chơi đùa, cùng ăn cơm với các em. Sau khi trở về nước, nhiều người đã gửi tiền sang cùng chị giúp đỡ bọn trẻ.

Giờ đây, mỗi khi có đứa trẻ nào bỏ học hay hư hỏng là lòng chị lại ăn ngủ không yên.

Chị nhớ có lần cậu bé Nguyễn Quang Thành nghiện game rồi bỏ học theo bạn bè đi bụi đời khiến chị buồn bã suốt mấy ngày liền. Chị đã khóc rất nhiều vì Thành ngoan hiền mà chị luôn tin yêu lại không nghe lời mình. Chị cứ nghĩ rằng đó là lỗi do mình.

Biết bao khó khăn, gian nan ập đến không chỉ bởi nợ nần, thiếu thốn mà còn vì những đứa trẻ mồ côi chẳng chịu nghe lời chị đi học. Thế nhưng nghị lực của người phụ nữ này thật vô hạn. Chị chưa bao giờ và không cho phép mình bỏ cuộc. Không phải là chị lỡ đâm lao phải theo lao, mà do chị đã quá yêu thương lũ trẻ.

Tôi hỏi chị sẽ nuôi các em đến bao giờ mới thôi, chị trả lời: “Tới khi nào mình không còn ráng được nữa thì thôi. Chỉ mong chúng đừng đi lầm đường lỡ bước là mình mãn nguyện rồi”.

 

NGỌC DƯƠNG