11/01/2025

Sinh viên chế tạo máy in 3D

Khi xem bộ phim hoạt hình Big hero 6, nhiều người thích thú với phân đoạn cậu bé Hiro Hamada nâng cấp Baymax từ một chú robot “dễ thương, dễ ôm” thành cỗ máy chiến đấu siêu hạng.

 

Sinh viên chế tạo máy in 3D

 

 Khi xem bộ phim hoạt hình Big hero 6, nhiều người thích thú với phân đoạn cậu bé Hiro Hamada nâng cấp Baymax từ một chú robot “dễ thương, dễ ôm” thành cỗ máy chiến đấu siêu hạng. 

 

 

 

Xenophon Law bên chiếc máy in 3D tự chế của mình và các đồng môn – Ảnh: H.Thi

Trong đó, chi tiết Hiro thiết kế bộ giáp cho Baymax trên máy tính, nhấn nút in và rồi những bộ phận của bộ giáp được cho ra lò chỉ trong ít phút, dễ ợt như in tài liệu giấy khiến người xem trầm trồ.

Không in được những chi tiết có kích thước to như bộ giáp của Baymax, nhưng chiếc máy in 3D được các sinh viên khoa kỹ thuật, Học viện Phát triển quản lý Singapore (MDIS) chế tạo đã có thể in mọi ý tưởng mà con người nghĩ ra.

Anh sinh viên Xenophon Law (21 tuổi, quốc tịch Hong Kong) kể lại: mọi chuyện bắt đầu cách đây hai năm, từ việc khoa tậu một chiếc máy in 3D MakerBot trị giá 4.000 đôla Singapore để phục vụ việc giảng dạy, học tập.

Quan sát tất cả mọi thứ đều có thể được in ra với độ chính xác hoàn hảo, bằng cách nung chảy dây nhựa Filament ở nhiệt độ trên dưới 215 độ C rồi in từng lớp của kết cấu, những chàng sinh viên xúc động bởi họ biết đó là tương lai của ngành sản xuất. Vậy là họ… tháo tung chiếc máy, tìm hiểu điều kỳ diệu gì đang diễn ra trong đó.

Cuộc “phẫu thuật” săm soi từng bộ mạch, chế tạo thử, thất bại, chế tạo lại kéo dài một năm rưỡi, cho đến khi chiếc máy phiên bản sinh viên in được khối lập phương đầu tiên từ bản thiết kế trên máy tính. Mất khoảng 30 phút.

Điều khiến cả nhóm phấn khích nhất là chi phí bỏ ra để chế tạo chiếc máy chỉ có 400 đôla Singapore-bằng 1/10 giá bán trên thị trường.

Anh bạn người Ấn Độ Venkatesh (19 tuổi) hào hứng: “Hiện nay, công nghệ in 3D chưa được ứng dụng rộng rãi vì giá thành đầu tư máy đắt đỏ. Một chiếc máy cũng chưa thể sản xuất hàng loạt sản phẩm. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm cách cải tiến để giảm giá thành và nâng năng suất máy”.

Làm được như vậy, một ngày không xa, công nghệ in 3D có thể thay thế kỹ thuật khắc tạc và khuôn đúc vốn đang được sử dụng trong quy trình sản xuất đồ nhựa.

Trong xưởng thực hành của các bạn bày la liệt sản phẩm được in từ chiếc máy in 3D. Mô hình tháp Eiffel, tháp nghiêng Pisa, máy bay, ốp lưng điện thoại cho đến bất kỳ thứ linh tinh mà những anh chàng sinh viên nghịch ngợm có thể nghĩ ra: đồ đựng pin, dụng cụ… gác dây điện, những thứ bằng nhựa đủ hình thù không biết phải gọi tên ra sao và có công dụng thế nào.

“Giới hạn duy nhất chính là trí tưởng tượng của chúng ta!”, Venkatesh cho biết. Mà trí tưởng tượng thì làm gì có giới hạn nào.

HẢI THI